Nghĩa vụ đảm bảo sự phù hợp về mặt vật chất của hàng hóa theo Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Hiện nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa, các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế ngày càng phát triển và trở thành giao dịch pháp lý quan trọng nhất trong thương mại quốc tế.
Các thương nhân khi tham gia vào một giao dịch mua bán hàng hóa đều mong muốn nhận được hàng hóa phù hợp với yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là trong thương mại quốc tế khi mà hàng hóa thường xuyên phải vượt qua những quãng đường dài, qua nhiều vùng khí hậu khác nhau. Điều đó rất dễ dẫn đến rủi ro là hàng hóa đến tay người mua trong tình trạng không phù hợp với yêu cầu ban đầu của người mua.
Trong tình huống này, câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp về số lượng cũng như chất lượng của hàng hóa? Câu hỏi này đã được lý giải và làm sáng tỏ thông qua các quy định của Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và thực tiễn áp dụng Công ước này tại hơn 80 quốc gia thành viên.
1. Khái quát về Công ước Viên năm 1980
Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG – Convention on Contracts for the International Sale of Goods) được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong nỗ lực hướng tới việc thống nhất luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm tạo ra một chế độ pháp lý an toàn cho các giao dịch mua bán hàng hóa – trụ cột của hệ thống thương mại thế giới.
Trước khi Công ước Viên ra đời, đã có hai Công ước La Haye năm 1964 về mua bán hàng hóa: Công ước thứ nhất với tên gọi Luật thống nhất về thiết lập hợp đồng mua bán quốc tế các động sản hữu hình; Công ước thứ hai với tên gọi Luật thống nhất cho mua bán quốc tế các động sản hữu hình.
Tuy nhiên hai Công ước này đều không đạt được thành công như mong đợi và trên thực tế rất ít được áp dụng. Năm 1968, UNCITRAL đã khởi xướng việc soạn thảo một Công ước thống nhất nhằm thay thế cho hai Công ước trên. Công ước Viên đã được thông qua ngày 11/4/1980 với sự có mặt của đại diện khoảng 60 quốc gia và 08 tổ chức quốc tế và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1988 (khi có đủ 10 quốc gia phê chuẩn theo Điều 99 của Công ước).
Đến nay, Công ước Viên năm 1980 đã trở thành một trong những công ước về thương mại quốc tế được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Với hơn 80 quốc gia thành viên bao gồm cả các quốc gia siêu cường về kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản[1],…. Công ước Viên đã và đang được áp dụng cho khoảng 2/3 giao dịch thương mại hàng hóa trên thế giới[2].
2. Nghĩa vụ đảm bảo sự phù hợp của hàng hóa theo Công ước Viên năm 1980
Công ước Viên năm 1980 điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, trừ một số vấn đề như trách nhiệm của các bên trong giai đoạn đàm phán, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, vấn đề ủy quyền, vấn đề thời hiệu, vấn đề chuyển quyền sở hữu của hàng hóa.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, vấn đề thu hút được sự quan tâm lớn nhất của các quốc gia tham gia soạn thảo, quan tòa cũng như các trọng tài chính là nghĩa vụ đảm bảo sự phù hợp của hàng hóa. Đây cũng chính là chủ đề của rất nhiều tranh cãi trong quá trình dự thảo Công ước Viên năm 1980[3], bởi lẽ luật của các quốc gia khác nhau tiếp cận vấn đề này theo các cách khác nhau.
Luật của Cộng hòa liên bang Đức thể hiện sự nghiêm khắc với người mua khi yêu cầu người mua phải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa và thông báo các khiếm khuyết, thiếu sót của hàng hóa cho người bán trong một thời hạn rất ngắn nếu không sẽ đánh mất quyền khởi kiện chống lại người bán. Quy định này tạo ra một lợi thế rất lớn cho người bán, nhất là khi thời hạn thông báo được tính từ lúc giao hàng chứ không phải từ thời điểm phát hiện ra khiếm khuyết.
Trái ngược với luật của Cộng hòa liên bang Đức, các bộ luật dân sự của Bỉ, Hà Lan và Pháp lại có xu hướng bảo vệ người mua. Và trong nỗ lực bảo vệ người mua, các bộ luật này đã đặt lên vai người bán một trách nhiệm nặng nề liên quan đến sự phù hợp của hàng hóa. Trách nhiệm về ẩn tỳ được quy định bởi pháp luật của Pháp là một ví dụ điển hình. Theo đó, người bán có trách nhiệm vô thời hạn đối với các ẩn tỳ, và người mua có thể kiện người bán vào bất kỳ thời điểm nào.
Công ước Viên năm 1980 đã đưa ra một giải pháp dung hòa giữa hai trường phái trên. Theo đó, trách nhiệm bảo đảm sự phù hợp của hàng hóa trước tiên và chủ yếu thuộc về người bán, tuy nhiên cũng không thể quên nghĩa vụ “hợp tác, thiện chí và hợp lý” của người mua: Người mua có nghĩa vụ thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa trong một thời hạn hợp lý và với đầy đủ thông tin chi tiết, nếu không người mua sẽ mất quyền yêu cầu áp dụng chế tài đối với người bán.
3. Đảm bảo sự phù hợp về mặt vật chất của hàng hóa theo Công ước Viên năm 1980
Công ước Viên năm 1980 phân biệt sự phù hợp của hàng hóa thành hai loại: Sự phù hợp về mặt vật chất (số lượng, chất lượng) và sự phù hợp về mặt pháp lý (hay còn gọi là tính hợp pháp của hàng hóa). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào nghĩa vụ đảm bảo sự phù hợp của hàng hóa về mặt vật chất, bao gồm đảm bảo về số lượng và chất lượng; đồng thời làm sáng tỏ nghĩa vụ đó thông qua việc phân tích một số án lệ tiêu biểu.
Về mặt nguyên tắc, bên bán phải giao hàng phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng: “Bên bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng và chủng loại như đã thỏa thuận trong hợp đồng và bao bì hoặc phương tiện bảo vệ phù hợp với hợp đồng” (khoản 1 Điều 35 Công ước Viên năm 1980). Tuy nhiên, Công ước Viên cũng dự báo các giải pháp cho trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng (khoản 2 Điều 35 Công ước Viên năm 1980).
3.1. Sự phù hợp của hàng hóa trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng
Liên quan đến số lượng hàng hóa, về cơ bản, việc xác định số lượng của hàng hóa không đặt ra những vấn đề lớn. Người bán có nghĩa vụ giao cho người mua đúng số lượng mà người mua đã đặt. Có hai trường hợp xảy ra, hoặc là người bán giao nhiều hơn, hoặc là người bán giao ít hơn số lượng đã đặt. Trong cả hai trường hợp, người bán là người chịu trách nhiệm về sự thừa, thiếu của hàng hóa.
Nếu khối lượng hàng hóa lớn hơn so với khối lượng đã đặt thì người mua có quyền lựa chọn chấp nhận hoặc từ chối phần thừa. Nếu chấp nhận tất cả thì người mua phải trả theo giá đã quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên trên thực tế, người mua sẽ chấp nhận số lượng thừa với điều kiện giảm giá, và điều kiện này cũng thường xuyên được người bán chấp nhận vì nó có lợi hơn là thu hồi lại hàng hoặc bán lại tại chỗ. Thông thường nếu từ chối thì người mua phải nại ra một lý do hợp lý (ví dụ không đủ kho để chứa hàng) để phù hợp với nguyên tắc thiện chí đã được quy định tại Điều 7 của Công ước Viên năm 1980.
Liên quan đến vấn đề này, cần phải kể đến một bản án gây rất nhiều tranh cãi của Tòa án Pháp. Một doanh nghiệp Pháp đã đặt một số thiết bị điện tử tại một nhà cung cấp Đức. Sau khi nhận hàng, người mua Pháp nhận thấy rằng số lượng hàng hóa lớn hơn so với số lượng đã đặt. Người mua đã yêu cầu người bán đến lấy lại số lượng hàng thừa nhưng người bán không đến lấy.
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định rằng người mua phải trả tiền cho tổng số hàng đã nhận với lý do: Lẽ ra người mua phải gửi trả lại số hàng thừa thay vì yêu cầu người bán đến lấy lại. Tại phiên phúc thẩm, Tòa phá án của Pháp vẫn giữ nguyên phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Bản án này đã bị chỉ trích rất nhiều vì vi phạm nguyên tắc tự do lựa chọn của người mua theo Điều 52 của Công ước Viên năm 1980. Theo đó, giao thừa hàng được coi như một trong những vi phạm về sự phù hợp của hàng hóa. Hệ quả tất yếu là nghĩa vụ lấy lại hàng thừa thuộc về người bán[4].
Công ước Viên năm 1980 không đề cập đến trường hợp giao thiếu hàng. Lý do là người mua sẽ dễ dàng chấp nhận việc giao thừa hàng hơn là việc giao thiếu hàng. Do vậy, trường hợp người bán giao thiếu hàng được coi là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người bán, do đó sẽ áp dụng các chế tài như các trường hợp không phù hợp về hàng hóa khác.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thương mại quốc tế có một số tập quán thương mại cho phép người bán giao hàng với một dung sai nhất định. Ví dụ, theo Điều kiện chung Châu Âu, dung sai cho phép là 5% cao hơn hoặc thấp hơn khối lượng đã đặt đối với mua bán kim loại nói chung và 3% đối với mua bán kim loại không chứa sắt nói riêng[5].
Cũng phải tính đến khả năng người bán không thể giao đủ hàng như đã thỏa thuận với người mua vì trong thương mại quốc tế, hàng hóa thường phải chuyên chở một hành trình dài qua các vùng khí hậu khác nhau, điều đó có thể làm thất thoát hàng hóa. Trong trường hợp chuyên chở bằng đường biển, tập quán thương mại cho phép miễn trách đối với trường hợp thất thoát tự nhiên của hàng hóa, ví dụ cho phép thất thoát từ 1-3% khối lượng hàng hóa do sự bốc hơi.
Liên quan đến chất lượng của hàng hóa, xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận, các bên có quyền mô tả chất lượng hàng hóa theo bất kỳ cách thức nào phù hợp với yêu cầu của các bên.
Trong thực tiễn thương mại, vì nhiều lý do, các bên thường mô tả chất lượng hàng hóa bằng việc viện dẫn đến hàng mẫu thay vì mô tả chi tiết chất lượng hàng hóa trong hợp đồng. Theo quy định của Công ước Viên năm 1980, trong trường hợp bán hàng theo chất lượng hàng mẫu, người bán có nghĩa vụ giao hàng với chất lượng đúng như hàng mẫu (điểm c khoản 2 Điều 35 Công ước Viên). Ngoài ra, các bên thường viện dẫn trong hợp đồng các cụm từ như “chất lượng như hiện trạng” hay “chất lượng thông thường” để mô tả chất lượng.
3.2. Sự phù hợp của hàng hóa trong trường hợp các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về chất lượng hàng hóa, Công ước Viên năm 1980 sẽ viện dẫn đến giá trị sử dụng hàng hóa, bao gồm “giá trị sử dụng thông thường” và “giá trị sử dụng đặc biệt”.
* Giá trị sử dụng thông thường
Khoản 2 Điều 35 Công ước Viên năm 1980 quy định: Trong trường hợp không có thỏa thuận về chất lượng hàng hóa, người bán có nghĩa vụ giao hàng với giá trị sử dụng thông thường của sản phẩm cùng loại. Khái niệm “giá trị sử dụng thông thường” trong thương mại được hiểu là có khả năng bán lại trong những điều kiện thương mại bình thường. Đối với thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người thì phải không độc hại cho sức khỏe con người[6].
Quy định này của Công ước Viên năm 1980 đã để ngỏ cho quan tòa và trọng tài có thể giải thích luật. Có quan điểm cho rằng, với quy định này người mua phải hài lòng nhận hàng khi hàng hóa phù hợp với giá trị sử dụng thông thường. Có quan điểm lại cho rằng, một khi người mua đã phải tìm kiếm một nhà sản xuất chuyên môn cao thì có quyền đòi hỏi phải nhận được những sản phẩm chất lượng cao hơn những sản phẩm cùng loại được cung cấp khắp nơi với giá rẻ hơn, do vậy “giá trị thông thường” cần phải được xác định dựa vào bối cảnh cụ thể.
Án lệ liên quan đến “giá trị thông thường” khá đa dạng. Tòa phá án của Pháp đã quyết định rằng loại rượu mà một nhà máy của Ý giao cho một số khách hàng ở Pháp không phù hợp với giá trị sử dụng thông thường vì rượu đã bị cho thêm đường trong quá trình lên men[7].
Một phán quyết của trọng tài ở Thụy Điển: Một nhà sản xuất Hoa Kỳ đã ký hợp đồng cung cấp máy dập cho một nhà máy ở Trung Quốc. Hợp đồng thỏa thuận rằng máy dập được sản xuất bằng những vật liệu tốt nhất, hoàn toàn mới chưa qua sử dụng. Tuy nhiên, sau bốn năm sử dụng, máy dập bị hỏng.
Người mua ngay lập tức thông báo cho người bán. Người bán đã từ chối mọi trách nhiệm liên quan đến việc máy bị hỏng. Do vậy, người mua đã kiện lên trọng tài. Và trọng tài đã tuyên bố rằng Điều 35 Công ước Viên năm 1980 đã bị vi phạm, vì sản phẩm đã hỏng chỉ sau bốn năm sử dụng trong khi người mua có quyền chờ đợi thời gian hoạt động dài hơn của sản phẩm[8].
Khi nói đến giá trị sử dụng thông thường của hàng hóa, người ta cũng thường đặt ra câu hỏi liệu người bán có cần phải giao hàng phù hợp với các tiêu chuẩn thương mại của nước người mua không ? Giải quyết câu hỏi này các học giả có xu hướng ủng hộ quan điểm rằng, người bán không bắt buộc phải biết và tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại của nước người mua. Các án lệ cũng đi theo xu hướng này.
Một phán quyết của Tòa tối cao Đức liên quan đến việc mua bán sò giữa người bán Thụy Sỹ và người mua Đức. Sò có hàm lượng chất cađimi cao hơn hàm lượng cho phép của Đức. Người mua Đức đã kiện và nại ra rằng sò không thể sử dụng được. Tuy nhiên, Tòa án Đức đã bác lý lẽ của người mua và cho rằng sò phù hợp với giá trị sử dụng thông thường. Các bên đã không thỏa thuận về việc người bán phải tuân thủ các tiêu chuẩn của nước người mua, do vậy việc người bán biết rằng hàng hóa sẽ được tiêu thụ tại Đức không đủ để gắn trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn của Đức về hàm lượng chất cađimi cho người bán[9].
Tuy nhiên, nguyên tắc trên cũng có những ngoại lệ. Ví dụ khi người bán quyết định tấn công thị trường bằng cách quảng cáo sản phẩm tại nước của người mua thì người bán phải biết và tuân thủ các tiêu chuẩn của nước người mua. Hoặc khi người bán có chi nhánh tại nước người mua, hoặc có mối quan hệ thương mại từ lâu với người mua, sẽ là hợp lý khi đòi hỏi người bán phải giao hàng phù hợp với tiêu chuẩn thương mại của nước nơi hàng hóa được tiêu thụ. Quan điểm này được củng cố bởi nhiều án lệ.
Một Tòa án ở Đức giải quyết tranh chấp liên quan đến sản xuất rượu vang: Một người mua ở Áo đã kiện rằng loại men do người bán ở Đức cung cấp đã làm hỏng rượu của mình. Thực tế là loại men đó không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Áo. Tòa án Đức đã buộc tội người bán vì lý do người bán đã có quan hệ thương mại lâu dài với người mua, do vậy cần phải biết các tiêu chuẩn của nước người mua và tuân thủ các tiêu chuẩn đó[10].
* Giá trị sử dụng đặc biệt
Bên cạnh giá trị sử dụng thông thường, Công ước Viên cũng quy định về nghĩa vụ giao hàng phù hợp với mục đích sử dụng đặc biệt mà người mua hướng tới “hàng hóa phải phù hợp với giá trị sử dụng đặc biệt mà người mua đã rõ ràng hoặc ngụ ý thông báo cho người bán tại thời điểm giao kết hợp đồng” (điểm b khoản 2 Điều 35 Công ước Viên).
Ví dụ kinh điển cho trường hợp này là mục đích sử dụng sản phẩm trong những điều kiện thời tiết đặc biệt, ví dụ khi đặt hàng một chiếc xe tải, người mua đã thông báo với người bán rằng chiếc xe này sẽ được dùng để băng qua sa mạc. Như vậy chiếc xe mà người bán giao cho người mua cần phải phù hợp với việc hoạt động trong điều kiện nhiệt độ rất cao.
Liên quan đến vấn đề này cần kể đến một bản án khá đặc biệt của Tòa phá án Pháp: Hàng hóa là táo, được bọc trong giấy, xuất khẩu sang Venezuela, tuy nhiên tại điểm đến, giấy bọc bị phai màu và để lại vết không xóa được trên những trái táo. Tòa phá án Pháp đã bảo vệ người bán khi tuyên bố rằng chất lượng giấy bọc và màu nhuộm phù hợp với điều kiện sử dụng bình thường và đã được chứng minh trong những lần sử dụng trước đây. Việc giấy bọc và màu nhuộm phải phù hợp với điều kiện thời tiết nhiệt đới được coi như mục đích sử dụng đặc biệt, vì vậy người mua cần phải thông tin cho người bán để người bán tuân thủ[11].
Như vậy, việc xác định sự phù hợp của hàng hóa là tương đối nhạy cảm. Do vậy, ở các nước mà án lệ được coi là một nguồn luật thì các quyết định của quan tòa cũng như trọng tài thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hệ thống án lệ. Đây cũng là một khía cạnh mà Việt Nam nên xem xét trong trường hợp tham gia vào Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế.
ThS. Trần Thị Sáu Nhàn
[1]Nguồn: http://www.uncitral.org/uncitral/en/uncitral_texts/sale_goods/1980CISG_status.html.
[2]International Trade Centre (UNCTAD/WTO) & Ministry of Trade of Vietnam, Report on key multilateral treaties affecting trade not ratified by Vietnam- A cost/benefit analysis, March 2007, tr. 27.
[3] Nguồn: http://www.uncitral.org/uncitral/en/uncitral_texts/sale_goods/1980CISG_travaux.html.
[4] Xem Anna Veneziano, “Non-conformité des marchandises dans la vente internationale: Etude de la jurisprudence actuelle sur la CVIM”, Revue des droits des affaires internationales, 1997).
[5] Xem Taghzouti Hassan, “Les obligations de délivrance et de conformité dans les contrats de vente internationale de marchandises : l’apport de la Convention de Vienne du 11 Avril 1980”, Thèse Poitiers, 1985.
[6] xem Décision de la Cour suprême de la région Francfort, Dalloz 2005, p 2281.
[7]xem Cour de cassation française, 23 janvier 1996, Dalloz 1996, p.334, note Witz Claude, Journal de droit international 1997, p.670, note Ph.Kahn.
[8] xem Institut d’arbitrage de la Chambre de commerce de Stockholm, 5 juin 1998, Décision 237, Précis de jurisprudence de la CNUDCI concernant la Convention des Nations Unies sur les contrats de vente internationale de marchandises.
[9] xem Cour suprême allemand, 8 mars 1995, décision 123, Précis de jurisprudence de la CNUDCI concernant la Convention des Nations Unies sur les contrats de vente internationale de marchandises.
[10]xem Anna Veneziano, Non-conformité des marchandises dans la vente internationale : Etude de la jurisprudence actuelle sur la CVIM, Revue des droits des affaires internationales, 1997, p.47
[11]xem Al Qudah Maen, l’exécution de contrat de vente internationale de marchandises (étude comparative du droit français et droit Jordanien), sous la direction de Monsieur le Professeur Pataut Etienne, Université de Réims Champagne Ardenne.
Tham khảo thêm: