Cơ sở pháp lý đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam
Lịch sử cho thấy, lâu nay con người luôn có ý thức về sự tham gia của mình vào môi trường thiên nhiên, cái quyết định cuộc sống của họ. Những ghi chép cổ xưa trong các tôn giáo khác nhau đã chứng tỏ điều này. Trong các sách kinh về sự hình thành, có một điểm chung giữa các đạo Do thái, Thiên chúa giáo và Hồi giáo là Chúa trời trao cho con người quyền thống trị muôn loài, tạo ra sự liên kết không chỉ với con người mà còn với các loài chim, gia súc và các động vật hoang dã [1]. Trong đạo phật, một văn bản có từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên đã dẫn một lời nói dành cho một vị vua để nhắc nhở ông ta rằng, các loài chim ở trên trời và các loài thú vật cũng có quyền sống và quyền tự do di chuyển giống như chính nhà vua: Trái đất thuộc về loài người và tất cả các sinh vật sống, nhà vua chỉ là người canh giữ [2]. Nhiều nền văn minh khác cũng thừa nhận một mối liên hệ huyền bí giữa họ với thiên nhiên, những thuyết về vũ trụ bắt đầu bằng sự kết hôn giữa Mặt đất, Bầu trời và Thời gian. Trong quan niệm của người châu Phi, châu Mỹ hay châu Á, đất là nữ thần mẹ của loài người. Đất vừa sinh ra con người vừa nuôi dưỡng con người. Như vậy, đất rất thiêng liêng và các loài động vật cũng như thực vật xứng đáng được tôn trọng, các buổi lễ hiến tế hay các nghi lễ trước khi săn bắn hay gặt hái đã chứng minh cho điều đó.
Các quan điểm trên cũng đã dần thay đổi cùng với sự xuất hiện của lợi nhuận, chú trọng đến giá trị vật chất, ở những nơi nông nghiệp và công nghiệp phát triển, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã bị đảo lộn. Sự phát triển của kỷ nguyên công nghiệp và những tiến bộ kinh ngạc của khoa học kỹ thuật đã nảy sinh ra một tư tưởng là từ nay con người, những người chủ duy nhất của thế giới, có thể tự cho phép mình làm tất cả và phải làm chủ thiên nhiên. Trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Ăngghen đã cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta, nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác” [3]. Ăngghen khẳng định rằng, do nhận thức được quy luật của tự nhiên mà con người có thể dự báo được những hậu quả do sự tác động của con người vào môi trường thiên nhiên: “Nhưng nếu chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy” [4].
Để giải đáp các thách thức mà ô nhiễm môi trường, suy thoái hay sự cố môi trường đã đặt ra, sau những lời cảnh báo của các nhà khoa học từ những năm 1960, chúng ta cần nhắc lại quan điểm chung của một số nước trên thế giới đã thúc đẩy các Chính phủ quan tâm đến tình trạng của môi trường. Các dòng nước, đại dương, khí quyển, hệ động thực vật hoang dã không có biên giới: Sự tác động chính bên trong một quốc gia có thể gây ra những hậu quả cho môi trường ở bên ngoài biên giới nước đó hoặc tại lãnh thổ của nước khác hoặc trên bề mặt biển. Theo cách nhìn này, hiện tượng thủy triều đen bị gây ra bởi các tai nạn tràn dầu và vụ tai nạn Tchernobyl năm 1986 chính là những lời cảnh báo nghiêm trọng. Như vậy mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khoẻ con người và chất lượng môi trường ngày càng trở nên hiển nhiên hơn.
Ở Việt Nam trong thời gian gần đây, người dân luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do các hoạt động phát triển kinh tế gây ra và công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Môi trường vẫn từng ngày, từng giờ bị chính các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân làm ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là kết quả tất yếu của sự thiếu ý thức tôn trọng môi trường thiên nhiên ở nước ta. Nếu những hành vi của con người phù hợp với quy luật của tự nhiên thì môi trường sẽ là người bạn tốt, đầy thiện chí, ngược lại, những hành vi trái với quy luật tự nhiên thì sức trả thù của môi trường sẽ lớn hơn bất cứ lực lượng xã hội nào [5].
2. Nhận thức về quyền được sống trong môi trường trong lành
Hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp luôn góp phần bảo đảm thực hiện những nguyên tắc cơ bản của pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam, trong đó có nguyên tắc “bảo đảm và ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của con người”. Khái niệm quyền về môi trường xuất hiện lần đầu tiên trên bình diện quốc tế, đó là Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và con người (Hội nghị Stockhom năm 1972) nêu rõ: “Con người có quyền cơ bản được tự do, bình đẳng và được hưởng đầy đủ các điều kiện sống trong một môi trường chất lượng cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm trong bảo vệ và cải thiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau” [6]. Quyền về môi trường cũng được ghi nhận tại Hiến chương châu Phi về các quyền của con người và các dân tộc năm 1981, Điều 24 quy định: “Tất cả các dân tộc có quyền có một môi trường thỏa mãn và toàn cầu, có lợi cho sự phát triển của họ”; Điều 11 Nghị định thư bổ sung Hiệp ước châu Mỹ về các quyền của con người về kinh tế, xã hội và văn hoá được thông qua tại San Salvador ngày 17/11/1988 đã mang đến những chỉ dẫn bổ sung. Nó cũng thừa nhận: “Quyền có một môi trường trong lành: (i) Tất cả mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và hưởng những trang thiết bị chung chủ yếu; (ii) Các nước thành viên khuyến khích việc bảo vệ, bảo tồn và cải thiện môi trường”.
Hiệp ước châu Phi về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và sự phát triển, được thông qua ngày 11/7/2003 tại Maputo, là văn bản quốc tế hoàn chỉnh nhất về điểm này: “Bằng việc sử dụng các biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu của Hiệp ước này và thực thi những điều khoản của nó, các nước thành viên sẽ được chỉ dẫn bởi: (i) Quyền của tất cả các dân tộc có môi trường thỏa mãn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của họ; (ii) Nghĩa vụ của các nước, một cách cá nhân hay tập thể, phải bảo đảm việc thực hiện quyền phát triển; (iii) Nghĩa vụ của các nước phải làm thỏa mãn các nhu cầu về phát triển và môi trường theo cách bền vững, đúng và cân bằng”. Hai phương diện của quyền về môi trường: Quyền của tất cả mọi người và nghĩa vụ của Nhà nước, nằm trong Hiến pháp của rất nhiều nước theo cách toàn bộ hoặc tách rời các phương diện trên. Chúng ta cũng có thể nhắc lại rằng Điều 24 của Hiệp ước ngày 20/11/1989 về các quyền của trẻ em quy định các nước phải có nghĩa vụ đưa ra các biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em, đặc biệt bằng cách chú trọng đến các vấn đề nguy hiểm và các nguy cơ gây ra bởi ô nhiễm môi trường. Cũng như thế, Hiệp ước 169 của Tổ chức Lao động quốc tế về các dân tộc bản xứ tại các nước độc lập bắt buộc các nước thành viên phải thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường của các dân tộc này [7]. Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển – Hội nghị Rio de Janeiro năm 1992 cũng khẳng định: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên”. Như vậy, thực hiện tốt pháp luật bảo vệ môi trường, trên một bình diện nào đó đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền được sống trong một môi trường với chất lượng đạt tiêu chuẩn cho phép, cuộc sống được bảo đảm lành mạnh, hữu ích và được hài hòa với môi trường thiên nhiên.
3. Thực trạng vấn đề bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam
Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam nói riêng liên quan trực tiếp đến lợi ích của con người: Môi trường là không gian tồn tại của con người, là nơi con người khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nơi cung cấp cơ sở vật chất cho con người tồn tại và phát triển đồng thời cũng là nơi tiếp nhận tất cả những chất thải do con người loại ra. Môi trường thực sự đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Do vậy, để bảo vệ tốt quyền được sống trong môi trường trong lành, quan hệ giữa các chủ thể phải được thực hiện dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định, đó chính là pháp luật bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường có hiệu quả, ngăn ngừa và giảm thiểu đến mức tối đa các tác động tiêu cực đến con người và sinh vật và được thực hiện trong một trật tự nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị, thông qua hệ thống các quy phạm pháp luật để thể chế các quan điểm, đường lối, chính sách của mình liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, quy định quy trình thực hiện hoạt động ngăn ngừa, hạn chế, xử lý ô nhiễm môi trường; quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ bảo vệ môi trường và trách nhiệm pháp lý khi thực hiện những vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Với các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay có thể thấy, chúng ta chưa xây dựng được một khung pháp luật thực sự hoàn thiện trên lĩnh vực này. Thực tế, trong hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã manh nha hình thành cơ chế bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành từ những năm 1990 khi yêu cầu này xuất hiện và được thể hiện trong đạo luật đầu tiên về bảo vệ môi trường ở nước ta vào năm 1993. Tiếp đó, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành đã được xác định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đặc biệt là trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đối chiếu những quy định đó trong thực tiễn áp dụng chúng ta sẽ thấy được những kết quả đã đạt được đồng thời còn tìm ra nhiều điểm bất cập cần được khắc phục, giải quyết. Chúng tôi xin đề cập một số hạn chế, bất cập chủ yếu như sau:
Một là, các quy định về hoạt động đánh giá môi trường còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập dẫn tới khó khăn trong hoạt động bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường ở Việt Nam. Thực tế, đối với nhiều dự án, việc thực hiện các quy định pháp luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn mang nặng tính hình thức. Tồn tại tình trạng nhiều báo cáo ĐTM quá kém về chất lượng.
Hai là, trong thời gian qua, việc phát triển kinh tế mạnh mẽ ở nước ta là nguyên nhân phát sinh ngày càng lớn lượng chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường và sức khỏe của người dân. Có thể thấy rõ các quy định về quản lý chất thải đã được Nhà nước ban hành cơ bản và đi vào cuộc sống, tuy nhiên, các quy định này còn chưa được hoàn thiện và chưa được thực thi triệt để trên thực tế. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế triển khai thực hiện, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc triển khai không hiệu quả hoặc không thể phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về một số nội dung chủ yếu về quản lý chất thải như nhân lực, bộ máy tổ chức, trình độ, các hướng dẫn kỹ thuật… vẫn còn thiếu, dẫn đến các hoạt động khó triển khai, đặc biệt đối với công tác quản lý chất thải nguy hại. Đối với chất thải rắn hiện nay còn nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, như hệ thống tổ chức và phân công trách nhiệm quản lý chất thải rắn đang được kiện toàn và phân công tương đối cụ thể từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn còn phân tán, chồng chéo và nhiều lỗ hổng.
Ba là,những hạn chế trong việc xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường là các quy định khá quan trọng mà các cơ quan nhà nước cần phải quy định để đánh giá, kiểm soát sự thay đổi của môi trường, là cơ sở pháp lý để nhà nước kiểm soát những tác động tiêu cực gây ra cho môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế ở nước ta. Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 thì quy chuẩn kỹ thuật môi trường được hiểu là quy định mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng đối với các chủ thể có liên quan. Có thể thấy, khái niệm về quy chuẩn kỹ thuật môi trường còn khá mới mẻ ở Việt Nam, vì thế đã gây khó khăn, lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy trình xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường còn nhiều vướng mắc, bất cập, mất nhiều thời gian. Các tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiểu về vấn đề này để tham gia vào quá trình xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chưa chú trọng đóng góp ý kiến.
Bốn là,chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được quy định tập trung vào một đầu mối thống nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên vẫn chưa thật sự triệt để. Vì hiện nay, việc quản lý tài nguyên vẫn còn được quy định rải rác phân bổ cho các bộ, ngành khác nhau, do vậy vấn đề phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả.
Năm là, những vướng mắc trong vấn đề xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Có thể nhận thấy tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm pháp luật môi trường rất cao. Nhìn chung, công tác xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đã được các cơ quan chức năng cố gắng thực hiện và đã có được những kết quả nhất định, tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau: Đơn cử như năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc kiểm tra chưa được thường xuyên, sát sao; chưa kịp thời phát hiện và xử lý được nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường mang tính nghiêm trọng; thực tế hiện nay, các mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung là còn quá nhẹ, không hợp lý và còn nhiều điểm quy định rất chung chung. Ngay cả các quy định về tội phạm môi trường với các mức xử lý các cá nhân vi phạm cũng còn rất thấp… Do đó, trong thời gian qua, có rất nhiều tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định này mà vẫn thường xuyên tái phạm vì tiền phạt quá nhẹ so với kinh phí trang thiết bị đầu tư cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường. Vì vậy, sự nghiêm minh và tính răn đe của pháp luật chưa được phát huy hiệu lực. Giải pháp đề ra là, trong thời gian tới, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung các mức xử phạt đúng đắn, sát với tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý trong vấn đề bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân Việt Nam.
TS. Lê Kim Nguyệt
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ (2002), Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
[2]. George Turnour (1837), Mahvamsa 14 Chapters, Cotto.
[3]. C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 654, 655.
[4]. C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 655, 656.
[5]. Phan Văn Thạng (2011), Mối quan hệ giữa con người và môi trường trong sự phát triển bền vững ở nước ta nhìn từ góc độ xã hội học, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, 18a, tr. 251.
[6]. Xem: Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và con người, Nguyên tắc 1, (1995), Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 11.
[7]. Quy định tại khoản 1 Điều 4 Hiệp ước 169 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Tham khảo thêm:
- Lạng Sơn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
- Thực trạng bán hàng đa cấp ở TP. Hồ Chí Minh
- Một số bất cập về cách tính thời hạn khởi kiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
- Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
- Một số kết quả sau 2 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- Quy định của pháp luật về tặng cho tài sản ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam
- Thực tiễn công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài có khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự
- Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay – Một số vấn đề đặt ra
- Luật Lý lịch tư pháp – Một số bất cập khi áp dụng trong thực tế
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử – Một số bất cập và hướng hoàn thiện