Bàn về cách ghi tên cơ quan ban hành văn bản trong các biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính

Bàn về cách ghi tên cơ quan ban hành văn bản trong các biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính

Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nói chung và xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Nhằm phát huy vai trò của Luật XLVPHC năm 2012, ngày 19/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC, trong đó có danh mục một số biểu mẫu XPVPHC. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP bước đầu đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật XLVPHC năm 2012 nhất là đối với những quy định chưa được cụ thể hóa trong Luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác XLVPHC một cách chính xác, đúng các nguyên tắc xử lý theo quy định của Luật thì Nghị định này cũng có một số nội dung mà cách hiểu, cách áp dụng chưa được thống nhất hoặc chưa được sự đồng thuận cao trong quá trình tác nghiệp của các đối tượng có thẩm quyền XLVPHC nói chung và XPVPHC nói riêng. Trong đó có việc ghi tên cơ quan ban hành văn bản trong các biểu mẫu XPVPHC.

Để sử dụng các loại biểu mẫu được thống nhất, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ban hành kèm theo Phụ lục 32 biểu mẫu trong XPVPHC (gồm 20 mẫu Quyết định; 11 mẫu biên bản và 01 mẫu văn bản giao quyền XLVPHC). Nội dung các biểu mẫu này đều cụ thể, rõ ràng nên quá trình thực hiện có nhiều thuận lợi cho các đối tượng có thẩm quyền XPVPHC. Tuy nhiên, việc ghi tên cơ quan ban hành văn bản trong các biểu mẫu XPVPHC thì đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập vì có 2 các hiểu và áp dụng khác nhau.

Cách hiểu và vận dụng thứ nhất: Hướng dẫn việc trình bày các biểu mẫu trong việc XPVPHC, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: “Những yêu cầu về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản đối với các biểu mẫu dùng cho việc XPVPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính về phông chữ trình bày văn bản; Về khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trang văn bản; Về thể thức và kỹ thuật trình bày quốc hiệu; Về thể thức và kỹ thuật trình bày tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản; Về thể thức kỹ thuật trình bày số văn bản; Về thể thức trình bày địa danh, ngày tháng năm ban hành văn bản”.

Trong đó lưu ý: Riêng đối với văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã thì phải ghi rõ cấp tỉnh, cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện thì phải ghi rõ cấp tỉnh. Vì vậy, một số trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra Quyết định xử phạt thì vận dụng và trình bày bằng hình thức ghi rõ phần cơ quan ban hành Quyết định XPVPHC là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên Ủy ban nhân dân cấp huyện và sau đó mới ghi tên cơ quan là Ủy ban nhân dân cấp xã của người có thẩm quyền ban hành Quyết định. Một số ý kiến cho rằng cách trình bày này là phù hợp theo hướng dẫn tại biểu mẫu Quyết định số 19 được ban hành tại Danh mục phụ lục biểu mẫu kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và phân biệt rõ tên đơn vị hành chính giữa các địa phương trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo được yêu cầu của việc thực hiện cung cấp thông tin cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu công tác XPVPHC.

Cách hiểu và vận dụng thứ hai: Đa số ý kiến không đồng tình với cách trình bày như hướng dẫn biểu mẫu Quyết định số 19 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP vì không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định về kỹ thuật trình bày văn bản (văn bản chuyên ngành) theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội dòng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và nguyên tắc tổ chức của Ủy ban nhân các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Bởi vì, cách trình bày này sẽ dẫn đến cách hiểu: Ủy ban nhân dân cấp trên là cơ quan chủ quản của Ủy ban nhân dân  cấp dưới. Điều này là không phù hợp với nguyên tắc tổ chức do Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 vì Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu và Ủy ban nhân dân cấp trên không phải là cơ quan chủ quản của Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Do đó, trong trường hợp này nên  trình bày bằng hình thức là ghi tên của Ủy ban nhân dân cấp xã của người có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt, sau đó chỉ cần ghi tên huyện, tên tỉnh của đơn vị hành chính đó là hợp lý hơn. Cụ thể, cách trình bày như sau: UBND XÃ (A) HUYỆN (B) TỈNH (C). Cách trình bày này vừa đảm bảo tính thống nhất với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 về nguyên tắc tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đồng thời phù hợp với các văn bản của Bộ Nội vụ quy định, hướng dẫn về cách trình bày văn bản hành chính mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của việc phân biệt rõ tên đơn vị hành chính giữa các địa phương trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo được yêu cầu của việc thực hiện cung cấp thông tin cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu công tác XPVPHC.

Từ cách hiểu và vận dụng như trên, trong quá trình tác nghiệp việc trình bày tên cơ quan của người có thẩm quyền ban hành các biểu mẫu kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không thống nhất, gây có khăn cho công tác theo dõi nhưng vấn đề cần lưu ý là sai thẩm quyền về hình thức của biểu mẫu được sử dụng trong quá trình XPVPHC. Điều này có thể dẫn đến hậu quả Quyết định đó bị các cơ quan có thẩm quyền tuyên hủy vì không phù hợp theo quy định của Điều 32 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP nếu Quyết định bị khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu và có ý kiến đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Lê Kim Chinh

Tham khảo thêm các bài viết:

1900.0191