Điểm mới về khởi tố, hỏi cung bị can, đối chất và nhận dạng của Bộ luật TTHS 2015

Khởi tố bị can, hỏi cung bị can là hoạt động tố tụng hình sự bắt buộc của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng. Khởi tố bị can đánh dấu sự kiện pháp lý quan trọng, xác định tư cách tham gia tố tụng của một người hoặc của một pháp nhân thương mại và đồng thời có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế về quyền của con người, quyền của pháp nhân thương mại.

Khởi tố bị can, hỏi cung bị can có ý nghĩa rất to lớn trong việc thu thập chứng cứ chứng minh, có hành vi phạm tội xảy ra hay không? vào thời gian, địa điểm, ai là người thực hiện hành vi phạm tội, đảm tính chính xác, nhanh chóng và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, gắn công tố với hoạt động điều tra,BLTTHS năm 2003, quy định trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ có 02 (hai) trường hợp khi tiến hành thu thập chứng cứ bắt buộc Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát là trường hợp khám nghiệm hiện trường và trường hợp khám nghiệm tử thi.

BLTTHS năm 2015 quy định 07 (bảy) trường hợp khi tiến hành thu thập chứng cứ bắt buộc Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát là: Khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; khám xét (trừ trường hợp khám xét khẩn cấp); thực nghiệm điều tra; đối chất; nhận dạng và nhận biết giọng nói. Theo đó, các trường hợp bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát nhiều hơn so với BLTTHS năm 2003 là 05 (năm) trường hợp.

Như vậy, quy định mới về nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát điều tra án hình sự ngày càng nặng nề hơn; đòi hỏi trình tự, thủ tục điều tra, thu thập chứng cứ phải được đầy đủ, khách quan và phải có sự kiểm sát đảm bảo hoạt động điều tra được tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp đối chất, nhận dạng, nhận biết về giọng nói trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là các bước tiến hành thu thập chứng cứ do Điều tra viên tiến hành rất cần có sự kiểm sát của Kiểm sát viên để khắc phục thiếu sót, đảm bảo pháp luật được tuân thủ.

Trong phạm vi của bài viết này, chỉ đề cập đến một số quy định mới về “Khởi tố, hỏi cung bị can, đối chất và nhận dạng” trong BLTTHS năm 2015 để góp phần làm sáng tỏ hơn các quy định mới này.

I. KHỞI TỐ BỊ CAN, HỎI CUNG BỊ CAN

1/ Về khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1.1. Về khởi tố bị can (Điều 179):

– Điều 179 khởi tố bị can, có cấu trúc thành 05 (năm) khoản; khoản 1 quy định căn cứ để khởi tố bị can; khoản 2 quy định về nội dung quyết định khởi tố bị can; khoản 3 quy định về thời gian, thủ tục chuyển giao quyết định khởi tố bị can và tài liệu chứng cứ đến cơ quan có trách nhiệm phê chuẩn (Viện kiểm sát cùng cấp), quy định về thời gian và trách nhiệm của cơ quan xét phê chuẩn; khoản 4 quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan xét phê chuẩn khi phát hiện thấy có hành vi phạm tội chưa được khởi tố; khoản 5 quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra phải làm sau khi nhận được quyết định phê chuẩn khởi tố bị can. Các điểm mới được bổ sung khởi tố pháp nhân, yêu cầu bổ sung chứng cứ tài liệu để làm căn cứ phê chuẩn, cụ thể:

+ Khoản 1, Điều 179 quy định: Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

+ Khoản 3, Điều 179 quy định: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.

– So với quy định của BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 quy định 02 (hai) nội dung mới:

+ Một là, về số lượng chủ thể bị khởi tố nhiều hơn so với BLTTHS năm 2003. BLTTHS năm 2003, quy định khởi tố đối với 01 (một) chủ thể là một người (cá nhân) thực hiện hành vi phạm tội; BLTTHS năm 2015, quy định khởi tố đối với 02 (hai) chủ thể là: Một người (cá nhân) hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm. Quy định mới của BLTTHS năm 2015 về khởi tố bị can đối với pháp nhân; theo quy định tại khoản 2, Điều 2 của BLHS năm 2015, cơ sở của trách nhiệm hình sự “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm tội đã được quy định tại Điều 76 Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Như vậy, pháp nhân bị khởi tố với tư cách bị can phải là pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm vào một trong các tội: Buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng cấm; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; đầu cơ; trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng thị trường chứng khoán; gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vi phạm quy định về cạnh tranh; xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; huỷ hoại rừng; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

+ Hai là, yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra. Quy định này tạo điều kiện về mặt thời gian cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ và quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can nhằm đảm bảo cho việc không bỏ lọt tội phạm và không khởi tố oan người vô tội. Điều luật quy định khi Viện kiểm sát nhận quyết định khởi tố bị can cùng hồ sơ tài liệu chứng cứ do Cơ quan điều tra chuyển giao để nghiên cứu quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hay không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, nghiên cứu hồ sơ thấy chưa đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm mà cần phải bổ sung thu thập thêm chứng cứ, tài liệu để làm căn cứ quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

Quy định mới này là đòi hỏi tất yếu của xã hội, yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tăng cường trách nhiệm trước khi ra quyết định, phải áp dụng mọi biện pháp thu thập chứng cứ tài liệu do pháp luật quy định để hạn chế đến mức thấp nhất trong việc làm oan người vô tội hoặc không bỏ lọt người phạm tội, đảm bảo quyền con người ngày càng được tôn trọng. Tuy nhiên, điều luật vẫn chưa quy định thời hạn Cơ quan điều tra phải bổ sung chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát là bao nhiêu? mà chỉ quy định thời hạn 03 (ba) ngày Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.

1.2. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can (Điều 180):

Điều 180 có cấu trúc và nội dung quy định tương đối giống với quy định về khởi tố bị can (Điều 179), chỉ khác ở chỗ là Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

Một là, thay đổi quyết định khởi tố bị can là trường hợp khi tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thấy có căn cứ xác định hành vi của bị can không phạm vào tội đã quyết định khởi tố mà phạm vào một tội khác.

Hai là, bổ sung quyết định khởi tố bị can là trường hợp khi tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thấy có căn cứ xác định bị can còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm và phải được khởi tố thêm để xử lý theo quy định của BLTTHS.

2/ Về hỏi cung bị can (Điều 183)

Điều 183 quy định về hỏi cung bị can, có cấu trúc chia làm thành 06 (sáu) khoản; khoản 1 quy định về trách nhiệm của Điều tra viên trước khi hỏi cung bị can phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa biết về thời gian, địa điểm hỏi cung; khoản 2 quy định lần đầu hỏi cung, Điều tra viên phải có trách nhiệm giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can; khoản 3 quy định trường hợp cấm không được hỏi cung; khoản 4 quy định trường hợp bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung; khoản 5 quy định không được bức cung, nhục hình; khoản 6 quy định các trường hợp hỏi cung phải được ghi âm, ghi hình.

Các điểm mới được bổ sung trước khi hỏi cung Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung; Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật; các trường hợp hỏi cung phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; cụ thể:

Khoản 1, Điều 183 quy định: Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.

– Khoản 4, Điều 183 quy định: Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Khoản 6, Điều 183 quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

So với quy định của BLTTHS năm 2003, thì BLTTHS năm 2015 quy định mới 03 (ba) nội dung:

Một là, quy định trách nhiệm của Điều tra viên trước khi tiến hành hỏi cung bị can, Điều tra viên bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm thông báo về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can cho 02 (hai) chủ thể là: Thông báo cho Kiểm sát viên (người tiến hành tố tụng) biết về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để Kiểm sát viên thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật khi Điều tra viên hỏi cung bị can; thông báo cho người bào chữa (người tham gia tố tụng) biết về thời gian địa điểm hỏi cung để người bào chữa thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Quy định này nhằm khắc phục hạn chế của BLTTHS năm 2003 về quyền và lợi ích hợp pháp của bị can; bị can không bị bức cung, nhục hình; lời khai của bị can không bị ghi sai lệch hoặc ghi theo ý của Điều tra viên. Việc thông báo thời gian, địa điểm hỏi cung phải được thực hiện bằng văn bản, được thống kê đưa vào hồ sơ vụ án.

Hai là, quy định trách nhiệm của Kiểm sát viên phải tiến hành hỏi cung khi thuộc một trong các trường hợp:

Trường hợp bị can kêu oan, nghĩa là bị can hoặc người địa diện hợp pháp của bị can phản ánh đến cơ quan Nhà nước, người tiến hành tố tụng là bị can không thực hiện hành vi phạm tội mà cơ quan tiến hành tố tụng đang khởi tố, điều tra;

Trường hợp có khiếu nại hoạt động điều tra của Điều tra viên, nghĩa là bị can hoặc người đại diện hợp pháp của bị can khiếu nại cho rằng hành vi hoạt động điều tra của Điều tra viên là trái pháp luật, đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can;

Trường hợp khi có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật, nghĩa là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện hành vi trái pháp luật đã xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can;

Trường hợp xét thấy cần thiết, là một khái niệm tương đối rộng, theo quan điểm của tôi thì xét thấy cần thiết là những biện pháp mà BLTTHS quy định phải được thực hiện trong một vụ việc cụ thể nhằm làm sáng tỏ sự việc, tôn trọng sự thật khách quan mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ.

Ba là, quy định khi hỏi cung bị can bắt buộc phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong 04 (bốn) trường hợp là:

Trường hợp hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ, nghĩa là việc hỏi cung được tiến hành tại nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm Trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng;

Trường hợp hỏi cung bị can tại trụ sở Cơ quan điều tra, nghĩa là việc hỏi cung được tiến hành tại nơi làm việc hàng ngày của Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân, bao gồm: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng, bao gồm: Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, bao gồm: Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Trường hợp hỏi cung bị can tại cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nghĩa là nơi làm việc thường xuyên của các cơ quan trong Bộ đội biên phòng bao gồm: Cục trinh sát biên phòng, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn biên phòng. Các cơ quan của Hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục Hải quan cửa khẩu. Các cơ quan của Kiểm lâm bao gồm: Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Hạt Kiểm lâm. Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển bao gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, Hải đoàn, Hải đội, Đội nghiệp vụ. Các cơ quan của Kiểm ngư bao gồm: Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng. Các cơ quan của Công an nhân dân bao gồm: Cục Quản lý xuất nhập cảnh, các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trại giam. Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân bao gồm: Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác, nghĩa là việc hỏi cung bị can được tiến hành tại trụ sở làm việc của chính quyền cấp xã, phường nơi bị can cư trú hoặc tại trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức, xí nghiệp, nhà máy, công ty… mà nơi bị can đang làm việc nếu bị can có yêu cầu hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu ghi âm, ghi hình có âm thanh thì việc hỏi cung do Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh.

II/ ĐỐI CHẤT VÀ NHẬN DANG

1. Về đối chất (Điều 189)

Điều 189 có cấu trúc chia làm thành 05 (năm) khoản; khoản 1 quy định về căn cứ để đối chất và kiểm sát việc đối chất; khoản 2 quy định Điều tra viên phải giải thích trách nhiệm về việc từ chối khai báo, khai báo gian dối; khoản 3 quy định về nội dung, cách thức hỏi đối chất; Khoản 4 quy định hình thức lập biên bản; khoản 5 quy định căn cứ Kiểm sát viên tiến hành tổ chức đối chất. Điểm mới được bổ sung, cụ thể:

Khoản 1, Điều 189 quy định: Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.

Đối chất là một biện pháp thu thập chứng cứ theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm mục đích xác định tính xác thực của tình tiết vụ án. Điều luật quy định Cơ quan điều tra chỉ được áp dụng biện pháp đối chất khi có đủ 02 (hai) điều kiện:

Một là, lời khai giữa hai hay nhiều người có mâu thuẫn;

Hai là, Cơ quan điều tra đã tiến hành hết các biện pháp điều tra nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn.

BLTTHS năm 2015 quy định mới về trách nhiệm đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên là trước khi Điều tra viên tổ chức tiến hành việc đối chất thì bắt buộc Điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tiến hành đối chất của Điều tra viên; trách nhiệm của Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất.

2. Về nhận dạng (Điều 190)

Điều 190, có cấu trúc làm 05 (năm) khoản; khoản 1 quy định điều kiện để nhận dạng; khoản 2 quy định những người phải tham gia nhận dạng; khoản 3 quy định Điều tra viên giải thích trách nhiệm của người tham gia nhận dạng; khoản 4 quy định trình tự hỏi nhận dạng; khoản 5 quy định lập biên bản nhận dạng. Điểm mới được bổ sung, cụ thể:

Khoản 1 điều luật quy định: Khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng. Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi. Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

Nhận dạng làm cho người nhận dạng hồi tưởng, nhớ lại một đối tượng, một sự vật mà họ đã nhận biết trước đó và được ghi lại trong trí nhớ; nhận dạng là một hoạt động tố tụng thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra nhằm mục đích xác nhận tính xác thực.

Điều luật quy định rõ trách nhiệm của Điều tra viên, trách nhiệm của Viện kiểm sát và trách nhiệm của Kiểm sát viên, như sau:

Đối với Điều tra viên (người tiến hành tố tụng), trước khi tổ chức tiến hành nhận dạng Điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo Viện kiểm sát ngang cấp biết về thời gian, địa điểm tổ chức nhận dạng;

– Đối với Viện kiểm sát (cơ quan tiến hành tố tụng) phải có trách nhiệm cử Kiểm sát viên thực hiện chức năng kiểm sát việc nhận dạng;

Đối với Kiểm sát viên (người tiến hành tố tụng) phải có mặt ở nơi tổ chức nhận dạng để thực hiện chức năng kiểm sát việc nhận dạng của Điều tra viên trong việc tuân thủ quy định của BLTTHS.

Việc nhận dạng do Điều tra viên tiến hành và có giá trị pháp lý khi người nhận dạng tham gia tố tụng với một trong bốn tư cách là người làm chứng, người bị hại, bị can hoặc người chứng kiến. Ngoài bốn người tham gia tư cách tố tụng nêu trên thì việc nhận dạng đều không có giá trị pháp lý.

3. Về nhận biết giọng nói (Điều 191)

Tương tự như quy định về nhận dạng, nhận biết giọng nói (Điều 191) có cấu trúc làm 05 (năm) khoản; khoản 1 quy định điều kiện để nhận biết giọng nói; khoản 2 quy định những người phải tham gia nhận biết giọng nói; khoản 3 quy định Điều tra viên giải thích trách nhiệm của người tham gia nhận biết giọng nói; khoản 4 quy định trình tự hỏi người nhận biết giọng nói; khoản 5 quy định lập biên bản nhận biết giọng nói. BLTTHS năm 2015, quy định nhận biết giọng nói thành một điều luật riêng và được ghi nhận là một hoạt động tố tụng thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra nhằm mục đích xác nhận tính xác thực. Tuy nhiên việc nhận biết giọng nói là rất khó khăn mặc dù có giám định viên về âm thanh cùng tham gia, nhưng giọng nói có thay đổi theo thời gian, tốc độ giọng nói, môi trường và điều kiện sức khỏe của người được đưa ra để nhận biết giọng nói. Việc sử dụng nhận biết giọng nói để làm chứng cứ chứng minh đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng, chánh đánh giá xuôi chiều; kết quả nhận biết giọng nói phải được đặt trong mối quan hệ phù hợp với các chứng cứ khác.

Khoản 1 điều luật quy định: Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói. Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau. Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.

Như vậy, tổ chức nhận biết giọng nói được áp dụng khi người tham gia nhận biết giọng nói phải là người bị hại, người làm chứng, người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc bị can. Đồng thời quy định trách nhiệm của Điều tra viên, trách nhiệm của Viện kiểm sát và trách nhiệm của Kiểm sát viên, như:

Đối với Điều tra viên, trước khi tổ chức tiến hành nhận biết giọng nói Điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo Viện kiểm sát ngang cấp biết về thời gian, địa điểm tổ chức nhận biết giọng nói;

Đối với Viện kiểm sát phải có trách nhiệm cử Kiểm sát viên thực hiện chức năng kiểm sát việc nhận biết giọng nói;

Đối với Kiểm sát viên phải có mặt ở nơi tổ chức nhận biết giọng nói để thực hiện chức năng kiểm sát việc nhận biết giọng nói của Điều tra viên trong việc tuân thủ quy định của BLTTHS.

Khoản 2 điều luật quy định: Những người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói: Giám định viên về âm thanh; người được yêu cầu nhận biết giọng nói; người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm; người chứng kiến.

Như vậy, những người phải tham gia nhận biết giọng nói gồm có 04 (bốn) người, cụ thể: Giám định viên về âm thanh; người được yêu cầu nhận biết giọng nói; người được đưa ra để nhận biết giọng nói; người chứng kiến. Nhận biết giọng nói là một nhận biết thông tin là tín hiệu giọng nói có âm vị, đặc điểm riêng, giọng nói theo vùng miền đã được ghi nhận trong trí nhớ của người được yêu cầu nhận biết để so sánh với tiếng nói của người được đưa ra để nhận biết nhằm mục đích xác định tính xác thực.

Bài viết chủ ý làm rõ hơn các quy định mới về khởi tố bị can, hỏi cung bị can, đối chất và nhận dạng của BLTTHS năm 2015. Rất mong được sự bổ sung đóng góp của bạn đọc./.



Minh Tuấn

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội

1900.0191