Công tác thi hành án dân sự sau một năm nhìn lại

Công tác thi hành án dân sự sau một năm nhìn lại

25/03/2014

Ngành Thi hành án dân sự bước vào năm 2013 trong bối cảnh Ngành vừa có những chuyển biến lớn về vị thế, về mô hình tổ chức. Bên cạnh đó, có rất nhiều nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra ở phía trước. Năm 2013 là năm đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, trong đó, có giao chỉ tiêu cụ thể về công tác thi hành án dân sự. Xác định việc thực hiện chỉ tiêu được giao, cũng như thực hiện rất nhiều việc phải làm trong bối cảnh chung của đất nước và của Ngành là hết sức khó khăn, nên ngay từ đầu năm, toàn Ngành Thi hành án đã dốc sức lên kế hoạch và sát sao thực hiện nhiệm vụ.

Một số kết quả quan trọng

Có thể nói, toàn Ngành, từ Tổng cục đến các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự đã có sự chuẩn bị khá chu đáo ngay từ khi kết thúc năm 2012, chỉ tiêu tạm giao năm 2013 đã được Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo các địa phương sớm xây dựng kế hoạch thực hiện. Tổng cục Thi hành án dân sự đã có những đổi mới trong công tác quản lý, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn, toàn diện hơn. Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, duy trì chế độ giao ban, đồng thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, về công tác tổ chức và cán bộ.

Nhiều địa phương, các Cục và Chi cục Thi hành án dân sự cũng đã chủ động nghiên cứu, có các giải pháp, cách làm hay như: Tăng cường chấp hành viên hỗ trợ cho các Chi cục có lượng án nhiều, thành lập nhiều đoàn kiểm tra cơ sở, phát động các đợt cao điểm…

Năm 2013, toàn Ngành đã tập trung xây dựng các văn bản củng cố cơ cấu tổ chức Ngành, xây dựng các quy chế nội bộ, các quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với thực tiễn.

Công tác chỉ đạo nghiệp vụ được quan tâm chú trọng và ngày càng có hiệu quả hơn. Một số vụ án lớn hoặc phức tạp, vướng mắc trong thi hành án đã được sát sao chỉ đạo giải quyết. Năm qua, Tổng cục Thi hành án dân sự đã giải quyết 96% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ. Các Cục Thi hành án địa phương cũng tập trung hướng dẫn, giải quyết các công văn của cấp dưới đạt kết quả khá cao, có tỉnh đạt 100% (An Giang, Bắc Giang).

Công tác kiểm tra địa phương đã được Tổng cục Thi hành án dân sự lập kế hoạch và chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự tích cực thực hiện, ngoài kiểm tra theo kế hoạch, Tổng cục đã phối hợp kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất, nhất là đối với địa phương đạt kết quả thấp, còn yếu kém hoặc có vấn đề bức xúc, nổi cộm.

Các địa phương cũng thực hiện tương đối tốt việc kiểm tra cấp dưới và tự kiểm tra, đã phát hiện một số sai sót trong khi ra quyết định thi hành án, trong thủ tục thi hành án, hoặc phân loại án chưa chính xác.

Công tác tiếp công dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Toàn Ngành trong năm qua, đã tiếp nhận 9.622 đơn, thư khiếu nại, tố cáo (tăng trên 2.000 đơn so với năm 2012). Kết quả là đã giải quyết 97,6%, có địa phương giải quyết đạt 100% (An Giang, Đồng Tháp). Các vụ khiếu nại kéo dài đã được chỉ đạo giải quyết sát sao (41/54 vụ). Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức 14 đoàn công tác tại 19 địa phương và tham gia 27 đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xác minh, đối thoại với đương sự.

Sau hai năm thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh, đã có 08 văn phòng Thừa phát lại hoạt động, đã lập và đăng ký 6.565 vi bằng, xác định điều kiện thi thành án 110 vụ việc, tổ chức thi hành án xong 27 vụ việc. Bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp, góp phần giảm tải cho Tòa án và cơ quan thi hành án…

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với các cơ quan hữu quan như: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, lựa chọn thêm 12 địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại và tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn, để các văn phòng Thừa phát lại sớm đi vào hoạt động.

Năm 2013, toàn Ngành thụ lý 722.179 vụ việc (tăng 89.294 việc so với năm 2012), đã giải quyết xong 492.975 việc/569.693 việc có điều kiện thi hành (đạt 86,53% về việc và 73.14% về tiền).

Như vậy, về giá trị tuyệt đối, toàn Ngành đã giải quyết xong số việc và tiền cao hơn năm 2012. Nhiều đơn vị đã rất nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, có 17/63 địa phương hoàn thành 03 chỉ tiêu, 26/63 địa phương hoàn thành 02 chỉ tiêu, 11/63 địa phương đạt kết quả thấp. So với chỉ tiêu Quốc hội giao, thì toàn Ngành chưa đạt.

Đáng chú ý là, trong số vụ việc đang thi hành dở dang (thuộc diện có điều kiện thi hành), số vụ việc đã kê biên tài sản, định giá lại và bán đấu giá lại nhiều lần, nhưng không đạt kết quả là 9.955 việc (chiếm 13% về việc và 81,41% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành đang giải quyết), đã tác động đến kết quả thi hành án xong, ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu.

Một năm nhìn lại

Một năm rất quyết tâm và cố gắng, song năm 2013, toàn Ngành chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong về việc và tiền theo Nghị quyết của Quốc hội. Những lo lắng, trăn trở tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án một năm trước, nay đã hiển hiện. Tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án năm nay, vấn đề chỉ tiêu được mổ xẻ nhiều nhất, có hay không việc chạy theo thành tích? Câu trả lời là có, địa phương chưa tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách hợp lý, nên phải “vắt chân lên cổ chạy chỉ tiêu”, không đạt thì xoay, biến báo số liệu; cũng có địa phương, số lượng án quá lớn, bằng nhiều sáng kiến, động viên tổng lực mà vẫn không đủ chỉ tiêu…, cũng tìm cách hợp lý số liệu.

Trong khi có địa phương hoàn thành chỉ tiêu khá nhẹ nhàng, thì một số địa phương đạt kết quả thấp đã được “trả bài” để tìm nguyên nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại công tác thống kê, phân loại án và vấn đề kê biên bán đấu giá nhiều lần không được, đã ảnh hưởng rất nhiều đến con số kết quả thi hành án. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh – một đơn vị thụ lý số lượng bản án thi hành rất lớn (chiếm 1/9 lượng án thụ lý thi hành trong cả nước) cho rằng: Chỉ tiêu đặt ra là quá cao, trong khi chế độ báo cáo thống kê của chúng ta còn rất nhiều điểm chưa hợp lý, tạo áp lực lớn cho cán bộ thi hành án và không phản ánh đúng hoạt động của cơ quan thi hành án. Khái niệm “việc có điều kiện thi hành” rất rộng mà không xem xét đến thời gian cần thiết để giải quyết với mỗi việc (ví dụ số việc thụ lý mới trong 02 tháng cuối năm). Bên cạnh đó, nhiều việc thi hành án có điều kiện, nhưng không thể thi hành được là hoàn toàn vì lý do khách quan (cấp dưỡng nuôi con, tài sản thi hành án không có người mua…).

Việc giao chỉ tiêu giảm số việc thi hành án chuyển sang kỳ sau là không khả thi, đặc biệt là khi số việc thụ lý mới tăng đột biến như ở TP. Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua.

Với chỉ tiêu thi hành án và chế độ thống kê, báo cáo như hiện nay, để hoàn thành chỉ tiêu, có chấp hành viên đã báo cáo không trung thực số liệu thi hành án, vì đã cố gắng nhiều, nhưng vẫn không hoàn thành, dẫn đến hệ lụy là mất thi đua khen thưởng, không được tăng lương, bị cách chức, … Quả thực, căn bệnh thành tích là có thật, nếu không sớm chữa trị, thì hậu họa thật khó lường.

Năm qua, mặc dù kỷ luật, kỷ cương trong Ngành đã được đề cao, nhưng hiện tượng tiêu cực trong Ngành Thi hành án dân sự chưa giảm đáng kể, số cán bộ bị xử lý, kỷ luật vẫn còn nhiều (58 trường hợp), đặc biệt, trong đó có 10 đồng chí lãnh đạo Cục. Một số địa phương có nhiều cán bộ vi phạm đã được chỉ ra, như Đồng Nai, Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An. Công tác cán bộ vẫn chưa thực sự đi trước một bước, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; vẫn còn một thực trạng là, cán bộ thi hành án chưa thực sự an tâm công tác, vì họ phải chịu quá nhiều áp lực, chính vì vậy cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương, vùng, miền, đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho chấp hành viên, cần có chế độ bảo hiểm nghề nghiệp đối với cán bộ thi hành án…

Một điều đáng ghi nhận là, năm vừa qua, nhận thức về nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đối với công tác thi hành án dân sự đã có chuyển biến rõ nét, theo đó, sự phối hợp của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành hữu quan đã tác động tích cực đến công tác thi hành án dân sự, mặc dù sự phối hợp này cần được tiếp tục thể chế hóa cụ thể, khả thi hơn.

Tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2014, có những lúc không khí như chùng lại, sau những căng thẳng của một năm công tác rất cố gắng đã đạt được nhiều kết quả, song nhiều nỗi lo cứ triền miên đeo đuổi, thêm vào đó có những nỗi lo mới ào đến. Còn quá nhiều việc ngổn ngang. Tại Hội nghị, một số địa phương có kết quả công tác yếu được yêu cầu báo cáo để Hội nghị nghe, cùng tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm; một số tham luận, ý kiến phát biểu của đại biểu trong và ngoài Ngành Thi hành án đã rất thẳng thắn, khách quan chỉ ra những sai sót, vi phạm, bất hợp lý trong công tác thi hành án, tạo nên không khí thẳng thắn, nghiêm túc, để tìm “phương thuốc cứu chữa”, đó là điều rất mừng, cho thấy sự kiên quyết, cầu thị của lãnh đạo Ngành Tư pháp và lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự.

Một năm lại qua đi, toàn Ngành Thi hành án lại đón những nhiệm vụ nặng nề mới. Ngoài những nhiệm vụ thường kỳ, năm 2014, Ngành Thi hành án sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Để nghiên cứu sửa luật này, rất cần sự đầu tư lớn về sức lực, trí tuệ của toàn Ngành. Tất cả những tổng kết thực tiễn và những nghiên cứu, đóng góp đều phải phù hợp với hoàn cảnh nước ta, trước những đòi hỏi của đổi mới, thực trạng độingũ cán bộ và ý thức pháp luật của người dân, để Luật Thi hành án dân sự thực sự là cơ sở pháp lý vững chắc và ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ công cuộc cải cách tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức và Nhà nước.

Duy Kiên

Tham khảo thêm:

1900.0191