Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm
1. Thực trạng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm
1.1. Về trình tự phát biểu khi tranh luận
Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về trình tự phát biểu khi tranh luận. Theo đó, khi bắt đầu phiên tranh luận, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, sau đó đến lượt bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo, sau đó mới đến lượt các chủ thể tham gia tranh luận khác đưa ra ý kiến tranh luận. Một số vấn đề cần lưu ý:
Một là, về lời luận tội: Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng…”. Theo đó, quy định kiểm sát viên đề nghị kết tội theo toàn bộ hay một phần cáo trạng là chưa hợp lý. Vì nó không những là làm cho kiểm sát viên bị bó hẹp vào cáo trạng, trong khi diễn biến tại phiên tòa có thể theo chiều hướng cần kết luận tội danh, khung hình phạt không những là nhẹ hơn, mà còn có thể nặng hơn, hoặc là tội danh khác mà có khung hình phạt bằng với tội đã truy tố. Trong khi bản cáo trạng bao giờ cũng được lập trong đó được đề xuất tội danh và khung hình phạt truy tố, dù Điều 217 không quy định rõ là đề nghị kết tội có bao gồm là cả đề xuất khung hình phạt hay không? Thực tế bản luận tội của ngành kiểm sát lại hoàn toàn khác với quy định tại Điều 217, vì ở đó không những là đề xuất tội danh, khung hình phạt, mà còn đề xuất mức án, hình phạt, trách nhiệm dân sự và những vấn đề cần phải giải quyết khác trong vụ án. Như vậy, trong khi chưa làm sáng tỏ các tình tiết, chứng cứ còn mâu thuẫn nhưng đã đề xuất cụ thể, chi tiết về mức án, chắc chắn sẽ chi phối đến hoạt động xét xử và tuyên án của Hội đồng xét xử. Hơn nữa, nó còn tạo lợi thế cho kiểm sát viên và gây áp lực cho việc thực hiện quyền bào chữa. Điều đó còn làm cho phiên tòa thiếu tính sinh động.
Mặt khác, còn thấy rằng thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm đã rất coi trọng bản luận tội của kiểm sát viên – nó được xem là cơ sở cho các bên dựa vào đó tranh biện. Ngay cả trong thủ tục đối đáp, bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác khi trình bày ý kiến cũng được luật đặt ra là xoay quanh bản luận tội. Điều này chưa hẳn đã tích cực, vì nếu như người tham gia tố tụng đưa ra ý kiến tranh luận mà phụ thuộc, xoay quanh lời luận tội thì họ bị bó hẹp trong vấn đề đánh giá chứng cứ và bị giảm đi lợi thế. Bên cạnh đó, Điều 217 không quy định hình thức luận tội phải bằng văn bản, mà có thể bằng lời nói. Đáng quan tâm là trên thực tế không ít trường hợp kiểm sát viên đọc bản luận tội đã chuẩn bị sẵn, không dựa vào diễn biến của phiên tòa.
Hai là, về lời bào chữa: Lời bào chữa được thực hiện sau lời luận tội của kiểm sát viên. Nếu người bào chữa có mặt tại phiên tòa thì người bào chữa sẽ trình bày lời bào chữa cho bị cáo, bị cáo bào chữa bổ sung. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã không đặt ra trường hợp có nhiều người bào chữa cho một bị cáo, thì thực hiện việc trình bày lời bào chữa ra sao? Trường hợp người bào chữa cho bị cáo không có mặt tại phiên tòa, nhưng quan điểm của họ vẫn được thực hiện thông qua bản bào chữa được gửi trước, tuy nhiên lại xảy ra trường hợp quan điểm trong bản bào chữa không phù hợp với quan điểm của bị cáo tại phiên tòa thì giải quyết như thế nào?
Cần lưu ý là trường hợp bị cáo không nhờ người bào chữa, thì họ phải tự bào chữa hoặc lựa chọn phương thức từ chối bào chữa và chủ tọa phiên tòa không buộc bị cáo phải trình bày lời bào chữa. Bên cạnh đó, lưu ý đến trường hợp bào chữa bắt buộc theo khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là bị cáo được nhà nước cử người bào chữa, nhưng vẫn cố tình từ chối, mà vẫn không yêu cầu thay đổi, lựa chọn người bào chữa khác. Trường hợp này Bộ luật Tố tụng hình sự chưa đưa ra phương thức xử lý.
1.2. Về thủ tục đối đáp
Sau lời luận tội của kiểm sát viên, lời bào chữa của người bào chữa và ý kiến của bị cáo, người tham gia tố tụng khác, các bên thực hiện việc đối đáp về những tình tiết, chứng cứ còn có mâu thuẫn, xung đột trong quan điểm. Nếu không có hoạt động đối đáp thì mâu thuẫn không được làm rõ, dẫn đến không thể đưa ra các kết luận, đánh giá về những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án. Đối đáp còn tạo cơ hội thuận lợi cho bị cáo và người tham gia tố tụng được lập luận không bị hạn chế về thời gian, được trình bày hết ý kiến và đưa đề xuất của mình; đặc biệt là bên buộc tội phải có trách nhiệm trả lời, giải thích lý do buộc tội, sự khác biệt trong quan điểm từ phía người bào chữa và người bị buộc tội và người tham gia tố tụng khác. Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bắt buộc kiểm sát viên phải đưa ra lập luận đối với từng ý kiến. Về phía người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác tại phiên tòa. Về phía chủ tọa phiên tòa không được can thiệp vào quá trình tranh luận của các bên, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án.
Không thể không lưu ý đến mặt kỹ thuật lập pháp qua việc sử dụng các thuật ngữ tại Điều 218 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có mâu thuẫn. Đó là Hội đồng xét xử (HĐXX) “có quyền đề nghị” và kiểm sát viên “phải đáp lại”. Nếu chủ tọa phiên tòa đề nghị thì không bắt buộc kiểm sát viên phải thực hiện, nhưng đi đôi với đề nghị lại buộc kiểm sát viên phải đáp lại. Rõ ràng là không hợp lý, vì với nhiệm vụ điều khiển phiên tòa thì HĐXX phải có thẩm quyền độc lập, trực tiếp yêu cầu kiểm sát viên phải đáp lại ý kiến của người tham gia tố tụng, nếu như kiểm sát viên chưa thực hiện đầy đủ. Mặt khác, nội hàm của thuật ngữ “có quyền trình bày ý kiến về luận tội” tại Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự đã không phản ánh đầy đủ tính chất của cuộc tranh biện gay cấn của người bào chữa đối với luận điểm truy tố của kiểm sát viên.
1.3. Trở lại việc xét hỏi
Trong quá trình tranh luận các bên không được xét hỏi, nhưng HĐXX vẫn có thể quyết định trở lại việc xét hỏi khi cần xem xét thêm chứng cứ. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận. Thủ tục này là hết sức cần thiết, vì nếu việc xét hỏi thiếu sót thì phần tranh luận sẽ không toàn diện. Điều 219 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thể hiện sự bất cập, đó là chỉ xác lập quyền quyết định trở lại xét hỏi thuộc về HĐXX mà không quy định kiểm sát viên, người bào chữa được yêu cầu HĐXX thực hiện việc đó.
1.4. Xem xét việc rút truy tố
Theo quy định tại Điều 221, Điều 217 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì cùng với việc luận tội nếu kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án HĐXX yêu cầu những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến về việc rút đó. Khi nghị án, nếu HĐXX cho rằng việc rút quyết định truy tố đúng đắn thì ra bản án tuyên bị cáo vô tội; nếu thấy bị cáo có tội và rút quyết định truy tố không đúng, thì quyết định tạm đình chỉ việc xét xử và kiến nghị lên kiểm sát viên cấp trên. Điểm bất cập là, khi kiểm sát viên rút quyết định truy tố, nhưng HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án hoặc kiến nghị lên kiểm sát viên cấp trên. Đáng lẽ ra, kiểm sát viên rút quyết định truy tố phần nào, thì HĐXX chỉ được xét xử phần còn lại, và nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì vụ án phải được tuyên bố bị cáo vô tội, chứ không phải HĐXX lựa chọn là tiếp tục xét xử. Như vậy thẩm quyền của Tòa án trong vấn đề rút quyết định truy tố đã mâu thuẫn với chức năng xét xử. Vì giới hạn xét xử và quyền công tố của kiểm sát viên đặt ra yêu cầu nếu không có buộc tội thì không phát sinh việc xét xử. Ở cơ sở thực tiễn, không nên lo ngại việc rút quyết định truy tố tùy tiện, bởi vì pháp luật tố tụng hình sự đã tạo ra nhiều quy phạm tổng hợp, như quyền kháng cáo, kháng nghị, chế độ kiểm tra, giám sát, trách nhiệm pháp lý ràng buộc đối với người tiến hành tố tụng.
2. Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về các quy định thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm
Một là, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về trình tự phát biểu khi tranh luận: Khoản 1 Điều này quy định rõ kiểm sát viên trình bày lời luận tội trong đó kết luận về tội danh và khung phạt mà bị cáo đã phạm, thay vì quy định cũ là kết tội dựa theo nội dung cáo trạng. Dùng thuật ngữ pháp lý “kết luận” thay cho “đề nghị” là hợp lý hơn, nhằm tránh cho việc kiểm sát viên tạo ra áp lực đến HĐXX và việc thực hiện quyền bào chữa. Vì thực hiện chức năng buộc tội, qua một quá trình đưa ra luận điểm truy tố, hay nói cách khác là bảo vệ cáo trạng, thì kiểm sát viên chỉ nên đưa ra ý kiến kết luận, còn việc kết tội nên để HĐXX cân nhắc một cách khách quan, mà trước đó không nên tạo ra áp lực hay định kiến nào. Cần đề cập thêm rằng trên thực tế tất cả các bản luận tội của kiểm sát viên được trình bày tại phiên tòa hình sự sơ thẩm đều có nội dung đề xuất với HĐXX cả về mức án, cách thức xử lý trách nhiệm dân sự, vật chứng vụ án…, trước khi bước vào cuộc tranh luận, đã gây ra áp lực cho việc thực hiện quyền bào chữa; đồng thời, bổ sung vào khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thủ tục trình bày lời bào chữa đối với nhiều người bào chữa bảo vệ cho một bị cáo. Cụ thể khoản 1, khoản 2 Điều 217 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 217. Trình tự phát biểu khi tranh luận
1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa. Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, kết luận tội danh, khung hình phạt và hành vi bị cáo đã thực hiện; Kiểm sát viên có thể kết luận bị cáo phạm tội khác và khung hình phạt khác với quyết định truy tố, nhưng phải tuân thủ Điều 196 của Bộ luật này về giới hạn của việc xét xử; nếu thấy không có căn cứ buộc tội thì kết luận bị cáo không phạm tội và rút toàn bộ quyết định truy tố.
…
2. Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Trường hợp bị cáo có nhiều người bào chữa thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu người bào chữa cử một người trình bày lời bào chữa, người bào chữa khác bổ sung. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa”.
Hai là, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về đối đáp. Theo đó khắc phục thực trạng quy định của Điều luật này đã không ràng buộc được kiểm sát viên phải đáp lại đầy đủ ý kiến của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác trong quá trình tranh luận; cũng như nội hàm của thuật ngữ “có quyền trình bày ý kiến về luận tội” đã không phản ánh đầy đủ tính chất của cuộc tranh biện gay cấn của người bào chữa đối với luận điểm truy tố của kiểm sát viên, do đó cần phải thay đổi thuật ngữ này cho phù hợp. Cụ thể Điều 218 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 218. Đối đáp
Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra ý kiến tranh biện trở lại lời luận tội của kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến.
…
Chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên đáp lại đầy đủ”.
Ba là, kiến nghị bổ sung Điều 219 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về trở lại việc xét hỏi. Theo đó bổ sung quy định kiểm sát viên, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác được đề nghị HĐXX trở lại việc xét hỏi. Thẩm quyền này không nên chỉ do HĐXX đơn phương áp dụng, mà phải dựa vào đề nghị của các chủ thể đảm trách việc xét hỏi, tranh luận như kiểm sát viên và người bào chữa. Vì họ là các bên chịu trách nhiệm chứng minh tại tòa, do đó họ trực tiếp phát hiện và cần thiết phải trở lại xét hỏi hay không, do đó họ có quyền đề nghị HĐXX quay trở lại xét hỏi, để khắc phục việc xét hỏi thiếu sót, phiến diện. Cụ thể, Điều 219 được bổ sung như sau:
“Điều 219. Trở lại việc xét hỏi
Theo đề nghị của kiểm sát viên, người bào chữa hoặc nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận”.
Bốn là, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về “Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn”, trên cơ sở loại bỏ Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về “Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa”. Vì cùng một vấn đề được điều chỉnh tản mạn ở nhiều điều luật là không bảo đảm kỹ thuật lập pháp. Theo đó khắc phục mâu thuẫn về thẩm quyền của Tòa án trong vấn đề rút quyết định truy tố. Đó là kiểm sát viên đã rút quyết định truy tố nhưng HĐXX vẫn tiến hành xét xử là mâu thuẫn với chức năng xét xử. Vì giới hạn xét xử và quyền công tố của Viện kiểm sát đặt ra yêu cầu, nếu không có buộc tội thì không phát sinh việc xét xử. Cụ thể Điều 221 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Nếu kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố thì Tòa án xét xử phần còn lại, nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Tòa án phải tuyên bố bị cáo không phạm tội. Điều 221 được thiết kế như sau:
“Điều 221. Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn
1. Khi kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử xét xử phần còn lại không bị rút; nếu kiểm sát viên kết luận về tội nhẹ hơn tội đã truy tố bị cáo, thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.
2. Trong trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút truy tố đó; sau khi những người này đưa ra ý kiến Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội và giải thích cho bị cáo và người tham gia tố tụng khác về quyền được kháng cáo quyết định tuyên bố bị cáo không phạm tội”.
ThS. Nguyễn Ngọc Kiện
Trường Đại học Luật – Đại học Huế
Tham khảo thêm:
- Giải quyết tranh chấp lao động ở Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí trong mối quan hệ với luật có liên quan
- Một số kiến nghị về dự thảo Luật Phí và lệ phí
- Đàm phán là biện pháp tối ưu trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông
- Nâng cao chất lượng văn bản quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Sự tham gia của Viện kiểm sát trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn
- Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng bằng biện pháp bảo lãnh từ những nguyên lý trái quyền
- Hoàn thiện một số nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội
- Bình luận và kiến nghị về “thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm” trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng