Bàn về hậu quả pháp lý việc đình chỉ thi hành án theo thỏa thuận của đương sự
Một thực tế hiện nay là một số cơ quan thi hành án dân sự gặp phải những vụ việc tương đối vướng mắc liên quan đến việc cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành án (biên bản ghi nhận sự thỏa thuận do Chấp hành viên lập theo mẫu quy định) nhưng sau đó người phải thi hành án không thực hiện việc thỏa thuận như đã cam kết, người được thi hành án nộp đơn yêu cầu thi hành án trở lại, tuy nhiên pháp luật chưa có quy định rõ ràng về việc chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu để ra quyết định thi hành án…
Xung quanh vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng,đình chỉ thi hành án là việc cơ quan thi hành án ngừng hẳn việc thi hành bản án, quyết định dân sự khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật. Đặc điểm của đình chỉ thi hành án là việc chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự. Việc thi hành án sau khi bị đình chỉ sẽ không được đưa ra thi hành nữa, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, do vậy cơ quan thi hành án dân sự không thụ lý ra quyết định thi hành án mà hướng dẫn đương sự yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án… Khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh quy định: “Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án”. Chưa có văn bản nào quy định về việc Văn phòng Thừa phát lại không được thụ lý các vụ việc thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù Luật Thi hành án dân sự không nói rõ về trường hợp đã yêu cầu đình chỉ nhưng sau đó yêu cầu thi hành án lại, tuy nhiên, khi có quyết định đình chỉ thi hành án có nghĩa là đã làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên, mọi vấn đề liên quan coi như đã kết thúc nên Cơ quan thi hành án dân sự không có cơ sở thụ lý ra quyết định thi hành án lại, vì vậy đương sự có quyền khởi kiện tại Tòa án để đảm bảo quyền lợi chính đáng với lý do ở giai đoạn thi hành án hai bên đã thực hiện một giao dịch mới có điều kiện khác (ví dụ giao tài sản như nhà, đất… trừ nợ, nếu không giao phải trả thêm tiền lãi…), giao dịch mới này không trái pháp luật, đạo đức và đã phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, vấn đề này có ý kiến cho rằng không thể kiện lại được vì một tranh chấp không thể giải quyết hai lần.
Cả 02 quan điểm trên đều có chung một điểm là Cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, không thụ lý đơn yêu cầu thi hành án trở lại.
Quan điểm nói trên phù hợp quy định tại Thông tư số 09/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp quy định biểu mẫu thi hành án (mẫu số D38-THA ấn định: “việc tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án, thì không được quyền yêu cầu thi hành án trở lại.”, Cơ quan THADS ra Quyết định đình chỉ thi hành án, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, không được yêu cầu thi hành án trở lại.
Cách vận dụng như trên chưa được đồng tình, bởi lẽ: Hiện nay một số văn bản pháp luật có quy định liên quan đến trách nhiệm dân sự như sau:
Tại Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự quy định:“1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. 2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
Tại Điều 34 của Luật Thi hành án dân sự đã quy định về Từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án gồm những điểm như sau: “1. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án; c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.2. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án”.
Không quy định từ chối nhận đơn yêu cầu đối với trường hợp thỏa thuận đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, nhưng sau đó yêu cầu thi hành án trở lại.
Tại Điều 3 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự: “… đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do…Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án…”
Mặt khác, Tại Điều 4 của Bộ luật Dân sự đã quy định: “Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào. Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.
Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có những quy định rất chặt chẽ để bảo vệ cam kết, thoả thuận hợp pháp của đương sự có tính hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng, Ví dụ:
Điều 192. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Khoản 1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: điểm c)Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
Điều 193. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Khoản 1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại các điểm c…khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này…
Như vậy, người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận ra quyết định đình chỉ thì sau đó vẫn được khởi kiện lại.
Để giải quyết vấn đề vướng mắc nói trên, và phù hợp với các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Bộ Luật dân sự, các văn bản pháp luật khác…và ràng buộc ý thức chấp hành pháp luật về thực hiện cam kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, sửa lại biểu mẫu D38-THA – Biên bản V/v Người được thi hành án tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án, (bỏ đoạn ràng buộc đương sự “khi tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án, thì không được quyền yêu cầu thi hành án trở lại.”), vì sự tự nguyện này là “Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”).
Hai là, trong mẫu C 04-THA – Quyết định đình chỉ thi hành án, nên cơ cấu thêm 01 điều quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án trở lại nếu người phải thi hành án không thực hiện đúng cam kết (tương tự nhưcơ cấu tạiĐiều 3.mẫu C 05-THA Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án quy định: “Người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành”.
Mặt khác, Cơ quan thi hành án vẫn được nhận đơn yêu cầu thi hành án trở lại để ra quyết định thi hành án, vì theo Điều 34 của Luật Thi hành án dân sự không quy định từ chối nhận đơn yêu cầu đối với trường hợp thỏa thuận đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, nhưng sau đó yêu cầu thi hành án trở lại.
Nguyễn Đức Thịnh
Chi cục THADS huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
Tham khảo thêm:
- Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở
- Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở
- Một số vấn đề liên quan đến người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hình sự
- Người quản lý di sản tự chia di sản theo ý mình là đúng hay sai
- Quan điểm khác nhau về một vụ cưỡng chế trong thi hành án dân sự
- Trợ giúp pháp lý – Những vấn đề đặt ra
- Điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
- Cơ chế kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
- Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự cần gắn với nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức của cán bộ thi hành án