Báo cáo thống kê thi hành án dân sự – Một số vấn đề từ thực tiễn

Báo cáo thống kê thi hành án dân sự – Một số vấn đề từ thực tiễn

22/01/2013

Theo Từ điển Tiếng Việt, báo cáo được hiểu là “trình bày cho biết tình hình, sự việc” (1). Trong hoạt động của mình các chủ thể quản lý thông qua báo cáo nhằm nắm bắt tình hình các hoạt động của mình hoặc hoạt động của người khác. Vì vậy, trong thực tiễn đời sống xã hội có rất nhiều loại báo cáo khác nhau nhằm phục vụ cho các hoạt động của cá nhân, tổ chức.

Thi hành án dân sự cũng không là ngoại lệ. Để nắm bắt các thông tin về công tác thi hành án, thực tiễn cũng đòi hỏi phải có các loại báo cáo khác nhau nhằm phục vụ các hoạt động khác nhau. Trước đây, khi công tác thi hành án dân sự thực thi theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 và Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, thì ngoài báo cáo lời chỉ kèm theo 02 biểu mẫu báo cáo thống kê về việc thi hành án và về tiền thi hành án. Khi đó, chủ yếu phân loại theo loại việc dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự,… và thi hành án cho nhà nước hay người dân. Đến Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, có sự đổi mới cơ bản về công tác báo cáo thống kê.

Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 ban hành chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Quyết định số 02). Cho đến nay, những biểu mẫu được ban hành kèm theo Quyết định này vẫn đang được sử dụng để báo cáo thống kê.

Công tác báo cáo thống kê thi hành án dân sự từ khi được thực hiện theo Quyết định số 02 đã mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vì được ban hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, cho nên một số mục quy định theo Quyết định số 02 đã không còn phù hợp so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Xét về mặt hình thức, thì biểu mẫu báo cáo này phải hết hiệu lực thi hành ngay khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành. Nhưng đến nay, chưa có văn bản nào được ban hành để sửa đổi, bổ sung hay thay thế Quyết định số 02 nên nghiễm nhiên các biểu mẫu báo cáo này vẫn được thực thi. Vì được ban hành trước khi có Luật Thi hành án dân sự, nên trong Quyết định và phần phụ lục còn có nhiều từ, cụm từ không còn phù hợp và một số quy định đã lỗi thời.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích một số vấn đề đã và đang gây không ít khó khăn cho cá nhân, đơn vị thực hiện báo cáo thống kê. Từ đó, có những kiến nghị về giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy phạm pháp luật, hướng đến một trật tự pháp luật phù hợp với thực tiễn công tác thi hành án dân sự.

Thứ nhất, một số mục trong biểu mẫu đã không còn phù hợp so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008

Có thể nêu ra đây một ví dụ minh họa là trong các biểu mẫu báo cáo của chấp hành viên, cũng như của đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh về việc, về giá trị của các quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và biểu mẫu tổng hợp như 02-TK/THA.T1,04-TK/THA.T1, 05-TK/THA.T1, 06-TK/THA.T1 và 02-TK/THA.H,04-TK/THA.H, 05-TK/THA.H,06-TK/THA.H(2),… mục trả đơn yêu cầu thi hành án đều được thống kê vào mục án chưa có điều kiện thi hành. Điều này theo chúng tôi là chưa thật sự phù hợp với Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Điều 52 quy định đương nhiên kết thúc thi hành án khi “… có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án”(3). Như vậy, việc thi hành án phải được xóa sổ thụ lý, báo cáo thi hành xong và thống kê vào phần giải quyết xong, chứ không thể thống kê tại mục chưa có điều kiện thi hành án.

Thực hiện biểu mẫu báo cáo thống kê hiện hành, cũng làm giảm hiệu quả công việc của chấp hành viên, của đơn vị báo cáo. Vì vụ việc đã được xử lý xong nhưng lại không được tính vào tỷ lệ thi hành xong. Đơn vị chúng tôi, thi hành án trong năm 2012 với tổng số việc có điều kiện thi hành án theo biểu mẫu báo cáo là 1.784 việc, số việc thi hành xong là 1.532 việc, số chưa có điều kiện thi hành án là 454 việc (trong đó có 64 việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án), tỷ lệ đạt 85,87%(4). Nếu như báo cáo số trả đơn yêu cầu thi hành án vào mục thi hành xong thì số liệu các mục có sự thay đổi như sau: Mục số có điều kiện thi hành tăng lên 1.848 việc, mục số thi hành xong là 1.596 việc và mục số chưa có điều kiện thi hành giảm còn 390 việc, tỷ lệ tăng lên là 86,37%.

Tương tự như vậy, về giá trị số có điều kiện thi hành là 83.729.003.000 đồng, số thi hành xong + miễn giảm nghĩa vụ thi hành án + đình chỉ thi hành án là 66.016.928.000 đồng, số chưa có điều kiện thi hành là 89.031.557.000 đồng (trong đó có 24.519.386.000 đồng trả đơn yêu cầu thi hành án), tỷ lệ đạt 78,85%(5). Nếu báo cáo mục trả đơn lên mục số có điều kiện thi hành thì số liệu có sự thay đổi như sau: Số có điều kiện thi hành tăng lên là 108.248.389.000 đồng, số thi hành xong + miễn giảm nghĩa vụ thi hành án + đình chỉ thi hành án + trả đơn yêu cầu thi hành án là 82.595.409.000 đồng và số chưa có điều kiện thi hành án giảm xuống còn 64.512.171.000 đồng, tỷ lệ tăng lên là 83,64%.

Như vậy, dù đã được kết thúc việc thi hành, xóa sổ thụ lý, thì công sức của chấp hành viên, của đơn vị bỏ ra để thi hành đã không được ghi nhận đầy đủ. Bên cạnh đó, nhìn vào báo cáo thống kê, chúng ta không thể thấy được số liệu chuyển kỳ sau, mà để có được số liệu này, chấp hành viên phải thực hiện phép tính tiếp theo sau khi đã hoàn tất báo cáo là trừ đi số việc, số tiền trả đơn. Báo cáo thống kê không thể hiện số liệu chuyển kỳ sau, buộc chấp hành viên bằng cách này hay cách khác phải ghi nhớ số liệu chuyển kỳ sau mà đa phần phải ghi chú ngay trên báo cáo để nắm bắt được số liệu chính xác.

Theo chúng tôi, cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế biểu mẫu báo cáo được ban hành kèm theo Quyết định số 02 theo hướng ghi nhận kết quả trả đơn yêu cầu thi hành án vào mục giải quyết xong để phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tránh mất nhiều công sức, lòng vòng trong công tác báo cáo và nâng cao hiệu quả công việc của chấp hành viên của đơn vị thi hành.

Thứ hai, về số liệu thi hành đều

Theo quy định của Ngành Thi hành án dân sự hiện nay, thì đối với những vụ việc thi hành đều, đơn vị báo cáo phải xóa sổ thụ lý, vụ việc được coi như đã thi hành xong.

Theo chúng tôi, cách làm trên là chưa hoàn toàn thống nhất với tinh thần của Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ Tư pháp về việc ban hành chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Tại điểm 2 Phần I của Phụ lục II Quyết định số 02 quy định việc thi hành án đều “là việc mà theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án hoặc trọng tài thương mại, thì người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình theo định kỳ, hoặc thỏa thuận của các bên đương sự được cơ quan thi hành án chấp nhận” (6). Hiện nay, việc thụ lý án cấp dưỡng nuôi con, trả theo định kỳ, thường thì người được thi hành án yêu cầu trả theo định kỳ và cho toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, cơ quan thi hành án chưa thể xóa sổ thụ lý khi thi hành xong một kỳ, hai kỳ,… mà chỉ khi thi hành xong kỳ cuối cùng mới kết thúc và xóa sổ thụ lý. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A yêu cầu ông Nguyễn Văn B bồi thường 10.000.000 đồng, trong quá trình thi hành án các đương sự thỏa thuận mỗi năm ông B trả ông A 2.000.000 đồng, bắt đầu từ năm 2011 cho đến khi hết nợ (năm 2015). Như vậy, khi thi hành xong phần 2.000.000 đồng của năm 2011, thì chấp hành viên báo là xong về tiền 2.000.000 đồng, còn việc báo vào mục thi hành đều và vụ việc phải được chuyển tiếp sang năm 2012 để tiếp tục thi hành. Nếu xóa sổ thụ lý thì thiếu cơ sở, căn cứ vì vụ việc vẫn đang được tổ chức thi hành và sau đó cũng không có cơ sở pháp lý vững chắc để thụ lý mới vụ việc lại.

Theo chúng tôi, đối với những vụ việc thi hành án đều không cần thiết phải xóa sổ thụ lý, mà chỉ cần ghi chú thi hành đều vào mục kết quả thi hành trong sổ thụ lý là được. Khi khóa sổ vụ việc được chuyển tiếp sang kỳ sau để tổ chức thi hành án. Về lâu dài, khi sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thay thế các biểu mẫu về thi hành án, nên quy định có sổ theo dõi riêng đối với án thi hành đều.

Thứ ba, về thời hạn báo cáo

Theo quy định tại Điều 12 của Quyết định số 02 thì:

“1. Chấp hành viên thống kê kết quả thi hành án của mình và báo cáo Trưởng thi hành án dân sự nơi công tác chậm nhất vào ngày mùng hai (02) của kỳ báo cáo kế tiếp.

2. Thi hành án dân sự cấp huyện lập và gửi báo cáo thống kê 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng của đơn vị mình về thi hành án dân sự cấp tỉnh chậm nhất vào ngày mùng bốn (04) của kỳ báo cáo kế tiếp.

3. Thi hành án dân sự cấp tỉnh lập và gửi báo cáo thống kê 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng cho Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp chậm nhất vào ngày mùng sáu (06) của kỳ báo cáo kế tiếp”(7).

Quy định là như vậy, nhưng trong thực tế, chấp hành viên đã phải thực hiện báo cáo từ những ngày 25 của kỳ báo cáo và chậm nhất cấp huyện gửi về cấp tỉnh là ngày 27 của kỳ báo cáo. Điều này xét về mặt thực tế thì không có khó khăn vướng mắc gì lớn – chấp hành viên chỉ chốt số liệu vào ngày nào của kỳ báo cáo này và ghi nhớ để làm ngày đầu tiên của kỳ báo cáo tiếp theo là được. Nhưng xét về tính hiệu lực của quy phạm pháp luật thì thời hạn báo cáo trên thực tế khác với quy định của pháp luật cũng là điều đáng phải xem xét. Vì một quy phạm pháp luật khi ban hành cần phải được tôn trọng và thực hiện. Nếu vì lý do nào đó quy phạm pháp luật không thể thực hiện được thì phải được xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản khác thay thế. Có như thế mới bảo đảm tính hiệu lực, tính nghiêm minh của các quy phạm pháp luật và hơn nữa bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Theo chúng tôi, nếu xét thấy cần thiết phải thực hiện báo cáo thống kê sớm hơn quy định của Quyết định số 02, thì cũng đã đến lúc đặt ra xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thay thế Quyết định số 02.

Thứ tư, về khó khăn trong công tác báo cáo thống kê

Chúng tôi đồng tình với quan điểm báo cáo thống kê cần phải phản ánh được hết các hoạt động trên thực tế, tuy nhiên việc ban hành có quá nhiều biểu mẫu như hiện nay cũng rất tốn kém thời gian, công sức của người thực hiện. Một tháng, chấp hành viên phải dành không ít thời gian cho công tác này, nhanh thì một ngày, chậm thì hai đến ba ngày. Chính vì vậy, mà hiện tại đang có khá nhiều phần mềm tự sáng chế nhằm phục vụ công tác báo cáo thống kê giúp giảm đi một phần nào đó khó nhọc cho người và đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, những phần mềm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ, vẫn còn những hạn chế nhất định và còn tản mạn, mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Vì vậy, theo chúng tôi, để giải quyết bớt những khó khăn cho người thực hiện báo cáo, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, hiệu quả, sát thực tế, rất cần một nghiên cứu sửa đổi toàn diện biểu mẫu báo cáo thống kê theo hướng xác lập phần mềm báo cáo thống kê gắn liền, tương thích với phần mềm kế toán thi hành án. Từ đó có số liệu chính xác, thống nhất giữa số liệu của chấp hành viên với số liệu kế toán và giảm tải công việc cho chấp hành viên, đơn vị thực hiện báo cáo thống kê.

Nguyễn Thị Nguyệt

(1) Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, năm 2006, tr. 40.

(2) Xem phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006.

(3) Xem khoản 3 Điều 52 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

(4) Xem Báo cáo tổng hợp kết quả thi hành án về việc 12 tháng năm 2012 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

(5) Xem Báo cáo tổng hợp kết quả thi hành án về giá trị 12 tháng năm 2012 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

(6) Xem điểm 2 Phần I Phụ lục II Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006.

(7) Xem khoản 1, 2, 3 Điều 12 của Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006.

Tham khảo thêm:

1900.0191