Thể chế hòa giải ở Singapore
Hòa giải không phải là vấn đề mới ở Singapore. Một số học giả cho rằng, hòa giải xuất hiện ở Singapore từ khi bắt đầu có cư dân sống trên quốc đảo này. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã làm mai một vị trí của hòa giải. Hòa giải chỉ được phục hồi ở Singapore vào giữa thập kỷ 1990, khi “Phong trào giải quyết tranh chấp thay thế – ADR” chính thức bắt đầu năm 1994. Người có công lớn trong việc đẩy mạnh phong trào này là Chánh án Tòa án tối cao Young Pung How – người đã tiến hành nhiều cải cách trong lĩnh vực tố tụng dân sự ở Singapore để khuyến khích các bên dàn xếp tranh chấp, mà không cần mở phiên tòa xét xử. Năm 1994, hòa giải được đưa vào các Tòa án cấp dưới theo chương trình “Giải quyết tranh chấp thay thế tại Tòa án” (Court Dispute Resolution – CDR). Mục tiêu của chương trình là khôi phục lại hòa giải – một quy trình giải quyết tranh chấp quen thuộc trong văn hóa Singapore; duy trì sự hài hòa, đồng thuận trong gia đình và toàn xã hội; tăng hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng cách giảm chi phí tố tụng và sử dụng tối đa các nguồn lực công để giải quyết xung đột.
Bên cạnh chương trình CDR, Ngành Tòa án bắt đầu triển khai các phiên họp trước phiên tòa (pre-trial conference) đối với các vụ việc dân sự tại Tòa án tối cao và các Tòa án cấp dưới từ tháng 01/1992. Các phiên họp này do một nhân viên Tòa án chủ trì, nhằm mục đích đánh giá vụ án để tìm ra phương án giải quyết tối ưu và khuyến khích các đương sự dàn xếp tranh chấp thông qua thương lượng. Việc tổ chức các phiên họp như vậy được chính thức quy định trong Quy tắc tố tụng Tòa án Singapore năm 1996. Theo quy định này, Tòa án có quyền yêu cầu các đương sự tham dự phiên họp trước phiên tòa (được tổ chức không công khai), tại phiên họp đó, Tòa án sẽ đưa ra phương hướng mà Tòa án cho là phù hợp để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, công bằng và ít chi phí nhất.
Chính phủ Singapore cũng đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hòa giải ở Singapore và khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải trước khi đưa vụ việc ra Tòa án. Tháng 5/1996, Ủy ban về ADR được thành lập với chức năng nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hòa giải ở Singapore và mở rộng phạm vi áp dụng hòa giải bên ngoài Tòa án. Ủy ban đưa ra hai khuyến nghị nhằm phân chia hòa giải khu vực tư làm hai nhánh là hòa giải thương mại và hòa giải cộng đồng: Thứ nhất, Ủy ban đề xuất thành lập một trung tâm hòa giải thương mại thuộc Học viện Luật Singapore (Trung tâm Hòa giải Singapore – SMC). SMC được chính thức thành lập ngày 16/8/1997; thứ hai, Ủy ban khuyến nghị thành lập các trung tâm hòa giải cộng đồng để công chúng dễ tiếp cận. Các lãnh đạo cộng đồng và các tình nguyện viên được đào tạo để trở thành hòa giải viên, nhằm hướng dẫn cộng đồng cách thức tự giải quyết các tranh chấp nội bộ của họ. Khuyến nghị này đã được Bộ Pháp luật thực thi. Tháng 01/1998, Luật về Trung tâm Hòa giải cộng đồng có hiệu lực. Bộ Pháp luật giám sát các trung tâm này và vẫn giữ vai trò thúc đẩy hòa giải và ADR nói chung. Các sáng kiến thúc đẩy hòa giải khác được đưa ra bởi Văn phòng Tổng Công tố viên, theo đó, tất cả các cơ quan nhà nước nên sử dụng hòa giải là sự lựa chọn đầu tiên để giải quyết tranh chấp và trong các hợp đồng của Chính phủ cần có điều khoản về giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Hòa giải Singapore.
Điều ấn tượng nhất trong quá trình phát triển của hòa giải ở Singapore là tốc độ triển khai các chương trình hòa giải(1). Chỉ trong một thời gian ngắn, hòa giải đã nhanh chóng trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng rộng rãi bởi Tòa án, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân.
Tóm lại, ở Singapore có hai loại hình hòa giải chủ yếu là hòa giải gắn với Tòa án (court-annexed mediation) và hòa giải tư (private mediation). Hòa giải gắn với Tòa án là hình thức hòa giải được tiến hành sau khi các bên đã bắt đầu quá trình tố tụng tại Tòa án. Loại hình hòa giải này chủ yếu được thực hiện tại các Tòa án cấp dưới (Subordinate Courts) và được điều phối bởi Trung tâm Giải quyết tranh chấp thay thế (Primary Dispute Resolution Centre – PDRC). Hòa giải tư ở Singapore chủ yếu được thực hiện bởi Trung tâm Hòa giải Singapore (SMC) – một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Học viện Luật Singapore. Ngoài ra, ở Singapore còn tồn tại loại hình hòa giải thứ ba, được tiến hành trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, hiệp hội, như các Trung tâm Hòa giải cộng đồng, Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore.
1. Hòa giải tranh chấp thương mại tại Trung tâm Hòa giải Singapore
Trung tâm Hòa giải Singapore (SMC) được chính thức thành lập bởi Chánh án Tòa án tối cao Yong Pung How ngày 16/8/1997. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Học viện Luật Singapore, có mối liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội thương mại, các hội nghề nghiệp và được sự ủng hộ rất lớn từ Ngành Tòa án.
Theo thống kê, có khoảng 75-80% số vụ việc đưa ra SMC được hòa giải thành, trong số đó, hơn 90% được hòa giải thành chỉ trong một ngày làm việc. 40% số vụ việc mà SMC tiếp nhận là do tòa án chuyển đến(2). Trong tổng số các bên tranh chấp đã tham gia hòa giải và có phản hồi, 83% cho rằng hòa giải tiết kiệm chi phí, 87% cho rằng hòa giải giúp họ tiết kiệm thời gian và 94% khẳng định sẽ giới thiệu cho những người khác sử dụng hòa giải khi có tranh chấp(3).
Trung tâm có một Hội đồng Hòa giải viên là những người có uy tín cao và kinh nghiệm trong các ngành và lĩnh vực khác nhau, bao gồm nghị sĩ, cựu thẩm phán Tòa án Cấp cao (High Court), luật sư, kiến trúc sư, bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, giám đốc dự án, các nhà tâm lý học và các giáo sư đại học. Những người này đều được đào tạo bài bản về hòa giải và phải trải qua kỳ đánh giá nghiêm ngặt trước khi được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Hòa giải viên. Ngoài ra, còn có một Hội đồng Hòa giải quốc tế, gồm những hòa giải viên nổi tiếng trên phạm vi quốc tế. Nếu tranh chấp đòi hỏi kiến thức chuyên môn, SMC thường chỉ định hai hòa giải viên để tiến hành hòa giải tranh chấp, trong đó một thành viên là chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng, còn thành viên thứ hai là luật sư.
Singapore không có luật hoặc một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia điều chỉnh việc kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn hòa giải viên. SMC đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đào tạo và kiểm định chất lượng đối với hòa giải viên của Trung tâm(4). Phần lớn các hòa giải viên của Trung tâm được bổ nhiệm bởi những người trong cùng hiệp hội thương mại hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp của họ. Các ứng cử viên phải tham dự một hội thảo tập huấn về hòa giải và được đánh giá vào cuối hội thảo. Người đạt tiêu chuẩn sẽ được công nhận và bổ nhiệm vào Hội đồng Hòa giải viên. Công nhận của SMC chỉ có giá trị một năm và được gia hạn hàng năm nếu hòa giải viên tham dự ít nhất 8 giờ học bổ sung mỗi năm về hòa giải và có khả năng tiến hành ít nhất (5) vụ hòa giải trong một năm nếu được yêu cầu.
Việc hòa giải ở Trung tâm được điều chỉnh bởi quy định về thủ tục hòa giải của SMC. Quá trình hòa giải bắt đầu bằng hai cách là vụ việc được tòa án chuyển đến hoặc các bên tranh chấp trực tiếp yêu cầu SMC hòa giải. Nếu chỉ một bên yêu cầu, SMC sẽ liên hệ với các bên còn lại và thuyết phục họ hòa giải. Sau khi SMC đánh giá liệu vụ việc có thích hợp để hòa giải hay không và liệu tất cả các bên có đồng ý hòa giải tranh chấp hay không, SMC sẽ phổ biến vắn tắt cho các bên về thủ tục hòa giải tại SMC, để bảo đảm rằng các bên có đầy đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định. Bước đầu tiên của thủ tục hòa giải là các bên ký vào thỏa thuận hòa giải tranh chấp của SMC, khi đó, các bên chịu sự ràng buộc của các quy định về thủ tục hòa giải tại SMC, bao gồm cả quy định về hiệu lực của thỏa thuận đạt được trong hòa giải. SMC sẽ ấn định thời gian mở phiên hòa giải (thường là 1 tuần sau khi tiếp nhận vụ việc hoặc trong vòng 24 giờ nếu vụ việc mang tính khẩn cấp). Phiên hòa giải được tổ chức tại trụ sở của SMC để bảo đảm tính trung lập. SMC chỉ định các hòa giải viên từ Hội đồng Hòa giải viên cao cấp. Các bên có quyền phản đối hòa giải viên được chỉ định nếu có lý do chính đáng, chẳng hạn như xung đột về lợi ích. Đồng thời, các bên trao đổi các bản tóm tắt về nội dung vụ việc và các tài liệu liên quan nếu cần thiết. Tại phiên hòa giải, hòa giải viên dẫn dắt các bên để đi tới một giải pháp cho tranh chấp. Luật sư của các bên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hòa giải viên và tư vấn cho các bên trong quá trình hòa giải. Nếu tranh chấp được dàn xếp, các điều khoản thỏa thuận được luật sư các bên soạn thảo thành văn bản và có chữ ký của các bên hoặc người đại diện của họ.
2. Hòa giải gắn với Tòa án (court-annexed mediation)
Hệ thống Tòa án Singapore bao gồm Tòa án tối cao và các Tòa án cấp dưới (Subordinate Courts), có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ việc dân sự và hình sự ở Singapore, trừ các vụ việc hôn nhân và gia đình trong đó luật áp dụng là Luật Hồi giáo. Tòa án tối cao bao gồm: Tòa án phúc thẩm tối cao (Court of Appeal), Tòa án cấp cao (High Court) và Tòa án Hiến pháp (Constitutional Tribunal). Các tòa án cấp dưới bao gồm: Các tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng (District Courts), các tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp (Magistrates’ Courts), các tòa vị thành niên, các tòa gia đình (Family Courts) và các tòa án xử vụ việc nhỏ theo thủ tục rút gọn (Small Claims Tribunals)5.
Ở Singapore, đa số hòa giải gắn với tòa án được tiến hành ở các Tòa án cấp dưới do Trung tâm Giải quyết tranh chấp Tòa án PDRC điều phối, sau khi tranh chấp đã được tòa án thụ lý. Như đã nói ở trên, chương trình giải quyết tranh chấp thay thế tại Tòa án (CDR) được triển khai theo một dự án thử nghiệm từ tháng 6/1994 và Trung tâm Hòa giải Tòa án được thành lập năm 1995, sau đó được đổi tên thành Trung tâm Giải quyết tranh chấp thay thế vào tháng 5/1998 do chương trình này được mở rộng tới các phương thức ADR khác ngoài hòa giải(6). Ngoài hòa giải theo chương trình CDR, hòa giải còn có thể được sử dụng trong các phiên họp trước phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, phần lớn hòa giải tại Tòa án được tiến hành theo chương trình CDR.
Các Tòa án có thể chuyển vụ án tới các trung tâm hòa giải bên ngoài tòa án như SMC và các trung tâm hòa giải cộng đồng nếu xét thấy thích hợp. Việc chuyển vụ án sang thủ tục hòa giải là do Tòa án tự mình đề xuất với các bên hoặc theo sự thỏa thuận của các bên.
Hầu hết các vụ việc được các Tòa án cấp dưới thụ lý đều trải qua thủ tục hòa giải. Hòa giải ở CDR được tiến hành bởi các thẩm phán, vì các Tòa án Singapore quan niệm rằng, trong văn hóa Singapore và văn hóa châu Á nói chung, tiếng nói của người có thẩm quyền luôn có trọng lượng hơn. Thẩm phán hòa giải (Settlement Judges) có được sự tín nhiệm và tôn trọng cao hơn từ các bên tranh chấp, nên có thể dẫn dắt quá trình hòa giải đạt hiệu quả cao hơn. Khác với mô hình hòa giải phương Tây, thẩm phán hòa giải của Singapore có vai trò chủ động hơn và can thiệp sâu hơn vào quá trình hòa giải. Thẩm phán có thể đề xuất giải pháp và chủ động cùng các bên tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết tranh chấp. Thẩm phán hòa giải chịu sự điều chỉnh của Tiêu chuẩn mẫu dành cho hòa giải viên của các Tòa án cấp dưới. Ngoài ra, khoản 4 của Tiêu chuẩn mẫu còn quy định hòa giải viên phải tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức đối với hòa giải viên của các Tòa án cấp dưới ở Singapore. Bộ Quy tắc đạo đức này quy định các vấn đề như tính vô tư, trung lập, bảo mật thông tin, tôn trọng sự tự nguyện của các bên, xung đột lợi ích, đào tạo và tiêu chuẩn đối với hòa giải viên.
Hòa giải cũng được triển khai ở các Tòa án khác trong hệ thống Tòa án cấp dưới ở Singapore như Tòa gia đình, Tòa xử vụ việc nhỏ và Tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp.
3. Hòa giải trong các cơ quan Chính phủ và các hiệp hội thương mại, tổ chức xã hội nghề nghiệp
Ở cơ quan giải quyết vỡ nợ và quản lý tài sản phá sản có Ban Hòa giải về phá sản, chịu trách nhiệm hòa giải các bất đồng giữa tổ chức, cá nhân bị phá sản với các chủ nợ liên quan đến xác định các khoản nợ. Bộ Quản lý nhân lực cung cấp dịch vụ hòa giải đối với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các hiệp hội thương mại, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng có cơ chế hòa giải riêng, ví dụ: Viện Khảo sát và Định giá Singapore, Viện Kiến trúc sư Singapore, Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore, Hiệp hội Doanh nghiệp Lữ hành Singapore…(7)
4. Hòa giải cộng đồng ở Singapore
Năm 1998, sau khi Luật về Trung tâm Hòa giải cộng đồng được ban hành, các trung tâm hòa giải cộng đồng được thành lập theo sáng kiến của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển một cộng đồng hài hòa, văn minh và khoan dung. Hiện Singapore có 3 trung tâm, trong đó có một trung tâm đặt trong trụ sở các Tòa án cấp dưới. Ngoài ra, có các chi nhánh vệ tinh được đặt ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ hòa giải.
Các dạng tranh chấp phổ biến là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau liên quan đến không khí hay tiếng ồn, tranh chấp do hiểu lầm, gây gổ đánh nhau giữa người dân và các chủ cửa hàng, cửa hiệu(8).
Để tiến hành hòa giải, hòa giải viên thu thập thông tin về bên yêu cầu hòa giải và về mâu thuẫn giữa các bên, sau đó liên hệ với phía bên kia để hỏi ý kiến về việc có đồng ý đưa tranh chấp ra hòa giải hay không? Nếu bên kia không đồng ý, bên yêu cầu hòa giải không thể buộc họ tham gia quá trình hòa giải, bởi hòa giải là quy trình hoàn toàn tự nguyện. Trong trường hợp các bên đều đồng ý hòa giải, một phiên họp với sự có mặt của hòa giải viên và các bên tranh chấp sẽ được sắp xếp.
Hòa giải viên là các lãnh đạo cộng đồng ở cấp cơ sở, các chuyên gia và chính thành viên của cộng đồng, thông thường là người có uy tín trong cộng đồng. Thành phần hòa giải viên cộng đồng rất đa dạng về nghề nghiệp, độ tuổi, dân tộc… Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, họ được Bộ Pháp luật bổ nhiệm làm hòa giải viên. Ban đầu họ phải hòa giải cùng với một hòa giải viên lâu năm, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, họ mới có thể tự mình tiến hành hòa giải. Đây là hoạt động tình nguyện, hòa giải viên không được trả thù lao. Mặc dù trong quá trình hòa giải, quyền tự định đoạt của các bên được tôn trọng, nhưng hòa giải viên có thể giữ vai trò tích cực trong việc đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận đạt được trong hòa giải có hiệu lực pháp lý bắt buộc nếu thỏa thuận đó được soạn thảo bằng văn bản có chữ ký của các bên.
Theo thống kê, từ năm 1998 đến 2010, các trung tâm hòa giải cộng đồng đã hòa giải 5.349 vụ, tỷ lệ hòa giải thành là 72%. Trung tâm hòa giải cộng đồng đặt trong tòa án cấp dưới tuy được thành lập muộn nhất nhưng lại tiếp nhận nhiều vụ việc nhất do được Tòa án cấp dưới chuyển sang. Năm 2010, các tranh chấp phổ biến nhất là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau (71%), tranh chấp trong gia đình (12%)(9). Có đến 90% tổng số vụ việc mà các trung tâm tiếp nhận là do Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, do vậy, các trung tâm rất chú trọng xây dựng quan hệ đối tác thường xuyên với Tòa án (chủ yếu là Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp), cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà ở, hội đồng thành phố, lãnh đạo cộng đồng ở cơ sở…(10)
5. Các quy định pháp luật về hòa giải ở Singapore
5.1. Luật về Trung tâm Hòa giải cộng đồng năm 1998
Về phạm vi hòa giải, Luật quy định bất kỳ ai cũng có thể nhờ hòa giải viên của một Trung tâm Hòa giải cộng đồng tiến hành hòa giải một tranh chấp về gia đình, xã hội, hay cộng đồng mà không liên quan đến một vi phạm pháp luật có thể bị truy tố theo luật thành văn (Điều 11).
Về quy trình hòa giải, Luật quy định mỗi phiên hòa giải được tiến hành bởi một hoặc nhiều hòa giải viên do Giám đốc Trung tâm phân công. Phiên hòa giải được tiến hành càng nhanh càng tốt, giảm thiểu thủ tục và các hình thức mang tính kỹ thuật. Các quy định về chứng cứ không áp dụng cho hòa giải cộng đồng. Phiên hòa giải được tiến hành không công khai và hòa giải viên chỉ giúp các bên đạt được thỏa thuận chứ không ra phán quyết (Điều 9 và Điều 10).
Về bảo mật thông tin, nhằm khuyến khích hòa giải, Luật quy định các nội dung được đề cập trong hòa giải sẽ được giữ bí mật và mọi phát ngôn hay sự thừa nhận, hoặc tài liệu được đưa ra tại phiên hòa giải sẽ không được chấp nhận làm chứng cứ trong bất kỳ trình tự tài phán nào trước Tòa án, trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền (Điều 19), trừ một số trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định. Điều 20 cụ thể hóa các trường hợp ngoại lệ trong đó hòa giải viên, Giám đốc và các nhân viên của Trung tâm Hòa giải cộng đồng có thể tiết lộ các thông tin có được trong quá trình hòa giải, chẳng hạn như: Người cung cấp thông tin đồng ý cho tiết lộ; khi có căn cứ hợp lý để tin rằng việc tiết lộ thông tin là cần thiết để ngăn chặn hoặc giảm thiểu nguy cơ xảy ra thiệt hại đối với người hoặc tài sản; khi việc tiết lộ thông tin không nêu rõ danh tính của một người, mà không có sự đồng ý của người đó và việc tiết lộ là cần thiết vì mục đích thu thập thông tin do Giám đốc Trung tâm tiến hành, hoặc cho phép tiến hành; khi có lệnh của Tòa án hoặc quy định của luật thành văn yêu cầu tiết lộ thông tin…(11)
5.2. Bộ Quy tắc đạo đức và các nguyên tắc cơ bản về hòa giải tại Tòa án năm 2010
Bộ Quy tắc này áp dụng cho mọi hoạt động hòa giải được tiến hành tại các tòa án cấp dưới, bao gồm hòa giải do cán bộ tòa án tiến hành tại Trung tâm Giải quyết tranh chấp tòa án (PDRC), Trung tâm Giải quyết tranh chấp gia đình (FRC), hòa giải do nhân viên tòa án tiến hành tại các Ban Hòa giải tranh chấp về cấp dưỡng cho cha mẹ (MMC) và tại Tòa án xử vụ việc nhỏ, cũng như hòa giải do các hòa giải viên tình nguyện tiến hành tại các Tòa án cấp dưới.
Các quy tắc đạo đức cơ bản đối với hòa giải viên bao gồm: Hành động với thiện chí, bảo đảm sự trung lập, vô tư, bảo mật thông tin trong hòa giải, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên. Ví dụ, hòa giải viên có thể thuyết phục các bên, nhưng không được chỉ đạo, ép buộc các bên thay đổi quyết định của họ, kể cả khi hòa giải viên cho rằng quyết định đó là sai lầm hoặc không có lợi. Hòa giải viên có nhiệm vụ thúc đẩy việc hình thành giải pháp cho tranh chấp và luôn duy trì không khí buổi hòa giải mang tính đối thoại và xây dựng. Hòa giải viên có quyền chấm dứt quy trình hòa giải nếu có căn cứ cho rằng, một bên tranh chấp đang lạm dụng quy trình hòa giải, chẳng hạn như cố ý trì hoãn kéo dài, giành lợi thế một cách không công bằng, hoặc theo đuổi một mục đích bất hợp pháp(12).
5.3. Thông luật (common law)
Ngoài các văn bản pháp luật chủ yếu trên đây, Singapore không có một đạo luật quy định toàn diện về hòa giải. Vì vậy, Tòa án phải dựa vào các quy tắc của thông luật (common law), tức là dựa vào án lệ, để xác định những vấn đề pháp lý về hòa giải (như hiệu lực của điều khoản về hòa giải trong hợp đồng, chế tài do vi phạm điều khoản hòa giải, hiệu lực thi hành của thỏa thuận hòa giải, bảo mật thông tin trong hòa giải)(13)
Tài liệu tham khảo
1. Michael Pryles (2002), Dispute Resolution in Asia, tr. 319.
2. Loong Seng Onn, An Overview of the Singapore Legal System, Chapter 3: Mediation, xem thêm http://www.singaporelaw.sg/content/Mediation.html.
3. Loong Seng Onn, An Overview of the Singapore Legal System, Chapter 3: Mediation.
4. Loong Seng Onn (2005), Non-Court Annexed Mediation in Singapore, Presentation at the International Conference and Showcase on Judicial Reforms, MakatiCity,Philippines,28-30/11/2005,http://jrn21.judiciary.gov.ph /forum_icsjr/ICSJR_Singapore%20%28L%20Onn%29.pdf.
5.EugeneTan&GaryChan,TheSingaporeLegalSystem,http://www.singaporelaw.sg/content/ LegalSyst1.html#Section7.
6. Lawrence Boo, The Framework and Practice of ADR in Singapore, xem thêm http://www.aseanl awassociation.org/ 9GAdocs/w4_Singapore.pdf.
7. Loong Seng Onn (2005), Non-Court Annexed Mediation in Singapore.
8. Ngoh-Tiong Tan (2002) Community Mediation in Singapore: Principles for Community Conflict Resolution, Conflict Resolution Quaterly, Vol. 19, No. 3, Spring 2002.
9. Singapore Ministry of Law, Community Mediation Centre Annual Report 2010/2011,http://app2.mlaw.gov.sg/LinkClick.aspxfileticket=2aeBBRAMO8Q3d&tabid=310.
10. Community Mediation Centre Annual Report 2010/2011.
11. Gloria Lim, Community Mediation in Singapore, Presentation at the 2003 ConferenceoftheAsian-PacificMediationECentre,http://www.apmec.unisa.edu.au/apmf/2003/papers/glim.pdf.
12. The Subordinate Courts of Singapore (2010), Code of Ethics and Principles and Basic Principles on Court Mediation, http://app.subcourts.gov.sg.
13. Goh Joon Seng (2003), Mediation in Singapore: The Law and Practice, http://www. aseanlawassociation.org/docs/ w4sing2.pdf-c.
Nguyễn Bích Thảo
Tham khảo thêm:
- Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
- Những đặc trưng của nghề thừa phát lại
- Hoàn thiện chế định loại từ trách nhiệm hình sự
- Vị trí chiến lược của Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
- Từ Tuyên bố Cebu năm 2007 đến Văn kiện khung ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di trú
- Một số vấn đề pháp lý khi xem xét gia nhập Công ước về quy chế người không quốc tịch năm 1954
- Vấn đề xác định cha, mẹ, con và mang thai hộ theo Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi
- Đặc trưng của các biện pháp cưỡng chế hành chính theo pháp luật Việt Nam
- Hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba theo pháp luật dân sự hiện hành
- Vấn đề bảo đảm quyền con người trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi