Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thủ tục đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng.
Đối với đương sự thì việc thực hiện thủ tục đối thoại giúp các bên có nhận thức đúng đắn về các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung tranh chấp để từ đó họ có thể thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án hành chính.
Đối với hoạt động tố tụng thì thủ tục đối thoại có thể giúp quá trình giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử; đối với hoạt động quản lý nhà nước thông qua hoạt động quản lý nhà nước đã giúp cho cá nhân, cơ quan tổ chức bị kiện bảo vệ tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Chính vì vậy, thủ tục đối thoại đã được quy định theo Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nhưng chỉ dành duy nhất 01 điều luật để quy định về thủ tục đối thoại tại (Điều 12):” Trongquátrìnhgiảiquyếtvụánhànhchính,Toàántạođiềukiệnđểcácđươngsựđốithoại về việc giải quyết vụ án“.
Theo quy định trên thì đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc nên thực tiễn thực hiện thủ tục đối thoại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định cụ thể tại Điều 20 “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết các vụ án theo quy định của Luật này“.
Do vậy, đối thoại là thủ tục bắt buộc và là nhiệm vụ của Thẩm phán khi được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc đối thoại; về những vụ án không tiến hành đối thoại được; về thông báo phiên họp đối thoại; thành phần, thủ tục đối thoại; biên bản đối thoại và xử lý kết quả đối thoại (nội dung cụ thể được quy định từ Điều 134 đến Điều 140)./.
Thanh Huyền