Xây dựng pháp luật về án treo, nhìn từ góc độ xã hội học và xã hội học pháp luật
Pháp luật nói chung và pháp luật về án treo nói riêng là lĩnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc được quyết định bởi cơ sở hạ tầng, do các điều kiện kinh tế – xã hội quy định. Quá trình ra đời, phát triển của pháp luật và của án treo là một quá trình xã hội, do quá trình xã hội quyết định. Chế định về án treo được quy định trong Bộ luật Hình sự không đơn thuần là do các nhà làm luật tự đặt ra mà nó xuất phát từ thực tiễn các quan hệ xã hội, thông qua tri thức con người biến thành ý chí và quy định thành luật. Hay nói cách khác, quá trình phát triển của xã hội và thực tiễn các quan hệ xã hội quy định sự hình thành pháp luật về án treo và quy định tính chất của án treo. Nguồn gốc các quy định pháp luật về án treo (luật thực định) là trên cơ sở các quan hệ xã hội thực tế đang tồn tại (hay còn gọi là pháp luật tự nhiên), phản ánh đòi hỏi của cuộc sống. Vì vậy, việc duy trì hay bổ sung, thay đổi các quy định về án treo cũng đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội. Việc xây dựng pháp luật về án treo là một hoạt động của pháp luật, một dạng của hoạt động xã hội, nó có mọi dấu hiệu của hoạt động xã hội. Do đó, nghiên cứu pháp luật về án treo không chỉ đơn thuần là lý luận, mà phải xem xét mối liên hệ giữa pháp luật về án treo với tư cách là một hiện tượng xã hội với xã hội, phải xuất phát từ xã hội học thì mới làm rõ được tính khoa học, giá trị thực tiễn về chế định án treo cũng như những mặt tích cực và hạn chế trong việc ban hành pháp luật về án treo.
1. Điều kiện hình thành và phát triển pháp luật về án treo
Dưới góc độ xã hội học và xã hội học pháp luật, pháp luật về án treo (hay còn gọi là pháp luật thực định) được hình thành và phát triển từ các điều kiện sau đây:
Một là: Điều kiện kinh tế – xã hội. Đây là tiêu chí quyết định đến mọi quan hệ xã hội khác và quyết định tính chất của kiến trúc thượng tầng, trong đó có pháp luật. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hậu quả để lại rất nặng nề, đời sống nhân dân còn nhiều cơ cực, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường hội nhập quốc tế, tình hình tội phạm càng phức tạp, tinh vi hơn. Xã hội học pháp luật nghiên cứu từ mối quan hệ này trên nền tảng xã hội học thấy được rằng: Một con người phạm tội trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn sẽ khác với một con người phạm tội trong điều kiện no ấm, giàu có; vì thế, pháp luật cần phân loại, điều chỉnh cho phù hợp. Trên tinh thần đó, Đảng, Nhà nước ta thể hiện một chính sách khoan dung, độ lượng qua việc ban hành pháp luật về án treo bên cạnh các quy định khác của pháp luật để phản ánh và điều chỉnh các quan hệ nảy sinh từ thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội. Điều đó có nghĩa là việc xây dựng pháp luật về án treo không thể thoát ly khỏi các quan hệ xã hội đang tồn tại thực tế.
Hai là: Điều kiện về địa lý. Việt Nam với 54 dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền đất nước; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và hiểu biết pháp luật có sự chênh lệch lớn giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh. Mỗi một vùng, miền có một nét đặc trưng riêng về văn hóa. Thực tế xã hội cho thấy: Đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều người nhận thức lạc hậu, kém hiểu biết về pháp luật, còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán lạc hậu và đó là những nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội. Xã hội học cho thấy rõ điều đó, vì thế nghiên cứu xã hội học pháp luật sẽ có sự đánh giá cụ thể làm nền tảng cho việc xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật về án treo. Quan điểm nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta là: Đối với những người nhận thức pháp luật hạn chế, văn hóa thấp mà phạm tội thì khi lượng hình Tòa án cần phải đánh giá một cách toàn diện để quyết định hình phạt, trong đó có việc áp dụng án treo nếu họ hội tụ đủ các điều kiện do pháp luật quy định.
Ba là:Điều kiện về nhân khẩu học. Trong đời sống vật chất của xã hội, yếu tố nhân khẩu học thể hiện ở độ tuổi, giới tính, tác động của họ đối với xã hội. Kết quả điều tra xã hội học chỉ ra rằng: Độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và năng lực hành vi của con người, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khả năng nhận thức khác so với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người chưa thành niên khả năng nhận thức khác với những người đã thành niên. Về giới tính thì nam giới khác nữ giới. Một người phụ nữ mang thai khi phạm tội hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội là những tình tiết giảm nhẹ để Tòa án quyết định hình phạt… Đây là một thực tiễn gắn liền với đời sống xã hội; đòi hỏi xã hội học pháp luật phải nghiên cứu, xây dựng các quy phạm pháp luật phù hợp để điều chỉnh. Quan điểm nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta thể hiện rất rõ trong Bộ luật Hình sự đối với điều kiện này; đồng thời pháp luật về án treo cũng không nằm ngoài chương trình xây dựng pháp luật để điều chỉnh những nảy sinh từ thực tiễn của nhân tố nhân khẩu học trong đời sống xã hội. Các bị cáo vị thành niên, phụ nữ phạm tội khi mang khai… trong nhiều trường hợp được Tòa án cho hưởng án treo.
Bốn là: Điều kiện về môi trường sống của con người. Xã hội học pháp luật phải nghiên cứu con người sinh ra trong hoàn cảnh nào, chịu sự tác động của các nhân tố tích cực lẫn tiêu cực, trên cơ sở đó mới xây dựng những quy phạm pháp luật phù hợp, có khả năng điều chỉnh được quan hệ xã hội cụ thể của nó. Một con người sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình khá giả, học hành đến nơi đến chốn, được giáo dục nề nếp thì khả năng vi phạm pháp luật sẽ thấp hơn những người sinh ra và lớn lên trong môi trường nghèo khó, thiếu học hành, thiếu giáo dục. Một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sống lang thang nay đây mai đó, không được học hành thì khả năng vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với một đứa trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn… Vì thế, việc xây dựng pháp luật phải tính tới môi trường sống của con người, một quan hệ xã hội có sự tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách và án treo được ban hành cũng không ngoài mục đích thể hiện tính nhân đạo của pháp luật đối với những người phạm tội trong môi trường này khi đủ các điều kiện do pháp luật quy định.
Như vậy, có thể nói rằng cùng với nhân tố kinh tế còn có các nhân tố địa lý, môi trường sống, nhân khẩu học đã tạo nên một tiểu hệ thống nhân tố hạ tầng cơ sở đã phản ánh một cách thực tế nhu cầu đời sống xã hội đòi hỏi phải có pháp luật điều chỉnh; trong đó các quy phạm pháp luật không chỉ chứa đựng nội dung trừng trị mà còn chứa đựng cả chính sách nhân đạo, khoan hồng. Thực tiễn xã hội chính là điểm xuất phát của nghiên cứu pháp luật để loại bỏ tình trạng tách rời thực tiễn, lạc hậu so với thực tiễn hay gọi là lý luận suông. Thực tiễn sẽ cung cấp các sự kiện, thực nghiệm cho lý luận. Vì vậy, hoạt động xây dựng pháp luật có hiệu quả đến đâu còn phải căn cứ vào thước đo phản ánh của thực tiễn. Một văn bản quy phạm pháp luật chất lượng, hiệu quả phải đáp ứng đầy đủ các mục đích cơ bản đặt ra; giải quyết tốt các nhân tố xã hội về kinh tế, chính trị, văn hóa, dân tộc…, phải làm sáng tỏ các nhu cầu và lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp, các cộng đồng dân cư… và nói chung là lợi ích của nhân dân. Án treo ra đời và phát triển về khía cạnh nhân đạo đã thỏa mãn các lợi ích đó.
Năm là: Các yếu tố trong tiểu hệ thống các nhân tố thượng tầng kiến trúc, đặc biệt là nhân tố chính trị có tác động rất lớn trong việc hoạch định chính sách pháp luật cũng như xây dựng pháp luật về án treo.
Hệ thống chính trị là một khái niệm rộng, tập hợp đa lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp xã hội; trong đó lợi ích của giai cấp cầm quyền có tính quyết định, chi phối việc xây dựng pháp luật và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các giai tầng khác trong xã hội. Đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 80 năm qua luôn thể hiện tính nhân đạo cao cả, khoan hồng, độ lượng đối với những người lầm đường lạc lối. Xã hội học pháp luật đã nghiên cứu và thể chế hóa tư tưởng của Đảng thành pháp luật; trong đó có việc xây dựng và ban hành chế định án treo trong Bộ luật Hình sự, để áp dụng đối với những người phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt, biết ăn năn hối cải, gây tác hại không lớn… Như vậy, bản thân chính trị cũng là một yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc do cơ sở hạ tầng quyết định; vì vậy sự chi phối của chính trị đối với pháp luật cũng có nguồn gốc từ thực tiễn đời sống xã hội. Đảng cầm quyền luôn theo dõi, quan tâm đến nhu cầu thực tế của các tầng lớp xã hội để có đường lối lãnh đạo đúng đắn, đáp ứng kịp thời và hài hòa các lợi ích đó, và lẽ dĩ nhiên pháp luật phải thể hiện ý chí của giai cấp thống trị thông qua sự quản lý của nhà nước pháp quyền.
2. Mối quan hệ giữa xã hội học pháp luật và xã hội học trong việc xây dựng pháp luật về án treo
Pháp luật ra đời từ trong xã hội, thực tiễn đời sống xã hội nảy sinh nhiều nhân tố mà việc nghiên cứu xây dựng pháp luật cần phải xem xét một cách đầy đủ. Thực tiễn đời sống xã hội cho thấy, cần phải có chế định về án treo để áp dụng đối với những người phạm tội khi đủ các điều kiện nêu trên. Vì thế, xã hội học pháp luật phải nghiên cứu, khảo sát và đánh giá có cần thiết phải ban hành chế định án treo hay không để phản ánh lại nhu cầu của xã hội. Trong hơn 70 năm qua, kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, chế định án treo đã hình thành và phát triển theo chiều dài của lịch sử, luôn luôn có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Điều đó chứng tỏ rằng, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành chế định án treo là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm, truyền tải được tư tưởng nhân đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nhân dân. Xã hội học pháp luật là một dạng của xã hội học, vì thế nó chịu sự quyết định của xã hội học. Bản thân các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội… khi nghiên cứu, xây dựng và ban hành pháp luật nói chung cũng như pháp luật về án treo nói riêng không phải muốn là được mà phải xem xét xã hội có cần pháp luật về án treo hay không. Vì thế, quan hệ giữa xã hội học pháp luật với xã hội học trong việc xây dựng và ban hành chế định án treo là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại theo một quy luật: Các quan hệ xã hội quyết định việc nghiên cứu, ban hành pháp luật về án treo; còn việc nghiên cứu, ban hành pháp luật về án treo tác động trở lại đời sống xã hội, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển. Cụ thể ở đây là: Làm cho người được hưởng án treo thấy được tính nhân đạo của pháp luật, yên tâm cải tạo, sớm hoàn lương và không tái phạm, đó chính là sự tác động tích cực. Trong trường hợp ngược lại, sự tác động tiêu cực sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội, cụ thể là sẽ làm cho người được hưởng án treo không thấy được tính nhân đạo của pháp luật, dễ tái phạm… Nhìn từ góc độ xã hội học và xã hội học pháp luật thì án treo trong hơn 70 năm qua tác động tích cực đến đời sống xã hội, vì thế nó luôn tồn tại và phát triển.
Ngoài ra, còn có những nhân tố như: Thực tiễn áp dụng pháp luật về án treo, thi hành án về án treo, ý thức pháp luật của công dân, truyền thống, văn hóa, dân tộc, trình độ dân trí cũng là những yếu tố mà xã hội học pháp luật cần phải nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về án treo.
Tựu trung lại, nhìn từ góc độ xã hội học và xã hội học pháp luật thì án treo không chỉ được nghiên cứu, xây dựng và ban hành tại Việt Nam mà nó còn được nghiên cứu, xây dựng và ban hành ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Trung Quốc, Anh, Mỹ… Điều đó chứng minh được rằng, không chỉ có Việt Nam mà thực tế đời sống xã hội của nhiều nước trên thế giới đều có nhu cầu phải ban hành pháp luật về án treo để điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với nó, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật quốc gia đó. Xã hội học pháp luật dựa vào phương pháp so sánh thấy được ngay cả ở những nước tư bản đều có pháp luật về án treo; thì ở Việt Nam trong điều kiện hiện tại và cả tương lai việc duy trì và hoàn thiện pháp luật về án treo không chỉ là sự cần thiết, một nhu cầu cấp bách mà còn là một tất yếu khách quan.
Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một giai đoạn toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, trong đó có cả toàn cầu hóa pháp luật và nhiều vấn đề xã hội khác; đồng thời xuất phát từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong hơn 70 năm qua có nhiều bất cập, chưa lan tỏa hết các nhu cầu đời sống xã hội. Vì thế trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này theo hướng mở rộng các đối tượng được hưởng án treo, loại bỏ những điều kiện cho hưởng án treo không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những điều kiện mới sát với thực tế hơn… sẽ bao quát hết các yếu tố thuộc nội hàm của án treo, đồng thời giảm tải được việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng và thi hành án treo.
ThS. Nguyễn Văn Bường
Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
Tham khảo thêm:
- Bàn về khái niệm quyết định hành chính
- Một số vấn đề về quyền bào chữa của người bị buộc tội theo quy định của pháp luật quốc tế
- Góp phần hoàn thiện thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam
- Công tác vệ sinh, an toàn lao động đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập
- Nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự – Nhìn từ góc độ cải cách tư pháp
- Vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
- Bàn về quy định tính hiệu lực của Hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn đối chiếu với Hiến pháp một số quốc gia Đông Nam Á
- Bình luận về chế định hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự
- Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của người lao động trong xử lý kỷ luật lao động
- Nâng cao vai trò hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân trong điều kiện cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay