Điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Trong đó, trọng tâm nhất phải kể đến hai đạo cơ bản là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Các quy định mới về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Với việc Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015) thì chế định này có nhiều điểm mới mang tính đột phá, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể là:
Thứ nhất,thay đổi về cách tư duy tiếp cận trong quy định của luật
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới đã quy định tách bạch giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Doanh nghiệp năm 2005 dành riêng một điều quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh (Điều 7). Theo đó, điều kiện kinh doanh được hiểu là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác. Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được thành lập và hoạt động kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Có thể thấy, cùng với một số chế định khác quy định về đăng ký kinh doanh thì những quy định về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chưa có sự tách biệt rõ giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã yêu cầu phải có một số điều kiện như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp… Quy định nói trên đã tỏ ra chưa hợp lý, ít có hiệu lực quản lý nhà nước, nhưng lại gây ra nhiều khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư và thành lập doanh nghiệp mới. Để khắc phục những hạn chế và bất cập đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ hẳn Điều 7 của Luật Doanh nghiệp cũ. Việc phải đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem là một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư về vấn đề này. Hơn nữa, doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh (khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Trong hồ sơ đăng ký, đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều bỏ hẳn các khoản yêu cầu văn bản xác nhận vốn pháp định đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề của giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề. Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định tách bạch giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Các điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Các nhà đầu tư sắp tới đây cứ tiến hành thành lập doanh nghiệp trước, chỉ khi nào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì mới phải yêu cầu thỏa mãn các điều kiện kinh doanh. Chừng nào doanh nghiệp chưa cung cấp dịch vụ, hàng hóa trên thị trường thì chưa bắt buộc thỏa mãn các điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề tương ứng. Đây là tư duy lập pháp hoàn toàn mới và phù hợp với xu thế quốc tế.
Thứ hai,đã có sự đổi mới căn bản trong việc xác định thẩm quyền ban hành văn bản quy định điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Hiện tại, toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Theo thống kê từ các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, hiện có khoảng 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật. Gồm 56 luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của các Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ. Các điều kiện kinh doanh được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như giấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định, giấy đăng ký, chấp thuận… Phần lớn các điều kiện kinh doanh được quy định dưới hình thức giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đây là loại điều kiện kinh doanh dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp phép, cấp chứng nhận. Cụ thể: (1) Có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh; (2) Có 83 ngành nghề yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận; (3) Có 44 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề; (4) Có 11 ngành nghề yêu cầu vốn pháp định; (5) Có 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014, bên cạnh quy định mục tiêu của việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh những ngành, nghề có điều kiện (khoản 1) vàdanh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (khoản 2) thì khoản 3 quy định rõ: “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”. Quy định này đã hoàn toàn ngăn chặn việc các Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách tùy tiện và chồng chéo. Chỉ có Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định về vấn đề này hoặc các nội dung trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện , Chính phủ đang xây dựng dự thảo văn bản quy định việc kiểm soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm tạo khung pháp lý thống nhất trong cả nước về điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Thứ ba,những điều kiện kinh doanh và số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của luật mới đã giảm rất nhiều
Theo quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2014, thì chỉ còn 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (đã giảm bớt 119 ngành, nghề). Khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, những văn bản quy định về điều kiện kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp sẽ không còn hiệu lực. Hơn nữa, các điều kiện kinh doanh, những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, những điều kiện không được đăng tải tại Cổng thông tin này sẽ không có hiệu lực. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.Khi nghiên cứu Danh mục những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chúng tôi cũng thấy rằng số lượng 267 ngành, nghề đó vẫn có thể giảm thêm được nữa. Có những ngành, nghề không nhất thiết phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, không cần thiết phải đưa vào danh mục này. Ví dụ: Kinh doanh dịch vụ việc làm, kinh doanh hàng miễn thuế, kinh doanh dịch vụ xoa bóp… Đặc biệt, có ngành “kinh doanh tiền chất công nghiệp” là ngành còn nhiều băn khoăn, vì không hiểu nó là như thế nào.
Thứ tư,trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chính thức, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố “Dự thảo Danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” nhằm lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện Danh mục này.
Đây rõ ràng là một động thái hoàn toàn mới, rất cầu thị và có ý nghĩa thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước. Nó góp phần tạo nên một bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa hiến định về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi, minh bạch hơn./.
Nguyễn Đình Tuấn
Trường Đại học Công nghiệp Vinh
Bài liên quan:
- THỰC TRẠNG THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ
- Những điểm mới Luật Đầu tư 2014
- Những quy định về điều kiện kinh doanh logistics
- Một số điểm mới của Luật doanh nghiệp năm 2014
- Một số giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2030
- Thư tư vấn xin Giấy phép Kinh doanh khách sạn