Trao đổi về bài viết: Kiều Văn H có phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” hay không?

>>Kiều Văn H có phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản hay không?

Sau khi nghiên cứu tình huống của tác giả Đào Thanh HảiVKSNDthành phố Thanh Hóa đưa ra, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Sửa đổi cụm từ “năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 Điều 143″.

Để xác định Kiều Văn H có phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản hay không? cần xem xét hành vi của H có thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, cụ thể là:

Thứ nhất, về mặt chủ thể: Chủ thể của tội phạm là người cụ thể thực hiện hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Chủ thể của tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật hình sự. Trong tình huống trên mặc nhiên Kiều Văn H có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định của pháp luật hình sự.

Thứ hai, mặt khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ mà cụ thể trong trường hợp này là quyền sở hữu tài sản của chủ nhà đã bị xâm phạm.

Thứ ba, mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm. Mặt khách quan bao gồm các dấu hiệu: hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành vi đập phá tài sản), hậu quả tác hại do tội phạm gây ra (tài sản bị thiệt hại là 01 chiếc tủ ly, 01 cửa kính ngăn phòng; 01 chuồng cửa gỗ (hai cánh); mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra (do có hành vi đập phá của H nên tài sản của bà K mới bị thiệt hại).

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện bên trong của tội phạm, thái độ tâm lý của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các dấu hiệu lỗi (cố ý hoặc vô ý), động cơ, mục đích của tội phạm. Trong trường hợp trên Kiều Văn H đã thực hiện hành vi đập phá tài sản với lỗi cố ý.

Về cơ bản, tội Hủy hoại hay Cố ý làm hư hỏng tài sản đều có mặt chủ thể, mặt khách thể, mặt khách quan giống nhau. Yếu tố để phân biệt hai tội này nằm ở mặt chủ quan của tội phạm, cụ thể là dấu hiệu mục đích của tội phạm. Hành vi hủy hoại tài sản: Là hành vi cố ý làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng; không thể khôi phục lại được hoặc khó có thể khôi phục lại được. Hành vi làm hư hỏng tài sản: Là hành vi cố ý làm giảm đi một phần giá trị sử dụng của tài sản và tài sản đó có thể được khôi phục lại (một phần hoặc như cũ).

Do đó, trong trường hợp trên nếu hành vi của Kiều Văn H nhằm mục đích cố ý làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được thì H có thể bị truy tố về tội Hủy hoại tài sản. Nếu hành vi của H nhằm mục đích cố ý làm giảm đi một phần giá trị sử dụng của tài sản và tài sản đó có thể khôi phục được thì H có thể bị truy tố về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 của Bộ luật Hình sự.

Trên đây là ý kiến trao đổi về tình huống mà tác giả đưa ra, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả./.

Hồ Nguyễn Quân

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4

1900.0191