Bất cập trong thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển đối với công chức, viên chức
Tuyển dụng là một yêu cầu cấp thiết và bắt buộc trong công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức. Để có được một đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì vai trò của công tác tuyển dụng và các cơ quan liên quan trong công tác tuyển dụng là rất quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008, và Luật Viên chức năm 2010 nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật, trong đó, đáng quan tâm nhất là Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các Nghị định này và các văn bản có liên quan đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, sửa đổi cho phù hợp, đặc biệt là trong việc áp dụng thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển đối với công chức, viên chức.
Thứ nhất, việc áp dụng các Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP bị “vướng” bởi các quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về xét tuyển đặc cách đối với viên chức thì “người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng”. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) thì “thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 03 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân“.Như vậy, một viên chức đã làm một công việc đủ 03 năm (đối với các vị trí thuộc danh mục phải chuyển đổi vị trí công tác) không thể có cơ hội để được tham gia xét tuyển đặc cách theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP vì đã phải chuyển đổi vị trí công tác khác và như thế sẽ không đảm bảo yêu cầu về “kinh nghiệm” trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng.
Tương tự như vậy, tại điểm c, khoản 1 điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP hướng dẫn về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng quy định: “người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng” thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển đối với công chức. Như trên đã phân tích, trong trường hợp một công chức phải đảm nhận nhiệm vụ thuộc danh mục vị trí phải chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ thì khi chưa đủ thời gian 05 năm đã phải thực hiện việc chuyển đổi sang vị trí công tác mới và như vậy sẽ không thể đảm bảo yêu cầu về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác để được xem xét tuyển dụng, tiếp nhận không qua thi tuyển (sau 03 năm đã phải chuyển đổi vị trí công tác và phải thực hiện nhiệm vụ tại vị trí công tác mới). Việc quy định tại các văn bản như trên còn bất hợp lý, hạn chế trong quá trình áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể như làm công tác kế toán, thanh tra…, hạn chế quyền lợi thiết thực của các đối tượng được thụ hưởng.
Theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan theo hướng “mở” đối với các đối tượng phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Theo đó, nên quy định “cộng dồn” và “bảo lưu” thời gian mà trước đây công chức, viên chức đã thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí trước khi thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để làm cơ sở cho việc xem xét tuyển dụng không qua thi tuyển đối với các trường hợp này. Như vậy, sẽ đảm bảo quyền lợi và chế độ, sự công bằng trong việc xét tuyển dụng giữa các trường hợp có liên quan. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng nên quy định việc xem xét tuyển dụng không qua thi tuyển đối với công chức, viên chức chỉ áp dụng đối với trường hợp vì lý do đặc biệt mà các ngành, địa phương chưa tổ chức thi tuyển trong thời gian từ 03 năm trở lên, như vậy mới hợp lý và tránh được những hạn chế không đáng có trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức.
Thứ hai, việc áp dụng các Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP có thể sẽ tạo ra “cục bộ” trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức. Như đã nêu ở trên, một công chức, viên chức để được xem xét tuyển dụng không qua thi tuyển sẽ phải đáp ứng yêu cầu “03 năm kinh nghiệm … tại một vị trí đối với viên chức” và “05 năm kinh nghiệm … tại một vị trí đối với công chức”. Cùng với đó, theo quy định và tinh thần của các Nghị định về tuyển dung, quản lý, sử dụng công chức, viên chức thì việc tuyển dụng phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng, cơ quan sử dụng có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng. Như vậy, việc đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức theo định kỳ hàng năm là phụ thuộc vào “ý chí chủ quan” của cơ quan sử dụng công chức, viên chức. Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu các cơ quan sử dụng công chức, viên chức không xây dựng kế hoạch tuyển dụng hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tuyển dụng (trong khi đó chỉ tiêu biên chế vẫn còn và đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động đối với một số trường hợp) thì giải quyết như thế nào???
Theo quy định hiện hành thì việc này là “phụ thuộc” vào cơ quan sử dụng công chức, viên chức. Điều này phù hợp với quy định trong việc thực hiện quyền tự chủ về kinh phí, biên chế… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Và cứ như thế, các cơ quan sử dụng công chức, viên chức “đợi” cho các trường hợp đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động đủ thời gian 03 năm đối với viên chức, 05 năm đối với công chức để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tuyển dụng không qua thi tuyển đối với các trường hợp này. Đây là vấn đề đã và đang nảy sinh trên thực tế, làm ảnh hưởng đến việc cạnh tranh và cơ hội để được tuyển dụng đối với các trường hợp khác (đặc biệt là đối với các sinh viên mới ra trường, các trường hợp chưa đủ điều kiện về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác). Từ đó, cơ hội để được cống hiến, cơ hội tìm việc làm trong các cơ quan nhà nước đối với các trường hợp sinh viên mới tốt nghiệp là rất thấp và khó khăn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm quan tâm xem xét, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Cần phải có chế tài, cơ chế phù hợp để hạn chế “cục bộ” trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức. Bắt buộc các cơ quan sử dụng công chức, viên chức phải thực hiện việc đăng ký nhu cầu tuyển dụng (nếu còn chỉ tiêu biên chế), nếu không thực hiện sẽ tiến hành giảm chỉ tiêu biên chế do chưa có nhu cầu và để chuyển chỉ tiêu biên chế sang cho cơ quan, đơn vị khác. Có như vậy, mới hạn chế được những bất cập trong công tác tuyển dụng, tạo cơ sở cho việc công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức và tăng cơ hội được tuyển dụng cho các trường hợp sinh viên mới tốt nghiệp.
Nguyễn Xuân Viễn
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Tham khảo thêm:
- Quản lý và thanh lý tài sản phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 – Thực trạng và triển vọng thực thi
- Về đổi mới tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý
- Thực trạng hoạt động xuất bản – Những kiến nghị, đề xuất
- Giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Thực tiễn áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự tại thành phố Huế
- Tồn tại, vướng mắc trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung
- Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Đối tượng xử phạt và các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng
- Bất cập về quy định thời hiệu đối với quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án
- Bán tài sản đấu giá thi hành án – Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn