Giao dịch tư lợi là một khái niệm không chính thức trong pháp luật thực định của Việt Nam, tuy nhiên, thường được hiểu là giao dịch giữa một bên là công ty/doanh nghiệp và một bên là bao gồm nhưng không giới hạn trong cổ đông, thành viên, người quản lý hoặc người có liên quan của các đối tượng đã nêu hoặc công ty con, công ty liên kết, công ty khác mà người quản lý của công ty có lợi ích liên quan.
Kiểm soát giao dịch tư lợi nhìn từ giác độ của Luật Doanh nghiệp năm 2014
Những giao dịch loại này tiềm ẩn khả năng tư lợi vì vai trò “hai mang” của người ký kết, theo đó, họ vừa đại diện hoặc chi phối công ty (điều này đòi hỏi người ký kết phải có vai trò quản lý trong công ty để có thể tự mình hoặc tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến quyết định xác lập giao dịch); vừa có lợi ích từ bên tham gia giao dịch với công ty (có thể là lợi ích trực tiếp khi chính bản thân người đó ký kết với công ty hoặc gián tiếp, thông qua các bên liên quan hoặc các công ty mà họ có lợi ích/lợi ích chi phối).
Sự phát sinh và tồn tại của những giao dịch tư lợi sẽ gây thiệt hại, tác động tiêu cực, chính vì thế, nhu cầu kiểm soát các giao dịch tư lợi luôn tồn tại, không chỉ là mong muốn của riêng những thành viên/cổ đông của công ty mà còn là của cả các công ty và các thành phần trong nền kinh tế cũng như Nhà nước với vai trò điều hành. Mặc dù vậy, với sự ngụy trang khéo léo và các thủ thuật, mánh lới kinh doanh tinh vi, các giao dịch tư lợi có thể rất khó bị phát hiện và việc kiểm soát chung chưa bao giờ là bài toán đơn giản của các nhà quản lý.
Để hiểu rõ hơn về các loại giao dịch tiềm ẩn khả năng tư lợi, cơ chế kiểm soát giao dịch tư lợi theo pháp luật doanh nghiệp và một số đánh giá về cơ chế kiểm soát giao dịch tư lợi hiện tại theo pháp luật Việt Nam, kính mời độc giả đón đọc bài viết “Kiểm soát giao dịch tư lợi nhìn từ giác độ của Luật Doanh nghiệp năm 2014” của tác giả Nguyễn Hoàng Duy đăng trên Số định kỳ 64 trang tháng 10/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Huyền Bùi
Tham khảo thêm: