Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

03/09/2015

1. Những vấn đề lý luận về trách nhiệm giải trình

Trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức nhà nước và các cán bộ, công chức, người có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ, công vụ phải công khai, giải thích và làm rõ các thông tin trong hoạt động công vụ của mình trước người dân và các tổ chức khác một cách thường xuyên hoặc/và khi có yêu cầu, đồng thời phải hứng chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả.

1.1. Nội dung, phương thức, chủ thể và đối tượng hướng tới của trách nhiệm giải trình

a) Nội dung của trách nhiệm giải trình

Trách nhiệm giải trình hướng tới việc làm rõ các nội dung liên quan đến hoạt động công vụ. Nghĩa là hầu hết các hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước đều phải gắn với trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, ngoại trừ các thông tin được xác định có nội dung liên quan đến bí mật quốc gia. Danh mục này phải được xác lập thông qua kênh của các nhà lập pháp để bảo đảm tính công bằng.

Ngoài ra, nguồn gốc tài sản, thu nhập và tài sản tăng thêm của nhân viên nhà nước cũng là nội dung của trách nhiệm giải trình. Nội dung này xuất phát từ vai trò của trách nhiệm giải trình đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tài sản cá nhân của nhân viên nhà nước phải được minh bạch hoá qua con đường giải trình bởi quy định về công khai thu nhập, tài sản là một lời nhắc nhở hiệu quả đối với các công chức về bảo đảm trách nhiệm giải trình đi kèm với chức trách[1].

b) Phương thức giải trình

Trách nhiệm giải trình có nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy tồn tại hai phương thức phổ biến nhất được ghi nhận, đó là giải trình thường xuyên và giải trình khi có yêu cầu.

Giải trình thường xuyên hay còn gọi là giải trình chủ động là hoạt động giải trình gắn liền với cơ quan, tổ chức được tiến hành chủ yếu theo định kỳ để cung cấp thông tin quản lý mang tính vĩ mô bên cạnh việc giải trình đột xuất nhằm kịp thời làm rõ các nội dung thông tin cụ thể liên quan đến các hiện tượng, vụ việc đang xảy ra. Ví dụ, các hoạt động giải trình chủ động được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 gồm: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở làm việc; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử.

Giải trình khi có yêu cầu hay còn gọi là giải trình bị động là hoạt động giải trình gắn liền với cá nhân trong quá trình thực thi công vụ, phải tiến hành làm rõ các thông tin liên quan khi có yêu cầu từ phía bên ngoài mà thường là người dân. Hoạt động này thực chất là sự hỏi đáp nhằm làm rõ các thông tin gắn liền với các vụ việc cụ thể khi thực thi công vụ.

c) Chủ thể giải trình

Chủ thể giải trình phải bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Chủ thể tổ chức phải tiến hành giải trình nhân danh tổ chức, làm rõ các thông tin hoạt động của tập thể cũng như trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả của cơ quan đó tới đâuthông qua người đứng đầu hay đại diện giải trình. Chủ thể cá nhân phải tiến hành giải trình cũng như hứng chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả nhân danh cá nhân trong việc thực hiện chức năng, quyền hạn cụ thể của mình. Cần phải phân biệt hai chủ thể này một cách rạch ròi nhằm xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai. Đặc biệt đối với người lãnh đạo tổ chức phải phân biệt được là nhân danh ai trong các hoàn cảnh giải trình khác nhau.

d) Đối tượng hướng tới của trách nhiệm giải trình

Người dân là đối tượng hướng tới cơ bản nhất của trách nhiệm giải trình, vì đây là gốc của chu trình quyền lực và cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp rộng rãi nhất của các hoạt động quản lý nhà nước. Ngoài đối tượng này, trách nhiệm giải trình còn hướng tới các tổ chức ngoài nhà nước và các tổ chức quốc tế. Không những thế, trong phạm vi nội bộ nhà nước, trách nhiệm giải trình hướng tới còn phải kể đến cấp trên, bao gồm: Cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, các cơ quan thuộc thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước như: Thanh tra, Toà án, Kiểm toán và cơ quan, cá nhân cấp trên trong hệ thống thứ bậc quyền lực nhà nước[2].

1.2. Cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

Trách nhiệm giải trình tuy mới được quy định bằng một văn bản quy phạm có tính chuyên biệt từ năm 2013, nhưng thể chế về trách nhiệm giải trình đã tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật trước đó. Số lượng các văn bản hàm chứa các quy tắc xử sự liên quan đến trách nhiệm giải trình là khá lớn. Nhưng theo trình tự mốc thời gian và độ liên quan, có thể kể đến một số các văn bản sau:

Thứ nhất, Luật Báo chí năm 1989, được sửa đổi, bổ sung năm 1999 đã quy định về việc trả lời trên báo chí tại Điều 8 như sau: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí”. Như vậy, đây là cơ sở cho việc xác lập quyền được yêu cầu cơ quan, cá nhân có chức vụ phải giải trình trước báo chí – chủ thể quan trọng của việc yêu cầu giải trình, cũng như quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan, cá nhân có chức vụ trước báo chí là nghĩa vụ, trách nhiệm.

Thứ hai, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) quy định quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức và cá nhân, cụ thể là quy định tại Điều 31, Điều 32.

Thứ ba, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 là văn bản chứa đựng quy phạm pháp lý quan trọng về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, mà cụ thể là cấp xã. Pháp lệnh đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh ngay ở Điều 1.

Thứ tư, Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ với ý nghĩa là một văn bản chính thức đầu tiên về trách nhiệm giải trình. Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước ở địa phương. Nghị định này được hướng dẫn thực hiện bằng Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ, Thông tư chủ yếu làm rõ trình tự, thủ tục yêu cầu giải trình và tiến hành giải trình[3].

2. Thực trạng trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam

Trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương là một nội dung quan trọng thuộc trục nội dung thứ 3 củaChỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Chỉ số này được thực hiện từ năm 2011 đến nay thông qua việc đánh giá trách nhiệm giải trình với người dân của 63 tỉnh, thành ở Việt Nam theo phương pháp điều tra xã hội học ngẫu nhiên với ba nội dung chính bao gồm: Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền; hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân; và hiệu quả của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Cụ thể, ở số liệu điều tra mới nhất năm 2014 cho thấy, với thang điểm từ 0 đến 10, nhìn chung trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam đạt 5,73 điểm. Kết quả tổng quát này có được nhờ sự đánh giá bản đồ trách nhiệm giải trình với bốn cấp độ hiệu quả khác nhau bao gồm: Cao nhất; trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất. Kết quả cho thấy, có 16 tỉnh, thành phố đạt cấp độ cao nhất, trong đó Quảng Trị ở vị trí dẫn đầu với 6,67 điểm. Có 15 tỉnh đạt cấp độ trung bình cao và 15 tỉnh đạt cấp độ trung bình thấp. Còn lại 17 tỉnh thuộc cấp độ thấp nhất, trong đó Hải Phòng ở vị trí cuối cùng trên toàn quốc với 4,51 điểm. Như vậy có thể thấy rằng, tỷ lệ chính quyền địa phương đạt cấp độ giải trình cao nhất chiếm 25,4% trên tổng số 63 tỉnh, thành. Đổi lại, ở vị trí thấp gồm trung bình thấp và thấp nhất chiếm 50,7%.

Trách nhiệm giải trình từ năm 2011 đến 2014 theo khảo sát của PAPI không có những biến động tăng đáng kể. Cụ thể, điểm số trung bình của trách nhiệm giải trình lần lượt các năm như sau: Năm 2011 với 5,5 điểm, năm 2012 với 5,58 điểm, năm 2013 với 5,65 điểm và năm 2014 với 5,79 điểm. Thậm chí còn có xu hướng giảm xuống ở một số nội dung. Ví dụ như, điểm số cho tỉnh cao nhất năm 2014 là Quảng Trị với 6,67 điểm, giảm đáng kể so với vị trí này của Thái Bình năm 2013 với 7,15 điểm. Sự sụt giảm còn được biểu hiện rõ ràng hơn ở ba nội dung đánh giá chủ yếu của trách nhiệm giải trình.

Về mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền: Đây là kết quả của việc “đo lường mức độ hiệu quả trong việc giải trình, tiếp xúc và tương tác với người dân của cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương”[4]. Kết quả cho thấy, với tổng số 100% các tỉnh, thành trên toàn quốc chỉ có 16,7% số người dân đã tìm đến trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, lớn hơn 14,01% so với năm 2013 nhưng thấp hơn so với chỉ số này ở năm 2012 và năm 2011 với lần lượt là 18,07% và 18,24%; chỉ có 12% người dân tìm đến cán bộ xã, phường để giải quyết các khúc mắc cao hơn mức 8,77% của năm 2013 nhưng thấp hơn mức 12,2% và 12,01% của năm 2011 và năm 2012. Cá biệt, tỉnh Hưng Yên cả hai nội dung này đều là 0%. Con số này cho thấy “việc tương tác giữa chính quyền và người dân còn hạn chế và không thường xuyên”. Tuy nhiên, trong số ít ỏi người dân tìm đến trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ xã, phường khi có khúc mắc cần giải quyết lại có tỷ lệ lớn cho rằng cuộc tiếp xúc này hiệu quả và khúc mắc được giải quyết (với 85% số người tiếp xúc với trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố và 80% số người tiếp xúc với cán bộ xã, phường khẳng định điều đó).

Để làm rõ hơn khả năng giải trình của chính quyền cũng như mức độ và hiệu quả tiếp xúc giữa người dân và chính quyền, PAPI còn bổ sung thêm tiêu chí đánh giá mức độ người dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền. Kết quả mang lại không mấy khả quan khi chỉ có khoảng 25% số người được hỏi khẳng định có đóng góp ý kiến xây dựng với chính quyền và con số này không có sự biến động nào lớn trong cả 4 năm khảo sát. Tuy nhiên, cũng như kết quả tiếp xúc với trưởng thôn, cán bộ xã, số lượng người dân đóng góp ý kiến cho chính quyền ít ỏi nhưng lại có sự hài lòng rất cao về việc ghi nhận ý kiến ấy từ phía chính quyền với trung bình 90% trên toàn quốc.

Về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân: Đây là kết quả khảo sát một thiết chế quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Điểm trung bình của chỉ số này trên phạm vi toàn quốc là 1,94 điểm trên khoảng giới hạn từ 0,33 điểm đến 3,33 điểm, giảm so với 1,97 điểm của năm 2013. Cụ thể, có 35,72% số người dân được hỏi cho rằng, ở xã, phường, thị trấn của họ ở có sự hiện diện của Ban Thanh tra nhân dân, giảm so với 36,56% của năm 2013. Tỉnh thấp nhất có tỷ lệ 13,27%. Trong số ít những người dân biết đến sự tồn tại của Ban Thanh tra nhân dân, có 44% cho biết, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn của họ là được nhân dân bầu. Cá biệt như Ninh Thuận có 10,9% thừa nhận điều này. Tuy nhiên, cũng trong số ít những người thừa nhận có Ban Thanh tra nhân dân trên địa bàn họ sinh sống lại có một tỷ lệ rất cao những người cho rằng thiết chế này có hiệu quả với 81%. Tỷ lệ này thấp hơn 83% của năm 2013 nhưng cao hơn đáng kể so với 78,7 % của hai năm 2011 và 2012.

Về hiệu quả của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng: Đo lường thiết chế dân chủ này cũng từ hai tiêu chí: Mức độ phổ biến và mức độ hiệu quả. Điểm số trung bình toàn quốc của chỉ số nội dung thành phần này là 1,94 trên thang điểm 0,33 đến 3,33. Như vậy, có sự tương đồng về độ phổ biến của hai thiết chế vừa nêu. Trong đó, kết quả thu được khi khảo sát người dân biết đến sự tồn tại của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chỉ nằm ở mức rất khiêm tốn với 19%. Sóc Trăng là tỉnh có chỉ số thấp nhất với 4%. Kết quả này có tăng lên so với 14,5% của năm 2011 nhưng thấp hơn đáng kể so với hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân (điều này được lý giải, do ở một số địa phương, Ban Thanh tra nhân dân thực hiện luôn cả chức năng giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng) và quá thấp so với yêu cầu từ việc hiện diện của thiết chế này trong thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở. Tuy vậy, có tới 87% số người cho rằng, ở địa phương họ có Ban Giám sát đầu tư cộng đồng lại đồng ý rằng hoạt động của Ban này có hiệu quả tốt, thậm chí con số này là 100% ở Kiên Giang. Nhưng đây lại là kết quả có được với tỷ lệ người được hỏi rất thấp, do đó, tính tin cậy cần được cân nhắc[5].

Như vậy, qua kết quả khảo sát của PAPI và quan sát thực tiễn có thể nhận thấy một số vấn đề trong thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay như sau:

Thứ nhất, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam chưa cao. Cụ thể, theo khảo sát chung của vấn đề này trên tổng số 63 tỉnh thành, chỉ có 15 tỉnh đạt chỉ số cao nhất và chiếm 25,4%. Điều đáng ngại là chỉ số này không tăng, thậm chí còn biểu hiện giảm khi năm 2013 có 17 tỉnh đạt chỉ số này chiếm 27%. Mức độ tương tác giữa người dân và chính quyền còn thấp. Không những thế, trong 05 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài Đà Nẵng thì bốn địa phương còn lại có điểm số rất thấp và Hải Phòng ở vị trí thấp nhất cả nước. Điều này cho thấy, dường như không có sự liên hệ mật thiết nào giữa việc phát triển kinh tế và sự gia tăng của trách nhiệm giải trình ở các địa phương. Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân định hình của trách nhiệm giải trình ở Việt Nam quá muộn màng, sự thiếu hụt các văn bản pháp lý cho hoạt động của chính quyền địa phương đã cản trở hoạt động giải trình trở thành một khâu trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước của cơ quan và cán bộ, công chức ở địa phương.

Thứ hai, việc giải trình đã khá hạn chế lại còn vấp phải thói quen hình thức, thiếu rõ ràng. Các hình thức giải trình chủ yếu của chính quyền địa phương hiện nay cơ bản thông qua kênh báo, đài địa phương và trang thông tin điện tử. Ở cấp cơ sở chủ yếu qua hệ thống loa phát thanh và bảng tin. Nhưng hiệu quả sử dụng các phương tiện này thấp, nội dung giải trình chưa phong phú và cách thức hoạt động thiếu khoa học, không gây được chú ý cho người dân, thậm chí hệ thống phát thanh xã, phường còn phản tác dụng.

Ở hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đều có bảng niêm yết thông tin nhưng là bảng tin đính giấy theo cách truyền thống, không gian hẹp, xếp chồng lên nhau và nhiều khi không đầy đủ do thất lạc, rách nát gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân. Nhiều cơ quan, đơn vị ứng dụng các hình thức giải trình thông tin qua trang mạng cơ quan, mạng nội bộ hay các thiết bị điện tử nhưng nội dung lại bao quát, làm chiếu lệ, không đi đúng vào vấn đề thắc mắc của người dân. Thậm chí, không ít văn bản giải trình còn cố gắng phức tạp hoá bằng nhiều từ ngữ chuyên môn, khoa học khó tiếp cận đối với phổ thông dân chúng. Điều này đã khiến cho hoạt động giải trình về hình thức tồn tại, nhưng lại không mang đến hiệu quả như mong muốn của xã hội.

Thứ ba, cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn nặng tính “cửa quyền”, ý thức của họ là người chấp hành luật và chỉ có nhiệm vụ báo cáo với cấp trên mà không có ý thức tự thân về việc giải trình trước dân chúng. Khoảng cách của nhân viên nhà nước đối với người dân còn khá lớn và nặng nề. Điều này được mô tả như việc nhân viên nhà nước “ích kỷ” giữ lại cho mình những thông tin mà lẽ ra họ phải giải trình cho dân chúng, nhằm tìm kiếm các cơ hội lợi ích bất hợp pháp từ đó. Tình trạng này rất phổ biến, đặc biệt đối với các lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với người dân như cảnh sát, kiểm lâm, hải quan, thanh tra, thị trường… và các phòng dịch vụ hành chính một cửa.

Thứ tư, mặc dù được định hình từ những quy định đầu tiên về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 1997 và được ghi nhận là hai thiết chế quan trọng để người dân tham gia giám sát và yêu cầu trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền với người dân. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn rất thấp, người dân dường như không biết sự tồn tại của hai thiết chế này. Nguyên nhân chủ yếu do tính hình thức khi hoạt động của hai thiết chế đó cũng như tác động của nó đến hoạt động của bộ máy chính quyền thấp làm cho niềm tin của người dân vào hai thiết chế không cao. Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đều có chung đặc điểm là thiết chế bán chính thức do người dân lập nên nhằm kiểm soát các hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của hai thiết chế trên thường chỉ dừng lại ở việc kiến nghị kết luận hoạt động lên chính quyền địa phương mà không có quyền giải quyết, do đó thường chỉ tồn tại dưới danh nghĩa và ít mang tính răn đe vốn có của một cơ quan thanh tra, giám sát. Bên cạnh đó, bản thân hai thiết chế này ra đời ở cấp cơ sở, nơi có sự chi phối mạnh mẽ của các quan hệ làng xã, dòng tộc, do đó, tính khách quan yếu, sự ái ngại trong việc chỉ ra các sai sót trong quản lý nhà nước ở cấp cơ sở từ hai thiết chế không nhiều. Đây là những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho chỉ một tỷ lệ rất thấp người dân biết đến sự tồn tại của nó.

Thứ năm, người dân dường như chưa ý thức được về quyền yêu cầu giải trình của mình cũng như chưa có nhu cầu về việc tham gia vào quản lý nhà nước. Điều này có căn nguyên từ hai phía. Bản thân dân trí chưa cao, đặc biệt khả năng nhận thức về vai trò của mình trong chu trình quyền lực của người dân còn hạn chế, điều này cộng với tâm lý e ngại chốn công quyền vốn có sự bắt rễ sâu sắc từ lịch sử đã khiến cho việc can dự vào hoạt động nhà nước của người dân rất thấp, nhu cầu về việc nắm bắt các thông tin quản lý thông qua một cơ chế giải trình minh bạch của chính quyền dường như không mấy quan trọng. Việc đặt mình ra ngoài chu trình quyền lực cũng có một phần nguyên nhân từ sự kém hiệu quả của các hoạt động giải trình.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Cụ thể, cần thống nhất lại về mặt pháp lý đối với trách nhiệm giải trình nói chung và quy định cụ thể trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương theo hướng xem hoạt động này như một khâu bắt buộc trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức. Đồng thời, cũng cần quy định cơ chế hứng chịu trách nhiệm của cá nhân một cách rõ ràng và công khai. Không những thế, sự thông thoáng về mặt pháp lý khi luật hoá quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp người dân có cơ sở trong việc yêu cầu trách nhiệm giải trình và tiến hành quy định theo hướng đơn giản hoá thủ tục yêu cầu giải trình của người dân.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực chất của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân. Đối với hai thiết chế này, điều quan trọng nhất là gia tăng được khả năng ảnh hưởng của nó đối với hoạt động của chính quyền cơ sở thông qua hoạt động giám sát. Đồng thời, cũng cần chú trọng việc quảng bá hình ảnh nhằm thu hút được sự chú ý của người dân về đặc điểm và vai trò quan trọng của hai thiết chế dân chủ này. Mặt khác, quy định tăng thời hạn nhiệm kỳ cho Ban Thanh tra nhân dân thay vì chỉ 02 năm như hiện nay. Điều này cho phép những thành viên của Ban có thể có được kinh nghiệm nhờ quá trình giám sát lâu dài, điều quan trọng hơn những người được đào tạo công tác thanh tra, giám sát một cách bài bản.

Thứ ba, đa dạng hoá các phương tiện giải trình và thay đổi cách thức sử dụng một số công cụ truyền thống cho hoạt động giải trình. Đối với cấp tỉnh và huyện, chú trọng hơn nữa việc khai thác các kênh thông tin trực tuyến bằng việc sử dụng trang thông tin điện tử nhưng có bổ sung thêm khả năng tương tác giữa người dân và chính quyền qua hỏi đáp, bỏ phiếu tín nhiệm hay phản ánh nhanh. Sự ghi nhận, giải thích hay đối đáp trực tiếp này phù hợp với xu hướng phát triển của mạng truyền thông hiện nay và giúp thông tin giải trình được phủ rộng mà không hạn chế sự tiếp cận của bất kỳ ai. Trong khi đó, ở cấp xã, điều kiện xây dựng trang thông tin điện tử chưa có, phương tiện hiệu quả nhất vẫn là hệ thống phát thanh. Tuy nhiên, cần đổi mới để có được kết quả tích cực hơn. Cụ thể, cần cân nhắc lại các nội dung phát thanh, hạn chế phát lại các thông tin từ các kênh có thể dễ dàng tiếp cận ở phạm vi huyện, tỉnh và trung ương. Thay thế vào đó là các giải trình về hoạt động quản lý của chính quyền xã theo định kỳ hoặc thông qua hình thức trả lời các câu hỏi của người dân, đặc biệt là những thông tin liên quan đến tài chính, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện và đất đai. Việc truyền tải cũng cần xem xét lại mật độ trong ngày và thời gian của mỗi lần phát không quá dài, khung giờ nên từ sau 6 giờ 30 phút sáng và trước 18 giờ tối hàng ngày, lúc người dân có thể tập trung lắng nghe tốt nhất trong ngày. Kênh truyền thông xã sẽ vẫn là yếu tố quan trọng nhất cho giải trình của chính quyền cấp cơ sở, bất chấp sự phổ cập của các phương tiện khác do có được những lợi thế của nó.

Trần Quyết Thắng, Hoàng Thị Thuý Vân

Đại học Nội vụ Hà Nội



[1] Chương trình Sáng kiến thu hồi tài sản thất thoát (StAR), ấn phẩm: “Việc công, lợi ích tư bảo đảm trách nhiệm giải trình thông qua công khai thu nhập, tài sản”, tr. 7.

[2] Xem thêm tại: Trần Quyết Thắng, Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1, năm 2015, tr. 14.

[3] Xem chi tiết tại: Trần Quyết Thắng, Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.

[4]PAPI 2014, tr. 61.

[5]Xem chi tiết: PAPI 2014.

Tham khảo thêm:

1900.0191