Xử lý trong trường hợp định giá thiếu giá trị một số tài sản đã kê biên

Xử lý trong trường hợp định giá thiếu giá trị một số tài sản đã kê biên

 

 

Tài sản đã bán đấu giá thành nhưng sau đó phát hiện thấy việc thẩm định giá còn thiếu giá trị của một số tài sản đã kê biên thì có phải hủy kết quả bán đấu giá không hay vẫn phải bàn giao tài sản cho người mua?

 

Gửi bởi: Minh Lộc

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản trong các trường hợp quy định tại Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Điều 102 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:

– Do thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án, thì còn phải có thỏa thuận của người phải thi hành án.

– Hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy theo quy định của pháp luật dân sự.

– Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo bản án, quyết định của Toà án thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của Bộ luật dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì người mua được tài sản đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng tài sản đã mua đấu giá, nhận để thi hành án. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị đình chỉ thi hành án, kháng nghị, sửa đổi hoặc hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục hoàn thiện thủ tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp trình tự, thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật do có lỗi của người mua được tài sản bán đấu giá; người phải thi hành án, người được thi hành án và người mua được tài sản bán đấu giá có thỏa thuận khác. Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thực hiện theo quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản.

Vì vậy, nếu chỉ vì định giá thiếu một số tài sản nhưng khi bán đấu giá thông báo tất cả các tài sản với giá khởi điểm của tất cả các tài sản đó và kết quả bán đấu giá không có lỗi của người mua được tài sản thì về nguyên tắc phải giao tài sản cho người trúng đấu giá (toàn bộ lô tài sản bán đấu giá đó). Người có lỗi trong việc định giá, tổ chức bán đấu giá thiếu tài sản phải bồi thường thiệt hại đối với phần tài sản định giá thiếu tương ứng với phần lỗi của họ.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 17/2010/NĐ-CP Về bán đấu giá tài sản

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 125/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191