(Kiemsat.vn) – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với rất nhiều quy định mới có ảnh hưởng và tác động tích cực đến việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Trong đó, đáng chú ý là một quy định mới về quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại Điều 58 của Bộ luật này.
Quy định tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Như vậy, có thể hiểu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Ngoài ra, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt còn có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, cũng như trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người.
Quy định mới này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai đối với người bị giữ, bị bắt, nâng cao mức độ bảo vệ quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013./.
Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt
1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:
a) Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã;
b) Được biết lý do mình bị giữ, bị bắt;
c) Được thông báo, giải thíchvề quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người.
2. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người, lệnh bắt người và yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của Bộ luật này. |
Nguyễn Long