Những thuận lợi, khó khăn vướng mắc và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001 – 2010

Những thuận lợi, khó khăn vướng mắc và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001 – 2010.

Cải cách thể chế là cốt lõi của Chương trình tổng thể cải cách hành chính, nhằm đáp ứng được những yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và mở cửa hội nhập. Đối tượng thụ hưởng các lợi ích do cải cách thể chế đem chính là người dân, hộ dân và các cộng đồng dân cư. Dân chủ, tự do, bình đẳng, công bằng là mục tiêu cần đạt tới của cải cách thể chế.

Thực tế cho thấy chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường chưa đủ rõ, thể chế hành chính chưa hoàn chỉnh, thì dù bộ máy có được thu gọn, tinh giản nhưng các loại “giấy phép” không hợp lý chưa được bãi bỏ, cơ chế “xin – cho” vẫn còn tồn tại… thì gánh nặng vẫn đè trên vai người dân và doanh nghiệp. Cải cách thể chế kinh tế tạo ra môi trường và động lực phát triển kinh tế. Cải cách thể chế nhà nước và luật pháp tạo ra cơ sở chính trị – pháp lý cho sự phát triển kinh tế thị trường đã thúc đẩy sự phát triển dân chủ ở Việt Nam. Cải cách thể chế chính trị nhằm xây dựng nền dân chủ, bảo đảm dân chủ của cá nhân phù hợp và đồng thuận với dân chủ của cả cộng đồng xã hội, tăng cường pháp luật, pháp chế, kỷ cương trong khuôn khổ Nhà nước pháp quyền, nâng cao vai trò của nhà nước trong đời sống xã hội.

Việc triển khai thực hiện Chương trình cải cách thể chế trong giai đoạn 2001 – 2010 trên địa bàn tỉnh Lào Cai được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc; đã bổ sung, hoàn thiện tương đối đầy đủ, đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường, với thông lệ quốc tế và với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương và đất nước. Việc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh nhằm rút ra những thuận lợi, khó khăn, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện để có các kiến nghị và giải pháp phù hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thuận lợi:

Lãnh đạo cấp uỷ, HĐND và UBND các cấp của địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác này. Đặc biệt sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND được ban hành và có hiệu lực thực hiện, tỉnh Lào Cai đã quan tâm tổ chức triển khai, thực hiện ở các cấp chính quyền địa phương, từng bước củng cố kiện toàn về tổ chức bộ máy và tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản.

Khó khăn vướng mắc:

Hoạt động soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động chuyên môn chuyên sâu, đòi hỏi phải tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Tuy nhiên hiện nay một số cán bộ lãnh đạo, chuyên viên thuộc một số sở, ngành chưa nắm chắc các quy định của pháp luật nên quá trình tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chưa thực hiện đúng yêu cầu của Luật về các bước trong quy trình soạn thảo văn bản.

Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật: Hiện nay trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang văn bản QPPL, công báo điện tử đã được cập nhật nhưng do điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ sử dụng, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức còn hạn chế nên việc khai thác dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Đối với các cơ quan chuyên môn (Sở Tư pháp), UBND các huyện, các xã thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản QPPL điện tử chưa thực hiện được, hiện nay chủ yếu bảo quản và khai thác theo phương pháp thủ công trên các văn bản bằng giấy do đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động nghiệp vụ soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL.

Kinh phí dành cho công tác thẩm định văn bản chưa được đảm bảo theo quy định vì: kinh phí thẩm định nằm trong nguồn kinh phí xây dựng văn bản QPPL và được giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhiều trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo không lập dự toán kinh phí, dự thảo văn bản không nằm trong chương trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh hoặc dự thảo văn bản không được cơ quan có thẩm quyền ký, ban hành. Do đó, cơ quan Tư pháp đã thực hiện thẩm định văn bản nhưng chưa được nhận kinh phí chi cho công tác thẩm định văn bản.

Hiện nay các quy định của pháp luật chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục rà soát, hệ thống hoá; xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL, nội dung chi, mức chi cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do đó trong quá trình thực hiện công tác rà soát văn bản QPPL, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh:

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản pháp quy:Cán bộ làm công tác tham gia ý kiến, thẩm định văn bản QPPL, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL ở cấp tỉnh đã được kiện toàn nhưng còn thiếu về số lượng; ở cấp huyện và cấp xã chưa được kiện toàn chuyên trách, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên bị luân chuyển, thay đổi công tác; đội ngũ cán bộ trẻ, mới vào nghề chưa có kinh nghiệm trong công tác, trình độ còn nhiều hạn chế. Cán bộ pháp chế ngành đã được kiện toàn nhưng hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm chưa được bố trí chuyên trách. Cán bộ làm công tác tổng hợp, soạn thảo văn bản, văn thư thuộc các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố luôn có sự thay đổi, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế do đó ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng văn bản.

Kinh phíphục vụ cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL ở cấp tỉnh đã được bố trí nhưng cấp huyện và cấp xã hầu hết chưa được bố trí; việc triển khai thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí phục vụ cho công tác soạn thảo, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản còn lúng túng.

Chính sách, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản QPPL thuộc cơ quan tư pháp, cán bộ pháp chế ngành: Thực tế công việc khó, đòi hỏi chuyên môn cao nhưng chế độ đãi ngộ đặc thù chưa có do vậy không thu hút được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn lựa chọn vào cơ quan tư pháp hoặc làm cán bộ pháp chế chuyên trách, đội ngũ cán bộ không yên tâm công tác.

Lãnh đạo một số ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác văn bản pháp quy, một số ngành chưa thực hiện đúng quy trình, khi thực hiện thẩm định văn bản cơ quan tư pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập, rà soát văn bản nguồn. Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nhiều cơ quan, ban ngành cho rằng thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp, do đó trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác văn thư, lưu trữ, quản lý tài liệu: Ở cấp huyện và cấp xã công tác văn thư, lưu trữ chưa được quan tâm, triển khai thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ; nhiều văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành đã bị thất lạc, không lưu trữ được.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh:

Thứ nhất, để thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính nói chung, chương trình cải cách thể chế nói riêng thì trước hết phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách hành chính, tuyên truyền để mọi người dân hiểu và cùng tham gia thực hiện.

Thứ hai, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hành chính các cấp và sự thống nhất trong cấp uỷ là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công. Nơi nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt và thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thì nơi đó việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính đạt được hiệu quả cao.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về cải cách thể chế trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của các cán bộ công chức và toàn thể nhân dân để từ đó quyết tâm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho người dân thể hiện tốt vai trò giám sát đối với họat động của đội ngũ cán bộ, công chức, các dịch vụ công và cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ tư, cần đầu tư thoả đáng các điều kiện thiết yếu cho cải cách thể chế như cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ ưu đãi nhằm phục vụ tốt hơn cho yêu cầu của tổ chức và công dân và từng bước hiện đại hoá công sở. Các nội dung thực hiện cải cách thể chế phải làm điểm rút kinh nghiệm triển khai, có cơ chế động viên khuyến khích cũng như điều kiện ràng buộc mới đạt kết quả cao.

Thứ năm, cần đổi mới nhận thức trong các cấp chính quyền về cải cách hành chính nói chung, luôn xác định cải cách thể chế phải là khâu đột phá cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời gắn công việc cải cách thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cấp, các ngành. Phải có quy trình, bước đi phù hợp cụ thể trong việc cụ thể hoá các quy định của nhà nước tại địa phương.

Thứ sáu, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế, khen thưởng kịp thời đối với địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt và nhắc nhở, phê bình ngay đối với địa phương, đơn vị, cá nhân còn có những tồn tại, hạn chế và có biện pháp khắc phục.

Thứ bảy, tổ chức đi tham quan, nghiên cứu những mô hình tốt về cải cách thể chế để học hỏi, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình điển hình về cải cách thể chế.

– Thứ tám, tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử văn bản QPPL do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành.

Lê Thị La – Sở Tư pháp Lào Cai

Tham khảo thêm:

1900.0191