Tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư: Chỉ nói những điều dân cần, thay vì đem đến những gì cán bộ có

Tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư: Chỉ nói những điều dân cần, thay vì đem đến những gì cán bộ có

03/09/2009

Nhận thấy tầm quan trọng của khu dân cư trong việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả đối với việc tuân thủ pháp luật ở cộng đồng, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” (gọi tắt là Đề án 02-212) tại Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg. Sau gần 4 năm thực hiện, đã cho thấy có nhiều cách để đem pháp luật đến với người dân, nếu như chính quyền thực sự quan tâm và cán bộ cơ sở thực sự tâm huyết với công tác này.
Hiệu quả các “Nhóm nòng cốt” ở Lâm Đồng

Thực hiện nội dung của Đề án  02-212, tính đến tháng 10/2008, hầu hết các khu dân cư trong tỉnh Lâm Đồng đều đã thành lập được “Nhóm nòng cốt” để tuyên truyền, vận động việc chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. “Nhóm nòng cốt” được thành lập trên cơ sở của quá trình lựa chọn ra những người có tâm huyết, có trách nhiệm với nhân dân tại địa bàn khu dân cư, mỗi nhóm có từ 6-10 thành viên, bao gồm nhóm trưởng, nhóm phó và các thành viên nhóm. Hầu hết họ là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, am hiểu pháp luật, có kỹ năng để tuyên truyền miệng, được Uỷ ban MTTQ xã ra quyết định thành lập.

Qua hoạt động của các “Nhóm nòng cốt” trên toàn tỉnh, đặc biệt là 8 “Nhóm nòng cốt” ở 8 khu dân cư tại 4 xã được xây dựng để làm điểm nhân rộng, có thể thấy mô hình “Nhóm nòng cốt” được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, nhiều tệ nạn xã hội giảm đáng kể, nếp sống văn hoá văn minh, trật tự an toàn xã hội ngày càng được ổn định và giữ vững. Có được thành công này bởi các “Nhóm nòng cốt” đã biết khéo léo vận dụng yếu tố địa bàn, đặc điểm dân cư vào nội dung tuyên truyền để phù hợp, lọt lỗ tai người nghe.

Cụ thể, thôn Thanh Xuân I – xã Lộc Thanh là một vùng có tới 99,9% bà con theo đạo Thiên chúa giáo, các thành viên “Nhóm nòng cốt” lựa chọn những nội dung tuyên truyền hướng bà con đến ý niệm sống “Tốt đời đẹp đạo”, vận động bà con chấp hành tốt luật An toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, có ý thức bảo vệ môi trường, nộp thuế đúng quy định… Còn tại thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa, Di Linh) là một thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đa số bà con còn hạn chế về nhiều mặt, nên “Nhóm nòng cốt” đã lựa chọn nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực tại địa bàn thôn để tuyên truyền…

Đua nở những cách làm mới để tuyên truyền pháp luật

   Năm nay là năm thứ 4 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai thực hiện Đề án 02-212. Báo cáo tại hội nghị sơ kết giai đoạn I (2006-2008) thực hiện Đề án được tổ chức vào đầu năm nay cho thấy, việc xây dựng được các điểm sáng trong chấp hành pháp luật tại các cơ sở xã, phường, thị trấn sẽ có tác dụng huy động được sức mạnh của toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả đối với việc tuân thủ pháp luật ở cộng đồng. Đặc biệt, từ quá trình thực hiện Đề án, tại nhiều địa phương đã nảy sinh một số cách làm mới, mô hình hay trong hoạt động tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật ở cộng đồng, có thể nhân rộng toàn quốc. Cụ thể, trước nay một trong những điểm yếu của công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở là nhiều nơi, cán bộ chỉ đem đến những cái mà họ có chứ không để ý đến chuyện người dân cần gì. Vấn đề này đã được khắc phục khi thực hiện Đề án 02-212, công tác tuyên truyền dần được xã hội hóa và trở thành nhiệm vụ chung của các cấp, ngành, trong đó vai trò của MTTQ tại cơ sở đã được phát huy.

Đơn cử, tại huyện Tiên Lãng – Hải Phòng, đã thành lập Tổ tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Trước mỗi đợt tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại cơ sở, Tổ công tác đều cử cán bộ xuống tận địa bàn dân cư để khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Cách làm này khiến bà con cảm thấy tự tin, dễ dàng cởi mở hơn. Từ đó chính quyền cơ sở cũng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân – một điều mà nếu như chỉ bằng hình thức tuyên truyền qua hội nghị, thì chính quyền sẽ không bao giờ biết được người dân mong đợi gì. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lựa chọn các điểm có đông tín đồ tôn giáo để phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại trực tiếp, tỉnh Hà Giang tuyên truyền pháp luật qua các chợ phiên, tỉnh Lào Cai lại dàn dựng các tiểu phẩm, tiết mục thâu vào băng cát sét phát trên hệ thống phát thanh cơ sở…

Xuân Hoa

Đến cuối tháng 2-2009, trên toàn quốc đã thành lập được 7.531 “Nhóm nòng cốt”. Hoạt động của “Nhóm nòng cốt” đa số phát huy hiệu quả giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở được hoạt động tốt hơn, bớt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bớt vi phạm pháp luật…

1900.0191