TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP: KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP: KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN

TRUNG TÂM THÔNG TIN TƯ LIỆU, VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TW

Mở đầu

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là chủ đề được quan tâm trong xã hội Nhật Bản, trước hết ở khu vực doanh nghiệp, giới nghiên cứu và truyền thông.

Từ thế kỷ 18, giới thương nhân Nhật Bản đã có triết lý kinh doanh Sampo Yoshi "Tốt cho người bán, cho người mua và cho xã hội" đề ra yêu cầu phải có ý thức chăm sóc cho người dân trong khu vực kinh doanh. Vào giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa thế kỷ 19, yêu cầu phục vụ cộng đồng đã được đặt ra cho các doanh nghiệp ở một số địa phương.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, giới kinh doanh Nhật bắt đầu tiếp cận với những quan điểm hiện đại về CSR từ phía Hoa Kỳ. Vào những năm 1970 và 1980, nhất là sau khủng hoảng dầu lửa 1973, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra ưu thế và thụ hưởng lợi ích kinh doanh nhờ chính sách năng lượng sạch và đầu tư phát triển công nghệ bảo vệ môi trường; chủ động đề ra và thực hiện các chiến lược tích hợp hoạt động xã hội với ngành kinh doanh cốt lõi trong bối cảnh khách hàng và các đối tác có liên quan ngày càng quan tâm đến các tác động xã hội và môi trường của doanh nghiệp.

Tuy vậy, phải từ thập kỷ 1990, thuật ngữ, nội hàm và cách thức thực hiện CSR mới được các doanh nghiệp và các bên có lợi ích liên quan tiếp cận đầy đủ và có hệ thống. CSR trở thành mối quan tâm của toàn xã hội Nhật Bản, là một phần hoạt động tất yếu của các doanh nghiệp quy mô lớn và là nội dung bắt buộc trong các báo cáo đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Sau hơn 20 năm, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia hàng đầu về thực hiện CSR với số lượng đông đảo các doanh nghiệp có bộ phận CSR chuyên trách và công bố báo cáo hàng năm về phát triển bền vững và CSR.

1. Nhận thức chung về CSR ở Nhật Bản

Theo Báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), cho đến nay Nhật Bản vẫn còn những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về CSR, song về cơ bản đã có sự tương đồng với quan niệm và nhận thức chung về CSR theo thông lệ quốc tế. Bản thân nền kinh tế Nhật Bản cũng như doanh nghiệp Nhật đều nhận thức được rằng việc thực hiện CSR vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thành công.

Theo đó, CSR được hiểu là toàn bộ trách nhiệm của doanh nghiệp về những ảnh hưởng đến xã hội từ các quyết định và hoạt động của mình. Để thực hiện những trách nhiệm này, trước hết phải tôn trọng pháp luật và các cam kết với các bên có lợi ích liên quan; có khả năng gắn kết hoạt động kinh doanh với việc giải quyết các vấn đề xã hội, đạo đức, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích củacác chủ sở hữu doanh nghiệp, bên có liên quan và toàn xã hội; xác định rõ, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦTẠI ĐÂY

SOURCE: CỔNG THÔNG KINH TẾ VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

1900.0191