Khái niệm Hoà giải vụ án dân sự
Sau khi thụ lý vụ án, để giải quyết vụ án toà án chủ động tiến hành giải thích để các đương sự hiểu pháp luật về vấn để họ đang tranh chấp, giải quyết vướng mắc giữa đương sự để họ thoả thuận với nhau giải quyết các vấn đề của vụ án. Hoạt động này của toà án được gọi là hoà giải vụ án dân sự. Như vậy Hoà giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do toà án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.
Cơ sở của hoà giải vụ án dân sự là quyền tự định đoạt của đương sự. Để giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, toà án không chỉ xét xử mà còn nắm vai trò trung gian giúp đỡ các đương sự nhằm thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án.
Trong vụ án dân sự, các đương sự là chủ thể của các quan hệ pháp luật về nội dung có tranh chấp cần giải quyết nên có quyền thương lượng, điều đình với nhau giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự định đoạt này phải xuất phát từ ý chí chủ quan, từ sự tự nguyện của chính đương sự. Mặt khác, đối với những vụ án do cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cơ quan tổ chức không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật tranh chấp nên không có quyền hoà giải với bị đơn.
Hoạt động hoà giải được toà án tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Tuy vậy, theo các Điều 220, 270 BLTTDS thì tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, toà án cũng hỏi các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự không? Nếu đã có sự thoả thuận thì toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Như vậy, việc hoà giải trước khi xét xử sơ thẩm là bắt buộc, trừ những việc không hoà giải được hoặc pháp luật quy định không được hoà giải.