Những vấn đề cơ bản của công tác ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành
I. MỤC ĐÍCH, VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC RA THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
1. Quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp năm 1992.
Để tăng cường, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần phục vụ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIIIđã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật,có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Với quan điểm: Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, đồng thời với việc xác định trách nhiệm của Nhà nước về việc chủ động thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân và bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật khẳng định công dân có quyền được thông tin pháp luật và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về pháp luật; có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
Trách nhiệm nêu trên của Nhà nước đã được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể hóa bằng các chính sách, biện pháp đồng bộ, phong phú, thiết thực, trong đó có quy định việc thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Theo quy định tại Điều 12 của Luật, đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố,Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Văn phòng Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức họp báo và ra thông cáo báo chí về luật, pháp lệnh, nghị quyết đó; đối với VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hằng tháng, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo ra thông cáo báo chí về các VBQPPL đó.Nội dung của thông cáo báo chí nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của VBQPPL.
Như vậy, trách nhiệm của cơ quan nhà nước về việc ra thông cáo báo chí về VBQPPL lần đầu tiên được quy định là một trách nhiệm pháp lý tại văn bản luật của Quốc hội. Điều đó cho thấy vai trò, tầm quan trọng của yêu cầu ra thông cáo báo chí về VBQPPL và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này của cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý xã hội.
Cùng với việc quy định Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09/11 hằng năm) nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, động viên công dân ý thức tìm hiểu, tôn trọng và thực hiện Hiến pháp và pháp luật, việc quy định cơ quan nhà nước ra thông cáo báo chí về VBQPPL là cách thức mới, là biện pháp tích cực, thiết thực trong việc thực hiện quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; thực hiện trách nhiệm của Nhà nước về việc bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.
2.Thông cáo báo chí về VBQPPL là một loại hình thông cáo báo chí do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thực hiện nhằm cung cấp thông tin sớm và chính thức cho các cơ quan báo chí về các VBQPPL do Nhà nước ban hành; thông qua báo chí (phương tiện truyền thông đại chúng) để truyền tải thông tin về các VBQPPL đó tới công chúng. Đây là nguồn tin chính thống và cơ bản về các VBQPPL để các cơ quan báo chí sử dụng trong việc thông tin tuyên truyền về các VBQPPL do Nhà nước ban hành, thúc đẩy việc truyền thông có hiệu quả về VBQPPL, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Mặt khác, ngoài đối tượng chính được hướng tới là các cơ quan báo chí, trong điều kiện kỹ thuật điện tử hiện nay, bằng việc đăng tải thông cáo báo chí trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm cũng có thể chủ động tiếp cận trực tiếp thông cáo báo chí về VBQPPL để nâng cao hiểu biết pháp luật phục vụ công tác và sinh hoạt.
Với việc nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của VBQPPL được thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông cáo báo chí về VBQPPL cung cấp cho các cơ quan báo chí, đồng thời giúp mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời tiếp cận, nắm bắt được thông tin tổng thể và cơ bản về các VBQPPL do Nhà nước ban hành.
Việc ra thông cáo báo chí về VBQPPLdo đó cũng là một trong những biện pháp đểbảo đảm sự công khai, minh bạch về pháp luật; phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 48-NQ/TWngày 24/5/2005của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
3. Với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Chính phủ là việc ban hành kịp thời các VBQPPL để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và các VBQPPL khác để thực hiệnnhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ được thực hiện trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội: Kinh tế; khoa học, công nghệ, môi trường; văn hoá, giáo dục, thông tin, thể thao, du lịch; y tế, xã hội; dân tộc, tôn giáo; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đối ngoại; tổ chức hệ thống hành chính nhà nước; pháp luật, hành chính tư pháp. Do đó, số lượng VBQPPL của Chính phủ (được thể hiện dưới hình thức Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) ban hành là rất lớn (gồm hàng chục văn bản hằng tháng, hàng trăm van bản hằng năm), có tác động rộng khắp đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Việc ra thông cáo báo chí về VBQPPLdo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành vì vậy càng có vai trò và ý nghĩa tích cực, quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tạo điều kiện để mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội biết và tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện pháp luật.
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA THÔNG TƯ QUY ĐỊNH QUY TRÌNH RA THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ VBQPPL DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
1. Sự cần thiết ban hành Thông tư:
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Hàng tháng, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nội dung của thông cáo báo chí nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của văn bản quy phạm pháp luật”.
Đây là một công tác mới do luật quy định; là nhiệm vụ mới do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ – là những cơ quan có trách nhiệm soạn thảo VBQPPL do Chính phủ, thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc xây dựng loại Thông cáo báo chí này chưa được hướng dẫn cụ thể tại văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền. Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật”, có hiệu lực thi hành ngày 27/5/2013 cũng không quy định nội dung nêu trên.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp đã tiến hành họp với đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ để bàn biện pháp phối hợp ra Thông cáo báo chí. Các thành viên dự họp đã thống nhất đề nghị Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan được giao chủ trì thực hiện việc ra Thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cần phải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định nêu trên của Luật để xác định rõ yêu cầu, cách thức ra Thông cáo báo chí, trách nhiệm của cơ quan chủ trì (Bộ Tư pháp), trách nhiệm của các cơ quan phối hợp (Văn phòng Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo) và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm thực hiện công tác này.
2. Quá trình soạn thảo Thông tư:
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất tại cuộc họp giữa Bộ Tư pháp với đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan, Bộ Tư pháp đã tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư, gửi lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về dự thảo Thông tư, đồng thời đăng dự thảo Thông tư trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Đến ngày 31/5/2013, Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư của 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có 07 ý kiến nhất trí hoàn toàn với dự thảo (Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng).
Hầu hết cácý kiến góp ý đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Thông tư của Bộ Tư pháp để cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý cho việc phối hợp xây dựng nội dung Thông cáo báo chí đối với VBQPPL do Chính phủ, thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc ra Thông cáo báo chí theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư và lập Hội đồng thẩm định Dự thảo. Kết quả thẩm định đã nhất trí về sự cần thiết ban hành Thông tư; nội dung của Thông tư phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật; việc soạn thảo bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định.
Ngày 07/8/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành Thông tư Quy định quy trình ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ,Thủ tướng Chính phủban hành. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 23/9/2013.
3. Kết cấu, bố cục và những nội dung chính của Thông tư:
3.1. Về bố cục, đối tượng, phạm vi điều chỉnh:
Thông tư gồm 7 điều quy định về 7 nhóm vấn đề theo thứ tự: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Cung cấp thông tin để xây dựng Thông cáo báo chí; Xây dựng Thông cáo báo chí; Thời gian ban hành Thông cáo báo chí; Đăng tải Thông cáo báo chí; Trách nhiệm trong việc phối hợp ra Thông cáo báo chí; Điều khoản thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư quy định quy trình ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủban hành theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, trừ văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủban hành.
Vì Thông tư có phạm vi điều chỉnh hẹp nên được bố cục theo các điều, khoản (theo Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Kèm theo Thông tư là Phụ lục về Mẫu văn bản cung cấp thông tin về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành (với dung lượng tối đa không quá 600 từ)nhằm bảo đảm tính thống nhất, tập trung về nội dung, yêu cầu trong việc cung cấp thông tin để phục vụ việc xây dựng Thông cáo báo chí do các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL thực hiện.
3.2. Về cách thức, trách nhiệm trong việc xây dựng Thông cáo báo chí:
Cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL là đơn vị nắm bắt tập trung và đầy đủ các thông tin liên quan đến VBQPPL cần thông cáo. Để thể hiện trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với việc xây dựng thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thông tư quy định: Các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tư pháp thông tin về VBQPPL. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, biên tập nội dung thông tin do các cơ quan nêu trên gửi đến để xây dựng Thông cáo báo chí.
Về thời hạn cung cấp thông tin về VBQPPL cho Bộ Tư pháp,khoản 3 Điều 2 Thông tư quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi thông tin quy định tại Khoản 2 Điều này đến Bộ Tư pháp bằng hình thức công văn và thư điện tử”. Thời hạn 05 ngày làm việc là phù hợp, đủ để cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp; đồng thời đảm bảo cho Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp, biên tập, xây dựng và ban hành Thông cáo báo chí của tháng trước vào tuần đầu của tháng sau.
Theo quy định của Thông tư, Cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm về nội dung thông tin VBQPPL do đơn vị cung cấp; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung Thông cáo báo chí.Trong trường hợp Thông cáo báo chí đã ban hành có sai sót về nội dung, Bộ Tư pháp có trách nhiệm ban hành văn bản đính chính Thông cáo báo chí ngay sau khi phát hiện ra sai sót. Văn bản đính chính được đăng tải trên báo điện tử và cổng thông tin điện tử đã đăng tải Thông cáo báo chí.
3.3. Về việc ban hành Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp:
Thông tư quy định hai loại Thông cáo báo chí do Bộ Tư pháp ban hành: Thông cáo báo chí định kỳ 01 lần/tháng đối với các VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực sớm nhất là sau 45 ngày kể từ ngày ký; Thông cáo báo chí không định kỳ đối với VBQPPL có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký ban hành (nếu có).
Thời gian Bộ Tư pháp ban hành loại Thông cáo báo chí thứ nhất chậm nhất là vào ngày 10 hàng tháng. Như vậy sẽ bảo đảm cho Thông cáo báo chí thông cáo được toàn bộ các VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong tháng liền kề trước đó.
Đối với VBQPPL có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký ban hành, Thông tư quy định Bộ Tư pháp ban hành Thông cáo báo chí trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của đơn vị chủ trì soạn thảo để đảm bảo tính thời sự, kịp thời trong việc thông cáo đối với các văn bản đó. Như vậy, Thông cáo báo chí đối với VBQPPL có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành sẽ được ban hành trong thời gian tối đa là 7 ngày làm việc. Thời hạn đó là phù hợp để đảm bảo cho các cơ quan chủ trì soạn thảo và Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng và ban hành thông cáo báo chí đối với loại VBQPPL này.
3.4. Về việc đăng tải Thông cáo báo chí:
Để bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng, cập nhật của việc ban hành Thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chinh phủ ban hành, Thông tư quy định Thông cáo báo chí được đăng tải bằng hình thức văn bản văn bản điện tử tại 4 đơn vị là: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo Điện tử Chính phủ.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC RA THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ VBQPPL DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
Căn cứ vào quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư số 12/2013/TT-BTP ngày 07/8/2013 của Bộ Tư pháp đã cụ thể hóa thành những nội dung, cách thức, yêu cầu của việc thực hiện công tác ra thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, thể hiện ở 5 vấn đề cơ bản sau:
(1) Cung cấp thông tin xây dựng Thông cáo báo chí; (2) Xây dựng Thông cáo báo chí; (3) Thời gian ban hành Thông cáo báo chí; (4) Đăng tải Thông cáo báo chí; (5) Trách nhiệm trong việc phối hợp ra Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo quy định của Thông tư, thời hạn mà các cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thông tin về VBQPPL để phục vụ việc xây dựng thông cáo báo chí là trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản đó được ký ban hành.
Việc xây dựng thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành do Bộ Tư pháp thực hiện chủ yếu căn cứ vào cơ sở thông tin do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đó cung cấp trên cơ sở theo dõi, kiểm tra, rà soát các VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải cập nhật.
Thời hạn Bộ Tư pháp phải ban hành loại Thông cáo báo chí định kỳ 01 lần/tháng (đối với các VBQPPL có hiệu lực sớm nhất là sau 45 ngày kể từ ngày ký) chậm nhất là vào ngày 10 hàng tháng của tháng liền kề tháng mà các VBQPPL được ban hành; thời hạn Bộ Tư pháp phải ban hành loại Thông cáo báo chí đối với VBQPPL có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký ban hành là trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Tư pháp nhận được thông tin về VBQPPL đó do cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp.
Thông cáo báo chí phải được đăng tải bằng hình thức văn bản điện tử ngay sau khi ký ban hành trên Cổng thông tin điện tử và báo điện tử của các cơ quan Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.
Việc ra Thông cáo báo chí phải đảm bảo cung cấp cho các cơ quan báo chí thông tin chính thống, kịp thời, đầy đủ và chính xác về: Tên văn bản; ngày, tháng, năm ban hành; cơ quan ban hành; hiệu lực thi hành; sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu củacác VBQPPL. Điều đó giúp các cơ quan báo chí có thông tin đúng đắn và có thể sử dụng trực tiếp Thông cáo báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về các VBQPPL nêu trên, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Để thực hiện tốt được những yêu cầu nêu trên của việc ra thông báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề có tính quyết định là cần phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả vai trò chủ trì của Bộ Tư pháp và vai trò phối hợp của Văn phòng chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL.
Có thể rút ra những nguyên tắc thực hiện công tác ra thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
– Đảm bảo sự phối hợpkịp thời, chủ động,tích cực, trách nhiệm, thường xuyên, chặt chẽ giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ.
– Đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nội dung, thời hạn cung cấp thông tin về VBQPPL, thời hạn ban hành và đăng tải thông cáo báo chí.
– Nội dung thông cáo phải chính xác, đầy đủ, rõ ràng, thiết thực, dễ hiểu.
– Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung tiếp cận thông cáo báo chí.
H. Hà
Tham khảo thêm các bài viết:
- Mối quan hệ giữa Quốc hội và Chủ tịch nước theo pháp luật hiện hành
- Mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ theo pháp luật hiện hành
- Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên: Xoá “đói nghèo” pháp luật
- Phong tỏa tài khoản – biện pháp cưỡng chế mới trong Bộ luật TTHS 2015
- Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật