Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

23/01/2015

Để có công cụ đánh giámột cách hệ thống, đồng bộ và toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân ngay tại địa bàn cơ sở, làm căn cứ để các cơ quan nhà nước đề ra các giải pháp quản lý phù hợp; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém cũng như khuyến khích, biểu dương, nhân rộng điển hình, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở(sau đây gọi làQuyết định số 09/2013/ QĐ-TTg).

1. Tình hình triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đánh giáchuẩn tiếp cận pháp luật

Triển khai thực hiện Quyết định này, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1932/QĐ-BTP ngày 25/7/2013 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg; Công văn số 7730/BTP-PBGDPL ngày 18/11/2013 hướng dẫn Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg; tổ chức nghiên cứu, xây dựng các văn bản làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gồm: Dự thảo Thông tư quy định về Hội đồng đánh giátiếp cận pháp luật, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận, xếp hạng địa phương đạt chuẩn và biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật; Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đồng thời chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về nghiệp vụ tiếp cận pháp luật.

Tại địa phương, đến hết ngày 30/6/2014, đã có 45/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch, Đề án triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/ QĐ-TTg. Hầu hết các địa phương đã tổ chức quán triệt, truyền thông, phổ biến quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, cơ quan, đơn vị có liên quan và nhân dân trên địa bàn; đồng thời đưa việc thực hiện nhiệm vụ này vào chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2014. Một số tỉnh, thành phố đã thành lập Hội đồng đánh giátiếp cận pháp luật cấp tỉnh; chỉ đạo thành lập Hội đồng đánh giátiếp cận pháp luật cấp huyện, cấp xã; phân công, giao nhiệm vụ cho các công chức, phòng chuyên môn làm đầu mối tham mưu, theo dõi, rà soát, đánh giávề các chỉ tiêu, tiêu chí được giao theo dõi để đề xuất các giải pháp cải thiện nhằm bảo đảm đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tuy nhiên, việc đánh giáđịa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg là một nhiệm vụ phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành, được thực hiện ở cả 03 cấp hành chính ở địa phương. Trong quátrình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và qua theo dõi, tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các địa phương cho thấy quy trình đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật có một số vướng mắc, bất cập [1]. Nếu triển khai việc đánh giá địa phương tiếp cận pháp luật thống nhất, đồng bộ trong phạm vi cả nước ngay từ năm 2014 – năm đầu tiên theo quy định, sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến hình thức, tạo áp lực rất lớn cho chính quyền cơ sở, nhất là đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Bộ Tư pháp tại Công văn số 4793/VPCP-PL ngày 27/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng triển khai toàn quốc việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và giao Bộ Tư pháp tổ chức triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng ở 03 cấp đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 02 năm, từ năm 2014 đến năm 2015 tại các tỉnh: Quảng Bình, Thái Bình, Điện Biên, Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh để có điều kiện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg. Trên cơ sở kết quả làm thử, trong quý II/2016, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg cho phù hợp.

Đểkịp thời có các giải pháp tổng thể, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và Công văn số 4793/VPCP-PL, ngày 18/9/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2143/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai làm thử việc đánh giáđịa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 02 năm (2014 – 2015) [2]. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 3120/BTP-PBGDPL ngày 15/7/2014 hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đánh giátiếp cận pháp luật; Công văn số 3175/BTP-PBGDPL ngày 18/7/2014 hướng dẫn thành lập Hội đồng đánh giátiếp cận pháp luật; quy trình đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn và biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật và các biểu mẫu về nghiệp vụ kèm theo gửi 05 tỉnh, thành phố được chọn làm thử. Để tập trung nguồn lực và phù hợp với tình hình triển khai việc làm thử, Bộ Tư pháp báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép rút việc xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ra khỏi chương trình, kế hoạch các văn bản phải trình Thủ tướng Chính phủ năm 2014 và giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg [3].

Để hỗ trợ, hướng dẫn 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao làm thử việc đánh giáchuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp đã trực tiếp tập huấn nghiệp vụ tiếp cận pháp luật, đồng thời khảo sát, kiểm tra, nắm thông tin, tình hình kết hợp hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ để các địa phương chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho kỳ đánh giá đầu tiên. Bộ Tư pháp phối hợp với một số bộ, ngành liên quan tiến hành các thủ tục thành lập Hội đồng đánh giátiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp để phục vụ cho việc đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2014 đối với 05 tỉnh, thành phố được giao làm thử, sau khi các địa phương hoàn thành việc đánh giá (Hồ sơ của 05 tỉnh, thành phố được gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2014).

Qua theo dõi, nắm tình hình chung cho thấy, về cơ bản, các địa phương bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương tạm dừng đánh giátiếp cận pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (trừ hoạt động đánh giá). Tính đến hết tháng 10/2014, tại các địa phương làm thử, UBND cấp tỉnh đã tiếp nhận Hồ sơ tiếp cận pháp luật của UBND cấp huyện (trong đó bao gồm cả Hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc phạm vi quản lý của cấp huyện) và bắt đầu tiến hành thẩm tra theo quy định [4].

2. Một số giải pháp, nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới

Để Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg được tiếp tục triển khai thi hành có hiệu quả trên phạm vi cả nước, đưa công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào nề nếp, thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cánhân trong triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chúng ta cần quan tâm một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu sau:

– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn cận pháp luật. Kinh nghiệm thực tiễn triển khai các nhiệm vụ cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng là rất quan trọng, ở đâu có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, thì ở đó các nhiệm vụ được tổ chức thực hiện có hiệu quả.

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ- TTg và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai làm thử việc đánh giáđịa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 02 năm (2014 – 2015) ban hành kèm theo Quyết định số 2143/QĐ-BTP.

– Tiếp tục thông tin, phổ biến, quán triệt nội dung, quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg đến cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương.

– Quan tâm bố trí các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tạo điều kiện và phát huy vai trò đầu mối của cơ quan tư pháp các cấp trong tham mưu, giúp UBND cùng cấp chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương.

Ngoài các giải pháp, nhiệm vụ chung nêu trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về làm thử việc đánh giáđịa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao làm thử quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động sau:

Đối với Bộ Tư pháp:

– Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc triển khai làm thử đánh giáđịa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 05 tỉnh, thành phố được giao làm thử; tổ chức xem xét, đánh giáhồ sơ tiếp cận pháp luật của 05 tỉnh, thành phố theo quy trình quy định tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TT để kiểm nghiệm trên thực tế tính phù hợp/không phù hợp của quy trình ở cấp trung ương; tổng hợp thông tin, đánh giá 01 năm làm thử để rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc hướng dẫn thực hiện trong năm 2015.

– Tăng cường công tác kiểm tra nắm bắt tình hình về việc triển khai thực hiện làm thử, nhằm kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; đồng thời tiếp tục tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đánh giávề tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của các quy định và các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật với hệ thống pháp luật, sự phù hợp và tính khả thi của thẩm quyền, quy trình, thời hạn đánh giá; các nguồn lực bảo đảm triển khai thực hiện (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất) và các nội dung liên quan khác.

– Chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan đánh giá, tổng kết việc triển khai làm thử để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp cụ thể, cũng như những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật một cách thực chất, thiết thực, không tạo thêm gánh nặng cho chính quyền cơ sở.

Đối với UBND 05 tỉnh, thành phố được giao làm thử, phải xác định việc triển khai làm thử đánh giáđịa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, do đó, cần tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương đã được giao trong Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2143/QĐ-BTP cũng như các nội dung, giải pháp mà Kế hoạch của địa phương đã xác định, trong đó, tập trung triển khai thực hiện một số công việc sau đây:

– Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giátiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này và thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật các cấp ở địa phương, trong đó chú trọng đội ngũ công chức cấp xã.

– Quan tâm theo dõi, kiểm tra nắm bắt tình hình, nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong hoạt động đánh giá, xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật, cũng như có giải pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện làm thử.

– Chỉ đạo, làm tốt việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2014 đúng quy trình, thời hạn; tổng hợp thông tin, số liệu, những vướng mắc, bất, cập, khó khăn, báo cáo về Bộ Tư pháp; rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho kỳ đánh giá đạt chuẩn và tiêu biểu năm 2015. Việc đánh giá cần được thực hiện nghiêm túc, đánh giá thực chất, không chạy theo thành tích, để phản ánh đúng thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn, qua đó, góp phần cùng với Bộ Tư pháp tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg cho phù hợp.

Bùi Anh Thơ

Tài liệu tham khảo:

[1]. Một số vướng mắc, bất cập: Thời hạn đánh giá xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật chưa thực sự tương thích với năm công tác, năm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương và kỳ báo cáo thống kê nhà nước và của Ngành Tư pháp; nhiều tiêu chí tiếp cận pháp luật có nội hàm rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cần có thời gian để rà soát các văn bản này để làm cơ sở cho việc đánh giá các tiêu chí; quy trình đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật phức tạp, nhiều chủ thể tham gia, trong khi thời gian thực hiện lại ngắn.

[2]. Thay thế Quyết định số 1932/QĐ-BTP ngày 25/7/2013 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg.

[3]. Công văn số 5719/VPCP-PL ngày 29/7/2014 của Văn phòng Chính phủ.

[4]. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, năm 2014, thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đánh giá ở cấp xã bắt đầu từ ngày 01/9/2014 và kết thúc trước ngày 30/9/2014; cấp huyện bắt đầu từ ngày 01/10/2014 và kết thúc trước ngày 20/10/2014; cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 21/10/2014 và kết thúc trước ngày 20/11/2014.

Tham khảo thêm:

1900.0191