Khuôn khổ pháp lý cho chính sách thương mại của Nhật Bản
15/12/2008
Từ những năm 1950-1980 Nhật Bản áp dụng chính sách can thiệp và hạn chế trong thương mại và công nghiệp, tuy nhiên kể từ năm 1980 Nhật Bản đã dần bãi bỏ các quy định này và theo xu hướng tự do hoá thương mại, bắt đầu bằng việc sửa đổi Luật ngoại hối cho phép các giao dịch vốn và ngoại hối được tự do hoá, chính sách tự hoá này được duy trì cho đến ngày nay. Nền kinh tế Nhật Bản về cơ bản là một nền kinh tế thị trường, không có sự can thiệp của Chính phủ. Nguyên tắc tự do hoạt động kinh doanh, an toàn tài sản tư nhân và vì thịnh vượng chung của xã hội đã được ghi nhận tại Hiến pháp của Nhật Bản, cụ thể Điều 22 của Hiến pháp tuyên bố tự do nghề nghiệp được bảo đảm (điều này được hiểu là bao gồm cả tự do thương mại), Điều 29 Hiến pháp cũng tuyên bố tài sản tư nhân được đảm bảo. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng quy định việc tự do nghề nghiệp và tài sản tư nhân cũng có thể bị hạn chế nếu sự hạn chế này là nhằm đạt được mục đích cần thiết cho sự thịnh vượng chung của toàn xã hội (Toà án tối cao có quyết định định nghĩa về sự thịnh vượng xã hội). Ngoài ra, để đảm bảo thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong các điều ước quốc tế, Hiến pháp Nhật Bản cũng quy định phải tuân thủ các điều ước quốc tế, cụ thể Điều 98.2 quy định “điều ước quốc tế…sẽ được tuân thủ tuyệt đối”.
Nhật Bản có một hệ thống văn bản luật quy định về xúc tiến thương mại quốc tế: Luật ngoại hối, Luật thuế hải quan, Luật hải quan, Luật giao dịch xuất nhập khẩu và Luật bảo hiểm thương mại quốc tế. Luật ngoại hối quy định về kiểm soát giao dịch vốn và ngoại hối (kể cả đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài), trong đó Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp lý đối với chính sách này. Luật cũng quy định về kiểm soát thương mại quốc tế (bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, chuyển giao công nghệ) và Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp có quyền thực thi các chính sách pháp lý đối với lĩnh vực này. Luật Thuế và Hải quan quy định về phân loại thuế, xác định mức thuế, chống bán phá giá, thuế đối kháng, thuế tự vệ khẩn cấp, các mặt hàng nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, thuế trả đũa và cơ quan thực thi các quy định này là Bộ Tài chính. Luật giao dịch xuất nhập khẩu quy định về việc thành lập, chức năng, vai trò của Hiệp hội xuất nhập khẩu xúc tiến thương mại quốc tế. Các Hiệp hội xuất khẩu này bao gồm các nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu, Hiệp hội có thể tham gia vào các hoạt động ngăn chặn xuất khẩu gian lận, nghiên cứu thị trường nước ngoài, phối hợp quảng cáo và tiếp thị, quyết định giá xuất khẩu (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp sử dụng giá này để áp dụng chung ) và tài trợ cho xuất nhập khẩu. Luật Bảo hiểm thương mại quốc tế, mục đích của Luật này là nhằm giải quyết các rủi ro liên quan đến lệnh cấm xuất, nhập khẩu và các hạn chế khác của Chính phủ do các Chính phủ nước ngoài áp dụng và các ảnh hưởng rủi ro từ quốc gia khác. Theo Luật bảo hiểm thì đối tượng bảo hiểm gồm thiệt hại của doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu, cấp phép công nghệ, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tiền không thu được, sung công và các biện pháp khác của chính phủ nước ngoài, chiến tranh và các thảm hoạ do thiên nhiên và hành động thù địch khác. Nhà bảo hiểm là cơ quan bảo hiểm thương mại quốc tế. Tái bảo hiểm là chính phủ Nhật Bản.
Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu và phát triển cơ bản, tuy nhiên phần lớn hoạt động nghiên cứu và phát triển của Nhật Bản là nghiên cứu ứng dụng, do các doanh nghiệp tư nhân tiến hành, còn nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ cơ bản kém hơn. Để khắc phục tình trạng này, năm 1995 Luật khoa học và công nghệ cơ bản đã được ban hành, trong đó yêu cầu chính phủ tăng ngân sách cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Đồng thời, để tạo khuôn khổ pháp lý cho xúc tiến nghiên cứu và phát triển cơ bản, một số các luật khác cũng đã được ban hành, như Luật quy định Hiệp hội nghiên cứu công nghệ trong các ngành sản xuất và khai thác mỏ, Luật này nhằm mục đích giúp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực không gian vũ trụ, y học, công nghệ sinh học, khoa học môi trường trở nên khả thi hơn và quy định những nghiên cứu này phải là nghiên cứu cơ bản mà không phải là nghiên cứu ứng dụng. Luật thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cơ bản cho phép doanh nghiệp tư nhân sử dụng miễn phí phương tiện nghiên cứu thuộc sở hữu của chính phủ và chuyển giao quyền sáng chế cho doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào dự án nghiên cứu. Theo Luật này Trung tâm xúc tiến nghiên cứu cơ bản cũng được thành lập để đóng góp hoặc cho các dự án vay tiền, tổ chức dự án nghiên cứu liên kết có sự tham gia của tư nhân và chính phủ và tiến hành dự án đó trong các doanh nghiệp tư nhân được uỷ thác.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong nên kinh tế Nhật Bản, với 4,3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sử dụng khoảng 70% số nhân công, ngoài ra, các doanh nghiệp này đóng vai trò nhà thầu phụ cho các nhà sản xuất lớn cung cấp phụ tùng, dịch vụ chi tiết cho khách hàng. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp này luôn phải chịu bất lợi hơn. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản có chính sách bảo hộ doanh nghiệp nhỏ, nhà thầu phụ. Theo quy định của Luật hợp tác xã doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ có thể thành lập một hợp tác xã và tham gia bán hàng, mua hàng và tiếp thị chung (theo cách này họ có thể đạt được mục tiêu kinh tế với quy mô lớn để cân bằng với doanh nghiệp lớn), họ được miễn trừ Luật chống độc quyền (miễn trừ sẽ bị thu hồi nếu họ chiếm được phần lớn thị trường). Luật nhà thầu phụ ra đời nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp lớn lạm dụng vị thế thương lượng bằng cách trì hoãn thanh toán cho nhà thầu phụ quá lâu hay hạ giá mua, từ chối nhận sản phẩm đã đặt hoặc thực hiện sức mạnh thị trường theo các cách khác nhau gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, có một số luật khác quy định về phân bổ lĩnh vực kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ, hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp lớn, như Luật điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh, Luật điều chỉnh kinh doanh bán lẻ, Luật phân bổ kinh doanh bán lẻ quy mô lớn…
TTT