Một số vấn đề rút ra qua nghiên cứu công tác khám nghiệm hiện trường ở New Zealand

Quá trình tiến hành các biện pháp điều tra đều nhằm mục đích chứng minh làm rõ sự thật khách quan về vụ án hình sự đã xảy ra. Thông qua các biện pháp điều tra đó, các chủ thể điều tra phải phát hiện và thu thập chứng cứ. Tại hiện trường – nơi xảy ra, nơi phát hiện vụ án sẽ là địa điểm tập trung nhiều dấu vết, vật chứng nhất; vì thế ở Việt Nam, New Zealand hay bất kỳ quốc gia nào người ta cũng phải tập trung tìm kiếm thông tin, dấu vết, chứng cứ ngay tại hiện trường. Cùng chung mục đích là tìm kiếm và khai thác hệ thống dấu vết hình sự tồn tại trên hiện trường nhưng Việt Nam và Newzealand có khung pháp lý khác nhau nên cách thức tổ chức và tiến hành khám nghiệm hiện trường cũng có những nét riêng biệt. Cụ thể:


Một là, Việt Nam và Newzealand có những điểm khác nhau trong tổ chức và triển khai công tác khám nghiệm hiện trường.



Về chủ thể khám nghiệm: Tại Newzealand, công tác tổ chức khám nghiệm hiện trường các vụ án hình sự được giao cho một Thanh tra viên. Thanh tra viên sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về quá trình khám nghiệm hiện trường nên họ chỉ huy, điều động và trưng cầu các nhà chuyên môn chuyên ngành phù hợp với từng loại dấu vết xuất hiện và tồn tại thực tế tại hiện trường. Họ có chức năng bao quát công việc, phân tích, đánh giá những kết quả mà các nhà chuyên môn cung cấp mà họ không cần trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường. Tại Việt Nam, Điều 150 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Điều tra viên tiến hành khám nghiệm hiện trường nghĩa là họ phải trực tiếp tiến hành tất cả các nội dung của khám nghiệm hiện trường.



Về nhà chuyên môn: Các nhà chuyên môn được thanh tra trưng cầu đến hiện trường chịu trách nhiệm pháp lý trước Thanh tra viên và trước pháp luật. Họ có kiến thức chuyên môn rất sâu về lĩnh vực được trưng cầu và hoạt động hoàn toàn độc lập với các lĩnh vực chuyên môn khác, thậm chí với cả Thanh tra viên. Họ hoạt động độc lập trên hiện trường. Ví dụ, khi khám nghiệm hiện trường cụ thể, thanh tra trưng cầu nhà chuyên môn về đường vân. Chuyên gia về đường vân này sẽ tự mình sử dụng các phương pháp, chiến thuật, phương tiện để phát hiện, ghi nhận, bảo quản và giám định dấu vết đường vân, các loại dấu vết khác sẽ do chuyên gia ở lĩnh vực khác đảm nhận. Vì thế, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường một vụ án tại Newzealand sẽ có rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác tham gia. Tại Việt Nam, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường có rất ít chuyên gia tham gia khám nghiệm. Một Điều tra viên hay một cán bộ khám nghiệm hiện trường phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một Điều tra viên hay cán bộ khám nghiệm hiện trường phải tiến hành phát hiện, thu thập nhiều loại dấu vết khác nhau trên hiện trường vụ án.



Về thủ tục pháp lý: Quá trình khám nghiệm hiện trường tại Newzealand không thiết lập biên bản khám nghiệm hiện trường. Mỗi cán bộ chuyên môn được giao nhiệm vụ cụ thể phải có nhiệm vụ viết bản báo về quá trình phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng mà họ đã thu thập được tại hiện trường và nộp báo cáo đó cho Thanh tra viên. Cuối cùng, Thanh tra viên sẽ tổng hợp toàn bộ các bản báo cáo của từng nhà chuyên môn và sẽ thiết lập một bản báo cáo khám nghiệm hiện trường chung cho toàn vụ án. Tại Việt Nam, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thiết lập ngay tại hiện trường biên bản khám nghiệm và phải có sự xác nhận của tất cả các thành phần tham gia khám nghiệm theo đúng quy định của pháp luật.



Hai là, về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ khám nghiệm hiện trường.



Tại Newzealand, công tác khám nghiệm hiện trường được trang bị cơ sở vật chất khá chu đáo, đầy đủ từ điều kiện phục vụ gián tiếp cho công tác khám nghiệm như xe ôtô, dây báo, găng tay, khẩu trang, bộ đàm, giày, giáo,… đến các phương tiện phục vụ trực tiếp cho công tác khám nghiệm như vali khám nghiệm chuyên dụng cho từng lĩnh vực dấu vết, máy chuyên dụng, hóa chất… Nhưng Việt Nam, cơ sở vật chất trang bị cho công tác khám nghiệm hiện trường còn thiếu, lạc hậu, hầu như không có các thiết bị chuyên dụng phục vụ khám nghiệm hiện trường. Khi đến hiện trường, Điều tra viên, cán bộ khám nghiệm chỉ có vali khám nghiệm với một số phương tiện nghèo nàn như: Một số loại thước, máy ảnh, một số loại bột phát hiện dấu vết đường vân… còn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ khám nghiệm hiện trường gần như không có.



Ba là, Việt Nam và New Zealand có sự khác nhau trong quan niệm về dấu vết hình sự xuất hiện và tồn tại trên hiện trường dưới góc nhìn của chứng cứ. Hai quốc gia đều xác định chứng cứ là là những gì có thật, tồn tại khách quan và được thu thập theo trình tự, thủ tục của pháp luật quốc gia đó quy định. Nhưng tại New Zealand dấu vết hình sự thu thập được trong quá trình khám nghiệm hiện trường đều được coi là chứng cứ của vụ án, tại Việt Nam thì khác, chứng cứ được xác định bằng: “Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: Tại Việt Nam, bản thân dấu vết hình sự như dấu vết vân tay, dấu vết máu, dấu vết cạy phá… được thu thập tại hiện trường không là chứng cứ của vụ án. Những dấu vết đó chỉ là chứng cứ khi và chỉ khi được ghi nhận vào các biên bản về hoạt động điều tra hoặc có kết luận giám định…



Việt Nam và Newzealand tổ chức và tiến hành khám nghiệm hiện trường có một số điểm khác nhau do quan niệm, cơ sở pháp lý và điều kiện của mỗi quốc gia quy định. Tuy nhiên, qua tìm hiểu việc tổ chức và tiến hành khám nghiệm hiện trường của Newzealand, chúng ta có thể ứng dụng vận dụng vào công tác khám nghiệm tại Việt Nam hiện nay.



– Nên chăng, chúng ta có quy định về mặt pháp lý cho dấu vết hình sự tồn tại trên hiện trường. Chúng ta có thể coi đó là một trong các “nguồn” của chứng cứ tại Điều 64 của Bộ luật Tố tụng hình sự.



– Chúng ta phải có sự đào tạo, bồi dưỡng Điều tra viên, cán bộ khám nghiệm hiện trường có chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực dấu vết cụ thể. Họ phải có tay nghề cao trong lĩnh vực phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, đánh giá dấu vết cụ thể. Ví dụ: Chuyên gia về dấu vết đường vân, chuyên gia về dấu vết tai nạn giao thông đường bộ, chuyên gia về dấu vết công cụ,…



– Khi khám nghiệm hiện trường cần sử dụng và khai thác các Điều tra viên, cán bộ khám nghiệm ở từng lĩnh vực dấu vết chuyên sâu nhằm phát hiện, thu thập và khai thác triệt để giá trị chứng minh của dấu vết hình sự tại hiện trường.



– Cần trang bị theo hướng chuyên sâu các thiết bị, phương tiện phục vụ khám nghiệm hiện trường nhất là các vali khám nghiệm chuyên dụng với từng loại dấu vết hình sự cụ thể.



Thạc sĩ Nguyễn Thế Công Học viện Cảnh sát nhân dân

và Thạc sĩ Nguyễn Công Khôi Công an tỉnh Bắc Ninh



1900.0191