Kinh nghiệm thừa nhận và sử dụng luật tục ở một số quốc gia trên thế giới
Trong các xã hội tiền nhà nước, luật tục giữ vai trò thống trị. Cũng như ở Việt Nam, các dân tộc ở các nước trên thế giới đều có luật tục riêng của mình để điều chỉnh các quan hệ trong cộng đồng tộc người.
Khái niệm luật tục được các nhà khoa học nước ta bàn luận nhiều, nhưng về cơ bản thống nhất khái niệm được đưa vào Từ điển Luật học: “Luật tục là những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc do các cộng đồng làng xã xây dựng nên và được truyền từ đời này sang đời khác”(1). Luật tục có thể tồn tại bằng truyền miệng hoặc có thể được ghi bằng văn bản. Luật tục là pháp luật của các cộng đồng làng xã hoặc của cả một cộng đồng dân tộc thiểu số. Luật tục, khi có nội dung phù hợp với tiến bộ xã hội, tạo được công bằng, công lý và trật tự xã hội, thì được Nhà nước thừa nhận và trở thành pháp luật tập quán, còn nếu cổ hủ, lạc hậu hoặc mang tính chất mê tín dị đoan thì sẽ bị Nhà nước cấm đoán(2).
Luật tục hay tập quán pháp, tương đương với các thuật ngữ nước ngoài “Customary laws”, “Folk laws” là một hiện tượng xã hội phổ biến của nhân loại ở thời kỳ phát triển tiền công nghiệp và còn tồn tại đến ngày nay trong nhiều tộc người trên thế giới, nhất là ở châu Á và châu Phi(3). Cho đến thế kỷ XIX, các chính phủ thực dân trên toàn thế giới chủ yếu quan tâm đến việc kiểm soát các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển các thuộc địa thương mại thành các thuộc địa sản xuất, các chính quyền thuộc địa ngày càng tiếp xúc với người dân bản địa nhiều hơn. Trong các nỗ lực, nhằm giành quyền kiểm soát, họ phải xác định mối quan hệ của họ đối với những hệ thống pháp luật và chính trị hiện hành. Nhìn chung, họ kiềm chế không can thiệp vào luật gia đình nhưng họ không thể đơn giản bỏ mặc cho luật tục điều chỉnh các đối tượng khác, chẳng hạn như Luật Hình sự và Luật Ruộng đất có liên quan đến vị trí chính trị và kinh tế của các chính quyền thực dân và các mối quan hệ kinh tế của họ với người địa phương.
Các cường quốc thực dân khác nhau có chính sách rất khác nhau. Với truyền thống tập trung hóa của mình, Cộng hòa Pháp là một điển hình cho thái cực nỗ lực trong việc giảm bớt quyền lực của các hệ thống luật hiện hành của Nhà nước thuộc địa. Vương quốc Anh lại ở một thái cực khác, họ rất chú trọng đến việc thống trị một cách gián tiếp, nhưng đồng thời công nhận luật tục một cách rộng rãi. Hà Lan có một quan điểm dung hòa, cũng như ở các nước thuộc địa khác, ở Hà Lan đã diễn ra các cuộc tranh luận về thể chế và phạm vi ảnh hưởng của cái gọi là luật “Adat” của những người Anh Điêng ở Đông Hà Lan(4).
Sau khi giành độc lập, các quốc gia mới phải xem xét lại hình thức và tình trạng trật tự pháp luật của họ, phần lớn các nước lựa chọn chính sách Mẫu quốc thực dân và thuần túy tiếp quản luật thực dân trước đây, kể cả chính sách công nhận luật tục. Một số nước, trong đó có Malawi, cố gắng thiết lập một trật tự pháp lý có tính “bản địa” hơn. Về danh nghĩa, Indonesia tuyên bố đã bản địa hóa hệ thống pháp luật của mình; trên thực tế, đất nước này vẫn tiếp tục phát triển theo hướng thống nhất pháp luật mà đã được khởi xướng bởi Chính phủ của những người Anh Điêng ở Đông Hà Lan.
Ở các nước có dân bản xứ như: Canada, Hoa Kỳ, New Zealand và một số nước ở Mỹ La tinh, nhân quyền, đặc biệt là việc bảo vệ quyền văn hóa và quyền tự quyết của người dân bản xứ đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận hiện nay. Cuộc tranh luận cũng được tiến hành trong bối cảnh quản lý về tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Các nhóm người bản địa đang cố gắng phát triển các hình thức quản lý “bản địa” đối với rừng nhiệt đới, đất và nước, đồng thời kêu gọi công nhận các quyền của các cộng đồng địa phương. Vấn đề đa dạng pháp luật không chỉ hạn chế ở mối quan hệ giữa luật pháp và luật tục. Ở nhiều nước, có phần đông dân số là Hồi giáo, nhiều người đã lên tiếng đòi hỏi sử dụng Luật Hồi giáo để thay thế cho luật quốc gia. Thông thường, đây chính là hành động phản ứng lại chính sách thế tục hóa trước đây đã từng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Nepal, Luật Hindu được coi là cơ sở cho hệ thống luật của Nhà nước. Ở cả Nepal và Ấn Độ, sự đa dạng của Luật Hindu và Luật Hồi giáo địa phương là một đặc điểm của một hệ thống pháp luật của các quốc gia này(5).
Dòng pháp luật châu Âu lục địa (Civil Law) đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của tập quán pháp luật. Có quan điểm xã hội học pháp luật cho rằng, tập quán đóng vai trò chủ đạo trong các nguồn của pháp luật, chính tập quán là nền tảng của pháp luật, xác định các phương pháp áp dụng, phát triển của pháp luật do thẩm phán, học thuyết đưa ra. Đối với quan điểm trên, trường phái pháp luật thực định phủ nhận vai trò của tập quán. Cả hai trường phái nêu trên, hoặc quá tả hoặc quá hữu đều không có quan điểm đúng đắn về tập quán pháp luật. Tập quán không phải là yếu tố chính và đầu tiên của pháp luật, nó chỉ là một trong những yếu tố tìm ra giải pháp công minh để giải quyết các vấn đề pháp luật. Trên thực tế, các nước theo truyền thống Civil Law đều thừa nhận tập quán là những nguyên tắc xử sự hình thành một cách tự phát, tồn tại lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành thói quen tự nhiên và mang tính bắt buộc chung như quy phạm pháp luật.
Nguồn của hệ thống pháp luật Anh gồm hai loại nguồn chính là luật thành văn và luật bất thành văn. Luật thành văn là các đạo luật do Nghị viện và các văn bản phụ trợ do Chính phủ ban hành. Luật bất thành văn bao gồm hai bộ phận: Một là, các tập quán phổ biến từ thời thượng cổ (Common Law); Hai là, các tập quán hoặc luật lệ địa phương (Particular Customs or Laws) có ảnh hưởng tới những người sống ở một vùng nhất định nào đó.
Để được coi là tập quán pháp địa phương phải thỏa mãn một số tiêu chí. Thứ nhất, tập quán đó phải mang tính cổ xưa, nghĩa là phải tồn tại từ lâu đời. Thứ hai, tập quán đó phải có tính trường tồn, tức là tập quán đó phải tồn tại lâu dài và có khả năng tiếp tục tồn tịa trong tương lai. Thứ ba, tập quán đó phải được đón nhận một cách tự nguyện, hay nói cách khác là tập quán đó phải tồn tại công khai và không bị cộng đồng địa phương phủ nhận. Thứ tư, tập quán đó phải có lý, điều đó không bắt buộc chứng minh rằng có những lý do chính đáng cho việc áp dụng một tập quán nào đó mà chỉ cần tập quán đó không đi ngược lại lẽ phải. Thứ năm, tập quán đó phải mang tính chắc chắn, không thể thay đổi. Thứ sáu, tập quán đó phải mang tính phù hợp, không đi ngược lại những tập quán khác.
Trong lịch sử, những tập quán quan trọng nhất của Anh là tập quán thương mại đã được đưa vào trong án lệ và hình thành nên Luật Thương mại và sau này đã được pháp điển hóa thành Luật Hối phiếu năm 1882.
Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa là hệ thống pháp luật gắn liền với hệ tư tưởng Mác – Lê Nin về nguồn gốc, bản chất, hình thức nhà nước và pháp luật, gắn liền với Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời, phát triển của Nhà nước xã hội chủ nghĩa(6). Nguồn của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa rất rộng, trong đó có tập quán pháp luật. Các tập quán pháp luật thể hiện ở các lệ làng, hương ước, luật tục. Trên thực tế, một số quốc gia đã nghiên cứu, thể chế hóa một số tập quán phù hợp vào luật pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Nguồn của hệ thống pháp luật Hồi giáo bao gồm Kinh Coran và Sunna; nguồn phát sinh bao gồm Jima và Qias. Kinh Coran là cuốn kinh thánh của đạo Hồi được viết bằng tiếng Ả Rập. Kinh Coran hình thành từ những gì mà Mohammed tuyên đọc hay đọc lại những lời của thượng đế khi thuyết giảng. Kinh Coran gồm 114 chương, chia thành các tiết với 6.237 đoạn thơ. Kinh Coran nêu ra rất nhiều các luật lệ mà các tín đồ Hồi giáo phải một mực tuân thủ. Trong kinh Coran chỉ có rất ít đoạn có thể áp dụng như quy phạm pháp luật. Những đoạn này thường không đủ độ chính xác và cụ thể như những quy phạm pháp luật và điều chỉnh nhiều vấn đề như: Hiến pháp (10 đoạn); quyền dân sự (70 đoạn); nhân thân (70 đoạn); hình sự (30 đoạn); thủ tục tư pháp (13 đoạn)…; Sunna có nghĩa là “con đường quen đi” là lối sống, cách hành xử của nhà tiên tri Mohammed. Sunna bao gồm những hành động cụ thể, những lời khuyên dạy hoặc cấm đoán xuất phát trực tiếp từ Mohammed. Sunna là nguồn luật quan trọng của Islam sau kinh Coran. Jima được sử dụng để giải thích các nguồn luật cơ bản, thực chất nó là quan điểm chung, các giải pháp pháp lý cho những tình huống mới do các học giả Hồi giáo đưa ra. Jima gần giống như tập quán nhưng không phải là tập quán. Qias thực chất là phương pháp suy luận tương tự để giải thích luật. Bằng phương pháp này, các luật gia có thể “kết hợp ý chí của thần thánh với lý trí của con người”. Qias được cộng đồng Hồi giáo tuân thủ nhờ dựa trên kinh Coran và Sunna.
Ở Nhật Bản, tập quán pháp được hiểu là những quy tắc xử sự được xã hội tuân thủ mặc dù không được bất cứ cơ quan công quyền nào đặt ra. Tập quán được coi là nguồn luật nếu tập quán đó chưa được pháp luật quy định đồng thời không trái với trật tự công cộng hoặc trái với quy phạm đạo đức, không bị bãi bỏ bởi bất cứ quy định pháp luật nào do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc được pháp luật quy định cụ thể về việc áp dụng tập quán đó. Về nguyên tắc, tập quán chỉ là nguồn luật phụ trợ và thẩm phán chỉ áp dụng tập quán pháp khi không có quy định trong luật thành văn. Vì vậy, luật có giá trị ràng buộc cao hơn tập quán, nhưng trong lĩnh vực dân sự, có những trường hợp tập quán cao hơn luật.
Tập quán (Adat) có vai trò khá quan trọng trong hệ thống pháp luật Indonesia. Tập quán điều chỉnh phạm vi rất lớn các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế…, thậm chí cả trong nhiều giao dịch thương mại. Ngày nay ở Indonesia, luật của người Minangkabau đang được tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc. Thế hệ trẻ của Minangkabau được đào tạo theo định kỳ. Một phòng ban về chữ viết của Minangkabau được thành lập ở Khoa Chữ viết Đại học Andalas. Việc giảng dạy các tập tục Minangkabau cũng được đưa vào chương trình giảng dạy trung học, trung học cơ sở và tiểu học(7).
Ở Malaysia, tập quán là một trong những nguồn luật quan trọng. Mỗi địa phương có những tập quán riêng, một số tập quán có giá trị áp dụng và được các Tòa án thừa nhận và áp dụng như các quy định của pháp luật trong các văn bản thành văn và các án lệ. Ở miền Tây Malaysia, các tập quán được áp dụng trong hoạt động của Tòa án chủ yếu là các tập quán về sở hữu đất đai và thừa kế. Có hai loại tập quán ở vùng này được áp dụng ở các bang khác nhau là tập quán theo chế độ mẫu hệ (hai bang Negeri Sembilan và Naning) được áp dụng chủ yếu ở hai bang Negeri Sembilan và Naning. Các tập quán ở miền Đông của Malaysia gắn liền với người dân địa phương, chủ yếu được áp dụng ở nông thôn hai Bang Sabah và Sarawak. Tòa án áp dụng các tập quán này là Tòa án của người bản xứ. Một trong những tập quán đặc trưng của vùng này là Tòa án có thể quyết định việc bồi thường thiệt hại được trả bằng hiện vật có giá trị tương đương với mức thiệt hại.
Tìm hiểu ở nước nước láng giềng Lào cho thấy, luật tục của các bộ tộc Lào điều chỉnh hầu hết cuộc sống cộng đồng, trong đó có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước. Người Lào và một bộ phận người Thái ở Thái Lan có “hiit sip soong” và “khoong sip sii” với nhiều nét tương đồng với người Thái ở Việt Nam vẫn luôn tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng địa phương(8).
Như vậy, trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã và đang phát triển luật tục theo cách riêng của mình. Điều này chứng tỏ, tập quán hay luật tục là một thiết chế quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội của các quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Mặt khác, tập quán, luật tục là một trong những nguồn của pháp luật, được nhiều quốc gia sử dụng để góp phần quản lý xã hội có hiệu quả hơn. Trong yêu cầu hội nhập quốc tế, chúng ta thấy rằng, nhiều quốc gia, dân tộc đang bỏ công sức, tiền của để nghiên cứu văn hóa các tộc người trên thế giới nói chung và khoa học nghiên cứu nhân chủng học nói riêng, để rồi đưa ra những kết luận xác đáng về nguồn gốc của con người, của tộc người,… Do vậy, việc Việt Nam nghiên cứu luật tục của các dân tộc thiểu số và hương ước của người Việt, trong đó, có luật tục Thái là con đường, định hướng chung của nhiều nhà khoa học và nhiều quốc gia trên thế giới trong chiến lược nghiên cứu khoa học nói chung. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, xu thế của thế giới là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, quốc gia mình để nhằm khẳng định mình, thúc đẩy lòng tự hào dân tộc phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và việc giao lưu văn hoá quốc tế.
Luật tục là một hiện tượng thuộc thượng tầng kiến trúc đã hình thành, phát triển cùng sự hành thành và phát triển của xã hội loài người. Với những đặc điểm riêng, luật tục có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật và nó sẽ còn tồn tại lâu dài, giữ vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm điều hòa, cân bằng xã hội trong cộng đồng các dân tộc ít người, trở thành bản sắc văn hóa của từng tộc người, cùng tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Từ điển Luật học, (2006), Nxb. Từ điển bách khoa, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội.
2. Nxb. Chính trị Quốc gia (2000), Luật tục và phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội, tr. 528.
3. Chương trình Thái học Việt Nam – Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, Các tập Kỷ yếu hội thảo Thái học lần thứ nhất (1991); lần thứ hai (1998); lần thứ ba (2002), lần thứ tư (2006); lần thứ năm (2009); lần thứ sáu (2012).
4. Viện nghiên cứu văn hóa dân gian (2000), Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Luật tục và phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội, 2000.
6. C. Mác và Ph.ăng-ghen (1998), Về quyền con người, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7. Hoàng Trinh (2000), Bản sắc dân tộc và hiện đại hóa trong văn hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng (2003), Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
Vi Văn Sơn
Tham khảo thêm:
- Tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và quá trình đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường
- Đảm bảo hiệu quả của các hình phạt chính không tước tự do trong luật hình sự Việt Nam
- Bàn về chống tham nhũng trong đầu tư công ở Việt Nam
- Xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 2013
- Yêu cầu hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam
- Bàn về quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước
- Một số vấn đề về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở
- Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay
- Các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân