Hoàn thiện Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015

Hoàn thiện Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015

27/01/2016

Ngày 25/11/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016). Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 trong Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia, điểm thay đổi lớn nhất đó là Tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[1] đã được sửa đổi bổ sung thành Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam[2].

Qua số liệu thống kê của Cục an ninh điều tra – Bộ Công an, từ năm 2005 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra các cấp đã điều tra, khởi tố 104 vụ án, với 155 bị can về tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là loại tội xâm phạm an ninh quốc gia có tỷ lệ phạm tội đứng thứ hai trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia (chỉ sau Tội phá hoại chính sách đoàn kết). Do vậy, việc nghiên cứu làm rõ cấu thành tội phạm Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Bộ luật Hình sự năm 1999, so sánh, đối chiếu quy định về loại tội này với quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có ý nghĩa lớn về lý luận, thực tiễn trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ những điểm mới trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó chỉ ra vấn đề cần hoàn thiện của Bộ luật Hình sự năm 2015 dưới góc độ lý luận.

Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định có 3 nhóm hành vi cấu thành Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế các hành vi tuyên truyền chống nhà nước rất đa dạng như: Xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội; phỉ báng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bôi nhọ lãnh tụ, cán bộ, công chức nhà nước; sử dụng những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc… đánh vào tâm lý của nhân dân, gieo rắc tư tưởng nghi ngờ, bất mãn, tạo sự sợ hãi, hoang mang trong nhân dân, kích động tư tưởng, hành động chống đối, oán ghét, căm thù, từ đó cổ vũ cho những hành vi làm suy yếu chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Chính vì điều luật quy định các hành vi theo cách liệt kê nên khó mô tả hết các hành vi phạm tội, hơn nữa trên thực tế, các đối tượng phạm tội thường thực hiện đồng thời hai hay nhiều hành vi cùng một lúc, ít khi có sự rạch ròi như các hành vi trong điều luật quy định. Chẳng hạn, khi tiến hành tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, các đối tượng cũng đồng thời phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Để tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, các đối tượng phải thực hiện các hành vi viết bài, viết sách in, vẽ truyền đơn, băng rôn, khẩu hiệu… cất giấu, lưu trữ trong các phương tiện như máy tính, máy ảnh, ổ cứng, đĩa mềm… Như vậy đã đồng thời thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó đặt ra cho các nhà làm luật hướng sửa đổi bổ sung, hoàn thiện điều luật này cần xây dựng mô hình hành vi có tính bao quát hơn, phản ánh được các dạng hành vi tuyên truyền chống Nhà nước phát sinh trong thực tiễn, tránh việc liệt kê dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc vừa thừa, vừa thiếu, vừa khó áp dụng.

Mặt khác, cách quy định của về hành vi phạm tội của các điểm a, b, c khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 cũng không đồng nhất. Điểm a và b quy định về hành vi phạm tội một cách chung chung (tuyên truyền), nhưng lại liệt kê cụ thể nội dung của thông tin tài liệu tuyên truyền là xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Ngược lại, điểm c khoản 1 Điều 88 lại quy định cụ thể về hành vi phạm tội (làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm) nhưng lại quy định chung chung về nội dung (có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Việc quy định không đồng nhất như vậy đã gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch can thiệp, cản trở hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

So với Bộ luật Hình sự hiện hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách rõ ràng, cụ thể hơn, và đưa luôn những hành vi cụ thể này vào tên Điều luật[3]. Có thể thấy, so với cách quy định về hành vi phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 1999, cách quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có tính thống nhất ở cả 3 nhóm hành vi phạm tội, các nhà làm luật đều liệt kê cụ thể, chi tiết về hành vi phạm tội, và các nhóm hành vi phạm tội ở các điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ khác nhau về nội dung của thông tin, tài liệu, vật phẩm phục vụ cho việc tuyên truyền chống nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân: Đây là hành biên soạn, in, viết, vẽ, cất giữ, cất giấu, phát ra, truyền ra rộng rãi, truyền miệng, phao tin, thông qua hội giảng, bài viết… để xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán bộ, nói xấu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh tụ, cán bộ, công chức nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động kêu gọi tiến hành các hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Thứ hai, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân: Đây là hành biên soạn, in, viết, vẽ, cất giữ, cất giấu, phát ra, truyền ra rộng rãi, truyền miệng, phao tin, thông qua hội giảng, bài viết… để kích động, xuyên tạc đánh vào tâm lý của nhân dân, tạo ra sự sợ hãi, tư tưởng cầu an hoặc bịa đặt, tung tin thất thiệt gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân.

Thứ ba, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý: Đây là hành vi biên soạn, in, viết, vẽ, cất giữ, cất giấu, phát ra, truyền ra rộng rãi, truyền miệng, phao tin, thông qua hội giảng, bài viết… và hành vi sử dụng những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc… đánh vào tâm lý của nhân dân như tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý của đài BBC; tuyên truyền lối sống hiện sinh, sống gấp; tuyên truyền các học thuyết tư sản, phản động…

Từ quy định của Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể rút ra một số vấn đề hạn chế sau đây:

Một là, các hành vi phạm tội về tuyên truyền chống nhà nước đã được quy định một cách thống nhất về cách thức, các nhóm hành vi phạm tội tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 được quy định giống nhau về các hành vi phạm tội và khác nhau về nội dung thông tin, tài liệu, vật phẩm được sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc tách thành 3 điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 chỉ dựa vào nội dung thông tin, tài liệu, vật phẩm được sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội là không cần thiết. Đặc biệt nội dung thông tin, tài liệu, vật phẩm được sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội ở điểm b và điểm c rất khó phân biệt trong thực tiễn áp dụng, nếu không muốn nói là trùng nhau. Bởi lẽ, việc gây chiến tranh tâm lý cũng là nhằm vào nhân dân, cũng là gây tâm lý sợ hãi, hoang mang trong nhân dân.

Hai là, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử số đối tượng phạm tội này cho thấy, ngoài hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng còn có hành vi tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam chính là hành vi làm mất uy tín, làm suy yếu lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tuyên truyền với nội dung chống Đảng thậm chí còn nguy hiểm hơn một số nội dung tuyên truyền được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc điều tra, xử lý số đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, theo chúng tôi, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định về hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chưa có quy định nào về hành vi tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam là chưa đầy đủ. Vấn đề này gây khó khăn cho thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

Ba là, khoản 2 Điều 117 quy định “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Vậy hiểu thế nào là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng? Hành vi nào trong các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Vấn đề này cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật hình sự nào hướng dẫn một cách rõ ràng, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng pháp luật. Qua nghiên cứu kỹ thuật lập pháp ở một số tội danh cùng nhóm xâm phạm an ninh quốc gia như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; “Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ”; “Tội bạo loạn”… cho thấy, trong cấu thành cơ bản (khung hình phạt nặng nhất) của các điều luật này đều có quy định trường hợp “Người tổ chức, người xúi dục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng” là những yếu tố định khung. Như vậy, với cấu thành cơ bản (khung hình phạt nhẹ nhất) của Điều 117 là: “a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý” thì tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều này cần được xác định là các trường hợp sau đây: Người tổ chức; người xúi dục; người hoạt động đắc lực; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Từ những phân tích trên, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng để góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây chiến tranh tâm lý, gây hoang mang trong nhân dân;

2. Người tổ chức; người xúi dục; người hoạt động đắc lực; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

ThS. Hoàng Duy Hiệp

Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân



[1] Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999.

[2] Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ luật này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015.

[3] Xem Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tham khảo thêm:

1900.0191