Quy định của pháp luật về tặng cho tài sản ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam

Quy định của pháp luật về tặng cho tài sản ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam

24/12/2015

1. Pháp luật về tặng cho tài sản của một số quốc gia trên thế giới

1.1. Về khái niệm tặng cho tài sản

Bộ luật dân sự Pháp quy định việc tặng cho tài sản là một phương thức xác lập quyền sở hữu, việc tặng cho được coi như một chứng thư tương tự như di chúc: “Một người chỉ có thể định đoạt tài sản của mình mà không yêu cầu đền bù bằng cách lập chứng thư tặng cho hoặc di chúc” (Điều 893 Bộ luật Dân sự Pháp). Một người đã lập chứng thư tặng cho thì không còn có cơ hội sửa đổi chứng thư đó: “Chứng thư tặng cho là văn bản theo đó bên tặng cho từ bỏ ngay lập tức và vĩnh viễn tài sản tặng cho cho bên được tặng và bên được tặng cho đồng ý nhận” (Điều 894 Bộ luật Dân sự Pháp). Quy định này của Bộ luật Dân sự Pháp khẳng định tặng cho là một giao dịch mang tính chất hợp đồng, nó được thể hiện ý chí của hai bên, bên tặng cho “đoạn tuyệt” với tài sản của mình, bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản đó. Như vậy, việc tặng cho tài sản được Bộ luật Dân sự Pháp quy định bắt buộc phải lập thành văn bản, nên tính chất của hợp đồng tặng cho không bao giờ là hợp đồng thực tế, mà luôn luôn là hình thức hợp đồng ưng thuận.

Bộ luật Dân sự Nhật Bản xác định rõ việc tặng cho tài sản là một loại hợp đồng, hợp đồng tặng cho được ký kết thể hiện ý chí của bên tặng cho chuyển giao quyền sở hữu tài sản mà không lấy một khoản tiền nào của bên được tặng cho và được sự đồng ý của bên đó:

“Hợp đồng có hiệu lực, khi một bên tuyên bố chuyển giao không hoàn lại tài sản của mình cho bên kia và bên kia đồng ý nhận nó” (Điều 549 Bộ luật Dân sự Nhật Bản). Đây là một loại hợp đồng đặc thù không có thanh toán và đơn phương, mặc dù việc chuyển giao vật cùng với quyền sở hữu không buộc bên nhận tài sản phải thanh toán giá trị tài sản, thì việc có được tài sản của bên được tặng cho hay việc chuyển giao nó cho người khác của bên tặng cho cũng dẫn đến việc bắt buộc phải ký kết một hợp đồng. Đối với Bộ luật Dân sự Nhật Bản, hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ khi “tuyên bố”, mà không cần xác định bên được tặng cho đã nhận tài sản hay chưa, điều này có nghĩa là hợp đồng tặng cho theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản cũng là hợp đồng ưng thuận.

Trong Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan lại xác định tặng cho như sau: “Tặng cho là một hợp đồng trong đó một người gọi là người cho, chuyển một tài sản của chính mình cho một người khác, gọi là người nhận mà không lấy tiền và người nhận nhận tài sản đó” (Điều 521 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan). Như vậy, theo Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan thì tặng cho lại là một hợp đồng thực tế, vì pháp luật chỉ quan tâm đến việc “cho” và “nhận” không mang tính đền bù.

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy, Bộ luật Dân sự các nước đều đưa ra khái niệm tặng cho tài sản là một loại hợp đồng, không có tính chất đền bù, nhưng pháp luật của các nước có sự khác biệt về xác định tính chất, đặc điểm của hợp đồng, có thể là hợp đồng thực tế, cũng có thể là hợp đồng ưng thuận, từ đó có sự khác biệt về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, cũng như thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản.

1.2. Về tặng cho tài sản có điều kiện

Theo Bộ luật Dân sự Pháp, việc tặng cho cũng có thể kèm theo các điều kiện đối với bên được tặng cho: “Nếu trong chứng thư tặng cho có các điều kiện không thể thực hiện được, các điều kiện trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì coi như không có các điều kiện đó” (Điều 900 Bộ luật Dân sự Pháp); đồng thời, “Người được hưởng tài sản theo chứng thư tặng cho có thể yêu cầu Tòa án xem xét lại những điều kiện và nghĩa vụ kèm theo mà họ đã chấp nhận nếu do hoàn cảnh thay đổi việc thực hiện các điều kiện và nghĩa vụ đó trở nên đặc biệt khó khăn hoặc gây thiệt hại cho họ” (Điều 900 – 2 Bộ luật Dân sự Pháp). Trước hết, các điều kiện đối với bên được tặng cho trái pháp luật và đạo đức thì không có giá trị thực hiện. Sau đó, các điều kiện này làm ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại thì bên được tặng cho có quyền yêu cầu hủy bỏ điều kiện.

Bộ luật Dân sự Nhật Bản cũng quy định hợp đồng tặng cho có điều kiện là việc áp đặt các nghĩa vụ đối với bên được tặng cho. Theo XacaVacaxum và ToriAritdumi trong “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản” về vấn đề này, các tác giả đã cho rằng đây là loại nghĩa vụ lựa chọn mà: “Nghĩa vụ lựa chọn là nghĩa vụ trong đó cho phép lựa chọn một số các đề nghị đáp ứng” và “thực hiện quyền lựa chọn nghĩa là một bên phải phụ thuộc vào sự thể hiện ý chí của bên kia”. Hợp đồng tặng cho kèm theo nghĩa vụ của người được tặng cho, được pháp luật Nhật Bản xác định là loại hợp đồng song phương, vì nó phát sinh nghĩa vụ của cả đôi bên người tặng cho cũng như người được tặng cho: “Các quy định liên quan tới hợp đồng song phương được áp dụng đối với việc tặng cho do bổn phận để bổ sung cho các quy định của mục này” (Điều 553 Bộ luật Dân sự Nhật Bản). Điều đó cũng có nghĩa là người được tặng cho thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ dẫn đến quyền của người đó đối với việc yêu cầu người tặng cho thực hiện hợp đồng.

Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định những điều kiện kèm theo việc tặng cho đối với người được tặng cho coi như là trách nhiệm đối với họ: “Nếu việc tặng cho có kèm theo một trách nhiệm và người nhận không thực hiện trách nhiệm đó, thì người cho có thể theo những điều kiện về quyền hủy bỏ trong trường hợp là các hợp đồng song phương, yêu cầu hoàn trả vật tặng cho theo quy định và hoàn trả phần làm giàu không chính đáng trong chừng mực mà vật tặng cho phải được sử dụng để thực hiện trách nhiệm trên” (Điều 528 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan). Điều đó có nghĩa là người được tặng cho không thực hiện điều kiện mà người tặng cho đặt ra đối với họ, thì ngoài việc phải hoàn trả lại vật tặng cho, họ còn phải hoàn trả cả lợi ích phát sinh từ sử dụng tài sản. Giống như Bộ luật Dân sự Nhật Bản, tặng cho có điều kiện được Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan coi như hợp đồng song phương.

Nghiên cứu các quy định trên đây cho thấy, hầu hết pháp luật các nước đều có quy định về tặng cho tài sản có điều kiện, có thể là những nghĩa vụ hay trách nhiệm được đặt ra trong hợp đồng buộc bên được tặng cho phải thực hiện khi nhận tài sản tặng cho, có một số nước coi đó là hợp đồng song phương và ràng buộc nghĩa vụ của đôi bên, bên được tặng cho có quyền nhận tài sản không phải đền bù, đồng thời họ phải thực hiện các nghĩa vụ kèm theo. Các nghĩa vụ đó không những phù hợp với pháp luật, với đạo đức mà còn phải phù hợp với thực tế là bên được tặng cho có khả năng thực hiện được (chẳng hạn như quy định của Bộ luật Dân sự Pháp)

1.3. Về hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản

Bộ luật Dân sự Pháp quy định về hiệu lực của việc tặng cho như sau: “Một chứng thư tặng cho phải được lập trước công chứng viên, theo hình thức thông thường của hợp đồng và được công chứng viên lưu bản chính. Nếu không tuân thủ các quy định này, chứng thư tặng cho sẽ vô hiệu” (Điều 931 Bộ luật Dân sự Pháp); “việc tặng cho coi như được hoàn tất ngay sau khi có sự đồng ý của hai bên; quyền sở hữu tài sản tặng cho được chuyển cho người được tặng cho mà không cần phải chuyển giao tài sản trên thực tế” (Điều 938 Bộ luật Dân sự Pháp). Như trên đã nói, tặng cho theo Bộ luật Dân sự Pháp bắt buộc phải lập hợp đồng. Thời điểm phát sinh hiệu lực là thời điểm bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản, trùng với thời điểm giao kết hợp đồng, là một hợp đồng ưng thuận tuyệt đối, không cần xác định bên được tặng cho khi nào được nhận tài sản trên thực tế.

Khác với quy định của pháp luật Pháp, theo Điều 549 Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì hợp đồng có hiệu lực khi một bên tuyên bố chuyển giao không hoàn lại tài sản của mình cho bên kia và bên kia đồng ý nhận nó, có nghĩa là việc ký kết hợp đồng tặng cho không phải tuân theo hình thức nhất định. Song, nếu việc tặng cho không phải bằng văn bản thì phần nghĩa vụ chưa được thực hiện có thể bị hủy bỏ đối với các bên: “Các bên đều có thể rút lui khỏi hợp đồng tặng cho, nếu hợp đồng này không được lập thành văn bản. Điều này không được áp dụng đối với phần tài sản đã được tặng cho” (Điều 550 Bộ luật Dân sự Nhật Bản). Việc tặng cho không nhất thiết phải lập hợp đồng còn thể hiện ở chỗ, người tặng cho có thể thể hiện ý định bằng văn bản, còn người được tặng cho có thể chấp nhận bằng miệng (không nhất thiết người được tặng cho phải ký vào hợp đồng). Trường hợp hợp đồng tặng cho có hình thức bằng văn bản hay không bằng văn bản thì việc kết thúc thực hiện cũng không bị hủy bỏ. Riêng tặng cho bất động sản, tuy pháp luật không quy định cụ thể buộc phải bằng văn bản nhưng trường hợp tặng cho bất động sản vì liên quan đến thuế, đăng ký, nên coi như hình thành hợp đồng mua bán. Trong trường hợp tặng cho bất động sản thì việc kết thúc thực hiện là việc chuyển giao vật tặng cho.

Đối với Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan, quy định hiệu lực của việc tặng cho phát sinh: “Việc tặng cho chỉ có giá trị khi giao tài sản được cho” (Điều 523 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan). Tuy pháp luật không quy định cụ thể hiệu lực của việc tặng cho đối với bất động sản phải đăng ký phát sinh khi nào, song pháp luật quy định việc mua bán một tài sản phải được thực hiện bằng văn bản và được viên chức có thẩm quyền đăng ký, thì việc tặng cho tài sản đó mới có giá trị. Trong trường hợp đó, việc tặng cho có hiệu lực mà không cần có sự giao nhận tài sản (Điều 525 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan). Như vậy, pháp luật thừa nhận việc tặng cho bất động sản về hình thức giống như hợp đồng mua bán bất động sản, phải hoàn tất thủ tục đăng ký mới phát sinh hiệu lực, nhưng không nhất thiết buộc phải giao tài sản.

Những trình bày và phân tích trên cho thấy, hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản ở các nước quy định có sự khác nhau, nhìn chung đối với động sản, hợp đồng có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản, còn đối với bất động sản thì hợp đồng có hiệu lực có trường hợp từ thời điểm “tuyên bố” tặng cho; có trường hợp từ thời điểm bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản, có khi từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản hay bên được tặng cho làm đăng ký tài sản

1.4. Về hủy bỏ hợp đồng tặng cho tài sản

Bộ luật Dân sự Pháp quy định một quyền đặc biệt trong việc tặng cho tài sản là: “Người tặng cho có thể đặt ra quyền được đòi lại vật được tặng cho nếu người được tặng cho chết trước người tặng cho” (Điều 951 Bộ luật Dân sự Pháp). Ngoài ra, “việc tặng cho chỉ bị hủy bỏ trong trường hợp các điều kiện kèm theo việc tặng cho không được thực hiện, khi người được tặng cho vô ơn hoặc khi người tặng cho có con” (Điều 953 Bộ luật Dân sự Pháp); “việc tặng cho chỉ có thể hủy bỏ với lý do vô ơn trong những trường hợp sau: 1. Người được tặng cho đã xâm hại đến tính mạng của người tặng cho; 2. Người được tặng cho bị kết án về hành vi ngược đãi hoặc xúc phạm nghiêm trọng người tặng cho; 3. Người được tặng cho từ chối cấp dưỡng người tặng cho” (Điều 955 Bộ luật Dân sự Pháp); “yêu cầu hủy bỏ việc tặng cho vì lý do vô ơn phải được thực hiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày người được tặng cho có hành vi xâm hại người tặng cho hoặc kể từ ngày người tặng cho biết được về hành vi xâm hại đó” (Điều 957 Bộ luật Dân sự Pháp). Luật chỉ rõ việc tặng cho bị hủy bỏ khi bên được tặng cho chết hay khi bên được tặng cho “vô ơn”, nhưng thời hiệu luật quy định chỉ 1 năm từ thời điểm phát sinh các sự kiện nêu trên.

Đối với pháp luật Nhật Bản, “hợp đồng tặng cho theo định kỳ sẽ chấm dứt hiệu lực khi người tặng cho chết” (Điều 552 Bộ luật Dân sự Nhật Bản), có nghĩa là, việc tặng cho được xác định vào một ngày nhất định, sẽ mất hiệu lực trong trường hợp người tặng cho chết.

Còn đối với hợp đồng tặng cho không được xác định vào một thời gian cụ thể, thì: “Hợp đồng tặng cho có hiệu lực khi người tặng cho chết, được điều chỉnh bằng các quy định liên quan tới tặng cho, di chúc” (Điều 554 Bộ luật Dân sự Nhật Bản), có nghĩa là hợp đồng tặng cho được ký kết khi người tặng cho còn sống, nhưng hậu quả của hợp đồng phát sinh sau khi người đó chết trở thành trường hợp di tặng. Mặc dù về tính chất nó khác loại tặng cho trong trường hợp di tặng, nhưng được áp dụng về hình thức các điều khoản pháp luật quy định chung cho trường hợp với di tặng. Riêng đối với di chúc, Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định di chúc không được lập dưới hình thức nhất định thì coi như không hợp pháp, còn việc tặng cho trong trường hợp người tặng cho chết, hình thức như thế nào thì việc tặng cho vẫn có hiệu lực.

Việc hủy bỏ hợp đồng tặng cho cũng được đặt ra đối với pháp luật Thái Lan: “Người cho có thể khiếu nại đòi hủy bỏ một hợp đồng tặng cho vì một hành vi vô ơn, bạc nghĩa chỉ trong các trường hợp dưới đây: 1. Nếu người nhận phạm một tội hình sự nghiêm trọng chống lại người cho có thể bị trừng phạt theo Bộ luật Hình sự; 2. Nếu người nhận bôi xấu một cách trầm trọng hoặc lăng mạ người cho; 3. Nếu người nhận từ chối giúp đỡ người cho, mà người cho là người đang cần giúp đỡ những thứ thiết yếu đảm bảo cuộc sống, trong khi người nhận có thể cung cấp chúng” (Điều 531 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan). Tuy nhiên Bộ luật này lại mở ra hướng khoan hồng: “Một hợp đồng tặng cho không thể hủy bỏ nếu người cho đã tha thứ cho người nhận, hoặc 6 tháng đã trôi qua kể từ khi người có quyền khiếu nại đòi hủy bỏ hợp đồng biết được hành vi vô ơn bạc nghĩa. Không có việc kiện tụng nào có thể được thụ lý sau khi 10 năm trôi qua kể từ khi có hành vi vô ơn, bội nghĩa”(Điều 533 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan). Một quy định khác giống như Bộ luật Dân sự Nhật Bản về trường hợp người tặng cho chết là : “Một hợp đồng tặng cho có hiệu lực vào lúc người cho chết thì được điều chỉnh bởi những quy định của luật về thừa kế và di chúc” (Điều 536 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan).

Trong các quy định pháp luật ở các nước về hủy bỏ hợp đồng tặng cho nêu trên, hầu hết đều có quy định về điều kiện hợp đồng tặng cho có thể bị hủy bỏ khi người được tặng cho “vô ơn” đối với người tặng cho. Ngoài ra, pháp luật còn quy định về thời hiệu đối với yêu cầu hủy bỏ hợp đồng tặng cho; quy định khi người tặng cho chết, thì hợp đồng tặng cho được áp dụng thực hiện như di tặng.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về tặng cho tài sản

Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới đều quy định tặng cho tài sản là một loại hợp đồng, trong đó có sự thỏa thuận giữa các bên. Bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho, mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản. Cụ thể, pháp luật quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên về việc một bên phải giao tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên kia mà không yêu cầu đền bù, còn bên kia đồng ý nhận” (Điều 465 Bộ luật Dân sự năm 2005). Khoa học pháp lý Việt Nam xếp tặng cho tài sản là một loại hợp đồng thông dụng có đặc điểm riêng biệt với những loại hợp đồng thông dụng khác.

Hợp đồng tặng cho tài sản có thể là hợp đồng thực tế, có thể là hợp đồng ưng thuận: Hợp đồng được coi là đã ký kết khi các bên chuyển giao tài sản, thời điểm chuyển giao tài sản cũng đồng thời là thời điểm chấm dứt hợp đồng, dù hai bên đã thỏa thuận cụ thể về đối tượng tặng cho (là tiền hoặc là tài sản), điều kiện và thời gian giao tài sản tặng cho, nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tiền hoặc tài sản cho bên được tặng cho, thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập. Những điều đó có nghĩa là, tặng cho phải diễn ra trên thực tế, nếu hai bên chỉ lập hợp đồng để thỏa thuận về đối tượng tài sản, về quyền và nghĩa vụ của hai bên mới chỉ coi là hứa việc tặng cho. Việc chuyển giao tài sản cùng với quyền sở hữu phải là có thực, hợp đồng được phát sinh và chấm dứt cùng thời điểm chuyển giao tài sản tặng cho.

Song, tính chất thực tế của tặng cho luôn gắn liền với đối tượng tài sản. Đối tượng của tài sản tặng cho có thể là động sản hay bất động sản. Hình thức và hiệu lực của hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng tài sản tặng cho. Nếu đối tượng tài sản tặng cho là động sản thì hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng hay bằng văn bản. Hiệu lực của hợp đồng này có thể phát sinh khi bên được tặng cho nhận tài sản hay cũng có thể chỉ phát sinh (dù đã nhận tài sản) khi hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu, nếu pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký như ô tô, xe máy… Nếu đối tượng của tặng cho tài sản là bất động sản thì hình thức của hợp đồng phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Đồng thời, nếu bất động sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho đó còn phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Hợp đồng chỉ được coi là có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký và làm thủ tục sang tên như tặng cho nhà, đất. Để minh chứng rằng hợp đồng tặng cho có thể là hợp đồng thực tế, có thể là hợp đồng ưng thuận, nếu tặng cho lập thành văn bản thì hợp đồng thường là hợp đồng ưng thuận. Tính chất ưng thuận của hợp đồng tặng cho bằng văn bản còn được thể hiện thông qua việc pháp luật quy định những trường hợp bên tặng cho có thể từ chối thực hiện tặng cho theo hợp đồng.

Hợp đồng tặng cho có thể là hợp đồng đơn vụ, có thể là hợp đồng song vụ. Tính chất đơn vụ được lý giải: Trong quan hệ hợp đồng này, một bên được nhận tài sản tặng cho mà không phải thực hiện một nghĩa vụ gì đối với bên đã tặng cho (trừ trường hợp tặng cho có điều kiện). Như vậy, hợp đồng tặng cho tài sản không phải hoàn toàn bao giờ cũng là đơn vụ. Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện là được coi là hợp đồng song vụ.

Hợp đồng tặng cho là một hợp đồng không có đền bù. Đặc điểm này được thể hiện ở việc, bên tặng cho chuyển giao tài sản và quyền sở hữu cho bên được tặng cho, còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại cho bên tặng cho bất kỳ lợi ích nào. Đối với những trường hợp tặng cho có điều kiện buộc người được tặng cho phải thực hiện một công việc nào đó, tính chất pháp lý của công việc mà người được tặng cho phải thực hiện hoàn toàn khác. Đây không phải là tính chất đền bù trong giao dịch dân sự. Tất nhiên, chuyển giao tài sản và quyền sở hữu mà có đền bù ngang bằng giá trị của tài sản thì trở thành mua bán tài sản, nên việc không có đền bù là thuộc tính tạo nên bản chất và đặc điểm cơ bản của tặng cho tài sản.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định tặng cho tài sản có điều kiện. Tại khoản 1 Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện đó không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Sau khi tặng cho, người tặng cho vẫn được quyền đòi lại tài sản, đó là trường hợp tặng cho có điều kiện, nếu bên được tặng cho không thực hiện các điều kiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại” (khoản 3 Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Hợp đồng tặng cho có thể bị hủy bỏ, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định việc hủy bỏ hợp đồng tặng cho có điều kiện mà chưa quy định về hủy bỏ hợp đồng tặng cho tài sản nói chung.

TS. Lê Thị Hoài Ân

Khoa Luật, Đại học Vinh

Tài liệu tham khảo:

[1]. Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý (2001), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Việt Nam, Tập I, III, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, II, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

[3]. TS. Dương Anh Sơn, Về bản chất pháp lý của hợp đồng tặng cho tài sản, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 10, 2008, tr. 50 – 55.

[4]. Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, II, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002.

Tham khảo thêm:

1900.0191