Một số vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án dân sự

Một số vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án dân sự

Việc triển khai và thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã góp phần làm cho công tác thi hành án dân sự có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số chi cục thi hành án địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về mặt chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự cần phải có giải pháp khắc phục.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp đã có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết.

1. Vướng mắc về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án

Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xác minh của người được thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay…”.

Một số ý kiến cho rằng, Luật quy định thời gian xác minh trong thời hạn 10 ngày là quá ít. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.

Kể từ khi ra quyết định thi hành án thì trong thời hạn 02 ngày mới phân công chấp hành viên, như vậy, còn 03 ngày thì chấp hành viên không đủ thời gian để tiến hành xác minh. Luật không có gia hạn về thời hạn xác minh, nên tình trạng chấp hành viên vi phạm về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án xảy ra nhiều, chưa có biện pháp khắc phục. Việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành trong thời gian tự nguyện thi hành án; nếu người phải thi hành án tự nguyện thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án là không cần thiết.

Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp hướng dẫn như sau:

Trường hợp này cần hiểu là, thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày và 10 ngày để tính thời gian xác minh là tính từ ngày ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và trừ 02 ngày phân công chấp hành viên thì còn 08 ngày để chấp hành viên tiến hành xác minh lần đầu. Đồng thời, việc xác minh có thể bằng hình thức chấp hành viên ban hành công văn yêu cầu đơn vị, tổ chức đang nắm giữ thông tin về tài sản hoặc đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án cung cấp thông tin về tài sản, hoặc trực tiếp xác minh… Tuy nhiên, trên thực tế cũng có trường hợp cùng một lúc có nhiều quyết định thi hành án được ban hành, nên Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ nghiên cứu, đề xuất vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

2. Vướng mắc về khoản phải thi hành án cần ưu tiên

Thứ nhất: Trên thực tế phát sinh một số khoản phải thi hành án cần ưu tiên nhưng chưa đưa vào khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Ví dụ: Bên phải thi hành án là đơn vị kinh tế phải thanh toán các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; bên được thi hành án là cơ quan bảo hiểm xã hội, nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nếu không được ưu tiên thanh toán, phải chia theo tỷ lệ (trong trường hợp có nhiều người được thi hành án) là chưa phù hợp.

Vướng mắc này xin hiểu như sau:

Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Các trường hợp không được quy định ưu tiên thì sẽ được thanh toán theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 của Luật này về “các khoản phải thi hành khác theo bản án, quyết định”.

Thứ hai: Khoản án phí có được ưu tiên thanh toán trước nghĩa vụ được bảo đảm từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể (sau khi trừ đi các chi phí về thi hành án) hay không?

Vấn đề này được Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp hướng dẫn như sau:

Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”. Theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì chấp hành viên có quyền kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế, sau khi xử lý tài sản kê biên người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Như vậy, trong trường hợp xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp, thì số tiền thu được phải ưu tiên thanh toán cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp trước, mà không ưu tiên thanh toán khoản án phí. Tương tự đối với trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được khi xử lý tài sản sau khi trừ các chi phí về thi hành án được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ cụ thể mà bản án, quyết định đã tuyên, không ưu tiên thanh toán khoản án phí đối với bản án này

Tham khảo thêm:

1900.0191