THỊ TRƯỜNG TIỀN ẢO: HAI LUỒNG QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU

THỊ TRƯỜNG TIỀN ẢO: HAI LUỒNG QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU

XUÂN THANH (Tổng hợp từ BIS tháng 9/2017; CNBC; Coindesk; FT, IMF, Reuters)

Còn quá sớm để khẳng định, các NHTW có nên phát hành tiền ảo hay không, trong bối cảnh rất khó đánh giá đầy đủ những rủi ro liên quan đến tiền ảo và công nghệ hỗ trợ tiền ảo vẫn chưa được sáng tỏ. Dưới đây là tổng hợp một số thông tin về vấn đề này.

Sau khi giảm xuống mức giá thấp nhất 2.951 USD vào giữa tháng 9/2017, ngày 18/9/2017, tiền ảo Bitcoin bắt đầu tăng giá trở lại, chấm dứt chuỗi ngày giảm giá kéo dài khoảng hai tuần lễ, khi chính phủ Trung Quốc rầm rộ triển khai kế hoạch đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo của Trung Quốc. Trong những ngày đầu tháng 10/2017, đồng tiền ảo này đang dao động quanh mức giá 4.500 USD, tăng trên 300% so với đầu năm, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân, nhất là các chuyên gia công nghệ và tầng lớp giàu có trong xã hội.

Yếu tố cơ bản dẫn đến xu hướng phục hồi này bắt nguồn từ những đồn đoán của các thành viên tham gia giao dịch tiền ảo với nhận định chung cho rằng, các sàn giao dịch tại Trung Quốc không còn khả năng chi phối thị trường tiền điện tử, những thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư do thể chế và tính thanh khoản cao.

Theo ghi nhận của thị trường, sau khi các sàn giao dịch Bitcoin Trung Quốc đóng cửa, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển sang thị trường Nhật Bản, khiến khối lượng giao dịch tại thị trường này tăng mạnh trong ngắn hạn. Thậm chí, tỷ phú Tim Draper (nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ) còn đưa ra nhận định đầy lạc quan khi cho rằng, đây là tín hiệu tốt lành, tiền điện tử sẽ không bị thêm bất cứ quốc gia nào nữa khai tử. Theo trang tin Cointelegraph, thị phần giao dịch Bitcoin tại Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới với tỷ trọng 50,75%.

Ngoài ra, tiền ảo Bitcoin còn tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của hàng loạt sự kiện trên thế giới. Ngày 25/9/2017, Thời báo Tài chính (FT) cho biết, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và các cơ quan quản lý Nhật Bản, một liên minh do Tập đoàn Tài chính Mizuho và Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản thành lập sẽ lên kế hoạch phát hành loại tiền tệ số mới cho Thế vận hội Tokyo 2020. Mục tiêu của dự án này là phát triển công nghệ, cho phép người Nhật thanh toán hóa đơn hàng hóa và dịch vụ qua điện thoại. Đối với Nhật Bản, dự án này được kỳ vọng sẽ có tác dụng thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt, vốn đang chiếm 70% giá trị giao dịch hiện nay. Tuy nhiên, triển vọng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt này còn xa vời.

Bên cạnh các ngân hàng tại Nhật Bản, một số ngân hàng hàng đầu thế giới như HSBC, Barclays, UBS, Santander đang nghiên cứu sự thành công của bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số để phát triển một “Đồng tiền thanh toán toàn cầu” (Universal Settlement Coin) để tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa các bên tham gia.

Một số nước châu Âu đang tiến tới một xã hội không có tiền mặt nhờ nỗ lực triển khai, áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Thống đốc NHTW Anh – Mark Carney coi tiền điện tử là một phần của cuộc cách mạng tài chính đầy tiềm năng, trong khi thanh toán sử dụng tiền mặt đang giảm dần. Để hiểu rõ hơn về hệ thống tiền ảo, NHTW Hà Lan đã tạo ra đồng tiền điện tử riêng, nhưng chỉ dùng trong nội bộ. Chính phủ Thụy Điển đang xem xét phát hành tiền điện tử, trong khi nhu cầu về tiền ảo lại giảm mạnh cùng với thanh toán sử dụng tiền mặt.

Các NHTW Singapore và một số nước khác đã công bố việc thử nghiệm tiền ảo, NHTW Hàn Quốc đang hướng đến một xã hội không có tiền mặt vào năm 2020. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra ý tưởng về các token do NHTW phát hành như Fedcoin, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa lên tiếng ủng hộ Fedcoin, và hiện nay chưa có NHTW nào chính thức ra mắt một loại tiền ảo, cho dù dưới dạng bán lẻ hoặc bán buôn.

Với trên 100 tỷ USD đang được cất giấu dưới dạng tiền kỹ thuật số, các ngân hàng đang tranh cãi cách thức ứng xử và giải pháp thích hợp về tiền ảo. Chủ tịch Ngân hàng JPMorgan Chase Jamie Dimon và Chủ tịch BlackRock Inc. Larry Fink cho biết, bitcoin chủ yếu được sử dụng cho các giao dịch phi pháp. Trái lại, Giám đốc Morgan Stanley James Gorman cho rằng, bitcoin và những loại tiền ảo mới ngày càng được ưa chuộng. Tập đoàn Goldman Sachs đang xem xét tiền ảo, một số ngân hàng đầu tư khác đang tìm cách tạo thuận lợi cho các giao dịch bitcoin và những loại tiền ảo khác.

Tuy nhiên, báo cáo cập nhật về những vấn đề liên quan đến tiền ảo do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố vào ngày 17/9 vừa qua đã phần nào cản trở tâm trạng hưng phấn thái quá của các nhà đầu tư tiền ảo, khi hoạt động đầu cơ chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong năm nay. Điều này đã khiến các nhà đầu tư chùn bước, và Bitcoin không vượt qua mức giá 5.000 USD vốn đã đạt được trong thời gian vừa qua, do lo ngại bong bóng bitcoin sẽ phát nổ. Báo cáo của BIS cũng được coi là phản ứng mạnh mẽ của giới chức ngân hàng sau những tuyên bố đầy phấn khích của một số chuyên gia và nhà đầu tư về triển vọng phát triển của tiền ảo trong tương lai, nhất là tuyên bố của các chuyên gia công nghệ hàng đầu và một số nhà đầu tư phất lên nhanh chóng.

Tại báo cáo này, BIS nhận định, với sự phát triển của Bitcoin và một số loại tiền điện tử khác như một công cụ thanh toán di động và nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào loại tiền này, các ngân hàng trung ương (NHTW) đang bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về tiền ảo cũng như công nghệ chuỗi khối (blockchain).

BIS nhấn mạnh, các NHTW không thể làm ngơ trước sự bùng nổ của tiền điện tử. Khả năng NHTW quyết định thay thế tiền mặt bằng tiền ảo là vấn đề cấp bách nhất tại những nước như Thụy Điển, khi thanh toán tiền mặt đã giảm nhanh chóng xuống mức thấp trong thấp kỷ qua.

Báo cáo của BIS định nghĩa tiền ảo do NHTW phát hành là “một dạng tiền điện tử của NHTW, có thể được trao đổi một cách phi tập trung theo phương thức ngang hàng, nghĩa là các giao dịch xảy ra trực tiếp giữa người trả tiền và người nhận tiền mà không cần bên thứ ba – một trung tâm thanh toán trung gian.”

Về bản chất, tiền mặt chỉ là phương tiện mà công chúng có thể nắm giữ tiền tệ của NHTW. Nếu một người nào đó mong muốn điện tử hóa hành vi nắm giữ này, người đó sẽ phải chuyển nghĩa vụ (khế ước) từ NHTW sang ngân hàng thương mại bằng cách gửi tiền mặt vào ngân hàng. Tiền ảo tại NHTW có thể cho phép khách hàng nắm giữ những khoản nợ tại NHTW dưới dạng tiền kỹ thuật số, điều này cũng có thể xảy ra nếu chính phủ cho phép nắm giữ tài khoản NHTW, đây là ý tưởng đã hình thành từ lâu.

Các loại tiền ảo (còn gọi là tiền kỹ thuật số) như Bitcoin không cần bên thứ ba để xác thực các giao dịch, có hiệu lực ngay lập tức, và không thể hủy ngang do đặc tính của công nghệ chuỗi khối (blockchain). Có hai động lực cơ bản dẫn tới sự cần thiết của tiền ảo. Đó là, bảo đảm sự ẩn danh của người dùng, và tính hiệu quả đối với các tổ chức. Nếu bên thứ ba không quan trọng đối với công chúng, nhiều lợi ích do tiền ảo của NHTW mang lại có thể đạt được bằng cách cho phép tiếp cận rộng rãi các tài khoản tại NHTW.

Báo cáo đã khảo sát hai loại hình tiền ảo mà NHTW có thể phát hành. Đó là, tiền ảo sử dụng trong giao dịch bán lẻ dành cho khách hàng tiêu dùng, tiền ảo trong giao dịch bán buôn của các định chế tài chính. Trong giao dịch bán lẻ, NHTW có thể phát hành tiền ảo, nếu tiền mặt được thay đổi hoàn toàn bằng tiền ảo. Đối với giao dịch bán buôn của các định chế tài chính, việc phát hành tiền ảo phụ thuộc vào khả năng rút ngắn thời gian thanh toán và nâng cao hiệu quả, nhưng điều này chưa được kiểm chứng và phụ thuộc vào hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật. Khi cân nhắc phát hành tiền điện tử, các NHTW cần xác định rõ có nên phát hành tiền điện tử hay không và đặc tính của tiền ảo đó là gì. Các NHTW cũng phải xem xét những quy định không chỉ về tính bảo mật, hiệu quả của hệ thống thanh toán mà còn về những ảnh hưởng của tiền điện tử lên nền kinh tế và chính sách tiền tệ.

Báo cáo của BIS được đưa ra trong bối cảnh NHTW tại nhiều nước còn bất đồng về việc có nên chính thức công nhận tiền ảo là tiền tệ hay hàng hóa, có nên công nhận tính hợp pháp của loại tiền này hay không.

Các NHTW đã từng sử dụng tiền điện tử, nhưng với tỷ trọng rất nhỏ và được bảo lãnh bằng vàng. Đà tăng giá theo cấp số nhân của bitcoin từ mức vài cent hồi cách đây 7 năm lên 4.000 USD trong năm nay đã bắt đầu gây sự chú ý của Phố Wall và các nhà kinh tế. Có một điều chắc chắn là, các NHTW sẽ cực kỳ thận trọng khi bước vào thế giới tiền ảo, trong bối cảnh các loại tiền ảo nổi bật nhất hiện nay như Bitcoin và Ethereum đều có độ biến động giá cả rất cao và thường xuyên là đích ngắm của tin tặc.

Báo cáo của BIS cho biết thêm, hiện rất khó đánh giá một số loại rủi ro và công nghệ hỗ trợ tiền ảo vẫn chưa được sáng tỏ. Chẳng hạn, rất khó cảm nhận về tính bền vững của các loại tiền ảo do các NHTW phát hành. Liên quan đến vấn đề này, các NHTW cần xem xét những quy định không chỉ về tính bảo mật, hiệu quả của hệ thống thanh toán mà còn về những ảnh hưởng của tiền điện tử lên nền kinh tế và chính sách tiền tệ, xác định rõ sự khác biệt giữa tiền ảo do NHTW phát hành với tiền điện tử.

Theo BIS, phương án khả thi dành cho các NHTW có thể là phát hành đồng tiền điện tử ra công chúng và do ngân hàng quản lý cũng như thực hiện việc chuyển đổi ra tiền mặt và ngược lại. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn hơn đối với hoạt động điều hành của NHTW và các tổ chức cho vay thương mại có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tiền gửi. Một câu hỏi lớn khác được đặt ra và cần có câu trả lời sớm. Đó là, tính bảo mật của hệ thế tiền điện tử.

Tuy nhiên, nếu cuối cùng tất cả các NHTW quyết định phát hành tiền điện tử dưới hình thức bán buôn hay bán lẻ, thì tiền điện tử cũng chỉ có ý nghĩa trong ngữ cảnh riêng. Khi đưa ra quyết định đó, các NHTW sẽ phải cân nhắc những ưu tiên (sở thích) của khách hàng cá nhân và hiệu quả có thể đạt được – theo nghĩa thanh toán, thanh toán và bù trừ – cũng như những rủi ro đối với hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là những ám chỉ đối với chính sách tiền tệ.

Tham dự Hội nghị ngân hàng tại London, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – Christine Lagarde cho rằng, các NHTW không nên bỏ qua các loại tiền ảo, trong đó những nước yếu kém về thể chế và đồng bản tệ không ổn định có thể tận dụng những lợi thế bắt nguồn từ tiền ảo. Tuy nhiên, Bà lo ngại mức độ biến động quá mức và quá nguy hiểm, công nghệ đứng sau tiền ảo chưa được triển khai rộng rãi. 

Bà nhận xét, giá trị tiền ảo ổn định hơn sẽ có tác dụng thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, khi họ ngày càng ưa chuộng các loại tiền tệ mới do dễ dàng tiếp cận và an toàn hơn so với những loại tiền tệ thực hiện nay. Bà cho rằng, các NHTW cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả, đồng thời đón nhận những ý tưởng và nhu cầu mới khi các nền kinh tế tiếp tục phát triển và thay đổi. Bà Lagarde cũng đã lên tiếng ủng hộ việc ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vào các hoạt động tài chính của blockchain, và đây cũng là một chủ đề mà IMF đã đưa ra thảo luận ở cấp tổ chức.

Đồng quan điểm với các tổ chức tài chính quốc tế, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tài chính đã đưa ra những đánh giá và tuyên bố thận trọng về triển vọng phát triển tiền ảo trong tương lai. Nhà đầu tư Doug Casey có đưa ra quan điểm cho rằng, tiền ảo không có giá trị sử dụng. Ông lập luận: “Nếu bạn có một triệu USD, nhưng không ai chấp nhận, thì số tiền đó sẽ không còn giá trị sử dụng. Số tiền này sẽ là những khoản nợ không có bảo đảm của một chính phủ đang sụp đổ, giống như hàng triệu đô la Zimbabwe vừa qua. Tôi tin rằng, tiền ảo Bitcoin chỉ có thể tồn tại được thêm 5 năm nữa là cùng.”

Cuối tháng 7/2017, chiến lược gia hàng hóa và phái sinh Francisco Blanch đến từ Ngân hàng Bank of America nhận định, tiền ảo Bitcoin vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một đồng tiền được chấp nhận toàn cầu. Trong đó, rào cản lớn nhất là, liệu các tổ chức tài chính lớn có chấp nhận tiền ảo là tài sản đảm bảo hay không.

Ngày 19/9/2017, Ray Dalio (người sáng lập quỹ dự phòng lớn nhất thế giới Bridgewater Associates) nhấn mạnh: “Bitcoin là thị trường mang nặng tính đầu cơ, là thị trường bong bóng. Khác với vàng, tiền ảo bitcoin chao đảo mạnh, nên rất khó trở thành là nơi cất giữ tài sản hiệu quả.”

Ngày 21/9/2017, trao đổi với phóng viên sàn giao dịch vàng Kitco, chuyên gia John Hathaway đến từ Công ty Quản lý tài sản Tocqueville đã dội gáo nước lạnh trước sự phát triển điên cuồng của thị trường tiền ảo và gây phản ứng giận dữ của nhiều nhà đầu tư tiền ảo khi tuyên bố, tiền ảo là rác rưởi. Ông cho rằng, trước sự phát triển bong bóng của tiền ảo, các nhà đầu tư có vẻ đang giảm dần mối quan tâm đến thị trường vàng.

Ngày 02/10/2017, Chủ tịch Ngân hàng UBS Thụy Sỹ, nguyên Thống đốc NHTW Đức – Axel Weber lập luận, bitcoin chỉ đáp ứng một phần định nghĩa tiền tệ. Chức năng quan trọng của tiền tệ là phương tiện thanh toán, tích trữ giá trị, và là đồng tiền giao dịch. Trong khi đó, bitcoin chỉ là đồng tiền giao dịch. Bitcoin không được ngân hàng bảo đảm với tư cách người cho vay cuối cùng, nên bong bóng bitcoin sẽ phát nổ.

Có thể nói, tiền ảo Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số, giúp các cá nhân chuyển tiền và thanh toán hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng có thể khai thác các công cụ phái sinh và sử dụng Bitcoin để hỗ trợ vốn cho các giao dịch quốc tế nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào việc sử dụng ngoại tệ. Tuy nhiên, cần ứng dụng mô hình phân phối theo chuỗi khối (blockchain) vào giải pháp công nghệ tài chính (fintech), qua đó khai thác lợi thế của đồng tiền kỹ thuật số vào một số giao dịch nhất định, tuân thủ các quy định về tiền tệ – ngân hàng, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ phát triển tràn lan một cách tự do.

Tuy nhiên, tiền ảo Bitcoin cũng đang được sử dụng cho các giao dịch tội phạm như tham nhũng, rửa tiền, buôn bán ma túy, tấn công mạng để đòi tiền chuộc, gây khó khăn cho các chính phủ trong việc quản lý thị trường tài chính. Vì thế, việc chấp nhận bitcoin đòi hỏi các NHTW và cơ quan quản lý khác phải phối hợp và thống nhất cách thức mà đồng tiền kỹ thuật số đáp ứng khung pháp lý hiện hành, các ngân hàng phải có luật để chống rửa tiền do đồng tiền này không do chính phủ phát hành và ẩn danh giao dịch.

Dư luận Phố Wall cho rằng, để có cách ứng xử thích hợp đối với Bitcoin và các loại tiền ảo nói chung, Bộ Tài chính Mỹ cần xác định Bitcoin là tài sản hay là tiền tệ. Mặt khác, nếu các ngân hàng bắt đầu quản lý và nắm giữ Bitcoin cho khách hàng, Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ (OCC) và Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) phải quan sát cách thức phân loại tài sản trên bảng cân đối kế toán và cách thức sắp xếp tài sản vào danh mục tài sản của khách hàng.

Tóm lại, còn quá sớm để khẳng định, các NHTW có nên phát hành tiền ảo hay không, trong bối cảnh rất khó đánh giá đầy đủ những rủi ro liên quan đến tiền ảo và công nghệ hỗ trợ tiền ảo vẫn chưa được sáng tỏ. Đối với Việt Nam, cơ quan quản lý tiền tệ cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình và tác động của việc các nước thử nghiệm tiền ảo đến Việt Nam; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp, nhất là việc ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, mua bán đa cấp, huy động vốn thông qua giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số; ngoài ra, cần sớm ban hành các văn bản pháp lý để quản lý tiền ảo.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Trích dẫn từ: www.sbv.gov.vn

1900.0191