TS. NGUYỄN THỊ HẢI VÂN – Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM
Mở đầu
Quyền tác giả được luật pháp ghi nhận và bảo vệ. Đó là quyền dành cho các tác giả sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Cụ thể quyền này dành cho các nhà văn, nhạc sĩ, nhà xuất bản… sản xuất và xuất bản các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật… Quyền tác giả bao gồm hai nội dung: quyền tài sản và quyền tinh thần. Trong đó, quyền tài sản cho phép tác giả hoặc người nắm giữ quyền được sản xuất, công bố tác phẩm của mình và khai thác các lợi ích tài chính trong một thời hạn nhất định cho đến khi tác phẩm rơi vào lĩnh vực công cộng.
Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện của Internet đã hình thành một môi trường đặc biệt – môi trường kỹ thuật số – làm cho việc bảo hộ quyền tác giả khó khăn và phức tạp hơn. Môi trường kỹ thuật số giúp cho việc sao chép, tải về máy cá nhân một cách bất hợp pháp dễ dàng hơn, vì vậy gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả nhiều hơn. Pháp luật Việt Nam về vấn đề này vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện. Việc nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia khác về Quyền tác giả và Internet – môi trường kỹ thuật số (1) – cho phép có một cái nhìn tổng quát hơn về các chế định cũng như các biện pháp để tăng cường bảo hộ quyền tác giả trong bối cảnh mới. Bài viết này sẽ trình bày một số kinh nghiệm lập pháp, bối cảnh lập pháp và thực tiễn áp dụng pháp luật (2) của một số quốc gia trên thế giới.
1. Quyền tác giả và xâm phạm quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số
a. Tác phẩm kỹ thuật số trong môi trường mạng Internet
Tác động của Internet đối với quyền tác giả có thể tích cực cũng có thể không, tùy theo lập trường của người quan sát. Bởi vì, một cách tổng quát, ở góc độ là phương tiện truyền thông, Internet là một phương tiện hiện đại tiếp nhận các sáng tạo tinh thần; ở góc độ là một công nghệ, Internet là môi trường lý tưởng để đưa tác phẩm tiếp cận với công chúng nhanh chóng và đông đảo nhất. Có thể thấy tác động của môi trường kỹ thuật số qua ba hình thức tương đối phổ biến: nhân bản không giới hạn tác phẩm; sửa đổi, cắt xén tác phẩm theo ý chí riêng; và tải về để lưu trữ trên máy tính cá nhân. Làm rõ khái niệm “tác phẩm kỹ thuật số” (1) cho phép xác định phạm vi bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm này chống lại sự xâm phạm quyền trong môi trường Internet (2) trên cơ sở hiểu biết rõ ràng hơn về một số phương tiện kỹ thuật, công nghệ cho phép tiến hành các hành vi có nguy cơ gây tổn hại đến quyền tác giả (3).
Với tiến bộ của khoa học công nghê, việc truyền tải một tác phẩm đến với công chúng không chỉ giới hạn trên cách phát hành truyền thống là giấy in hay băng từ… mà có thể bằng phương tiện khác như mã hóa và phát sóng qua vệ tinh hoặc lưu trữ trên nhưng phương tiện khác để công chúng có thể trực tiếp truy cập vào qua đường Internet, tức là trên môi trường kỹ thuật số. Trong bài viết này, “môi trường kỹ thuật số” được giới hạn trong môi trường Internet. Các tác phẩm kỹ thuật số cũng giới hạn trong các trường hợp sau: tác phẩm đa phương tiện, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử và các tập tin âm nhạc hay phim ảnh. Trong số các đối tượng này, “tác phẩm đa phương tiện” (1) và trang thông tin điện tử (2) là hai đối tượng được nghiên cứu cụ thể và mang tính đại diện.
Tác phẩm đa phương tiện là một khái niệm tương đối mới, cần được làm rõ. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử (website) tuy đã được quy định trong pháp luật Việt Nam nhưng dưới góc độ sở hữu trí tuệ cũng cần được làm rõ.
– Tác phẩm đa phương tiện: là những sáng tạo chưa được liệt kê tại điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (SHTT) cũng như tại điều L-112-1 Bộ luật SHTT Pháp. Về mặt kỹ thuật, các tác phẩm đa phương tiện, nhờ vào tin học, được sáng tạo từ những lọai hình khác nhau như văn bản, âm nhạc, hình ảnh động, hình chụp và được đưa vào một phương tiện vật chất như đĩa CD-Rom hoặc đưa vào một phương tiện vật chất độc lập cho phép truy cập trực tuyến. Về mặt tính chất, tác phẩm truyền thông đa phương tiện là sự kết hợp các loại hình truyền thống thông qua một phần mềm máy tính có tính tương tác rất cao ([1]).
– Trang thông tin điện tử: một trang thông tin điện tử có thể tự thân nó đã là một tác phẩm truyền thông đa phương tiện được bảo hộ như đối tượng của quyền tác giả. Tuy nhiên, việc bảo hộ 1 trang web cũng cần được xem xét xem, hình thức trình bày, thể hiện có làm nổi bật lên dấu ấn cá nhân của tác giả hay không ([2]). Đây chính là điều kiện để đánh giá tính độc đáo của tác phẩm để được công nhận và bảo hộ nhưng cũng là khía cạnh tế nhị khó nhận biết. Pháp luật Việt Nam qui định “Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.” ([3])
Do tính chất đặc biệt với hàm lượng trí tuệ cao trong sáng tạo mà các tác phẩm kỹ thuật số nói chung thường được bảo hộ bằng quyền tác giả, quyền liên quan. Với phương tiện kỹ thuật hiện đại này, các hình thức xâm phạm quyền cũng phức tạp không kém so với các loại xâm phạm truyền thống.
b. Xâm phạm quyền tác giả trên Internet
Từ lâu, sử dụng Internet đồng nghĩa với trao đổi, thu thập và… hưởng thụ miễn phí thông tin, kiến thức. Trong môi trường này, người sử dụng Internet có thể lướt các trang web và thu thập thông tin khắp nơi. Thông tin, được hiểu là hình ảnh, âm thanh, các thể loại thông tin khác được đưa lên mạng miễn phí và cho phép chia sẻ trong một nhóm người sử dụng nào đó hoặc mở rộng cho phép tất cả mọi người truy cập. Cần thấy rằng từ thói quen sử dụng miễn phí đến thói quen sử dụng với đầy đủ ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với các thông tin này có một khoảng cách. Hơn nữa, hiện tượng trao đổi các tập tin âm thanh, phim ảnh video trên Internet càng dễ dàng hơn với Internet băng thông rộng, tốc độ cao và các công nghệ MP3, P2P. Người ta ghi nhận số lượng người sử dụng Napster ([4]) lên đến 60 triệu tính đến đầu năm 2001. Sau Napster mô hình trao đổi phân cấp vẫn tồn tại theo hình thức P2P như KaZaA, eDonkey, Aimster, Morpheus, Winmx… ([5]).
Quyền tác giả trên môi trường Internet bị xâm phạm vì tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho phép có những ứng dụng, những tiện ích để thực hiện những trao đổi, sao chép, tải về máy cá nhân các nội dung đang còn được bảo hộ. Xâm phạm quyền tác giả có thể được xem xét dưới góc độ dân sự hoặc hình sự. Ở góc độ dân sự, khi có thực hiện hành vi nhân bản, trình diễn hay khai thác sáng tạo tinh thần ngay cả khi hành vi đó là ngay tình. Ở góc độ dân sự, thông thường chế tài là chấm dứt xâm phạm và bồi thường thiệt hại. Ở góc độ hình sự, có sự cố ý gây tổn hại đến quyền tác giả, người vi phạm bị phạt tiền và phạt tù. Xâm phạm quyền tác giả trên Internet có thể được thể hiện ở một số hình thức xâm phạm sau:
Xâm phạm quyền nhân thân: Quyền nhân thân là một đặc trưng của quyền tác giả làm nên sự khác biệt rõ ràng với một quyền sở hữu công nghiệp như quyền sáng chế hay quyền nhãn hiệu. Quyền nhân thân đòi hỏi dấu ấn cá nhân của tác giả phải thể hiện trong tác phẩm được bảo vệ. Nói cách khác, vì quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn, quyền này được ghi nhận từ dấu ấn cá nhân của tác giả lên tác phẩm, nên tính cá nhân rất cao và vì vậy mà trở thành một quyền bất khả chuyển nhượng. Đây là một loại quyền nghiễm nhiên, ngay cả khi tác giả không khai thác tác phẩm thì quyền vẫn đương nhiên tồn tại. Quyền nhân thân, trong pháp luật các quốc gia có những quy định khá tương đồng, bao gồm một số nội dung cụ thể như quyền công bố tác phẩm, quyền nhân bản, quyền giới thiệu – truyền đạt đến người hưởng thụ tác phẩm. Quyền nhân thân ([6]), theo pháp luật sở hữu trí tuệ các nước tương ứng trước tiên với quyền được công nhận là tác giả (droit à la paternité ou droit au nom), quyền được tôn trọng tác phẩm, quyền công bố, quyền rút tác phẩm lại theo đó có quyền thay đổi giao kết liên quan đến tác phẩm.
Về “Quyền công bố”, khác với quy định tại Điều 19-3 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, theo quy định của các nước mà cụ thể là pháp luật Pháp, thì chỉ có tác giả có quyền quyết định thời điểm và điều kiện theo đó tác phẩm được đưa đến với công chúng. Quyền công bố, một trong những quyền nhân thân quan trọng, dễ bị xâm phạm nhất trong môi trường kỹ thuật số do tính chất đặc biệt của môi trường này. Nói cách khác, một khi đã cho phép công bố tác phẩm trên Internet, tác giả – chủ sở hữu quyền tác giả không thể rút lại quyết định đó. Có thể khẳng định là độ lan tỏa, phổ biến tác phẩm qua đường Internet sẽ vượt khỏi sự kiểm soát của tác giả. Ngoài ra, việc đưa lên mạng tập phim trong phim bộ truyền hình hoặc công bố hình ảnh có liên quan trước kế hoạch của tác giả hoặc chủ sở hữu chính là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Việc công bố tác phẩm lên Internet không có sự đồng ý của tác giả là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả. Mặt khác, việc tác giả cho phép công bố tác phẩm của mình không có nghĩa là tác giả cho phép công bố trên phương tiện Internet. Quyền đứng tên trên tác phẩm bị vi phạm khi hình ảnh, hình vẽ được đưa lên mạng, chèn vào trang web chẳng hạn, ngoài ý muốn của tác giả và đặc biệt là không đưa tên tác giả kèm theo. Ví dụ, Google Images đã vi phạm quyền nhân thân khi không đề cập tới tên tác giả khi đưa hình ảnh lên “công cụ tìm kiếm” của mình ([7]). Quyền toàn vẹn tác phẩm cho phép tác giả cấm mọi sửa chữa, cắt xén tác phẩm của mình áp dụng cho các tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số.
Xâm phạm quyền tài sản: Quyền tài sản, một nội dung của quyền tác giả trao cho người sáng tạo độc quyền cho phép hay cấm người khác khai thác tác phẩm của mình. Khác với quyền nhân thân, quyền tài sản có thể chuyển nhượng. Quyền tài sản cho phép tác giả nhân bản, sao chép, phân phối, truyền đạt tác phẩm tới công chúng. Đối với tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số, việc lưu trữ một tác phẩm được bảo hộ dưới dạng số trên một phương tiện điện tử chính là nhân bản.
c.Các kỹ thuật, công nghệ có nguy cơ gây tổn hại đến quyền tác giả trên Internet
Peer-to-Peer: Sự phát triển của công nghệ mới và đặc biệt là Internet cho phép các cá nhân trao đổi thông tin nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhưng việc trao đổi này không tránh khỏi các hành vi xâm phạm quyền tác giả, ví dụ thực hiện trao đổi Peer-to-peer (Pair-à pair hay P2P) từ các máy tính cá nhân với nhau, cho phép trao đổi các dữ liệu, tập tin trực tiếp không thông qua các server (máy chủ). Hình thức “trao đổi tay đôi” hay “trao đổi đồng đẳng” này cho phép phân cấp các dịch vụ và đưa vào sử dụng các nguồn tài nguyên trong một mạng. Bất kỳ nút mạng trong một mạng ngang hàng sau đó có thể đề xuất các “mặt hàng” ví dụ như các tập tin nhạc và tiếp nhận các tập tin đó từ trên mạng.
Một mạng đồng đẳng đúng nghĩa không có khái niệm máy chủ và máy khách, nói cách khác, tất cả các máy tham gia đều bình đẳng và được gọi là peer, là một nút mạng đóng vai trò đồng thời là máy khách và máy chủ đối với các máy khác trong mạng ([8]). Mỗi người dùng là một “đối tượng” trong mạng lưới. Do đó họ có cơ hội để chia sẻ và tải các tập tin từ máy cá nhân của những người khác. Việc phân tán các “đối tượng” này làm cho việc kiểm duyệt trở nên khó khăn hơn.
Kỹ thuật Streaming: Streaming là một kỹ thuật cho phép tiếp cận liên tục một “luồng” âm thanh hay phim video dần dần khi nó được phát sóng. Khác với việc tải xuống máy để có thể tiếp cận tác phẩm, kỹ thuật Streaming cho phép kết nối và tiếp cận đồng thời từ một bộ nhớ gọi là “bộ nhớ đệm”. Tức là, trong kỹ thuật Streaming, các dữ liệu đưa vào vùng gọi là “bộ nhớ đệm” khi dữ liệu khá nhiều, thì có thể bắt đầu đọc tập tin. Trong cùng thời gian phần tiếp theo của tập tin tiếp tục được thu thập để việc đọc tập tin được liên tục. Bởi vì việc lưu trữ này chỉ mang tính chất tạm thời, các thông tin gửi vào Server trong bộ nhớ đệm trên máy tính của cá nhân và theo quy định của pháp luật Pháp tại điều L.122-5-6 Bộ luật Sở hữu trí tuệ, đây là một ngoại lệ được phép. Kỹ thuật Streaming không thực hiện nhân bản bất hợp pháp để sử dụng vì vậy được coi là một giải pháp hạn chế việc tải xuống máy một cách bất hợp pháp các tác phẩm được bảo hộ. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng nếu việc đưa tác phẩm được bảo hộ lên trang web bằng kỹ thuật streaming không có sự đồng ý của tác giả hay chủ sở hữu quyền là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
2. Một số kinh nghiệm áp dụng Luật Hadopi
Nghiên cứu chuyên biệt vào một Luật thực định cụ thể có những giới hạn riêng nhưng cũng là cơ hội để đánh giá rõ ràng và thuận lợi hơn triết lý lập pháp cụ thể. Luật “Sáng tạo và Internet” năm 2009 của Pháp ra đời sau khi trải qua rất nhiều tranh cãi, nhiều lần dự án luật bị trả về. Đây không nhất thiết là một Luật tiêu biểu hoặc thành công, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng tích cực của nó tới thái độ, hành xử của người dùng Internet. Nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm từ triết lý xây dựng pháp luật và hiệu quả thực thi cho phép có nhận thức rõ ràng hơn về những khó khăn, phức tạp trong việc nâng cao bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả trong mối tương quan bảo đảm các quyền cơ bản của người sử dụng Internet ở Việt Nam.
Luật Hadopi ([9]) hay Luật Sáng tạo và Internet, có tên gọi chính thức hơn là “Luật 2009-669” ngày 12 tháng 6 năm 2009 điều chỉnh việc phân phối và bảo vệ các sáng tạo trên môi trường Internet. Luật này được ban hành nhằm chấm dứt tình trạng chia sẻ các tập tin theo hình thức “trao đổi đồng đẳng” (Peer-to-Peer) xâm phạm quyền tác giả. Luật này gồm 6 chương và 2 phần: Phần đáp trả tương ứng và Phần cải thiện các chào hàng hợp pháp. Theo tinh thần của Luật này, việc tái phạm sẽ bị xử phạt tăng nặng. Cùng với Luật 2009-669, một tổ chức được thành lập, đó là Cơ quan tối cao về phân phối các tác phẩm và bảo về quyền trên Internet, gọi tắt là HADOPI – Haute Autorité pour la Diffusion des Oeuvres et la Protection des droits sur Internet.
a. Vai trò và phương thức hoạt động của HADOPI
HADOPI là tổ chức đặc biệt, một cơ quan độc lập chuyên trách việc phổ biến tác phẩm và bảo vệ quyền trên môi trường Internet, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền tác giả trên Internet. Tất cả nguồn nhân lực và tài lực được tập trung để giải quyết một vấn đề duy nhất: quyền tác giả trên Internet. Hoạt động của HADOPI theo hướng bảo vệ lợi ích công cộng.
HADOPI được thành lập vào tháng 6 năm 2009. Nhiều văn bản luật điều chỉnh những vấn đề tải bất hợp pháp từ mạng Internet đã được ban hành. Đương nhiên các văn bản luật này không nhằm mục đích “bỏ tù” những người tải bất hợp pháp này mà chủ yếu là khoanh vùng trách nhiệm của người sử dụng Internet và xây dựng cơ sở pháp lý cho một hình thức thưởng thức văn hóa trên mạng Internet. HADOPI như là một cơ quan “cảnh sát ảo” giám sát ngăn chặn việc sao chép lậu trên mạng. HADOPI có 3 chức năng: bảo vệ, thông tin và đổi mới. Cụ thể các chức năng này là, (1) Bảo vệ: tổ chức này bảo vệ các tác phẩm chống lại việc buôn bán lậu trên mạng và bảo về quyền tác giả. Đáp trả thích đáng là một biện pháp đối lại với các công dân mạng gian dối có hành vi xâm phạm tái phạm; (2) Thông báo: tổ chức cũng quan tâm tới các công dân mạng của các trang điện tử cho phép tải hợp pháp, có trả tiền; (3) Đổi mới: các phòng thực nghiệm HADOPI cho phép gặp gỡ và tập trung các đại diện của các nhân tố Internet.
Việc thành lập HADOPI gây nhiều tranh cãi. Những người phản đối mong muốn các tác phẩm, ví dụ như các tập tin MP3, vẫn được tiếp tục tự do trao đổi và tải miễn phí. Ngoài ra, họ còn phản đối việc giám sát của HADOPI vì coi đây là việc xâm phạm quyền riêng tư. Còn những người ủng hộ luật này thì coi trọng thu nhập hợp pháp của nghệ sĩ. Theo họ, nếu mọi thứ đều miễn phí thì ai là người trả tiền cho các nghệ sĩ? Có người đã nghĩ đến việc tiếp cận thông tin theo kỹ thuật streaming có trả tiền như một giải pháp cân bằng quyền lợi vật chất của các tác giả và quyền hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Về phương thức hoạt động chung của HADOPI có thể tóm tắt như sau: HADOPI không trực tiếp giám sát trên Internet để phát hiện việc xâm phạm quyền mà chính những người nắm giữ quyền bị xâm phạm cung cấp thông tin cho HADOPI. Chủ sở hữu quyền ở đây có thể là các hãng sản xuất băng đĩa, phim ảnh hay có thể là nhà cung ứng dịch vụ Internet. HADOPI xác định IP thông qua việc chủ sở hữu quyền lấy địa chỉ IP của người tải trái phép đĩa, phim hay phim bộ chuyển cho. Từ đó, HADOPI xác định danh tính bằng cách yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet xác định chủ sở hữu của IP, đồng thời cung cấp tên, địa chỉ thư điện tử và bưu điện. Pháp luật buộc các nhà cung ứng dịch vụ Internet phải trả lời trong vòng 1 tuần, nếu chậm trễ sẽ bị phạt. Trên thực tế, chủ sở hữu quyền thông thường không thể tự mình truy tìm IP của người sử dụng Internet mà do một công ty cung ứng dịch vụ có trụ sở ở Nante là Trident Media Guard thực hiện việc truy tìm này. Việc giám sát toàn bộ mạng Internet là việc không thể, công ty giám sát trên cơ sở tùy chọn theo loại hình bài hát, phim hay phim bộ.
Hoạt động giám sát của HADOPI có trình tự cụ thể như sau:
· Tất cả các tập tin được bảo vệ quyền tác giả đều có một chữ ký kỹ thuật số (chữ ký điện tử).
· Chữ ký số này hoạt động như một thiết bị giám sát;
· Khi xuất hiện hành động tải về, tập tin này sẽ khởi động một cảnh báo tới các chuyên viên;
· Chuyên viên sẽ liên hệ với HADOPI để thông báo có người sử dụng Internet đã vi phạm bản quyền;
· HADOPI sẽ liên hệ với cơ sở cung cấp dịch vụ Internet của người được cho là đã vi phạm để yêu cầu cung cấp danh tính dựa trên địa chỉ IP của người đó;
· Nếu vi phạm được chứng minh, HADOPI sẽ gửi một email cho người vi phạm để yêu cầu người đó chấm dứt mọi việc tải xuống máy cá nhân một cách bất hợp pháp.
· Nếu người vi phạm từ chối tuân thủ, và địa chỉ IP của anh ta lại xuất hiện trở lại trong các cơ sở dữ liệu của HADOPI, cơ quan này sẽ gửi một lá thư bảo đảm có hồi báo cho người sử dụng nói trên;
· Và trong trường hợp tái phạm lần thứ ba, HADOPI sẽ khởi kiện.
Cách thức xử lý xâm phạm quyền của HADOPI có vẻ hợp lý trong việc bảo vệ quyền tác giả, ngay cả khi thực hiện bước thứ ba dẫn đến cắt thuê bao Internet của người vi phạm. Tuy nhiên, việc cắt thuê bao này dấy lên những tranh luận không hồi kết thúc. Bởi vì hành động này bị cáo buộc vi hiến, vi phạm những quyền tự do cơ bản của công dân, gây trở ngại cho việc tiếp cận thông tin, tri thức cũng như thực hiện các nhu cầu sinh hoạt khác của công dân như khai báo thuế hay truy cập thông tin ngân hàng, bảo hiểm xã hội vì các hoạt động này chính thức đưa ra và được khuyến khích thực hiện qua đường Internet. Hình thức xử phạt cắt thuê bao Internet trên thực tế đã bị hủy bỏ từ tháng 7 năm 2013.
b. Hiệu quả bảo hộ quyền trên Internet của cơ quan giám sát độc lập
Để đấu tranh chống việc sao chép bất hợp pháp trên mạng Internet, HADOPI đã thiết lập chế tài tăng nặng. Cụ thể, người dùng khi tải bất hợp pháp (1 lần) sẽ nhận được thư điện tử cảnh báo. Nếu vẫn tiếp tục tải trái pháp luật trong vòng sáu tháng sau đó, người tải đó sẽ nhận thêm một thư điện tử và một thư bảo đảm. Nếu vi phạm lần thứ ba, người tải trái phép sẽ bị triệu tập. Tuy nhiên, việc triệu tập này ít khi xảy ra. Ghi nhận thực tiễn trong vòng một năm rưỡi, có 9 trong số 10 người nhận thư cảnh báo lần thứ nhất đã chấm dứt hành vi tải bất hợp pháp. Trong 900.000 người được cảnh báo, chỉ 250 người có hồ sơ chuyển sang cơ quan tư pháp để xử lý ([10]). Trong một năm rưỡi sau khi Luật Hadopi được ban hành, những người sử dụng Internet dường như hiểu được những thiệt hại bất hợp pháp gây ra. Việc tải bất hợp pháp từ mạng Internet đã giảm rõ rệt ([11]).
Theo quan sát của một số người không ủng hộ Luật HADOPI thì hiệu quả là không đáng kể vì một báo cáo ghi nhận từ 1/1/2010 đến 1/6/2010 có tới 491.000 nhắc nhở dành cho người sử dụng Internet ([12]). Trong khi Tổ chức HADOPI đã chi tới 12 triệu € ngân sách hàng năm (trừ năm 2013 là 8 triệu €) nhưng chỉ thực hiện được:
• 1,6 triệu mail gởi lần thứ nhất (giai đoạn một – hành động “đáp trả tương xứng”);
• 147.000 thư bảo đảm được gởi đi lần thứ 2 (giai đoạn thứ hai);
• 30 trường hợp chuyển giao cho Viện kiểm sát;
• 4 người bị xét xử với 3 người bị lãnh án và 1 người không bị phạt; Trong đó, 1 người bị phạt tiền 150 € (tháng 9/2012) và 1 người bị phạt tiền 600 € kèm theo việc bị ngắt kết nối Internet hai tuần ([13]).
Tháng 9 năm 2012, Tòa vi cảnh Belfort đã kết án một người đàn ông tầm 40 tuổi và tuyên nộp phạp 150 Euros vì tải bất hợp pháp thông tin từ Internet. Đây là vụ việc đầu tiên được xét xử trước Tòa từ khi Luật Hadopi được ban hành. Ông này bị phạt buộc tội “đã không áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn truy cập Internet” theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, không phải ông mà là vợ cũ (đang tiến hành thủ tục ly dị) khai trong phiên tòa đã thực hiện hành vi tải bất hợp pháp hai bài hát của Rihanna.
Từ vụ việc này và những con số nêu trên, những người phản đối Luật Hadopi cho rằng, luật này rõ ràng không hữu hiệu vì không phạt đúng người, đúng tội. Người bị phạt không hề tải bất hợp pháp mà chỉ không dùng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn việc tải bất hợp pháp không thể thực hiện được mà thôi.
c. Ý nghĩa và một vài triết lý lập pháp từ Luật Hadopi
Ý nghĩa về mặt lập pháp:
Luật Hadopi được ban hành trải qua một thời gian dài, là trung tâm của mọi tranh cãi trong nghị trường, trên tivi và trong các diễn đàn trên mạng Internet. Luật này cũng bị Thượng nghị viện Pháp bác dự án đệ trình nhiều lần vì có những điều khoản không phù hợp với Hiến Pháp. Cụ thể, việc trao cho HADOPI, Cơ quan Tối cao về phân phối và bảo vệ quyền trên Internet, với tư cách là một cơ quan hành chính quyền cắt kết nối Internet của người vi phạm quyền tác giả do tải xuống máy bất hợp pháp các nội dung được bảo hộ, vướng phải phản đối vì vi phạm quyền tự do cơ bản của công dân. Cụ thể là quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do thông tin, căn cứ Điều 11 Hiến chương Quyền Cơ bản của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Luật Hadopi bất chấp mọi tranh cãi đã được ban hành, một số triết lý lập pháp có thể là nguồn khơi gợi cho các nhà lập pháp Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật có liên quan. Trong phạm vi bài viết, xin nêu một vài logic lập pháp đáng chú ý như: xác định và cung cấp chứng cứ, trách nhiệm về hành vi của người khác chỉ nhằm mục đích thuần túy thụ hưởng văn hóa.
– Xác định và cung cấp chứng cứ: Căn cứ Điều 1315 Bộ Luât Dân sự Pháp, nguyên đơn chịu trách nhiệm cung cấp chứng cứ. Luật Hadopi xây dựng theo hướng sử dụng quyền dân sự để áp dụng chế tài cắt kết nối Internet. Việc thiếu sót nghĩa vụ được xác định. Các nhà lập pháp đã sử dụng bút pháp cho phép thực hiện chế tài đối với người thuê bao Internet dựa trên suy đoán có thực hiện hành vi tải xuống máy từ đường truyền chứ không phải dựa trên chứng cứ thực sự. Người sử dụng Internet sẽ buộc phải chứng minh mình không thực hiện hành vi tải xuống máy từ đường truyền.
– Trách nhiệm về hành vi của người khác: Như đã nêu trên, Luật Hadopi không điều chỉnh hành vi tải trái phép mà chú trọng tới sự việc là đường truyền đã được sử dụng để thực hiện tải trái phép. Theo logic này, chủ thuê bao Internet không chỉ chịu trách nhiệm cho hành vi của những người khác dùng đường truyền của chủ thuê bao để thực hiện việc tải trái phép các nội dung được bảo hộ. Người khác được xác định bao gồm người trong gia đình, bạn bè, khách đến chơi, người làm công, khách hàng và hàng xóm có thể truy cập Internet qua thiết bị phát wifi của chủ thuê bao. Vấn đề này trên thực tế cực kỳ phức tạp vì an toàn máy tính là một chủ đề rộng, không phải chủ thuê bao nào cũng có hiểu biết rộng về kỹ thuật đủ để trang bị cho mình một hệ thống an toàn máy tính như vậy.
Triết lý lập pháp bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số:
– Trách nhiệm của người đưa thông tin lên mạng: Để có thể xác định các đối tượng xâm phạm quyền, cần phải làm rõ một vài khái niệm ít nhiều mang tính kỹ thuật. Cần phân biệt tình huống của người sử dụng Internet phát tán và người giữ máy chủ. Người sử dụng Internet đưa các tác phẩm phim ảnh hay âm nhạc đang được bảo hộ lên mạng không có sự đồng ý của tác giả hay chủ sở hữu quyền thì việc tải xuống hay dùng kỹ thuật streaming để tiếp cận thông tin đều được coi là xâm phạm quyền tác giả. Theo đó người này sẽ bị tác giả cũng như chủ sở hữu quyền liên quan tố cáo. Trường hợp đưa một tác phẩm lên mạng miễn phí ngay cả khi người đó thủ đắc tác phẩm được bảo hộ một cách hợp pháp cũng là xâm phạm quyền tác giả. Trong trường hợp này, Điều L335-1 Bộ Luật Sở hữu trí tuệ Pháp quy định xử phạt 3 năm tù giam và 300.000 Euros tiền phạt.
– Trách nhiệm của tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ Internet: Người giữ máy chủ khi tiếp nhận các tập tin trên server không phải liên đới chịu trách nhiêm dân sự và hình sự. Tòa án coi các tổ chức trung gian (giữ máy chủ) chỉ thực hiện hoạt động chuyên môn ([14]), không tham gia việc đưa lên hay tải xuống các thông tin được bảo hộ hoặc không. Một vài trang như Youtube và Dailymotion cũng được coi là máy chủ. Trường hợp người hay tổ chức giữ máy chủ không nhanh chóng xóa nội dung bị coi là tải lên bất hợp pháp, dù đã được thông báo, lúc bấy giờ trách nhiệm của người hay tổ chức giữ máy chủ mới bị coi là đồng lõa phạm tội theo quy định tại Điều 121-7 Bộ luật Hình sự Pháp ([15]).
– Trách nhiệm của người dùng Internet để thưởng thức thuần túy: Người sử dụng xem (hoặc nghe) một nội dung đang được bảo hộ bằng kỹ thuật streaming không thể bị coi là không đồng lõa trong tội xâm phạm này. Người này tuy không “tạo điều kiện cho việc chuẩn bị hoặc tiêu thụ” (Điều 121-7, Bộ luật Hình sự Pháp), không phải là tác giả của hành vi vi phạm nhưng có thể bị coi là người lưu trữ hoặc chứa chấp đồ gian ([16]).
Kết luận
Trước đây, theo pháp luật sở hữu trí tuệ Pháp, việc trao đổi với bạn bè một băng cassette nhạc tuyển hay một đĩa phim để xem được coi là trao đổi trong vòng thân tín được pháp luật cho phép. Ngày nay, Internet có thể phổ biến thông tin rất nhanh chóng đến cho mọi đối tượng thì việc một tác phẩm có thể đưa ra thị trường thưởng lãm và đưa lên mạng với mục đích “chia sẻ trong vòng thân tín” không được coi là hiện tượng bình thường và được cho phép. Điều đó có nghĩa là tác phẩm đó có nguy cơ “rơi vào lĩnh vực công cộng” ngay khi nó còn đang được bảo hộ bởi vì ai cũng có thể tiếp cận, thưởng thức.
Internet theo một cách nào đó, được đánh đồng với khả năng truy cập và tải xuống miễn phí các thông tin. Không ai có thể bước vào một cửa hiệu, chọn lấy một hay vài món hàng rồi thản nhiên ra về mà không cần phải trả tiền. Thế nhưng gần như ai cũng cho rằng tải thông tin tự do từ Internet xuống máy là bình thường, và việc không quan tâm trả tiền sử dụng không phải là một hành vi ăn cắp. Việc các tác phẩm được đưa vào Internet, môi trường kỹ thuật số, cần được nhìn nhận như một cách phổ biến tác phẩm mới với kỹ thuật và công nghệ mới.
Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số cần phải có những động thái tiên liệu, dự báo được những rủi ro, những nguy cơ, mặt trái của những tiện ích của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới mẻ này cần được xây dựng với một sự cân bằng triết lý bảo đảm quyền tự do cơ bản của công dân, của con người là được tôn trọng, đồng thời cũng không thể xem nhẹ những nỗ lực sáng tạo của các tác giả vì cứu cánh của sáng tạo này cũng là cống hiến cho nhân loại những sáng tạo tinh thần đẹp đẽ và bổ ích.
[1] Christophe Caron “Droit d’auteur et droit voisins” – 2è ed. Litec 2009 – p.141
[2] Christophe Caron, tài liệu đã dẫn, trang 143
[3] Điều 3-21 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/07/2013
[4] Công ty Napster bị Tòa án Mỹ xét xử và tuyên bố phá sản vào năm 2002
[5] Jacques Larrieu “Droit de l’Internet” ellipses – 2è éd. 2010. p.9.
[6] Tương ứng với các quy định về quyền tác giả của các quốc gia khác, luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định về quyền nhân thân của tác giả tại Điều 19.
[7] Tribunal de grande instance de Paris 3ème chambre, 2ème section Jugement du 09 octobre 2009 – H & K, André R. / Google – http://www.legalis.net/spip.php?page=jurisprudence-decision&id_article=2776 tra cứu 19/5/2014
[8] Mạng ngang hàng – nguồn Wiki http://vi.wikipedia.org/wiki/Mạng_ngang_hàng
[9] http://fr.wikipedia.org/wiki/Loi_Cr%C3%A9ation_et_Internet
[10] Nguồn Hadopi – http://www.hadopi.fr/
[11] Willy Richert –“Hadopi c’est quoi?” (Hadopi là gì?)
http://www.riffx.fr/en-pratique/2012/04/12/l-hadopi-c-est-quoi, tra cứu ngày 10/05/2014
[12] Nicolas Brahy, “Hadopi vs Licence légale, comment protéger les droits d’auteurs?” (Hadopi với Licence theo luật định – làm thế nào để bảo hộ quềyn tác giả?) http://www.ipdigit.eu/2012/03/hadopi-vs-licence-legale-comment-proteger-les-droits-dauteurs/, truy cập ngày 20/5/2014
[13] Philippe Vion-Dury – “Suppression de la coupure d’accès à Internet : requiem pour la Hadopi”http://rue89.nouvelobs.com/rue89-culture/2013/07/09/suppression-coupure-dacces-a-internet-requiem-hadopi-244083 , ngày 09/7/2013
[14] Tribunal de grande instance de Paris 3ème chambre, 1ère section Jugement du 15 avril 2008 Jean Yves Lafesse et autres / Dailymotion et autres ; Tribunal de grande instance de Paris 3ème chambre, 1ère section Jugement du 15 avril 2008 Omar et Fred et autres / Dailymotion).
[15] Articles 6.I.2. et 6.I.3. de la Loi pour la Confiance dans l’Economie Numérique (Điều 6.I.2 và 6.I.3 Luật Lòng tin trong Kinh tế số).
[16] Điều 321-1 Bộ luật hình sự Pháp
SOURCE: TÁC GIẢ CUNG CẤP