Công tác bán đấu giá tài sản: Ngày càng xã hội hoá
08/01/2009
Tính đến hết năm 2008, cả nước đã có 62 địa phương thành lập Trung tâm dịch vụ BĐGTS cấp tỉnh. Từ chỗ các Trung tâm chỉ có 2-3 biên chế những ngày đầu thành lập thì đến nay tổng số cán bộ của các Trung tâm đã là 350 người, trong đó có 295 cán bộ trong biên chế, còn lại là hợp đồng. Số lượng đấu giá viên của các Trung tâm là 152, trung bình đạt 2,5 đấu giá viên/Trung tâm.
Với sự ra đời của Nghị định 05, các trung tâm đã được kiện toàn cả về cơ sở vật chất. Trong số 62 trung tâm thì đã có 25 trung tâm có trụ sở làm việc độc lập, có trang thiết bị văn phòng tương đối đầy đủ. Hệ thống kho tàng mới được xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn đến 24 trung tâm đang phải ở chung với Sở Tư pháp và một số khác còn đang phải thuê trụ sở trong điều kiện làm việc tạm bợ.
Bên cạnh các trung tâm dịch vụ BĐGTS là mô hình các doanh nghiệp BĐG lần đầu tiên được thành lập theo Nghị định 05/CP. Chỉ trong 2 năm 2007, 2008 số doanh nghiệp này tăng đáng kể, đưa tổng số DN bán đấu giá trên cả nước lên con số 71, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các DN đều có trụ sở, phương tiện làm việc và đấu giá viên theo quy định (số đấu giá viên của DN hiện nay là 198 người). Tuy nhiên, hiện nay các DN mới chỉ được thành lập ở những địa phương kinh tế phát triển, các DN đã thành lập chủ yếu quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Tài sản chưa thu về một mối.
Ngoài Trung tâm và các DN bán đấu giá tài sản, theo quy định của Nghị định 05, có hai loại Hội đồng là Hội đồng BĐGTS do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập để BĐG các tài sản nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng và Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập để bán một số tài sản đặc biệt như cổ vật, tài sản có giá trị văn hoá.
Tuy nhiên, ở địa phương vẫn đang tồn tại nhiều loại hội đồng khác như Hội đồng định giá và BĐGTS cấp tỉnh, Hội đồng cấp huyện để BĐGTS của nhà nước và tài sản sung công do vi phạm hành chính. Đặc biệt là ở cấp huyện, các đơn vị bắt giữ tài sản là tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ thường chuyển cho Hội đồng BĐG cấp huyện, sau đó mới uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ BĐG hoặc do Hội đồng này trực tiếp đứng ra bán. Theo Bộ Tư pháp, sự không thống nhất về phương thức chuyển giao đã gây tình trạng lộn xộn trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ở các địa phương.
Đối với các tài sản là quyền sử dụng đất cũng diễn ra tương tự. Tại nhiều địa phương, tài sản này hoàn toàn do Hội đồng định giá và BĐGTS cấp tỉnh, huyện bán. Chỉ có một số nơi giao cho Trung tâm bán hoặc vừa giao cho Trung tâm vừa giao cho Hội đồng bán. Ngoài ra Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và môi trường hoặc Ban quản lý cơ sở hạ tầng tỉnh cũng thực hiện BĐG quyền sử dụng đất .
Bên cạnh đó, một khối lượng khổng lồ tài sản khác của nhà nước (do số lượng các DN nhà nước, các tổ chức sự nghiệp đang trong quá trình cổ phần hoá và sắp xếp lại tương đối lớn), nhưng các tài sản này vẫn do cơ quan tài chính hoặc cơ quan nhà nước được giao quản lý tài sản trực tiếp thực hiện. Các Trung tâm và DN BĐGTS rất ít khi được uỷ quyền bán các TS này. Cơ chế đó dễ dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước bởi các đơn vị “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Chính vì sự tồn tại của nhiều mô hình BĐGTS “nằm ngoài” quy định nên các tài sản bị phân tán, hiệu quả chưa cao, mặc dù trong 4 năm thực hiện Nghị định 05/CP, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý BĐGTS. Một trong những nguyên nhân của thực trạng nói trên theo Bộ Tư pháp là sự “lỗi thời” của Nghị định 05 hiện hành. Trong đó, nhiều quy định chưa đầy đủ, chồng chéo hoặc không còn phù hợp. Từ đó dẫn đến việc vận dụng các quy định về BĐGTS ở các địa phương chưa thống nhất.
Một điều đáng nói nữa là ý thức chấp hành pháp luật của một số cơ quan, cán bộ công chức còn hạn chế. Mặc dù các văn bản như Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 05 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn đang có hiệu lực nhưng nhiều nơi vẫn thực hiện không đúng. Thậm chí họ thực hiện theo…công văn hướng dẫn của ngành mà “quên” các quy định của Pháp lệnh, Nghị định, trong khi nội dung của các công văn đó là trái pháp luật.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Tư pháp đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 05, trong đó một mặt tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động BĐG một mặt tăng cường thanh kiểm tra tổ chức hoạt động BĐGTS ở cả địa phương và TW để hạn chế tiêu cực, thất thoát trong BĐGTS. Đồng thời sẽ tiến hành một loạt giải pháp hỗ trợ như tuyên truyền pháp luật về BĐG, khuyến khích vật chất và xử lý vi phạm. Trong đó, để tránh thất thoát, gây lãng phí cho tài sản nhà nước, ngành tư pháp sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 76/CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo hướng xác định các chế tài xử phạt thật nghiêm trong hoạt động BĐGTS.
Thu Hằng
Hiện nay tài sản mà các Trung tâm BĐGTS tổ chức bán là tài sản của Thi hành án chiếm khối lượng lớn. Trong 3 năm từ 2005 đến 2008 là 5355 hợp đồng, số thực hiện xong là 1682, với tổng giá trị tài sản bán đấu giá thành là gần 639 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là gần 68 tỷ đồng. Lớn thứ hai là khối tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước với tổng số hợp đồng là 3454, đã thực hiện 3234, đạt trên 93%, với giá trị đã bán là hơn 394 tỷ, số tiền chênh lệch thu 36 tỷ đồng. Riêng với tài sản bảo đảm và tài sản của cá nhân, tổ chức sau 4 năm thi hành Nghị định 05 các tổ chức BĐG mới bán được hơn 577 tỷ đồng, chênh lệch hơn 45 tỷ đồng. Đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng song lại là việc làm mới mẻ nên chưa thu hút nhiều khách hàng. |