Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hành chính được hiểu là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản được hiểu là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Từ khái niệm nêu trên cho thấy, “vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản” có 04 dấu hiệu cơ bản sau đây:
(i) Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản là hành vi trái pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản; nguy hại (tính nguy hiểm) cho xã hội do hành vi gây ra ở mức độ thấp, không đáng kể, chưa hoặc không cấu thành tội phạm hình sự và hành vi đó được quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản (Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã). Đây chính là dấu hiệu “pháp định” của vi phạm.
(ii) Hành vi vi phạm phải là một hành vi khách quan đã được thực hiện (hành động hoặc không hành động), phải là một việc thực, chứ không phải chỉ tồn tại trong ý thức hoặc mới chỉ là dự định, đây có thể coi là dấu hiệu “vật chất” của vi phạm.
(iii) Hành vi vi phạm do một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện, đây là dấu hiệu xác định “chủ thể” của vi phạm.
(iv) Hành vi vi phạm là hành vi có lỗi, tức là người vi phạm nhận thức được vi phạm của mình, hình thức lỗi có thể là cố ý, nếu người vi phạm nhận thức được tính chất trái pháp luật trong hành vi của mình, thấy trước hậu quả của vi phạm và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc ý thức được hậu quả và để mặc cho hậu quả xảy ra; hình thức lỗi là vô ý trong trường hợp người vi phạm thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng chủ quan cho rằng, mình có thể ngăn chặn được hậu quả hoặc không thấy trước hậu quả sẽ xảy ra dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả của vi phạm.
2. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
Tại khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
2.1. Thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là một trong những vấn đề quan trọng của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính nói chung, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán đấu giá tài sản nói riêng. Người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản được pháp luật quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính, các điều 66, 67, 72, 73 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngành Tư pháp, bao gồm: (i) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (ii) Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp; (iii) Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp. Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt nêu trên, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình cũng có quyền xử phạt.
Cũng theo quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 66, Điều 67 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 54/2014/NĐ-CP, những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: (i) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (ii) Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp; (iii) Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp.
2.2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó, một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2.3. Hình thức xử phạt trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
Theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, thì các hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá có thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng và thời hạn 12 tháng. Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
2.4. Các biện pháp khắc phục hậu quả
Theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, thì các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: Hủy bỏ giấy tờ giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản.
3. Các giai đoạn áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
Áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản là một hình thức thực hiện pháp luật, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chức năng tổ chức và quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Thông qua hình thức này, các quy định pháp luật được đưa vào cuộc sống một cách triệt để và chính xác, ý chí Nhà nước trở thành hiện thực nhằm đảm bảo cho bộ máy nhà nước, các tổ chức và mọi công dân hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật; bảo vệ kịp thời và có hiệu quả lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính đúng người, đúng hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt cần nắm vững và thực hiện đúng quá trình áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Có thể phân quá trình áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản thành các giai đoạn sau:
3.1. Phân tích, đánh giá những tình tiết khách quan của vụ việc
Đây là khâu đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với việc áp dụng pháp luật. Để giải quyết vụ việc chính xác và đúng đắn chủ thể áp dụng pháp luật phải hiểu được bản chất của vụ việc, làm rõ tính chất pháp lý của nó, nắm vững các tình tiết và xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ việc. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng những biện pháp chuyên môn để xác định độ tin cậy của các chứng cứ, tài liệu. Đây là cơ sở thực tế để áp dụng pháp luật đúng đắn và chính xác.
3.2. Lựa chọn quy phạm pháp luật cần áp dụng
Đây là giai đoạn tiếp theo của quá trình áp dụng pháp luật. Sau khi đã xác định đầy đủ các dấu hiệu (đặc trưng) pháp lý của vụ việc đang xem xét, người có thẩm quyền phải lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để giải quyết vụ việc đó. Trước hết, cần xác định vụ việc đó có thuộc sự điều chỉnh của pháp luật bán đấu giá tài sản và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP hay không. Sau đó, cần xác định lựa văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh quan hệ pháp luật đó. Sau khi tìm được quy phạm pháp luật thích hợp, người có thẩm quyền phải nghiên cứu để hiểu chính xác nội dung của quy phạm đó. Đây là hoạt động tư duy của chủ thể áp dụng pháp luật trên cơ sở các phương pháp giải thích pháp luật như: Phương pháp lôgíc, phương pháp giải thích về mặt văn phạm, phương pháp giải thích về mặt lịch sử, phương pháp giải thích hệ thống… Việc lựa chọn quy phạm pháp luật cần áp dụng phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Văn bản quy phạm pháp luật đã lựa chọn là văn bản chính thức và đang còn hiệu lực thi hành. Trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh về một vấn đề, thì văn bản lựa chọn phải là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trường hợp cùng một vấn đề lại có hai văn bản cùng một cơ quan ban hành thì văn bản nào ban hành sau cùng là văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng.
– Quy phạm pháp luật lựa chọn để áp dụng phải là quy phạm pháp luật đang có hiệu lực ở thời điểm xảy ra vụ việc đang xem xét giải quyết.
3.3. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình áp dụng pháp luật, phản ánh kết quả của các giai đoạn áp dụng pháp luật trước đó.
Ở giai đoạn này, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của bên tham gia quan hệ pháp luật, những biện pháp hay trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm.
Văn bản áp dụng pháp luật thể hiện trình độ và năng lực của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thông qua quyết định xử phạt vi phạm hành chính, những tình tiết của vụ việc được đánh giá chính thức về mặt pháp lý, các quyền và nghĩa vụ pháp lý được quy định trong các quy phạm pháp luật được cụ thể hóa trong từng trường hợp cụ thể.
Yêu cầu đặt ra đối với việc ra văn bản áp dụng pháp luật là quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, đúng với quy phạm pháp luật được áp dụng. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng thời hạn, đúng hình thức (tên gọi, hình thức thể hiện) và nội dung của văn bản phải rõ ràng, chính xác về vụ việc, chủ thể cụ thể và chỉ áp dụng một lần.
3.4. Tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm các hoạt động tổ chức nhằm đảm bảo về mặt kỹ thuật, vật chất để bảo đảm cho việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính được đầy đủ, đúng đắn và chính xác.
Theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.
Đoàn Văn Hường
Tham khảo thêm:
- Bàn về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử
- Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử
- Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp
- Báo cáo thống kê thi hành án dân sự – Một số vấn đề từ thực tiễn
- Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ”
- Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự
- Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự
- Lợi ích, khó khăn và một số kiến nghị cho Việt Nam trong quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN
- Cần xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực
- Những điểm mới cơ bản trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương