Một số vướng mắc trong việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Đồng Nai và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi

Một số vướng mắc trong việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Đồng Nai và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi

24/12/2015

1. Một số vướng mắc trong việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua

Kể từ khi Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31/12/2013 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các văn bản này quy định cụ thể, rõ ràng về các giấy tờ, trình tự, thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân trong việc xác lập hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cũng như tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch nói chung và lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng. Ngày 31/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (gọi tắt là Nghị định số 126/2014/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định này đã tạo một bước chuyển mới tích cực hơn đối với hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch cùng với sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã áp dụng và triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho công dân thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu và tạo sự hài lòng của người dân về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2015, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận và xử lý 2456 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Qua thẩm tra, xác minh, các hồ sơ tiếp nhận đều hợp lệ và được giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định. Riêng chỉ có một trường hợp qua xác minh của cơ quan công an phát hiện đương sự dùng tên của người khác để đăng ký kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh sang nước ngoài. Một số hồ sơ qua phỏng vấn cho thấy hai bên nam, nữ thật sự chưa hiểu rõ về nhau. Về vấn đề này, ngoài việc tiến hành phỏng vấn lại, Sở Tư pháp đã phối hợp với cơ quan công an để xác minh làm rõ theo quy định.

Sở Tư pháp luôn quan tâm chú trọng việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, vì vậy, thông qua việc giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với công dân nước ngoài nói chung, ngoài sự chủ động của Sở Tư pháp trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong quá trình giải quyết theo từng sự vụ, lãnh đạo Sở Tư pháp đã chỉ đạo cán bộ hộ tịch có sự trao đổi về mặt trái của thực trạng kết hôn có yếu tố nước ngoài, chú trọng công tác tuyên truyền với nữ công dân Việt Nam hoặc qua quá trình phỏng vấn luôn nhấn mạnh về mục đích của việc kết hôn, sự tự nguyện kết hôn. Nhưng thực tế, các công dân nữ Việt Nam đều thể hiện sự tự nguyện và mong muốn được kết hôn, nên đây là điều khó khăn phần nào trong việc từ chối việc đăng ký kết hôn nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Bởi vì, kết hôn là quyền tự do cá nhân của mỗi công dân, đây là quyền công dân được pháp luật bảo hộ tại Hiến pháp năm 2013. Do đó, xuất phát từ yếu tố chủ quan của mỗi công dân nữ Việt Nam trong việc kết hôn, Sở Tư pháp vẫn giải quyết cho các trường hợp nếu hồ sơ, giấy tờ đầy đủ và hợp lệ; không có cơ sở để từ chối việc đăng ký kết hôn của đương sự.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật gặp một số vướng mắc sau:

– Tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định: “Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn chưa hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phỏng vấn trước”. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa sát hợp với thực tiễn tức là nếu 2 bên thật sự hiểu về nhau thì mới thể hiện sự tự nguyện kết hôn, còn việc chưa hiểu rõ về hoàn cảnh của nhau – đây được xem là nội hàm của việc kết hôn nhằm mục đích vụ lợi hay mục đích khác, không phải vì xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nếu tiến hành phỏng vấn lại thì đương sự có sự chuẩn bị mang tính đối phó, vì bản thân họ tìm mọi cách để được kết hôn nhằm mục đích trục lợi. Do đó, quy định nêu trên chưa thể hiện được chế tài của pháp luật trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài (nếu qua phỏng vấn phát hiện có sự giả tạo trong mục đích đăng ký kết hôn).

Đồng thời, trên cơ sở nội dung trên, nếu phát hiện có dấu hiệu môi giới kết hôn nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo… theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, thì Sở Tư pháp xác minh làm rõ và gửi cơ quan công an xác minh hồ sơ. Cơ quan công an chỉ phúc đáp đương sự có vướng mắc về hình sự, hành chính, dân sự trong thời gian cư trú tại địa phương, nhưng chưa làm rõ được đương sự có thể hiện sự tự nguyện kết hôn hay không. Đối với mục đích kết hôn, “tự nguyện” mới là yếu tố quan trọng, chủ yếu gắn liền với việc xây dựng một gia đình hạnh phúc, điều này được thể hiện rõ tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Theo đó, Sở Tư pháp căn cứ vào kết quả phúc đáp của cơ quan công an, vẫn công nhận việc đăng ký kết hôn của đương sự.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan công an thì Sở Tư pháp có văn bản nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo bản chụp hồ sơ đăng ký kết hôn gửi cơ quan công an cùng cấp đề nghị xác minh trong thời gian 7 ngày làm việc. Nếu quá thời hạn theo quy định trên, thì Sở Tư pháp vẫn trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét công nhận.

Việc quy định trên, vô hình chung tạo kẽ hở cho việc “lách luật”, nếu hết thời hạn 7 ngày làm việc, Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận việc kết hôn, có thể rơi vào trường hợp việc dùng hồ sơ, giấy tờ giả mạo để đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi.

Để khắc phục tình trạng công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài không nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc mà nhằm mục đích vụ lợi khác, Sở Tư pháp đã có sự chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bằng nhiều hình thức như thông qua việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp để giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng việc lợi dụng đăng ký kết hôn nhằm mục đích vụ lợi khác của tất cả các trường hợp.

2. Đề xuất hoàn thiện

Để góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

– Tạo sự chủ động của cán bộ phỏng vấn trong việc đề xuất giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn cho đương sự. Tức là, chỉ thông qua việc phỏng vấn trực tiếp, cán bộ phỏng vấn mới nhận thấy rõ thái độ, tâm lý, cách ứng xử của đương sự. Từ đó, có cơ sở nhận định được sự tự nguyện kết hôn hay không và tham mưu trình người có thẩm quyền xem xét, công nhận việc đăng ký kết hôn.

– Qua quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn của đối tượng là người nước ngoài thì hồ sơ, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chưa thể hiện được tính xác thực về tình trạng hôn nhân của đương sự. Có trường hợp, đương sự đã kết hôn và ly hôn (có bản án ly hôn) nhưng hồ sơ độc thân lại thể hiện đương sự chưa kết hôn lần nào. Điều này có thể dẫn đến trường hợp, nếu hồ sơ thể hiện đương sự còn độc thân trong khi đang có vợ hoặc chồng một cách hợp pháp thì Sở Tư pháp căn cứ vào giấy tờ do đương sự cung cấp một cách hợp lệ để công nhận việc kết hôn. Hoặc nếu xác minh thì chỉ xác minh tình trạng nhân thân của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Ngoại giao thống nhất và làm rõ hơn tình trạng hôn nhân đối với hồ sơ độc thân của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài. Chẳng hạn như: đối với hồ sơ Đài Loan, tình trạng hôn nhân được thể hiện trong Bản sao hộ tịch; hồ sơ Hàn Quốc thì được thể hiện trong Giấy chứng nhận quan hệ hôn nhân. Điều này tạo thuận lợi trong việc xác định tình trạng hôn nhân của đương sự.

– Nên tăng thời hạn xác minh hồ sơ của cơ quan công an.

– Đề nghị làm rõ hơn thành phần hồ sơ khi đăng ký kết hôn có cần Giấy xác nhận của Trung tâm tư vấn – Hội Liên hiệp Phụ nữ hay không đối với trường hợp có sự chênh lệch tuổi, vì theo hướng dẫn của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực thì việc lấy ý kiến của Trung tâm tùy thuộc vào nhu cầu của đương sự.

Văn Hồng Tiến

Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai

Tham khảo thêm:

1900.0191