Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

21/08/2015

Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP) đã tạo ra những chuyển biến mới và tích cực cho hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng. Sau hơn 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP với những kết quả đã đạt được cho thấy, xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản là hướng đi đúng đắn, cần được đẩy mạnh và phát triển sâu rộng hơn nữa.

Thực hiện xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến giữa năm 2015, toàn tỉnh có 03 tổ chức bán đấu giá tải sản với 06 đấu giá viên đang hoạt động, được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và phương tiện làm việc phục vụ cho công tác đấu giá. Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản dần đi vào nề nếp, hướng tới chuyên nghiệp hóa, phục vụ đắc lực cho nhu cầu bán đấu giá tài sản của Nhà nước, tài sản của các tổ chức, cá nhân, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo sự ổn định trật tự, kỷ cương cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2015, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình và các doanh nghiệp bán đấu giá trên địa bàn tỉnh đã ký 39 hợp đồng bán đấu giá tài sản, bán đấu giá thành 33 hợp đồng với tổng giá trị khởi điểm 137.488.294.000đ, tổng giá trị bán đấu giá thành 170.671.626.000đ, chênh lệch so với giá khởi điểm là 13.223.362.000đ. Đây là kết quả đáng phấn khởi cho thấy thị trường bán đấu giá tài sản đã có những tín hiệu khởi sắc.

Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình là đơn vị sự nghiệp duy nhất trực thuộc Sở Tư pháp có chức năng bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Sau khi triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, phát huy những kết quả và kinh nghiệm qua các năm trước đó, trên nguyên tắc làm việc công khai, linh hoạt và hiệu quả, Trung tâm luôn là đơn vị dẫn đầu về số lượng hợp đồng bán đấu giá (chiếm khoảng trên 50% số lượng hợp đồng bán đấu giá trên toàn tỉnh). Trong đó, có nhiều hợp đồng đấu giá ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa với tổng giá trị tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đồng thời, với sự ra đời của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã tạo ra môi trường kinh doanh dịch vụ rộng mở và có sức hút, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường bán đấu giá tài sản. Từ đó đặt ra yêu cầu cho mỗi đơn vị bán đấu giá phải nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư đổi mới trang thiết bị và hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động chuyên môn của mình… từng bước nâng cao chất lượng của dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Công ty dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình là một trong những đơn vị đầu tiên được thành lập theo Luật Doanh nghiệp sau khi có NĐ 17/2010/NĐ-CP. Công ty sở hữu thế mạnh của một doanh nghiệp trẻ năng động với đội ngũ nhân sự được đào tạo chính quy về chuyên môn và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, vì thế tạo được uy tín trên thị trường bán đấu giá tỉnh nhà. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, số tiền bán đấu giá thu được là 146.687.036.000đ, đặc biệt giá trị chênh lệch so với giá khởi điểm là 13.010.744.000đ, là thành công đáng được ghi nhận của đơn vị, góp phần tăng thu ngân sách cho các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn gặp không ít khó khăn. Các tổ chức bán đấu giá tài sản phân bổ chưa đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố có điều kiện phát triển về kinh tế – xã hội. Công tác chỉ đạo của các huyện, thành phố đối với hoạt động bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bán đấu giá quyền sử dụng đất chưa được thường xuyên, liên tục. Việc thực hiện quy định của Nghị định về tổ chức bán đấu giá tài sản ở một số địa phương còn chưa nghiêm; còn tình trạng vi phạm thẩm quyền, trình tự, thủ tục bán đấu giá. Công tác phối hợp kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản của các ngành, các cấp chưa chặt chẽ. Xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản. Các tổ chức bán đấu giá tài sản còn hạn chế về số lượng, năng lực và sức cạnh tranh thấp, cơ sở vật chất, trụ sở của một số doanh nghiệp còn nhiều bất cập; đội ngũ đấu giá viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống pháp luật bán đấu giá tài sản chưa hoàn thiện, thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc tổ chức bán đấu giá tài sản ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhiều lúng túng, một số nội dung chưa rõ ràng như: Quy định xã hội hoá hoạt động bán đấu giá tài sản chưa chặt chẽ; phát triển tổ chức đấu giá chưa theo quy hoạch, điều kiện thành lập doanh nghiệp đấu giá còn quá dễ; thiếu những chế tài mạnh xử lý các hành vi vi phạm trong đấu giá tài sản… Bên cạnh đó, nhận thức của một số ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về bán đấu giá tài sản chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm chỉ đạo sát sao; địa phương chưa chủ động được nguồn đào tạo đấu giá viên; việc ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản là mối quan hệ hợp đồng dân sự nên công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này gặp không ít trở ngại; quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản còn bất cập…

Để đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bán đấu giá tài sản; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về bán đấu giá tài sản; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động bán đấu giá tài sản. Cùng với đó, Sở Tư pháp cũng kiến nghị cần sớm ban hành Luật Bán đấu giá tài sản; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về bán đấu giá tài sản và các nghiệp vụ khác về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản; bổ sung biên chế đối với tổ chức bổ trợ tư pháp để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.

Đoàn Thị Ngọc Hải

Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Tham khảo thêm:

1900.0191