TẠI SAO BỘI CHI NGÂN SÁCH QUÁ LỚN VÀ KÉO DÀI NHIỀU NĂM Ở VIỆT NAM?
VŨ QUANG VIỆT
Giới thiệu và tóm lược
Một câu hỏi lớn nổi lên trong nhiều năm qua là tại sao Việt Nam để xảy ra bội chi ngân sách vô cùng lớn và trong thời gian rất dài, bình quân ở mức 6% GDP, gấp đôi ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế (3%). Rõ ràng tình hình chi tiêu ngân sách như vậy là không thể chấp nhận được. Chi ngân sách cao và liên tục tăng trong khi thu ngân sách giảm vì tăng trưởng GDP sụt giảm từ năm 2007 đến nay. Tại sao như vậy? Chi vào đâu? Liệu có thể cắt giảm được không? Có hai câu hỏi lớn cần được giải đáp. Một: Có phải lương công chức và viên chức Việt Nam quá thấp nên cần tăng lương để nâng cao năng suất? Hai: Tính khả thi của các biện pháp, nghị quyết tinh giản biên chế, cụ thể: cắt giảm ai, khu vực nào?
Các phân tích của bài này cho thấy lương công chức không phải thấp nếu so với năng suất lao động, nguồn tạo ra của cải để chi trả lương thể hiện bằng GDP bình quân đầu người trong cùng đơn vị thời gian. GDP đã thấp lại có tốc độ tăng trưởng sụt giảm liên tục từ 2007. Số lượng người hoạt động trong khu vực hành chính nhà nước là 530 ngàn, không phải là cao nếu so với số dân, nếu cộng thêm biên chế hoạt động đảng và đoàn thế, số nhân sự mang tính hành chính này ước lên đến 661 ngàn. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu, có thể cắt giảm biên chế ở một số lĩnh vực, đồng thời nghiên cứu tăng lương ở các khu vực cần thiết. Mặc dù lương công chức nói chung không thấp, nhưng lương cơ bản khởi điểm của nhóm công chức cấp chuyên viên có bằng đại học (loại A0) lại quá thấp, sau khi được tăng vào tháng 7 năm 2017 chỉ có 3.7 triệu/tháng bằng lương tối thiểu cho lao động không chuyên trong khu vực doanh nghiệp, còn lương công chức ngạch cán sự (không phải chuyên viên) lại còn thấp hơn nữa, chỉ có 1.7 triệu/ tháng, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu trong doanh nghiệp.
Các giải pháp tăng lương vừa qua là tăng lương đại trà cho mọi công chức thay vì theo chọn lọc có trọng điểm. Lương tăng 5.2% kể từ tháng 5 năm 2016 (từ lương cơ sở 1.15 triệu/tháng lên 1.21 triệu) và thêm 7.4% kể từ tháng 7 năm 2017 (lên mức 1.3 triệu/tháng).1 Như vậy trong vòng một năm 2 tháng, lương tăng đại trà 13%. Nếu tính suốt từ năm 2013 đến nay, lạm phát là 11% trong khi tăng lương là 13%. Như thế lương công chức bình quân (không kể phụ cấp) năm 2015 là 5.1 triệu/tháng, đã là 6 triệu/tháng kể từ tháng 7 năm 2017. Việc tăng lương tập trung vào một thời điểm ngắn có khả năng đẩy mạnh lạm phát nếu không có chính sách tiền tệ phù hợp, nhưng chắc chắn là tăng chi, và tăng vay mượn.
Nhìn chung, số viên chức trong khu vực giáo dục hưởng lương nhà nước rất cao lên tới 2.2 triệu người và chi thường xuyên cho ngân sách cho giáo dục cũng rất cao, chiếm 16% tổng chi ngân sách.Đây là bổn phận của nhà nước nhằm bảo đảm cho người dân một nền giáo dục cơ bản cho nên khó có thể cắt giảm.2
Khu vực lực lượng vũ trang (bao gồm quốc phòng và công an) cũng có số lượng nhân sự rất cao nếu so với Mỹ và TQ theo tỷ lệ dân, chiếm trên 1 triệu và chiếm tỷ lệ lớn trong chi tiêu ngân sách thường xuyên. Lương bình quân lực lượng vũ trang không biết là bao nhiêu, nhưng theo thông tin tác giả nhận được thì thời ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười lương khu vực này được xây dựng trên cơ sở là lương lực lượng vũ trang chuyên nghiệp (kể cả tiền hưu trí) cao hơn khu vực công chức là 70%. Không chỉ thế, nhiều khu đất quân sự (như trong Thành Hà Nội và Tân Sơn Nhấ) cũng được tư nhân hóa và phân chia cho sĩ quan. Lương cao và quyền lực sau này, và ngay cả khi được nhận vào trường đại học an ninh được trả lương thiếu úy, là lý do học sinh đua nhau thi vào Đại học an ninh, và điểm chuẩn tương đương với Y và Bách Khoa.3 Chính vì thế tuy số lượng nhân sự chỉ bằng dưới một nửa lĩnh vực giáo dục nhưng chi tiêu rất nhiều, chiếm tới 21% tổng chi ngân sách, trong đó chi cho ngành công an chiếm tới 12% ngân sách), vượt xa chi cho quốc phòng (9% ngân sách). Nếu tính theo tỷ lệ ngân sách thường xuyên, chi thường xuyên cho quốc phòng và công an lên đến 32% ngân sách thường xuyên. Cộng thêm chi cho lực lượng về hưu, số chi có thể lên cao hơn nhiều.
Những kết luận của bài viết gợi mở một số giải pháp nhằm góp phần khắc phục tình trạng chi thường xuyên cao và liên tục tăng hiện nay. Trong đó một vài kết luận có thể cần được chuẩn hóa thêm trên cơ sở kiểm chứng tính chính xác của số liệu đã được tìm tòi và phân tích trong bài. Tác giả đã cố gắng khách quan, dùng phương pháp tin cậy nhất có thể, tức là sử dụng số liệu quyết toán chính thức Bộ Tài chính công bố trên trang mạng của Bộ. Tuy nhiên do số quyết toán nêu trên chỉ có số tổng hợp, thiếu hầu hết chi tiết nên tác giả đã phải ước tính, cụ thể là chi tiêu cho quốc phòng và an ninh. Những chi tiêu này có ảnh hưởng lớn đến kinh tế và không nên coi là bí mật quốc gia. Chỉ nên coi bí mật quốc gia những gì liên quan đến các chương trình chi tiêu cụ thế có tính chiến lược. Như sẽ trình bày kỹ hơn trong bài, ngay những chi phí về các vũ khí chiến lược của VN trong thời gian qua cũng không thể giấu được các cơ quan theo dõi quốc tế.
Có thể nói mặc dầu là ước tính, tổng chi ngân sách cho quốc phòng và an ninh trong bài là khá chắc chắn, tuy vậy việc phân chia ra phần chi cho quốc phòng và phần chi cho an ninh chưa thật vững chắc. Vì vậy, kết luận của bài viết này cần được xem xét lại, tốt nhất là Quốc hội nên chính thức thành lập một ủy ban giám sát tối cao vấn đề này bao gồm chuyên gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư trong đó có Tổng cục Thống kê, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với vai trò điều phối của Ủy ban Tài chính – Ngân sách ủa Quốc hội. Chính Hiến Pháp ở điều 69 qui định là Quốc hội có quyền “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Bài viết sẽ trình bày từng vấn đề cùng với nhận xét và khuyến nghị về chính sách.
ĐỌC TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY
SOURCE: TẠP CHÍ THỜI ĐẠI MỚI 36, THÁNG 9/2017
Trích dẫn từ:
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_VuQuangViet.pdf
BÀI VIẾT ĐƯỢC ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA GIÁO SƯ TRẦN HỮU DŨNG – QUẢN TRỊ TRANG TAPCHITHOIDAI.ORG, ĐỀ NGHỊ CÁC BẠN CHỈ ĐỌC THAM KHẢO VÀ KHÔNG CHÉP LẠI BÀI VIẾT ĐỂ ĐĂNG Ở NƠI KHÁC VỚI BẤT KỲ MỤC ĐÍCH GÌ.