Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 – Cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam
1. Bối cảnh ra đời của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015[1]
Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên, thiên nhiên phong phú, đa dạng. Mặc dù trong nhưng năm qua, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, cùng với tính chất liên thông của biển thì trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản.
Trước tình hình đó, ngày 06/3/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm thực hiện, hiệu quả thực hiện của Nghị định này còn hạn chế. Nghị định số 25/2009/NĐ-CP chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo và do tính pháp lý thấp nên không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định.
Để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từng bước hoàn thiện pháp luật để quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo thì việc nhanh chóng xây dựng, ban hành các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo với tầm pháp lý đủ mạnh để triển khai một cách có hiệu quả là yêu cầu bức thiết.
2. Một số nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 gồm có 10 chương 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Luật quy định về một số nội dung chính sau đây: (1) Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo quy định về: Nguyên tắc, căn cứ lập và kỳ chiến lược; nội dung của chiến lược; lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược; (2) Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; (3) Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; (4) Quản lý tài nguyên hải đảo quy định về: Yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo; lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo; (5) Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển; (6) Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; (7) Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; (9) Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
3. Vai trò, ý nghĩa của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam
Theo phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm ở biển và quy định chi tiết về ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. Trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển…Với phạm vi điều chỉnh và những quy định mới được thể chế hóa thành luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, việc thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo của nước ta. Cùng với Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 vận dụng hiểu quả, nhất quán những nguyên tắc quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, cụ thể: (i) Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật; (ii) Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố; (iii) Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; (iv) Thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật này; (v) Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; (vi) Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật; (vii) Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật; (ix) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Đây là lần đầu tiên các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên vùng biển và hải đảo Việt Nam được pháp điển hóa thành một điều luật trong một văn bản có giá trị pháp lý cao. Quy định này góp phần ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây thiệt hại đến môi trường biển và hải đảo; xâm phạm hệ sinh thái biển, hải đảo cũng như các hoạt động giữ vững an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, hải đảo Việt Nam.
Thứ ba, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 là cơ sở để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo.
Vùng biển Việt Nam là vùng biển mới nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, là một trong những trục hàng hải có lưu lượng tàu bè qua lại rất lớn, trong đó 70% là tàu chở dầu. Vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là rất cao. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tràn dầu, đặc biệt là ở khu vực biển miền Trung. Từ năm 1989 đến nay đã có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, các vụ tai nạn đều đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu, chủ yếu là do quá trình vận chuyển dầu và va chạm tàu trên biển.
Sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi ô xy giữa không khí và nước, làm giảm ô xy trong nước, làm cán cân điều hóa ô xy trong hệ sinh thái bị đảo lộn. Ngoài ra, dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái, có thể gây suy vong hệ sinh thái. Bởi dầu chứa nhiều thành phần khác nhau, làm biến đổi, phá hủy cấu trúc tế bào sinh vật, có khi gây chết cả quần thể. Dầu thấm vào cát, bùn ở ven biển có thể ảnh hưởng trong một thời gian rất dài. Đã có nhiều trường hợp các loài sinh vật chết hàng loạt do tác động của sự cố tràn dầu. Điều đáng báo động nữa là dầu lan trên biển và dạt vào bờ trong thời gian dài không được thu gom sẽ làm suy giảm lượng cá thể sinh vật, gây thiệt hại cho ngành khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Dầu gây ô nhiễm môi trường nước làm cá chết hàng loạt do thiếu ôxy hòa tan. Dầu bám vào đất, kè đá, các bờ đảo làm mất mỹ quan, gây mùi khó chịu đẫn đến doanh thu của ngành du lịch cũng bị thiệt hại nặng nề. Nạn tràn dầu còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển. Do dầu trôi nổi làm hỏng máy móc, thiết bị khai thác tài nguyên và vận chuyển đường thủy[2].
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 đã dành riêng một mục ở Chương VI quy định về việc ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển. Theo đó, mục này quy định về: Nguyên tắc ứng phó, khắc phục sự cố; Phân cấp ứng phó sự cố; Xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động; Tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố; Trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển. Với sự phân công rõ trách nhiệm của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các bộ ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh và chủ cơ sở gây ra sự cố, việc ứng phó sự cố tràn dầu và các chất độc hại trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biển theo hướng tích cực, góp phần khắc phục tối đa những thiệt hại do dầu tràn gây ra đối với các vùng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, Luật cũng quy định về việc nhận chìm ở biển tại mục 3 Chương VI. Theo đó, hoạt động nhận chìm ở biển chỉ được tiến hành khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Vật chất được nhận chìm ở biển phải đảm bảo các yêu cầu: Không chứa chất phón xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bảo đảm không tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản; Không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế – xã hội; Thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. Với những quy định như vậy, các hoạt động nhận chìm ở biển trong thời gian tới sẽ được quản lý và kiểm soát chặt chẽ tranh những tổn thương cho hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến việc khai thác các tiềm năng của biển mang lại.
Thứ tư, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định cụ thể về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhưng chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do tính pháp lý thấp, không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định. Còn Luật Biển Việt Nam năm 2012 mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ. Đến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 thì tất cả những nội dung, vấn đề quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được quy định trong Luật là: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm biển và hải đảo; quản lý tài nguyên hải đảo; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Thực thi phương thức quản lý tổng hợp, tài nguyên biển và hải đảo sẽ được quản lý thống nhất theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý.
Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo thể chế hóa trong Luật bảo đảm yêu cầu không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Thứ năm, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 góp phần nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ an ninh trên các vùng biển, hải đảo.
Hoạt động nghiên cứu khoa học biển được Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định tại Chương III (Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo). Bên cạnh việc cấp phép cho các tổ chức Việt Nam tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học biển thì vấn đề hợp tác quốc tế trong công tác này cũng được chú trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển là rất cần thiết, trước tiên là giúp các nhà khoa học Việt Nam nhanh chóng tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, học hỏi được kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức các công việc nghiên cứu trên biển, thu nhận các tư liệu, thông tin quan trọng do các đối tác nước ngoài cung cấp thông qua hợp tác.Hơn nữa hợp tác quốc tế cũng đồng thời góp phần làm lành mạnh các mối quan hệ phức tạp và căng thẳng trên Biển Đông, giúp Việt Nam tỏ rõ thiện chí của mình trong quá trình hội nhập toàn cầu, góp phần hiện thực hóa các qui định, thỏa thuận và luật pháp quốc tế về biển. Đặc biệt, trước tình hình phức tạp ở biển Đông hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động, sáng tạo trong tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu về biển của thế giới và khu vực. Đồng thời, Việt Nam cần tạo ra được một trật tự pháp lý trên vùng biển quốc gia để lập lại kỷ cương trong hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo, đồng thời phải hỗ trợ khả năng hội nhập quốc tế phù hợp với tinh thần chung của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)[3].
Cùng với đó để bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Luật cũng quy định rõ những nghĩa vụ mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học trên các vùng biển Việt Nam: (i) Tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ được tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không được tiến hành hoạt động khác ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép; (ii) Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải; thiết lập khu vực an toàn hàng hải xung quanh thiết bị nghiên cứu; báo hiệu hàng hải; duy trì liên lạc và tuân thủ các quy định khác của pháp luật về hàng hải của Việt Nam; (iii) Không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam và các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam; không được mang vào vùng biển Việt Nam vũ khí, vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp vật liệu nổ, hóa chất độc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép sử dụng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học; (iv) Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp hoạt động nghiên cứu khoa học gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; (v) Hoạt động nghiên cứu khoa học phải được thực hiện với phương thức và phương tiện thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan; (vi) Bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết bao gồm cả chi phí cho ít nhất 02 nhà khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cử tham gia nghiên cứu; (vii) Phải thông báo ngay cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có bất cứ thay đổi nào trong quá trình nghiên cứu khoa học so với nội dung, thời hạn đã được cấp phép và chỉ được thực hiện sự thay đổi đó sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; (viii) Khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong thời hạn không quá 30 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có thỏa thuận khác, phải hoàn thành việc tháo dỡ và đưa ra khỏi vùng biển Việt Nam các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học; (ix) Trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cấp phép, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có báo cáo chính thức về kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp các tài liệu, mẫu vật gốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong thời gian tới, triển khai thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp từng bước khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua; giúp cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững biển và hải đảo; là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam năm 2020[4].
Quỳnh Vũ
[1]Giới thiệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Tài liệu họp báo Công bố Luật ngày 17/7/2015.
[2]Những hậu quả ô nhiễm môi trường biển do tràn dầu, đăng tải trên trang web http://www.vietnamplus.vn/nhung-hau-qua-o-nhiem-moi-truong-bien-do-tran-dau/173158.vnp
[3]Nghiên cứu khoa học về biển – Tình yêu và trách nhiệm, đăng tải trên trang web http://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-ve-bien-tinh-yeu-va-trach-nhiem/264188.vnp
[4]Giới thiệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Tài liệu họp báo Công bố Luật ngày 17/7/2015.
Tham khảo thêm:
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Tranh chấp trong kinh doanh và thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
- Người chuyển giới trong đời sống xã hội và pháp luật Việt Nam
- Người chuyển giới và pháp luật thế giới về người chuyển giới
- Thừa phát lại ở Bỉ – Một vài kinh nghiệm cho Việt Nam
- Giao dịch bất động sản qua sàn: “Lợi bất cập hại” giữ hay bỏ?
- Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) – Một số vấn đề cần bàn luận
- Thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính
- Vấn đề sáp nhập doanh nghiệp – trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm, cần được hướng dẫn áp dụng