Bàn về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử
Quá trình giải quyết một vụ án hình sự là một quá trình đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về thủ tục tố tụng, không giống như giải quyết một vụ việc dân sự, kinh tế, lao động hay hành chính. Quá trình này có sự tham gia của nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng khác nhau, nên thẩm quyền của các chủ thể này cũng khác nhau từ lúc khởi tố vụ án cho đến giai đoạn xét xử vụ án. Quá trình này được tiến hành thông qua các giai đoạn tố tụng như sau: Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Có thể nói, giai đoạn đầu tiên cũng là giai đoạn rất quan trọng của vụ án chính là giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, “với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và pháp luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự”(1). Giai đoạn này nhằm làm cơ sở cho việc xác định một người nào đó có hành vi phạm tội (hành vi nguy hiểm cho xã hội) hay không.
1. Thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án
Tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự quy định: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định”. Tiếp theo, khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, chủ thể có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự khá rộng, gồm: Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Tòa án thông qua Hội đồng xét xử. Với ý nghĩa đấu tranh phòng, chống và kịp thời phát hiện tội phạm, việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định như vậy là nhằm tránh bỏ sót tội phạm. Khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiến hành hoạt động điều tra, truy tố không phát hiện được tội phạm, thì đến giai đoạn xét xử tại Tòa án, thông qua việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện được “tội phạm mới” hoặc “người phạm tội mới” sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án.
2. Những bất cập về thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án
Theo quy định tại Điều 137 của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), thì thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân được quy định cụ thể: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”, bên cạnh đó, tại Điều 134 Hiến pháp năm 1992 cũng quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án: “Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Những quy định trên của Hiến pháp năm 1992, được cụ thể hóa ở Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân bao gồm thực hành quyền công tố và kiểm sát. Quyền khởi tố vụ án hình sự cũng là một nội dung của thực hành quyền công cố được liệt kê một cách rõ ràng tại Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, cụ thể tại khoản 1 Điều 13, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can”(2).
Như vậy, quyền hạn và chức năng của Viện kiểm sát nhân dân có sự tách bạch hoàn toàn với quyền hạn và chức năng của Tòa án. Với nhiệm vụ duy nhất được ghi nhận của Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 1992 chính là nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xét xử, các chức năng khác như: Khởi tố, điều tra, truy tố không phải chức năng của Tòa án. Các chức năng này được giao cho các cơ quan như Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra… Việc quy định như vậy, đảm bảo cho Tòa án có điều kiện tốt nhất để thi hành nhiệm vụ của mình, tập trung xét xử dựa trên những chứng cứ hợp pháp, thông qua hoạt động xét xử vụ án nhằm đưa ra kết luận ai là người có tội hay không có tội và ai là người phải chịu hình phạt hay không phải chịu hình phạt… Bên cạnh đó, quy định này cũng đảm bảo nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”(3), đây là nguyên tắc cốt lõi của nền tư pháp hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Với quy định nêu trên của Hiến pháp năm 1992, thì thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đã được phân biệt rạch ròi. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền của Hội đồng xét xử (Tòa án) trong giai đoạn xét xử tại phiên tòa, nếu phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần điều tra, thì Hội đồng xét xử có những sự lựa chọn: (1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; hoặc (2) Đề nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.
Ngoài Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu trên, nếu trong quá trình xét xử tại phiên tòa, khi có một trong các căn cứ được quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung(4).
Khi đánh giá và phân tích về thẩm quyền khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử tại Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự, rất có thể việc khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử là có căn cứ, bị can sau này trở thành bị cáo và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có khách quan hay không và sẽ tác động thế nào đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can (có thể sau này là bị cáo) khi chủ thể khởi tố vụ án cũng chính là chủ thể có thẩm quyền xét xử vụ án đó? Yếu tố khách quan trong một vụ án hình sự là vô cùng quan trọng. Khách quan ở đây có nghĩa là một chủ thể đứng bên ngoài vụ việc, xem xét lời buộc tội, gỡ tội của các bên liên quan dựa trên những chứng cứ hợp pháp thì ai đúng, ai sai, ai là người vô tội cần được trả tự do… Yếu tố khách quan đó cần được đảm bảo trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, thực hành quyền xét xử cần dựa trên những đối đáp, lập luận có căn cứ pháp lý, có chứng cứ hợp pháp… thể hiện sự độc lập, sự vô tư, khách quan của mình. Tuy nhiên, với quy định tại Điều 13 và Điều 104 của Bộ luật tố Tụng hình sự, Hội đồng xét xử thay mặt cho Tòa án tham gia vào hai giai đoạn: (1) Giai đoạn khởi tố vụ án và (2) Giai đoạn xét xử. Quy định như vậy khiến cho yếu tố khách quan của vụ án không được đảm bảo.
2.1.Xét về mặt lý luận
Khi phân tích trách nhiệm và quyền hạn của Tòa án và Viện kiểm sát, có thể nhận thấy “thực hành quyền công tố”(5) (bao gồm quyền khởi tố vụ án) là chức năng của Viện kiểm sát được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp không quy định cho Tòa án có quyền “thực hành quyền công tố”. Như vậy, việc quy định cho Tòa án cũng có thẩm quyền khởi tố vụ án tại Điều 13 và Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự là không phù hợp với Hiến pháp trong việc phân định thẩm quyền giữa Tòa án và Viện kiểm sát, cũng như quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 về “bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”. Hiến pháp năm 1992 quy định chỉ có Viện kiểm sát mới là chủ thể thực hành quyền công tố, còn chức năng của Tòa án chỉ duy nhất là xét xử, nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự lại quy định rằng Tòa án cũng có quyền khởi tố vụ án thông qua Hội đồng xét xử là không phù hợp với Hiến pháp.
2.2. Xét về mặt thực tiễn
Thực tiễn quá trình áp dụng các quy định tại Điều 13 và Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự gặp phải những vướng mắc sau đây:
Thứ nhất, Hội đồng xét xử không phải là cơ quan điều tra và cũng không có thẩm quyền điều tra nên trên thực tế, thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án mà cụ thể là Hội đồng xét xử không khả thi vì việc quan trọng trước giai đoạn khởi tố chính là giai đoạn điều tra ban đầu. ở giai đoạn này, các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền điều tra căn cứ vào tin tố giác tội phạm, phạm tội quả tang… tiến hành các công việc chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thu thập chứng cứ làm căn cứ khởi tố vụ án, trong khi đó Tòa án không có chức năng và những công cụ này. Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào việc xét xử tại phiên tòa qua phần xét hỏi, phần tranh tụng thì chưa đủ căn cứ để khẳng định chắc chắn là có “tội phạm mới” hoặc “người phạm tội mới”. Tòa án (cụ thể là Hội đồng xét xử) không có quyền và điều kiện để điều tra, xác minh thêm những vấn đề tình nghi – ngoại trừ việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa.
Thứ hai, để có đủ căn cứ khi ra quyết định khởi tố vụ án, thời gian điều tra, xác minh tội phạm là khá dài so với việc xét xử tại phiên tòa(6). Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có thể triển khai các hoạt động nghiệp vụ mà Tòa án không thể có để xác định tội phạm. Ngoài ra, khi xét xử có nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai lung tung nhằm làm khó hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, nhằm đổ tội cho người khác hay có hành vi khai không trung thực để nhận tội thay người khác…
Thứ ba, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm (tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm tra, xác minh nguồn tin…), cơ quan điều tra có thời hạn từ 20 ngày đến 2 tháng (sự việc có tình tiết phức tạp) để chuẩn bị và triển khai nghiệp vụ, nhưng luật không quy định Hội đồng xét xử có bao nhiêu thời gian chuẩn bị, xác minh những vấn đề cần thiết để chứng minh cho nhận định của mình. Luật chỉ đơn giản quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra” hoặc “quyết định yêu cầu điều tra bổ sung”. Như vậy, rõ ràng là tính chủ động của Hội đồng xét xử không được đảm bảo.
Với những luận cứ nêu trên, có thể đi đến một số nhận định: (1) Hội đồng xét xử không có giai đoạn điều tra ban đầu một cách kỹ càng, chỉ thông qua xét hỏi với thời lượng ngắn; (2) Những câu trả lời, tranh tụng tại phiên tòa chưa đủ căn cứ để chứng minh kết luận của Hội đồng xét xử là đúng hay sai, sẽ dẫn tính khách quan của vụ án không được đảm bảo; (3) Hội đồng xét xử ở vào tình huống bị động và suy cho cùng đây là điều luật khó áp dụng trên thực tế. Khi có căn cứ quy định tại Điều 104 hoặc Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác của vụ án, Hội đồng xét xử có thể lựa chọn phương án khác đó là ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung gửi cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.
3. Hướng đề xuất
Điều 13 và Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thẩm quyền khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử xét về mặt lý luận và thực tiễn là không phù hợp với Hiến pháp năm 1992 và không khả thi trên thực tế. Sau khi xem xét những khía cạnh pháp lý của vấn đề, chúng tôi kiến nghị cần phải sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể:
Đối với quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyết định khởi tố vụ án hình sự cần sửa đổi cho phù hợp như sau: “Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra, nếu Viện kiểm sát ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án đó theo quy định tại Chương XXXV của Bộ luật này khi có căn cứ cho rằng quyết định không khởi tố vụ án của Viện kiểm sát là trái pháp luật”.
Ngoài ra, tại Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự cũng cần sửa đổi theo hướng không quy định thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án như phân tích nêu trên.
4. Kết luận
Từ những luận cứ nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Điều 13 và Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 là cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách. Nếu Hội đồng xét xử vừa là chủ thể khởi tố, vừa là người xét xử vụ án sẽ không đảm bảo tính khách quan cũng như không đảm bảo tính chủ động của Hội đồng xét xử, chưa tối ưu hóa nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự chính là “tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân”. Thông qua việc sửa đổi, bổ sung sẽ đảm bảo hiệu lực pháp lý của Hiến pháp và trật tự của văn bản quy phạm pháp luật
Tài liệu tham khảo:
(1). GS – TSKH Lê Cảm, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng, Tạp chí Luật học, số 02/2004.
(2). Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.
(3). Điều 130 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001).
(4). Khoản 2 Điều 199 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
(5). Theo quy định tại Điều 13 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.
(6). Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.
Nguyễn Văn Vinh
Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng
Tham khảo thêm:
- Các tiêu chí tiếp cận pháp luật tại cơ sở – Những vướng mắc, bất cập và định hướng hoàn thiện
- Kinh nghiệm pháp luật về ban hành quyết định hành chính của Đức, Nhật bản, Hàn quốc
- Bàn về một số điểm mới trong Luật Công chứng năm 2014
- Đăng ký giữ quốc tịch theo luật quốc tịch Việt Nam
- Đo lường chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp
- Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
- Dấu vết – Quy luật bất biến trong điều tra hình sự
- Kinh nghiệm triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại một số quốc gia, liên hệ thực tiễn với Việt Nam
- Trách nhiệm liên đới trong trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật