Cần quy định thống nhất về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Cần quy định thống nhất về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam

28/12/2015

1. Quy định của pháp luật quốc tế về độ tuổi của trẻ em

Trong các văn bản quốc tế và các chương trình của Liên Hợp quốc sử dụng đồng thời cả hai khái niệm trẻ em và người chưa thành niên. Điều 1 Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child – CRC) có quy định như sau: Trong phạm vi của Công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Và tại Điều 2 trong Công ước số 182 – Công ước Nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, năm 1999 có quy định: Trong Công ước này, thuật ngữ “trẻ em” sẽ áp dụng cho tất cả những người dưới 18 tuổi.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về độ tuổi của trẻ em

Về khái niệm “trẻ em” và độ tuổi của trẻ em ở Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản luật và dưới luật, nhưng không có sự thống nhất, rõ ràng, thậm chí còn chồng chéo nhau khi định nghĩa về độ tuổi của trẻ em, đến khi nào thì không còn là trẻ em? Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cụ thể:

– Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam năm 2004 quy định thì: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi” [1]. Như vậy, quy định về tuổi trẻ em trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Việt Nam đã có độ vênh tới 2 tuổi so với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

– Theo Luật Thanh niên năm 2005 quy định thì: “Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi” [2].

– Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thì: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, tại Điều 18 của Bộ luật dân sự hiện hành thì: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Như vậy, với nữ thì chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là có quyền được kết hôn, nhưng nam thì phải đợi đến đủ 20 tuổi mới được thực hiện quyền được kết hôn của mình? Vậy phải chăng đối với nam thì đến 20 tuổi mới hết là trẻ em? Chỉ riêng quy định này cũng đã cho chúng ta thấy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tuy mới ban hành, nhưng đã bộc lộ bất cập, không thống nhất với Bộ luật Dân sự [3].

– Bộ luật Dân sự quy định [4]: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên. Với quy định này, có thể hiểu rằng, người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa trưởng thành, tức cũng có nghĩa là người chưa đủ 18 tuổi vẫn còn là trẻ em.

– Luật Lao động năm 2012 quy định về người lao động như sau: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động” [5]. Theo quy định trên thì người lao động có thể là người chưa thành niên, nói cách khác là có thể vẫn còn là trẻ em.

– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng xác định đối tượng xử phạt hành chính phải từ đủ 14 tuổi trở lên, cụ thể là: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính” [6], quy định này đồng nghĩa với việc coi trẻ em là 14 thay vì 16 như quy định chung.

Cách đây hơn 25 năm, vào ngày 20/02/1990, Việt Nam đã chính thức trở thành nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam lại là nước còn lại duy nhất trong khối ASEAN; thứ 4 ở châu Á và thứ 11 trên thế giới chưa nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên 18.

Việc quy định không thống nhất, không rõ ràng về độ tuổi trẻ em như trên đã gây ra không ít khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

3. Cần quy định thống nhất về trẻ em và độ tuổi của trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và Hiến pháp năm 2013

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005. Qua hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều quy định đã không phát huy được hiệu lực, hiệu quả và nhiệm vụ trong việc bảo vệ trẻ em, chưa phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, trong khi đó, đời sống hiện nay đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong những năm qua, thực tế đã phản ánh, vẫn còn có rất nhiều trẻ em phải bỏ học, phải lang thang, vất vả lao động kiếm sống, mặc dù chưa đến tuổi lao động, nhiều trẻ em bị bạo lực, bóc lột xâm hại tình dục “… Theo thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang, bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%. Bên cạnh đó, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục, năm sau thường cao hơn năm trước. Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%. Năm 2014, cả nước đã xảy ra 839 vụ xâm hại tình dục đối với người vị thành niên (tăng 1,2% so với năm 2013 và chiếm 60% số vụ xâm hại trẻ em)… Đáng lo ngại tình trạng loạn luân (bố đẻ hiếp dâm con gái; bố dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ; anh trai hiếp dâm em gái) hay tình trạng hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… đang có chiều hướng gia tăng” [7]..

Như đã phân tích ở trên, việc quy định không thống nhất, rõ ràng về độ tuổi trẻ em giữa một số luật, văn bản luật đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và xác định một trong những chủ thể cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục là trẻ em khi tham gia các quan hệ của đời sống, xã hội.

Trước thực tế này, thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến các cơ quan chức năng và trẻ em về việc sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua Dự thảo Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được trình Quốc hội thảo luận và xem xét, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Dự thảo Luật lần này có nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dựa trên những quan điểm đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Một trong những chế định được đề xuất sửa đổi đó là quy định nâng độ tuổi của trẻ em Việt Nam từ 16 tuổi lên 18 tuổi.

Theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em quy định thì trẻ em là người dưới 18 tuổi. Qua khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho thấy: ở châu Á chỉ có Việt Nam, Myanmar, Singapore còn quy định tuổi của trẻ em thấp hơn 18. Campuchia và Lào đã quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi. Myanmar đang sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi… Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh một số luật, văn bản luật chưa có sự thống nhất về độ tuổi trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, thì cũng có một số luật đã quy định ngưỡng thành niên và chưa thành niên là 18 tuổi như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân và đặc biệt là những quy định của Hiến pháp năm 2013, như quy định về việc: Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân [8]… Như vậy, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, nếu quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi và công dân từ đủ 18 tuổi là người thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực dân sự, sẽ bảo đảm và củng cố tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ, tức là tuổi thành niên và chưa thành niên.

Theo kết quả nghiên cứu về “Nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 trong bối cảnh Việt Nam hiện nay – lợi ích, tác động và một số giải pháp” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện đã chỉ rõ, về cơ sở khoa học, tâm sinh lý của trẻ em từ 16 – 18 tuổi còn non nớt, chưa hoàn thiện, có những thay đổi lớn trong giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em lên người trưởng thành với nhận thức xã hội, hành vi chưa chín chắn. Do vậy, trẻ em trong lứa tuổi này thường dễ bị tổn thương, dễ bị lợi dụng và lệch lạc về hành vi, thái độ, nhận thức; đồng nghĩa với việc dễ bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như có nguy cơ thực hiện các hành vi trái pháp luật khá cao [9].

Việc Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã mở rộng khái niệm “trẻ em” cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể: Điều 1 Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định: Trẻ em là người dưới 18 tuổi, mà không giới hạn phải là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi như quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 [10]. Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp hơn với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó, ngoài việc bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam, Việt Nam còn ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người của mọi trẻ em, không phân biệt quốc tịch và đang sinh sống tại Việt Nam. Khi tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi thì trẻ em sẽ là người được hưởng lợi rất nhiều. Đơn cử như 18 tuổi vẫn là trẻ em thì các em sẽ được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, trẻ em sẽ được bảo đảm việc cung ứng các loại thuốc thiết yếu chữa bệnh cho trẻ em; bảo đảm điều kiện và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, được tiêm chủng phòng bệnh, phòng dịch… Đồng thời, việc nâng độ tuổi của trẻ em cũng sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong điều kiện tốt nhất là nhiệm vụ của toàn xã hội, và là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Bởi vậy, việc “Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển” [11] là một trong những mục tiêu quan trọng, là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Việc nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên 18 tuổi cũng không vi phạm quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; ngược lại, đây là cách Việt Nam thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm và thực hiện quyền trẻ em; đồng thời khẳng định vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong quá trình hội nhập các thể chế khu vực và quốc tế nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy quyền con người trong đó có quyền trẻ em.

Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật, các Luật, đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các Công ước Quốc tế về Quyền con người và truyền thống văn hoá của dân tộc. Hiến pháp năm 2013 là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước, đã thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước ta trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiều quy định về quyền con người trong Chương II là một bước tiến đáng kể về tư duy Nhà nước pháp quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành… phù hợp với các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực thi hành được gần 02 năm, theo đó nhiều đạo luật đã được xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung và đang được triển khai thực hiện [12], nhiều đạo luật mới mang tính “rường cột” cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã được thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2016 [13] và những năm tiếp theo [14]. Theo chúng tôi, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 là cần thiết, trong đó, cần ghi nhận quy định nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi [15] phù hợp với nội dung và quy định của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của trẻ em. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam cũng cần thống nhất định nghĩa về “trẻ em” và độ tuổi của trẻ em.

Vũ Hải Việt, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Nguyễn Thị Thanh Bình, Học Viện hành chính quốc gia



[1]Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.

[2] Điều 1 Luật Thanh niên năm 2005.

[3] Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

[4] Điều 18 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Điều 20, Điều 21, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

[5]Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012.

[6] Điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạmhành chính năm 2012.

[7]Xem: Ngô Xuân Tính – Nguyễn Thị Ngọc Dung: “Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục– Những vấn đề cần quan tâm”-http://csnd.vn/Home/Print/1104/Tinh-trang-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-Nhung-van-de-can-quan-tam

[8] Điều 27, Điều 29 Hiến pháp năm 2013.

[9] Việt Hà – TTXVN: Xem xét nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi

http://news.go.vn/phap-luat/tin-1434514/xem-xet-nang-do-tuoi-phap-ly-cua-tre-em-viet-nam-len-duoi-18-tuoi.htm

[10] Điều 1 – Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004

[11]Tiết a mục 1 Điều 1 Quyết định số 67/QĐ-TTg, ngày 22/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 –2015.

[12] Hiến pháp năm 2013; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Công an Nhân dân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

[13] Bộ Luật Hình sự năm 2015; Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật Bảo hiểm xã hội…

[14] Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành 01/01/2017.

[15] Điều 1 Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)

Tham khảo thêm:

1900.0191