Khiếu nại về định giá tài sản đã kê biên

Khiếu nại về định giá tài sản đã kê biên

 

 

Tôi bị kê biên tài sản để trả nợ, nhưng tôi không nhất trí với việc định giá tài sản. Tôi làm đơn khiếu nại với Chi cục Thi hành án huyện được trả lời là giữ nguyên như cũ, tôi khiếu nại tiếp lên Cục Thi hành án tỉnh và lại có quyết định giữ nguyên như cũ. Tôi làm đơn khởi kiện Chi cục Thi hành án lên Toà án cấp huyện nhưng bị trả lại đơn với lý do tôi đã khiếu nại lên Cục Thi hành án tỉnh, thì không có quyền khởi kiện nữa. Vậy, Toà án huyện trả lời như vậy có đúng không, nếu đúng như vậy thì Chi cục Thi hành án huyện làm sai tôi phải khiếu nại ở cơ quan nào?

 

Gửi bởi: Bui Thanh Hoa

Trả lời có tính chất tham khảo

Nội dung ông nêu chủ yếu tập trung vào vấn đề ông không nhất trí với việc định giá tài sản. Tuy nhiên, ông không nêu rõ ông khiếu nại về vấn đề gì trong việc định giá tài sản, như: thẩm quyền định giá tài sản, thủ tục định giá tài sản hay giá của tài sản đã thẩm định… nên chúng tôi không thể trả lời ông cụ thể được.

Vì vậy, chúng tôi trao đổi với ông hai vấn đề liên quan:

1. Về thủ tục giải quyết khiếu nại đối với việc định giá tài sản thi hành án

Ông khiếu nại, đã được Chi cục Thi hành án dân sự trả lời, sau đó ông khiếu nại tiếp và được Cục Thi hành án dân sự trả lời thì Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Tòa án trả đơn kiện cho ông là có cơ sở.

2. Về việc xử lý tranh chấp về giá tài sản đã định

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá thì trường hợp có tranh chấp về kết quả thẩm định giá thì các bên tiến hành thủ tục xử lý tranh chấp theo một trong hai hình thức sau:

a) Thoả thuận với nhau để giải quyết;

b) Thẩm định lại:

– Trong trường hợp không công nhận kết quả thẩm định giá của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì bên yêu cầu thẩm định giá có quyền yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá khác thẩm định lại và phải trả tiền dịch vụ thẩm định giá.

– Nếu chứng thư thẩm định giá lại phù hợp với kết quả của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì chứng thư thẩm định giá ban đầu có giá trị cuối cùng.

– Nếu doanh nghiệp thẩm định giá ban đầu hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định lại không thừa nhận kết quả thẩm định lại thì các bên có thể thoả thuận giải quyết bằng trọng tài theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hoặc toà án theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, trường hợp ông không đồng ý với giá đã định của tài sản, thì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, ông có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Trường hợp tài sản bán đấu giá không thành thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá theo Điều 104 Luật Thi hành án dân sự.

Do vậy, ông phải đề nghị đúng cơ quan có thẩm quyền và đúng thủ tục do pháp luật quy định để bảo đảm quyền lợi của mình và tránh khiếu nại không đúng.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 101/2005/NĐ-CP Về thẩm định giá

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191