Phân tích thực trạng quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ quyền đối với tác phẩm phái sinh và kiến nghị hoàn thiện

Phân tích thực trạng quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ quyền đối với tác phẩm phái sinh và kiến nghị hoàn thiện.

Khoản 8 Điều 4 LSHTT 2005 đã định nghĩa như sau: “TPPS là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.” Theo quy định hiện hành của pháp luật SHTT, việc TPPS có được bảo hộ QTG hay không dựa vào ba điều kiện:

Thứ nhất, TPPS phải có tính nguyên gốc, tức phải có sự sáng tạo. Khoản 1 Điều 6 LSHTT 2005 quy định: “QTG phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.” Theo đó, có thể hiểu, QTG không bảo hộ nội dung, ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức, cách thức thể hiện nội dung, ý tưởng đó. TPPS là một tác phẩm sáng tạo từ tác phẩm gốc nên để được bảo hộ một cách độc lập, phải thể hiện được sự sáng tạo nhất định về hình thức thể hiện nội dung, ý nghĩa, giai điệu,… dựa trên tác phẩm gốc và mang dấu ấn mới mẻ của tác giả TPPS.

Thứ hai, TPPS không được gây phương hại đến QTG của tác phẩm gốc. Theo khoản 2 Điều 14 LSHTT 2005: “TPPS chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến QTG đối với tác phẩm được dùng để làm TPPS.” Vậy nếu như TPPS được sáng tạo ra mà ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, bao gồm cả quyền tài sản và quyền nhân thân, thì tác phẩm đó sẽ không được pháp luật bảo hộ.

Thứ ba, TPPS phải nhận được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu QTG. Điều 28 LSHTT 2005 đã quy định rất rõ về các hành vi được coi là xâm phạm QTG, trong đó bao gồm việc “làm TPPS mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm TPPS, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.” Theo đó, chỉ trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 LSHTT 2005 thì bất kể hành động làm TPPS nào cũng phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Qua thực tiễn tìm hiểu những quy định của pháp luật SHTT về QTG đối với TPPS cho thấy mặc dù đã được xây dựng và hoàn thiện để phù hợp với khung pháp lý Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc. Những quy định về TPPS chưa thực sự xuất phát từ bản chất của đối tượng cần được bảo hộ, pháp luật chưa đạt đến độ chính xác và bao quát. Do đó, tôi có một số kiến nghị như sau:

Đầu tiên, quy định tại Điều 48 LSHTT 2005 mới chỉ liệt kê các loại hình TPPS chứ chưa giải thích khái niệm, đặc điểm của chúng dẫn đến việc không thể kể tên hết các loại hình TPPS. Từ đó gây ra sự hiểu đa nghĩa đối với các thuật ngữ, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật SHTT vào thực tế. Vì vậy, các nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung khái niệm về TPPS, có thể định nghĩa lại như sau: “TPPS là tác phẩm do một cá nhân hoặc nhiều cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã tồn tại trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức, hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.”[1] Đồng thời nêu rõ “Một số loại hình TPPS phổ biến hiện nay bao gồm tác phẩm dịch, tác phẩm phóng tác,…” và giải thích các thuật ngữ này.

Thứ hai, về mối quan hệ giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc và quyền làm tác phẩm phái sinh. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc là một trong những quyền nhân thân không thể chuyển giao, nó tồn tại vĩnh viễn và luôn luôn thuộc về tác giả tác phẩm gốc. Trong khi đó, quyền cho làm tác phẩm phái sinh lại thuộc nhóm quyền tài sản và có thể không thuộc về tác giả nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu QTG.

Như vậy, trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì quyền cho làm tác phẩm phái sinh độc lập với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc.[2] Thực tiễn, có thể xảy ra tình trạng xâm phạm quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc” trong quá trình hình thành tác phẩm phái sinh (như vụ Kiến nghị xử phạt tác giả và nhà sản xuất Album “Chat với Mozart” về hành vi xâm phạm QTG). Tình trạng này diễn ra nhiều nhất trong quá trình hình thành tác phẩm phái sinh thuộc lĩnh vực âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống – loại hình tác phẩm khó xác định tác giả, bởi vậy cũng khó xác định người có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm âm nhạc truyền thống hay tác phẩm gốc.

Theo tôi, giải pháp đối với vấn đề này là: không coi việc viết thêm lời vào bản nhạc không lời khi không có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc là sáng tạo nên tác phẩm phái sinh, còn trong trường hợp có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc thì tác phẩm mới là tác phẩm đồng tác giả chứ không phải là tác phẩm phái sinh. Việc này được coi là tương đương với trường hợp phổ nhạc cho một bài thơ thì bài hát (bao gồm phần nhạc và lời thơ) là tác phẩm đồng tác giả chứ không phải là tác phẩm phái sinh.


[1] Trần Thị Phan (2021), “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh theo pháp luật Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện số Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] ThS. Nguyễn Huy Hoàng (2020), “Mối quan hệ giữa quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm và quyền làm tác phẩm phái sinh”, Trang thông tin điện tử Phòng Thanh tra – Pháp chế – Sở hữu trí tuệ Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, https://hcmussh.edu.vn/news/item/2532.

1900.0191