Đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động giúp việc gia đình

Bình luận, đánh giá các quy định về lao động giúp việc gia đình trong Bộ luật Lao động sửa đổ bổ sung năm 2019.

Báo cáo mới của Tổ chức lao động thế giới (ILO) ngày 15/6/2021 về người  lao động giúp việc gia đình đã đưa ra dữ liệu cho thấy hiện nay trên thế giới có 75,6  triệu lao động giúp việc gia đình (4.5% người lao động)1. Một con số tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động xã hội, lao động giúp việc gia đình đã, đang và sẽ có những đóng góp quan  trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế lao động giúp việc gia đình vẫn bị đánh giá thấp, bị coi là lao động có trình độ kém, hầu như không  được quan tâm dẫn đến bị phân biệt đối xử về điều kiện làm việc và dễ bị lạm dụng  nhân quyền.

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LAO ĐỘNG GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH

1.1. Khái niệm lao động giúp việc gia đình

Định nghĩa đầu tiên về lao động giúp việc gia đình được Tổ chức lao động  quốc tế đưa ra năm 1951. Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đưa ra định nghĩa về loại hình lao động này. Để thống nhất cách hiểu chung và ghi nhận những  đóng góp quan trọng của lao động giúp việc gia đình thì ngày 16/6/2011, ILO đã  thông qua Công ước số 189 về việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình. Theo đó, “ người lao động giúp việc gia đình (domestic worker) là bất kỳ người  nào thực hiện công việc trông gia đình có quan hệ việc làm; một người chỉ thực hiện công việc trong gia đình theo dịp hoặc không thường xuyên và không có tính chất nghề nghiệp thì không phải là người lao động giúp việc gia đình”.  

Ở Việt Nam, BLLĐ 2012 đã quy định cụ thể đầu tiên về lao động giúp việc gia đình, song  BLLĐ 2019 vẫn giữ nguyên khái niệm tại điều 161 như sau: “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia  đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. 

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”. 

1.2 Đặc điểm của lao động giúp việc gia đình

– Lao động giúp việc gia đình thực hiện thường xuyên các công việc trong gia đình: đây có thể  coi là nét đặc trưng của loại hình lao động này vì công việc của họ được lặp đi lặp  lại mỗi ngày (nấu ăn, trông trẻ, lau dọn nhà cửa,…). 

– lao động giúp việc gia đình làm việc trong môi trường khép kín, đơn lẻ: bởi những nét đặc  thù của công việc, các lao động giúp việc gia đình rất ít có sự giao lưu với bên ngoài, không tham  gia các tổ chức đoàn thể nên dễ phải đối mặt với các nguy cơ: mắng chửi, đánh đập,  đe dọa, lạm dụng tình dục,… 

– lao động giúp việc gia đình chủ yếu là lao động nữ và có trình độ học vấn thấp: theo dữ liệu  của ILO mới ngày 15/6/2021 vừa qua thì trên thế giới, có khoảng 57,7 triệu phụ nữ  làm giúp việc, chiếm 76,2% tổng số lao động giúp việc gia đình, chiếm phần lớn  lực lượng lao động ở châu Âu, Trung Á và châu Mỹ. Ở Việt Nam, phụ nữ làm giúp  việc chiếm 90%, tiếp đó là những công việc chăm sóc, bảo mẫu chiếm 6,6%2.  lao động giúp việc gia đình phần lớn là nhữn người có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

1.3 Vai trò của lao động giúp việc gia đình 

Thứ nhất, vai trò đối với chính lao động giúp việc gia đình: có việc làm, tạo thu nhập ổn định,  đảm bảo chi tiêu và góp phần cải thiện cuộc sống cho gia đình và địa phương.  Ngoài ra, thu nhập của người lao động từ giúp việc gia đình còn là nguồn tiết kiệm,  tích lũy, phòng tránh rủi ro xảy ra. 

Thứ hai, vai trò đối với NSDLĐ sử dụng lao động giúp việc gia đình: được san sẻ những gánh  nặng về công việc gia đình, từ đó chuyên tâm thực hiện công việc, tạo ra thu nhập  cao hơn. Mặt khác, lao động giúp việc gia đình còn là giải pháp hiệu quả trong việc chăm sóc tốt  cho các thành viên trong gia đình, ưu việt hơn so với dịch vụ như nhà trẻ, viện  dưỡng lão,.. 

Thứ ba, vai trò đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước: khi thu nhập  của NLĐ và NSDLĐ tăng cao sẽ góp phần ổn định đời sống xã hội, đây cũng là  một trong những điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của  đất nước. 

2. ĐÁNH GIÁ PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ LAO  ĐỘNG GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH 

2.1 Pháp luật về hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình 

ILO và đa số các quốc gia trên thế giới đã thừa nhận GVGĐ là một nghề,  người làm nghề GVGĐ là một người lao động được bình đẳng như những người  lao động khác. Như vậy, cần có một hình thức pháp lý để xác lập quan hệ lao động  giữa lao động giúp việc gia đình và NSDLĐ. HĐLĐ là hình thức pháp lý BLLĐ 2019 quy định bắt  buộc đối với lao động giúp việc gia đình.  

2.1.1 Chủ thể giao kết hợp đồng lao động 

Chủ thể giao kết HĐLĐ GVGĐ là người lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao  động. Trong đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên được quyền trực tiếp ký HĐLĐ, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được quyền ký kết HĐLĐ nhưng phải có sự đồng ý  bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.  

Có thể thấy, pháp luật lao động đã rộng mở cơ hội cho phép trẻ em từ đủ 15  tuổi trở lên có thể làm công việc GVGĐ nếu công việc đó nhẹ nhàng, phù hợp với  lứa tuổi, thời gian làm việc không vượt quá thời gian pháp luật quy định. Tuy  nhiên, điểm hạn chế là độ tuổi dưới 18 là người chưa có kinh nghiệm và kỹ năng  sống, ứng phó với các tình huống dẫn đến dễ bị xâm hại, đặc biệt phần lớn lao động giúp việc gia đình lại là nữ. Một số liệu khảo sát tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho  biết có tới 17,3% lao động giúp việc gia đình bắt đầu từ độ tuổi dưới 18.  

2.1.2 Hình thức và nội dung của HĐLĐ 

BLLĐ 2019 quy định “Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.”3 Nội dung HĐLĐ  phải tuân thủ khoản 1 Điều 21 BLLĐ. Quy định này chủ yếu đảm bảo quyền và lợi  ích hợp pháp của các bên nhưng dường như thực tế cả người GVGĐ và người sử dụng lao động đều không muốn bị ràng buộc về mặt pháp lý với nhau nên việc thực  hiện quy định này không dễ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 90% HĐLĐ  GVGĐ được thỏa thuận bằng lời nói. Pháp luật cần có biện pháp linh hoạt và răn đe để thay đổi nhận thức của NSDLĐ và lao động giúp việc gia đình, đồng thời tăng cường công tác  quản lý nhà nước để kịp thời phát hiện và xử lý đối với những trường hợp vi phạm. 

2.1.3 Thủ tục giao kết HĐLĐ 

HĐLĐ GVGĐ phải tuân theo thủ tục: (i) Cung cấp thông tin trước khi giao  kết HĐLĐ; (ii) Thử việc; (iii) Ký kết HĐLĐ; (iv) Thông báo với UBND cấp xã. 

Lao động giúp việc gia đình là đối tượng có nhiều nét đặc trưng nên pháp luật quy định các  thủ tục nh m các bên đạt được mong muốn, lợi ích tối đa. Đặc biệt cần phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền vì có liên quan đến con người, tạm trú,..Tuy nhiên  thì quy định này ít được thực hiện bởi NSDLĐ có thể thay đổi người giúp việc liên  tục nên họ rất ngại khai báo hoặc khai báo một lần nhưng lại thay đổi rất nhiều  NLĐ khác. Như vậy, pháp luật cần cân nhắc các giải pháp trong vấn đề quản lý lao động giúp việc gia đình. 

2.1.4 Thực hiện, tạm hoãn, chấm dứt HĐLĐ đối với lao động giúp việc gia đình

Khi HĐLĐ được kí kết, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng cam kết đã thỏa  thuận trong hợp đồng. Tạm hoãn HĐLĐ đối với lao động giúp việc gia đình trong trường hợp NLĐ  mang thai và do hai bên thỏa thuận. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên, pháp luật  quy định về các trường hợp chấm dứt HĐLĐ GVGĐ. Theo quy định tại Khoản 2  Điều 162 mỗi bên có quyền chấm dứt HĐLĐ bất kì lúc nào nhưng phải báo trước  15 ngày để bên kia còn chuẩn bị và không bị động. 

2.1.5 Quyền, nghĩa vụ của các bên khi chấm dứt HĐLĐ 

Khi chấm dứt HĐLĐ các bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho nhau các  khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên trong HĐLĐ. Đối với NLĐ, khi  chấm dứt HĐLĐ sẽ được NSDLĐ trả trợ cấp thôi việc trừ một số trường hợp.  Ngoài ra còn được thanh toán tiền nghỉ phép năm, tiền tàu xe, các giấy tờ và các  khoản nợ (nếu có) trong 7 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. NSDLĐ có  trách nhiệm thanh toán các quyền lợi nói trên và thông báo đến cơ quan có thẩm  quyền trong vòng 7 ngày. 

2.2 Pháp luật về điều kiện lao động đối với lao động giúp việc gia đình

2.2.1 Quy định pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động giúp việc gia đình

Về thời giờ làm việc: được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, đồng  thời quỹ thời gian làm việc cũng có sự khác nhau giữa 2 độ tuổi của NLĐ là người  từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi và người đủ 18 tuổi trở lên. 

Để đảm bảo sức khỏe cho lao động giúp việc gia đình chưa thành niên, pháp luật có quy định riêng  tại Điều 146 BLLĐ 2019. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chưa có văn bản hướng  dẫn cụ thể về việc lao động giúp việc gia đình làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm nên dễ gây nên  sự lạm dụng trong sử dụng lao động từ phía NSDLĐ. 

Về thời giờ nghỉ ngơi: được quy định cụ thể tại chương VII BLLĐ 2019. Cụ  thể lao động giúp việc gia đình phải được nghỉ ít nhất 8 giờ trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ  liên tục. Quy định này đảm bảo cho NLĐ có được sự nghỉ ngơi sau nhiều giờ liên  tục làm việc, tránh sự lạm dụng của NSDLĐ do sống cùng gia đình với họ. 

2.2.2 Quy định pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động đối với lao động giúp việc gia đình

Điều 13 Công ước 189 của ILO quy định mọi người lao động giúp việc gia đình có quyền  được làm việc trong một môi trường an toàn và vệ sinh. Khoản 5 Điều 89 Nghị  định 145/2020/NĐ-CP đã quy định vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với lao  động là người giúp việc gia đình. Tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả NSDLĐ  đều thực hiện hết trách nhiệm của mình và lao động giúp việc gia đình có thể không biết đến tất cả  các quyền lợi của mình được hưởng. Hơn nữa, pháp luật cần nhận thức về những  nguy cơ an toàn vệ sinh lao động đột xuất trong quá trình lao động và có cơ chế  điều tiết cũng như các biện pháp đảm bảo cho lao động giúp việc gia đình. 

2.3 Pháp luật về điều kiện sử dụng lao động đối với lao động giúp việc gia đình

2.3.1 Pháp luật về tiền lương 

Tiền lương là vấn đề mà bất kì NLĐ nào cũng đều quan tâm bởi đó ảnh  hưởng tới cuộc sống của chính NLĐ và gia đình họ. Khoản 3 Điều 162 BLLĐ 2019  quy định: “3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương,  kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở”. Quy định này phù hợp với  nguyên tắc chung về chế độ tiền lương, bản chất của quan hệ lao động. Tại NĐ  145/2020/NĐ-CP quy định: “tiền lương của người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao  động bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung  khác nếu có. Mức lương theo công việc bao gồm cả chi phí tiền ăn, ở của người lao  động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương  tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Người sử dụng lao động và người lao động  thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không  quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động”.  

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc khi thực hiện quy định trên là với quy định  mức lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống cùng gia đình người  sử dụng lao động nếu có) sẽ gây khó khăn trong việc xác định và gây nhầm lẫn trên  thực tế. Quy định này có thể sẽ tạo ra kẽ hở cho người sử dụng lao động lợi dụng  để đưa ra mức tiền lương không tương xứng với sức lao động của người lao động.  Bởi trên thực tế phần lớn 105 mức lương hiện nay là do gia đình chủ đề xuất và  quyết định (có 80,6% trường hợp mức lương hiện nay là do gia đình chủ đề xuất và  92,8% trường hợp do gia đình chủ quyết định mức lương này).  

2.3.2 Pháp luật về BHXH, BHYT đối với lao động giúp việc gia đình

Theo quy định NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương  của lao động giúp việc gia đình một khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y  tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã  hội, bảo hiểm y tế. So với BLLĐ năm 2012 với BLLĐ năm 2019 dường như không  có sự thay đổi nhiều, chỉ thay cụm từ để người lao động tự lo bảo hiểm thành để  người lao động chủ động tham gia BH H, BH T . Dù là tự lo hay chủ động  tham gia BH H thì theo quy định của pháp luật hiện hành người lao động giúp việc gia đình vẫn  chỉ thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, như vậy sẽ không thể đảm bảo  được hết các quyền lợi cho người lao động.  

2.3.3 Pháp luật trong lĩnh vực kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

Người sử dụng lao động và người lao động xác định cụ thể các hành vi, hình  thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo quy định tại khoản 2 Điều  118 và Điều 129 của Bộ luật Lao động và ghi trong hợp đồng lao động hoặc thể  hiện bằng hình thức thỏa thuận khác 4. Có hai hình thức xử lý kỷ luật lao động áp  dụng đối với người lao động bao gồm khiển trách, sa thải theo khoản 1, khoản 4  Điều 124 của Bộ luật Lao động.  

2.4 Pháp luật về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực lao động giúp việc gia đình

Theo các tài liệu của ILO ghi nhận lao động giúp việc gia đình, đặc biệt là  lao động giúp việc gia đình làm việc tại nước ngoài là đối tượng lao động dễ bị bóc lột và lạm dụng. Tại Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm đối với NSDLĐ khi có lao động giúp việc gia đình được quy định rõ tại Điều 165 BLLĐ 2019. Các quy định này cũng  thống nhất với các quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động  (Điều 8 BLLĐ), góp phần cảnh báo và là cơ sở để xử lý vi phạm đối với người sử  dụng lao động có hành vi. Hiện nay vấn đề xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lao động giúp việc gia đình được quy định tại Nghị Định 28/2020/NĐ-CP. 

Khác với BLLĐ 2012 thì BLLĐ 2019 quy định cơ quan có thẩm quyền giải  quyết tranh chấp lao động tại Điều 187 bao gồm: Hòa giải viên lao động, tòa án  nhân dân và bổ sung thêm cơ hội đồng trọng tài lao động. Tranh chấp lao động giữa  người GVGĐ với người sử dụng lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải  trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. 

Quy định này là hợp lý bởi người lao động giúp việc gia đình ở vị thế yếu thế hơn trong quan hệ lao  động với người sử dụng lao động. Mặt khác, do đặc thù của công việc GVGĐ rất  dễ bị người sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi, lạm dụng sức lao động, ngược  đãi và các hành vi phạm pháp luật khác. Hơn nữa, lao động giúp việc gia đình chủ yếu là những người lao động xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết pháp  luật lao động, lại không có tổ chức đại diện để đứng ra bảo vệ họ nên khi tham gia  hòa giải họ có khả năng rơi vào vị thế bất lợi hơn khi thỏa thuận với phía người sử  dụng lao động. 

Về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động giữa lao động giúp việc gia đình và NSDLĐ cũng  tuân theo quy định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân nói chung  được quy định tại Điều 189 BLLĐ năm 2019. Quy định như vậy là phù hợp với yêu  cầu của việc giải quyết tranh chấp lao động, cần giải quyết nhanh chóng nh m khôi  phục quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đã bị xâm phạm, giúp người lao động có  thể tiếp tục công việc bình thường, giải tỏa mâu thuẫn, bất động giữa các bên, duy  trì và củng cố quan hệ lao động. 

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG  GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM 

BLLĐ 2019 đã kế thừa và phát triển những quy định về lao động giúp việc gia đình của  BLLĐ 2012 nhưng xét thấy vẫn tồn đọng một số bất cập trên thực tế, lao động giúp việc gia đình là  bên yếu thế, cần phải được bảo vệ. Chính vì lý do đó, em xin đề xuất một số kiến  nghị đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể trong quan hệ lao động giúp việc gia đình đồng thời hướng  đến mục tiêu đưa GVGĐ trở thành việc làm bền vững cho người lao động. 

Thứ nhất, đối với pháp luật về hợp đồng lao động giúp việc gia đình cần bổ sung thêm quy  định về hậu quả của tạm hoãn HĐLĐ GVGĐ. Hiện pháp luật cho phép người sử  dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động giúp việc gia đình nếu hết  thời hạn tạm hoãn HĐLĐ mà người lao động không có mặt. Tuy nhiên, trường hợp  nếu người lao động có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn  phương chấm dứt HĐLĐ không Việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để bảo vệ  quyền lợi cho người lao động giúp việc gia đình, đồng thời cũng là căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Thứ hai, điều chỉnh quy định pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ  ngơi theo hướng quy định tổng số giờ làm việc trong ngày, trong tuần, tổng số giờ  nghỉ ngơi tối thiểu, quy định cụ thể về thời gian làm thêm giờ đối với lao động giúp việc gia đình.  Bổ sung quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động giúp  việc gia đình sống cùng gia đình người sử dụng lao động.  

Thứ ba, cần bổ sung các quy định về đảm bảo điều kiện sống cho lao động giúp việc gia đình. 

Thứ tư, bổ sung quy định về đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề  đối với lao động giúp việc gia đình và cấp chứng chỉ nghề cho lao động giúp việc gia đình. Đồng thời cũng cần quy  định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lao động giúp việc  gia đình để đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm. Hơn nữa, cũng cần có quy định về  nhiệm vụ của thanh tra lao động trong việc thanh tra, kiểm tra hộ gia đình sử dụng  lao động giúp việc gia đình. 

GVGĐ là một công việc đã xuất hiện, tồn tại từ lâu ở các quốc gia trên thế  giới và cả ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế, lao động giúp việc gia đình ngày càng có vai  trò quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, pháp  luật về lao động giúp việc gia đình bên cạnh những ưu điểm vẫn không tránh khỏi tồn tại, hạn chế,  thiếu sự linh hoạt và hiệu quả thực thi không cao. Bên cạnh việc hoàn thiện pháp  luật cũng cần chú trọng tới những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện  pháp luật về lao động giúp việc gia đình trong đó việc tăng cường công tác thông tin, tuyền thông về lao động giúp việc gia đình thay đổi thái độ, nhận thức, quan điểm của xã hội về nghề GVGĐ,  nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động giúp việc gia đình là một trong những giải pháp quan trọng  cần hướng tới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Bộ luật lao động 2012; 

2. Bộ luật lao động 2019; 

3. Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số  điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; 

4. Nghị định 28/2020/NĐ-CP định xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, bảo  hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp  đồng; 

5. Đỗ Thị Dung (chủ nhiệm đề tài) (2017), Pháp luật lao động Việt Nam về lao  động giúp việc gia đình – Thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Đề tài  nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường ĐH Luật Hà Nội. 

6. Đỗ Thị Dung (chủ biên) (2018), Pháp luật về lao động giúp việc gia đình ở Việt  Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội; 

7. Lã Trọng Đại (2014), Những vấn đề nảy sinh trong quan hệ lao động giúp việc  gia đình và giải pháp khắc phục , Tạp chí Lao động và xã hội; 

8. Quỳnh Anh, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, , “ILO: Cần công nhận giúp việc  gia đình là một nghề chính thức”,16/6/2021; 

Các bài luận liên quan:

1900.0191