Trình bày khái quát quy định của CISG về việc bên mua áp dụng biện pháp huỷ hợp đồng khi bên bán vi phạm hợp đồng. Phân tích một án lệ điển hình để minh họa.
Thời điểm hợp đồng có hiệu lực cũng chính là lúc phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa bên mua và bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Tuy nhiên, có thể do ý chí chủ quan hoặc khách quan mà bên bán thực hiện không đúng hoặc không thực hiện hợp đồng từ đó khiến cho mục đích của một trong hai bên không đạt được. Khi đó, cần có sự giải phóng nghĩa vụ giữa các bên nhằm ngăn chặn những hệ quả do sự vi phạm hợp đồng. Bài viết sẽ làm rõ nội dung trên – bên mua áp dụng biện pháp huỷ hợp đồng do sự vi phạm của bên bán theo quy định của CISG, đồng thời minh hoạ thông qua Án lệ 1399: Hanseatisches Oberlandesgericht Hamburg.
I. Quy định của CISG về việc bên mua áp dụng biện pháp huỷ hợp đồng khi bên bán vi phạm hợp đồng
1. Định nghĩa vi phạm hợp đồng
Pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay định nghĩa “vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”1theo sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định.
Tuy nhiên đối với định nghĩa “vi phạm hợp đồng” trong mua bán hàng hoá quốc tế được điều chỉnh bởi CISG thì chưa được định nghĩa một cách rõ ràng cũng như sự giải thích cụ thể trong một văn bản chính thống nào.2 Có thể hiểu, vi phạm hợp đồng thông qua hệ thống các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng theo quy định của CISG, “bao gồm tất cả các hình thức thực hiện không đúng, cũng như hoàn toàn không thực hiện hợp đồng”.3 Nghĩa vụ sẽ bao hàm cả nghĩa vụ phát sinh do sự thỏa thuận của các bên và nghĩa vụ theo quy định của CISG.
2. Căn cứ để bên mua áp dụng chế tài huỷ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế do bên bán vi phạm hợp đồng
2.1. Vi phạm cơ bản hợp đồng
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 49 CISG, bên mua có quyền huỷ bỏ hợp đồng nếu hành vi bên bán cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng dựa trên những điều khoản đã được thỏa thuận hoặc được quy định trong công ước Viên 1980. Điều 49 đã dẫn chiếu đến Điều 25 CISG quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng.
Để một vi phạm cấu thành vi phạm cơ bản thì đòi hỏi phải có ba yếu tố:
Thứ nhất, phải có sự vi phạm, bởi để xác định mức độ vi phạm hay hậu quả thì cần phải có hành vi ban đầu là hành vi vi phạm hợp đồng. Vi phạm ở đây có thể là vi phạm nghĩa vụ do các bên đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo quy định của CISG.
Thứ hai, gây thiệt hại đáng kể. Khi có sự vi phạm thì có khả năng sẽ xuất hiện những thiệt hại cho các chủ thể trong hợp đồng. Thiệt hại chỉ được coi là thiệt hại đáng kể nếu mục đích giao kết hợp đồng của một trong hai bên bị tước đi, không đạt được mục đích nếu tiếp tục thực hiện hợp. Những gì các bên có quyền kỳ vọng từ hợp đồng chính là mục đích các bên giao kết hợp đồng, lợi ích mà các bên mong muốn đạt được vào thời điểm giao kết hợp đồng.4
Thứ ba, khả năng tiên liệu trước hậu quả. Điều này là cần thiết, bởi nếu bên bán không thể nhận thức, tiên đoán được hậu quả có thể xảy ra thì sẽ không cấu thành vi phạm cơ bản. Ngược lại nếu bên bán biết rõ, bằng nhận thức thông thường, rằng hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho bên mua và thiệt hại ấy sẽ tước đi những điều mà bên mua có quyền mong đợi từ hợp đồng thì sẽ cấu thành vi phạm cơ bản.5 Vậy khi nào là không thể tiên liệu trước, khi nào là có thể tiên liệu trước thì cần phải xem xét tổng hòa các yếu tố, cần phải tính đến mọi tình tiết liên quan6để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với quy định tại Điều 8 CISG. Thông thường, khi xác định khả năng tiên liệu trước hậu quả của bên vi phạm thì phải chứng minh hai luận điểm: (i) bản thân bên vi phạm không có cách nào để tiên liệu được tổn hại xảy ra lại tước đi đáng kể những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng; (ii) người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh của bên vi phạm cũng không thể tiên liệu được hậu quả đó. Trường hợp không chứng minh được hai luận điểm này thì sẽ là yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản.7
Chính vì vậy, bên mua có thể căn cứ vào hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng của bên bán để tuyên bố hoặc yêu cầu tuyên bố huỷ hợp đồng.
2.2. Vi phạm hợp đồng liên quan đến giao hàng hóa
Công ước Viên năm 1980 quy định về Hợp đồng mua bán Hàng hoá quốc tế, cho nên, đối tượng của hợp đồng đều là về hàng hoá hoặc liên quan đến hàng hoá. Vì vậy, nếu bên bán không giao hàng hoá theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 CISG hoặc bên bán chỉ giao một phần hàng hoá hoặc chỉ một phần hàng hoá phù hợp hợp đồng quy định tại Điều 51 CISG hoặc liên quan đến giao hàng từng phần được quy định trong Điều 73 thì bên mua có thể huỷ hợp đồng bởi từ hành vi này thì kỳ vọng của bên mua về hợp đồng sẽ bị triệt tiêu.
Không giao hàng trong thời gian gia hạn hợp đồng
Trường hợp không giao hàng hóa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 CISG. Đây được xem là trường hợp cụ thể hoá quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49, bên mua có thể áp dụng chế tài huỷ hợp đồng mà không cần phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của bên bán cấu thành vi phạm cơ bản. Hành vi không giao hàng hóa của bên bán khiến cho mục đích khi giao kết hợp đồng của bên mua không đạt được, bản thân hành vi không giao hàng đã hiển nhiên đáp ứng các điều kiện cấu thành hành vi vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, để có thể áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 CISG thì đòi hỏi bên mua phải đáp ứng điều kiện về gia hạn thời gian giao hàng tại khoản 1 Điều 47 CISG – bên bán tuyên bố không giao hàng hoặc không giao hàng thì bên mua sẽ có cơ sở pháp lý để huỷ hợp đồng. Tức là hành vi vi phạm của bên bán sẽ bị “nâng lên” về tính chất nghiêm trọng, từ đó bên mua có cơ sở pháp lý để tuyên bố huỷ hợp đồng. Vi phạm một phần hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng
Trường hợp theo quy định tại Điều 51 CISG. Nếu bên bán chỉ giao một phần hàng hoá hoặc chỉ một phần hàng hoá phù hợp với hợp đồng thì bên mua sẽ có quyền tuyên bố huỷ hợp đồng đối với phần bị vi phạm. “Trường hợp này thường xảy ra khi bên bán không thể thực hiện tiếp hợp đồng, từ chối thực hiện tiếp hoặc đã quá thời hạn hoàn thành hợp đồng, và sẽ bị coi như một vi phạm về nghĩa vụ giao hàng”.8 Từ sự vi phạm về nghĩa vụ giao hàng sẽ dẫn chiếu đến điểm b khoản 1 Điều 49 để có cơ sở huỷ bỏ hợp đồng. Ngoài ra, bên mua sẽ có quyền tuyên bố huỷ bỏ toàn bộ hợp đồng nếu hành vi vi phạm cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng.
Trường hợp theo quy định tại Điều 73 CISG về giao hàng từng phần. Để bên mua có cơ sở pháp lý hợp pháp trong huỷ hợp đồng mua bán hàng hoá thì vi phạm của bên bán phải cấu thành vi phạm cơ bản. Các lô hàng bị vi phạm, các lô hàng đã được giao, các lô hàng sẽ được giao trong tương lai thì đều cần được chứng minh sự cấu thành vi phạm cơ bản. Tức là cần chứng minh sự liên quan, móc nối giữa các các phần với nhau từ đó dẫn đến mục đích giao kết của toàn bộ hợp đồng của bên mua bị tước bỏ do hành vi vi phạm của bên bán.
2.3. Vi phạm chủ yếu hợp đồng được dự liệu trước khi thực hiện hợp đồng
Điều 72 CISG quy định một trong hai bên (trong phạm vi bài tập, nhóm chỉ để cập đến quyền huỷ hợp đồng của bên mua): (i) Bên mua có thể tuyên bố huỷ hợp đồng nếu nhận thấy sự thật hiển nhiên rằng bên bán sẽ gây ra một vi phạm chủ yếu hợp đồng. (ii) Gửi thông báo cho bên bán nhằm mục đích khuyến khích họ thực hiện nghĩa vụ của mình, không gửi trong trường hợp bên bán tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ. Trong Điều khoản trên cho phép bên mua huỷ bỏ hợp đồng mặc dù chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ của bên bán. Chỉ cần bên mua chứng minh được chắc chắn rằng bên bán sẽ vi phạm hợp đồng, mà vi phạm đó là vi phạm cơ bản hợp đồng. Sự thật hiển nhiên rằng bên còn lại sẽ vi phạm phải được xem xét dựa trên hiểu biết của một người thông thường, suy đoán dựa trên các yếu tố khách quan. Ví dụ như bên bán đang làm thủ tục phá sản, bên bán tuyên bố không thực hiện hợp đồng… Lúc này, quyền lợi có thể đạt được thông qua hợp đồng của bên mua đã bị triệt tiêu, bên mua có quyền tuyên bố huỷ hợp đồng.
3. Bên mua mất quyền huỷ hợp đồng
Theo quy định tại Điều 26 CISG, “Tuyên bố huỷ hợp đồng của một bên chỉ có hiệu lực nếu nó được thông báo cho bên kia”. Tức là khi tuyên bố huỷ hợp đồng thì bên mua phải thông báo cho bên bán (có một số trường hợp không phải thông báo như không giao hàng hoặc tuyên bố không giao hàng…) Đồng thời, rơi vào trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 49 CISG, nếu bên bán giao hàng chậm thì bên mua sẽ không thể huỷ hợp đồng nếu không tuyên bố huỷ hợp đồng trong thời hạn thích hợp.
Khoản 2 Điều 49 cho thấy phạm vi mà bên mua hoàn toàn có thể tuyên bố huỷ hợp đồng do sự vi phạm của bên bán. Tuy nhiên, nếu hết thời hạn trên, tức là cho đến khi bên bán giao hàng thì bên mua không còn quyền huỷ nữa. Điều này là hợp lý bởi nếu trong thời hạn hợp lý, bên mua biết nhưng mà bên mua không tuyên bố huỷ hợp đồng, đồng nghĩa với việc bên mua chấp nhận sự vi phạm đó.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 82, bên mua có thể mất quyền tuyên bố huỷ hợp đồng nếu bên mua không thể hoàn lại hàng hoá và hàng hóa đó phải bảo đảm được được tính giống như lúc nhận hàng. Những hư hỏng, thiệt hại dẫn đến thay đổi đặc điểm, tính chất của hàng hoá để áp dụng cho cơ sở pháp lý trên không bao gồm ba trường hợp sau: Thứ nhất, hư hỏng, thay đổi không phải do hành động hay sơ suất của bên mua. Thứ hai, hàng hoá thay đổi, hư hỏng, không thể sử dụng được do thực hiện hành vi kiểm tra. Thứ ba, bên mua đã bán tiếp hay biến đổi hàng hoá bị hư hỏng trước khi biết về sự không phù hợp của hàng hoá. Nếu bên mua không thuộc ba trường hợp kể trên và không thể hoàn lại hàng hoá với tính chất giống như thời điểm nhận hàng hoá thì bên mua sẽ bị mất quyền tuyên bố huỷ hợp đồng. Bên cạnh đó, nếu người bán có khả năng và sẵn sàng khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa được giao nhưng người mua không tạo cơ hội cho người bán khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa thì người mua không có quyền áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Như vậy, bên mua có thể mất quyền huỷ hợp đồng nếu rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 49, Điều 82 CISG.
4. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị huỷ bỏ do bên bán vi phạm hợp đồng
Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị huỷ bỏ do bên mua tuyên bố xuất phát từ sự vi phạm của bên bán được quy định tại Điều 81 đến Điều 84 CISG. Về cơ bản là sự giải phóng các bên khỏi những nghĩa vụ do thỏa thuận hoặc theo quy định của CISG. Hậu quả pháp lý của việc hủy hợp đồng thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, khi áp dụng chế tài hủy hợp đồng, hai bên sẽ giải thoát cho nhau tất cả mọi nghĩa vụ của hợp đồng (trừ những nghĩa vụ phát sinh sau khi hủy hợp đồng và từ giải quyết tranh chấp).
Thứ hai, việc các bên phải hoàn trả những gì đã nhận được từ bên kia trong quá trình thực hiện hợp đồng hay các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đồng thời. Trường hợp không thể hoàn trả lợi ích đã nhận được thì phải hoàn trả bằng tiền.
Tóm lại, theo CISG, “việc huỷ hợp đồng sẽ không làm mất hiệu lực của tất cả các điều khoản trong hợp đồng và làm rõ nghĩa vụ nào bị chấm dứt hoặc trả lại, nghĩa vụ nào vẫn còn tồn tại”.10
II. Bên mua áp dụng biện pháp huỷ bỏ hợp đồng khi bên bán vi phạm hợp đồng – Án lệ 1399: Hanseatisches Oberlandesgericht Hamburg
1. Khái quát vụ tranh chấp
1.1. Các bên tham gia tranh chấp và giải quyết tranh chấp
• Nguyên đơn: SAMUEL SMITH The Old Brewery – Quốc tịch Anh • Bị đơn: VINI SAN BARBATO di Bitetto Domenico & C. snc – Quốc tịch Ý • Cơ quan giải quyết tranh chấp: Toà án dân sự thành phố Foggia, Italian • Thẩm phán: M. Angela Marchesiello
1.2. Sự kiện pháp lý
Thời gian | Sự kiện pháp lý |
05/5/2003 | Thỏa thuận mua 78.000 lít rượu vang |
05/5/2003 | Nhà tư vấn độc lập của bên mua đến thăm hầm rượu của bên bán |
19/5/2003 | Bên bán gửi báo cáo phân tích thành phần rượu cho bên mua Bên mua thanh toán tiền mua hàng ngay sau khi nhận báo cáo phân tích |
03/6/2003 | Bên bán giao hàng tại địa điểm do bên mua yêu cầu |
04/6/2003 | Bên mua gửi thông báo bằng Fax về chất lượng của hàng hoá |
10/6/2003 | Bên bán chắc chắn đã nhận được thông báo từ bên mua Bên mua bán lại cho bên thứ ba với giá giảm 0.45 Euro không thành Bên mua nộp đơn khởi kiện tại Tòa án ở Italian |
1.3. Vấn đề pháp lý
Cần phải xác định xem bên mua có căn cứ pháp luật để huỷ hợp đồng với bên bán hay không? Nếu có thì trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng là gì? 1.4. Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp
Hợp đồng mua bán rượu vang giữa nguyên đơn và bị đơn được điều chỉnh bởi Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa. Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trên là Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế – Công ước Viên năm 1980 – CISG.
2. Lập luận của các bên
2.1. Lập luận của nguyên đơn
Vào tháng 5 năm 2003, nguyên đơn đã mua rượu vang từ bị đơn. Vào thời điểm đó, rượu vẫn đang trong quá trình sản xuất và cần được chế biến thêm. Do đó, theo hợp đồng, việc giao hàng và thanh toán rượu phải có sự kiểm tra thực tế về cơ sở của bị đơn bởi một nhà tư vấn độc lập do người mua thuê, đồng thời trước khi giao hàng, bị đơn phải gửi mẫu rượu vang thành phẩm cho người mua cùng với chứng chỉ phân tích từ phòng thí nghiệm độc lập, để người mua phê duyệt cuối cùng. Do đó bên mua cho rằng:
Thứ nhất, người bán đã không gửi bất kỳ mẫu rượu “thành phẩm” nào mà chỉ gửi cho người mua một báo cáo phân tích trên cơ sở đó người mua quyết định thanh toán trước cho người bán. Thứ hai, sau khi rượu được giao, người mua phát hiện ra rằng sản phẩm không phù hợp với báo cáo phân tích mà người bán gửi và mẫu thử trước khi ký hợp đồng (vào tháng 3 năm 2003). Thứ ba, Người mua đã cố gắng bán lại rượu cho một đại lý địa phương khác nhưng không thành công, rượu đã bị từ chối vì có chất lượng rất kém và không bán được trên thị trường.
Vì vậy, nguyên đơn cho rằng căn cứ để huỷ hợp đồng là đúng cơ sở pháp lý, vì bên bán đã không bảo đảm được chất lượng rượu.
2.2. Lập luận của bị đơn
Thứ nhất, bị đơn cho rằng bên mua đã không thông báo về hàng hóa kém chất lượng trong một khoảng thời gian hợp lý, cụ thể là trong thời hạn 8 ngày được thoả thuận trong Hợp đồng đã ký kết. Thứ hai, bên bán còn bổ sung rằng nghĩa vụ gửi mẫu rượu thành phẩm để bên mua phê duyệt đã được loại trừ bởi đã có chuyến thăm chính thức của đại diện bên mua tại hầm rượu của mình. Thứ ba, bên bán đã gửi bản báo cáo phân tích về thành phần của rượu cho bên mua trước ngày giao, tức là không vi phạm nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng.
2.3. Lập luận của cơ quan tài phán
Thứ nhất, Toà án bác bỏ quan điểm của bị đơn rằng bên mua đã không thông báo về khiếm khuyết của hàng hoá trong thời hạn hợp lý. Thực tế và chứng cứ do nguyên đơn cung cấp đã thể hiện rằng thông báo đã được gửi đi ngay trong ngày hôm sau, sau khi bên mua nhận được hàng hoá.
Thứ hai, quan điểm của bên bán cho rằng “nghĩa vụ về gửi mẫu rượu vang thành phẩm cho bên mua không còn vì bên mua đã trực tiếp đến hầm rượu vang của mình” đã bị bác bỏ. Nguyên nhân do bên mua đến để kiểm tra sự hiện diện, kết cấu và cơ sở hạ tầng của bên bán chứ không nhằm mục đích kiểm tra đặc tính của rượu.
Thứ ba, sản phẩm rượu vang thành phẩm của bên mua không đạt chất lượng như đã thoả thuận trong hợp đồng, từ đó kết luận rằng, bên mua có cơ sở hợp pháp để huỷ hợp đồng với bên bán. Thêm vào đó, bên bán phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh do sự vi phạm hợp đồng của mình. Căn cứ cơ sở pháp lý tại Điều 25, khoản 1 Điều 49 CISG.
3. Bình luận và đánh giá
3.1. Căn cứ huỷ bỏ hợp đồng
Căn cứ để Tòa án tuyên nguyên đơn có quyền huỷ hợp đồng với bị đơn, đồng thời bị đơn phải có trách nhiệm hoàn tiền và nhận lại hàng hoá của mình dựa trên vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 49 CISG.
Để vi phạm của bên bán bị coi là vi phạm cơ bản thì phải đảm bảo các yếu tố sau và thực tế thì vi phạm của bị đơn trong trường hợp này đã cấu thành vi phạm cơ bản:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm. Bên bán đã vi phạm nghĩa vụ của mình do hai bên đã thống nhất thoả thuận trong hợp đồng là gửi mẫu rượu thành phẩm cho bên mua trước khi giao hàng. Tuy nhiên bên bán chỉ gửi bảng báo cáo phân tích thành phần và chất lượng và thành phẩm rượu mà bên bán đã giao hàng lại có chất lượng rất kém so với yêu cầu. Tức là có sự vi phạm nghĩa vụ mà hai bên đã thoả thuận. Bên cạnh đó, theo báo cáo phân tích rượu mà bên mua đã thực hiện, cho thấy: các giá trị được phân tích không tương thích với các giá trị mà bên bán đã gửi cho bên mua một trong báo cáo trước đó (khác biệt đáng kể so với một loại được mua, kể cả theo màu sắc, mùi và hương vị). Đồng thời, số liệu của bên mua cũng chứng minh rằng có thể loại trừ giả thuyết về sự hư hỏng trong quá trình vận chuyển (rủi ro do người mua chịu). Chính vì vậy, hàng hóa mà bên bán giao cho bên mua không đạt yêu cầu do sản phẩm này không phù hợp với mục đích sử dụng.
Thứ hai, mục đích giao kết hợp đồng của nguyên đơn đã bị triệt tiêu. Với rượu thành phẩm có chất lượng kém nên không thể trực tiếp cung cấp ra thị trường cũng như bán lại với giá giảm cho một bên thứ ba. Điều này đã khiến cho quyền được kỳ vọng từ hợp đồng của nguyên đơn bị triệt tiêu hoàn toàn, đồng nghĩa với việc bên mua bị thiệt hại đáng kể, gần như là toàn bộ vì không một chai rượu nào được cung cấp ra thị trường bởi chất lượng rất kém.
Thứ ba, bên bán có thể tiên liệu được hậu quả. Sự kiện chỉ gửi bản báo cáo phân tích mà không gửi mẫu đó chứng minh bên bán biết rõ ràng rằng rượu của mình không đạt chất lượng. Ngoài ra, bên bán là nhà sản xuất nên có thể hiểu rõ ràng rằng rượu có chất lượng kém sẽ khó tiêu thụ và có thể không được người dùng tiếp nhận. Và chính người tiêu dùng, với hiểu biết thông thường, rượu có chất lượng rất kém sẽ không phải là sự lựa chọn để cho vào giỏ hàng của mình. Chính vì vậy bên bán, với nhận thức của mình, đã có thể tiên liệu được trước hậu quả xảy ra.
Như vậy, hành vi vi phạm của bên bán đã cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, từ đó, tuyên bố huỷ hợp đồng của bên mua là có cơ sở pháp luật, như Toà án đã tuyên. Tuy nhiên, để phù hợp hơn nữa thì cần phải xem xét thêm trường hợp bên mua mất quyền huỷ hợp đồng hay không. Để bị coi là mất quyền tuyên bố huỷ hợp đồng do giao hàng không phù hợp xảy ra khi bên mua không thông báo cho bên bán hoặc thông báo cho bên bán trong một thời hạn không hợp lý theo quy định tại Điều 39 CISG. Đồng thời, bên bán đã thực hiện khắc phục hoặc thay thế hàng hóa không phù hợp bằng những hàng hóa cùng loại khác.
Bên bán đã đưa ra lập luận của mình rằng bên mua đã không thông báo về sự không phù hợp của hàng hoá trong khoản thời hợp lý là không có cơ sở. Hai bên đã thay đổi hiệu lực của CISG về thời hạn thông báo hợp lí là 8 ngày và thực tế và các tài liệu do nguyên đơn cung cấp đã chứng minh bên mua thông báo cho bên bán trong khoản thời gian hợp lí do hai bên đã thoả thuận. Chính vì vậy, bên mua không bị mất quyền huỷ hợp đồng theo quy định tại Điều 39 CISG. Trong tình huống này, người mua đã tuân thủ nghĩa vụ này vì họ đã thông báo cho người bán về những khiếm khuyết trong đúng thời hạn theo quy định.
Bên mua đã thúc đẩy các biện pháp nhằm giải quyết rượu vang có chất lượng kém mà bên bán đã giao hàng. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thoả thuận về vấn đề giải quyết tranh chấp cũng như khắc phục khiếm khuyết của hàng hoá.
Tóm lại, tổng hợp các điều kiện trên thì mua có quyền tuyên bố huỷ hợp đồng do bên bán vi phạm hợp đồng – vi phạm cơ bản. Và tuyên bố như vậy của Toà án là hợp lý, có cơ sở pháp luật, đồng thời phù hợp với thực tiễn xét xử, thực tiễn áp dụng các quy định của CISG.
3.2. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị huỷ bỏ
Trong đơn khởi kiện, bên mua yêu cầu: Một là, yêu cầu bên bán hoàn lại số tiền đặt cọc 15.000-euro đã được trả trước. Hai là, yêu cầu bên bán thu lại hàng đã giao và bồi thường mọi thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Từ cơ sở bên mua có quyền huỷ hợp đồng do bên bán vi phạm cơ bản hợp đồng – khoản 1 Điều 49 CISG và các tài liệu chứng minh cho các thiệt hại của bên mua. Dẫn đến bên bán phải hoàn trả khoản tiền mà bên mua đã thanh toán trước, thêm vào đó là một khoảng tiền lãi phát sinh. Điều này là hợp lý bởi một khi quyền lợi hay mong muốn của bên mua đã bị triệt tiêu, hợp đồng bị huỷ bỏ thì các bên phải hoàn trả lại những gì đã nhận, tức là tiền và tiền lãi mà bên bán đã nhận của bên mua – căn cứ vào khoản 1 Điều 84 CISG. Đồng thời, bên mua có nghĩa vụ hoàn trả lại hàng hoá – rượu vang đã nhận từ bên bán, bên bán có nghĩa vụ tiếp nhận lại rượu của mình.
Ngoài ra, bên bán có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 74 CISG: “Mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng của một bên bao gồm giá trị tổn thất, kể cả khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ, mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra”. Để được bồi thường thiệt hại thì bên mua phải có nghĩa vụ chứng minh, đưa ra các tài liệu nhằm xác nhận những khoản lợi nhuận có thể bị bỏ lỡ, những thiệt hại đã xảy ra do hành vi vi phạm của bên bán.
III. Lưu ý cho Việt Nam trong áp dụng biện pháp huỷ bỏ hợp đồng khi bên bán vi phạm hợp đồng
1. Xác định có vi phạm cơ bản hợp đồng
Để được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25 CISG thì vi phạm đó phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đáng kể cho bên bị vi phạm. Cần lưu ý về việc xác định đâu là vi phạm cơ bản để có thể hủy bỏ hợp đồng theo CISG, sự khác nhau giữa Công ước và Luật Thương mại Việt Nam về vấn đề loại trừ trách nhiệm của bên vi phạm trong khái niệm “vi phạm cơ bản”, tránh trường hợp bên vi phạm viện cớ mình không lường trước được hậu quả, biến bên hủy hợp đồng từ chỗ là bên bị vi phạm thành bên vi phạm trong hợp đồng. Đây là điểm mà pháp luật hợp đồng của Việt Nam (cụ thể là Luật Thương mại 2005) có thể học tập. Trước tính chất phức tạp của các giao dịch mua bán hàng hóa trong nước cũng như quốc tế, việc hàng hóa được giao không đáp ứng các thỏa thuận giữa các bên giao dịch là rất dễ gặp phải.
2. Sử dụng hợp lý các giới hạn về huỷ hợp đồng do hàng hoá không phù hợp với hợp đồng.
Các biện pháp này bao gồm biện pháp khôi phục tính phù hợp (bao gồm sửa chữa hàng hóa và giao hàng thay thế) và giảm giá hàng. Mục đích của các biện pháp này là đảm bảo hợp đồng được thực hiện dù bị mất đi một số chi phí và thời gian nhất định. Đối với trường hợp sử dụng biện pháp khôi phục tính phù hợp của hàng hóa (sửa chữa hàng hóa hoặc giao hàng thay thế): Trên thực tế có nhiều trường hợp rất khó xác định ranh giới của vi phạm cơ bản và vi phạm chưa đến mức cơ bản. Nhất là đối với những vi phạm về tính phù hợp của hàng hóa theo hợp đồng. Do đó, các biện pháp này có thể áp dụng trong trường hợp các bên giao dịch thực sự mong muốn thực hiện hợp đồng này đến cùng.
Khi những mong muốn chính đáng của bên mua được tạo ra từ việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá bị triệt tiêu do hành vi vi phạm của bên bán thì bên mua có quyền huỷ hợp đồng. Tuy nhiên, biện pháp huỷ hợp đồng có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho cả hai bên. Chính vì vậy, khi áp dụng, các bên cần xem xét áp dụng các biện pháp khác trước nhằm khắc phục những thiệt hại, vi phạm nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Thêm vào đó, khi áp dụng cần xem xét tổng quát các quy định pháp luật, các sự kiện thực tế từ đó phân tích, áp dụng để đưa ra những quyết định đúng đắn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
• Văn bản pháp luật
1. Công ước viên năm 1980 – công ước của liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế
2. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005
• Sách, báo, tạp chí
1. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, Nxb. Thanh niên
2. Nguyễn Bá Đình (2021), Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo CISG: Quy định và án lệ, Nxb. Tư pháp,
3. Ngô Hữu Thuận (2019), Chế tài hủy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo công ước viên 1980 và theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học
4. Võ Sỹ Mạnh, Vi phạm cơ bản hợp đồng theo công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học • Internet và Tài liệu nước ngoài
1. Trung tâm WTO VCCI, Những điểm bất cập của Công ước viên 1980 mà Việt Nam cần lưu ý, tại địa chỉ: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/1171- nhung-diem-bat-cap-cua-cong-uoc-vien-1980-ma-viet-nam-can-luu-y, truy cập ngày: 08/04/2021
2. Franco Ferrari, Vi phạm Cơ bản Hợp đồng Theo Công ước Bán hàng của Liên Hợp Quốc – 25 năm Điều 25 CISG, 25 HÀNH TRÌNH CỦA LUẬT VÀ THƯƠNG MẠI 489, 489-490 (Mùa xuân năm 2006)
3. Ana Paula S. C. Rizzo de Barros, Definition of Fundamental Breach under CISG’s Art. 25 and Analysis of Recent Case Law.