Bị phong tỏa tài sản khi sang tên quyền sử dụng đất

Bị phong tỏa tài sản khi sang tên quyền sử dụng đất

 

 

Năm 2011, gia đình tôi có mua 1 lô đất 5000m2 (trong đó có 300m2 thổ cư) trên đất có 1 nhà cấp 4 và kho xưởng (nhà, xưởng không làm thủ tục hoàn công, không có giấy phép xây dựng). Tại huyện D, có đầy đủ hợp đồng công chứng và đã giao đủ tiền cho bên bán (số tiền gần 2 tỷ đồng). Sau khi hợp đồng được ký kết và đã giao tiền xong, bên bán có thỏa thuận với gia đình tôi để thuê lại lô đất và nhà xưởng trong thời gian 3 tháng để tiếp tục hoàn tất hợp đồng sản xuất kinh doanh với khách hàng (giá thuê tài sản trên là 85 triệu đồng/tháng). Tháng thứ nhất bên bán đã thanh toán đủ số tiền thuê nhà xưởng trên, tuy nhiên sang tháng thứ hai thì bên bán lấy lý do không thu được tiền hàng nên viết giấy hẹn sẽ thanh toán tiền thuê nhà xưởng vào khoảng giữa tháng thứ ba, tuy nhiên đến thời hạn, bên bán cũng không thực hiện việc thanh toán này (tháng thứ 2 và 3) dẫn đến 2 bên có 1 số mâu thuẫn. Đến hết thời hạn hợp đồng, khi gia đình tôi đem hồ sơ đến Phòng tài nguyên môi trường huyện D để tiến hành làm thủ tục sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì được yêu cầu làm hợp đồng đo đạc hiện trạng đất để làm thủ tục sang tên (có ký hợp đồng đo đạc), khi gia đình tôi và cán bộ địa chính Phòng Tài nguyên Môi trường huyện D và địa chính xã đến khu đất để tiến hành đo đạc thì bên bán lánh mặt, không thực hiện việc đo đạc. Qua hôm sau, gia đình tôi đến Phòng tài nguyên Môi trường huyện D để yêu cầu tiếp tục thực hiện việc đo đạc thì được cán bộ ở đây thông báo miệng là lô đất đang có Quyết định phong tỏa của Thi hành án huyện nên không thể đo đạc được. Gia đình tôi có đến Thi hành án của huyện để tìm hiểu nguyên nhân thì được nghe nói lại là do bên bán nợ của ông A số tiền 300 triệu đồng (trong hoạt động sản xuất kinh doanh) nên nay người này yêu cầu Thi hành án huyện phong tỏa tài sản của bên bán tránh trường hợp tẩu tán tài sản. Hiện tại các tài sản khác của bên bán đã không còn. Tôi xin hỏi: Việc ra quyết định phong tỏa của Thi hành án huyện như vậy là đúng hay sai? Gia đình tôi có thể khiếu nại ở đâu để được giải quyết? Gia đình tôi phải làm thế nào để có thể sang tên quyền sử dụng đất? Rất mong nhận được tư vấn. Tôi chân thành cảm ơn.

 

Gửi bởi: Trần Hồng Minh

Trả lời có tính chất tham khảo

Khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181 ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định hiệu lực Hợp đồng về chuyển quyền quyền sử dụng đất như sau:

“4. Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất được xác định theo thứ tự đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.”

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dung đất của gia đình bạn chưa làm thủ tục đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng Tài nguyên môi trường của huyện D) do vậy hợp đồng chưa có hiệu hiệu lực pháp luật, tài sản vẫn đứng tên người chuyển nhượng.

Điều 69 quy định về Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản như sau:

“Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.”

Điều 10 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định việc Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản như sau:

“Kể từ thời điểm nhận được quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, cơ quan đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được thực hiện việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi nhận được quyết định của Chấp hành viên về việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Đối với tài sản được đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng sau thời điểm này thì Chấp hành viên có quyền xử lý để thi hành án theo quy định của pháp luật, nếu có tranh chấp thì hướng dẫn các bên khởi kiện để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”

Theo các quy định trên, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện D áp dụng biện pháp bảo đảm để ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án là đúng quy định của pháp luật (không phải là biện pháp phong tỏa như bạn hỏi).

Gia định bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện nơi có tài sản để được giải quyết tài sản đang tranh chấp, bảo đảm quyền lợi.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191