Trích cứu hồ sơ vụ án hình sự, là thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên, mục đích nhằm trích ra, viện dẫn những tài liệu, chứng cứ được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Việc trích ghi này có tác dụng làm cho Kiểm sát viên nắm chắc các tình tiết thuộc nội dung vụ án, đồng thời làm gọn hồ sơ, thuận lợi cho Kiểm sát viên trong khai thác, tra cứu, sử dụng trong quá trình thực hành quyền công tố.
Theo quy định về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3, ngày 5/12/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) tại điểm 3.1 mục 3, điều 4 quy định: “Bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên: yêu cầu phải phản ánh được tính xác thực và hợp pháp của các tài liệu điều tra; hệ thống các tài liệu chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội cho bị can; trích ghi lời khai của các bị can và những người tham gia tố tụng”. Đây có thể được coi là “một dạng” của bản trích cứu trong nghiên cứu vụ án hình sự.
Mặc dù chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về phương pháp trích cứu và tính pháp lý của bản trích cứu trong các tài liệu tố tụng hình sự được thu thập khi xây dựng hồ sơ kiểm sát nhưng bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ là một trong những tài liệu phải có trong hồ sơ kiểm sát án hình sự, có thể coi việc trích cứu hồ sơ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là một quy định bắt buộc phải có trong quá trình hành quyền cồng tố hoạt động kiểm sát điều tra truy tố, xét sử sơ thẩm hình sự.
Quá trình trích cứu có thể:
1.Trích cứu trực tiếp: Là trích dẫn nguyên văn các tài liệu, chứng cứ của hồ sơ gốc vào bản cứu. Trích dẫn nguyên văn phải bảo đảm đúng chính xác từng câu, từng chữ được sử dụng trong bản gốc được trích dẫn. Đây là hình thức trích cứu thường được KSV áp dụng đối với những vụ án có không nhiều bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng. Tính chất vụ án đơn giản, quả tang, không quá phức tạp hoặc vụ án mà bị can chối tội, khai báo quanh co cần dùng chứng cứ gián tiếp.
2.Trích cứu gián tiếp: Là sử dụng ý tưởng, kết quả, hoặc ý của một vấn đề của tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để diễn tả lại theo cách viết của mình nhưng phải đảm bảo đúng nội dung của bản gốc của chứng cứ. Khi trích dẫn theo cách này cần cẩn trọng và chính xác để tránh diễn dịch sai, đảm bảo trung thực, chính xác với nội dung của chứng cứ gốc. Hình thức này có thể và thường được áp dụng với vụ án phức tạp, nhiều bị can bị cáo, thời gian tiến hành tố tụng kéo dài, số lượng tài liệu, chứng cứ với nhiều bút lục hoặc những tài liệu chứng cứ thu thập được có nội dung giống nhau hoặc việc thu thập chứng cứ do người tiến hành tố tụng diễn đạt với văn phong dàn trải, không tập trung, việc sử dụng câu từ cẩu thả không hợp với văn hóa pháp lý… Khi viện dẫn Kiểm sát viên chỉ nên nêu ý chính với nội dung tóm tắt theo bút lục trong hồ sơ chính và dùng tài liệu sao chụp để chứng minh để bảo vệ quan điểm của mình.
3. Theo trình tự thời gian: Tiếp nhận, phân tích và tổng hợp của bản cứu nhằm tìm ra tính thống nhất, phù hợp hoặc mâu thuẫn của chứng cứ thu thập được theo thời gian và đưa ra yêu cầu khắc phục, bổ sung nếu có.
4. Theo chứng cứ và trình tự tố tụng: Bản cứu sẽ được trích dẫn theo căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can (tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi, biên bản tiền tố tụng – quả tang, sự việc, kết luận định, kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của một số cơ quan có chức năng xử phạt vi phạm hành chính…); chứng cứ buộc tội (lời khai của bị can, bị cáo; Lời khai người bị hại, người chứng kiến, người liên quan: Biên bản đối chất; kết luận giám định; tài liệu về nhân thân của bị can bị cáo..); chứng cứ gỡ tội (Các tài liệu, chứng cứ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; yêu cầu đề nghị của người bị hại; biện pháp bồi thường khắc phục hậu quả; biên bản đầu thú, tự thú; các tài liệu về nhân thân của bị can, bị cáo và gia đình; xử lý vật chứng…).
Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn cho thấy: Việc trích cứu hồ sơ kiểm sát đối với các vụ án hình sự còn được các Kiểm sát viên trích cứu dưới nhiều dạng khác nhau, có những bản trích cứu còn sơ sài, phiến diện không đáp ứng được yêu cầu cũng như hiệu quả của việc trích cứu, đôi khi còn nặng về hình thức và mang tính đối phó đối với sự kiểm tra về hành chính; chất lượng bản cứu chưa cao, nội dung trích cứu chưa được khai thác triệt để trong hoạt động thực hành quyền công tố ở các giai đoạn điều tra, truy tố cũng như xét xử dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao.
Các bản trích cứu hiện nay thường được trích cứu theo các phương pháp và có bố cục như sau;
* Phương pháp trích cứu theo kiểu phân tích chứng cứ
Theo phương pháp này thường là sau khi nhận kết thúc điều tra vụ án hình sự từ cơ quan điều tra các Kiểm sát viên mới nghiên cứu trích cứu hồ sơ và trích cứu theo từng nhóm về tố tụng và chứng cứ
1.Phần tố tụng
– Các quyết định tố tụng
– Các quyết định thu giữ bảo quản và xử lý vật chứng
– Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Biên bản thu giữ dấu vết, tang vật chứng, Kết luận giám định…
2. Phần chứng cứ
– Nhóm lời khai của nhân chứng.
– Nhóm lời khai của người liên quan.
– Nhóm lời khai của người bị hại.
– Nhóm lời khai của bị can, bị cáo.
– Nhóm tài liệu tham khảo bao gồm: Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vụ án; báo cáo của cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương; dư luận của quần chúng nơi xảy ra vụ án…
* Phương pháp trích cứu theo trình tự tố tụng.
Phương pháp nghiên cứu này thường được các Kiểm sát viên tiến hành từ khi cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu phê chuẩn các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Bản cứu này thường được bố cục các phần sau:
1. Phần những người tham gia tố tụng
– Họ tên, địa chỉ những người tham gia tố tụng trong vụ án (bị can, người bị hại, người liên quan, người làm chứng)
2. Phần thủ tục tố tụng
– Các quyết định tố tụng;
– Các biên bản thu giữ vật chứng, xử lý vật chứng.
3. Phần chứng cứ
– Các biên bản ghi lời khai người tham gia tố tụng;
– Các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.
( Các tài liệu trên đều được trích cứu theo trình tự thời gian và xắp xếp theo đúng với các Quy định về xây dựng hồ sơ kiểm sát án hình sự (ban hành theo Quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3, ngày 5/12/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Việc trích cứu theo các phương pháp trên đều có những ưu điểm, nhược điểm:
Đối với phương pháp trích cứu theo kiểu phân tích chứng cứ: Bản trích cứu thường được trích cứu theo nhóm chứng cứ, nghiên cứu đến đâu trích cứu vào hồ sơ kiểm sát đến đó. Dạng trích cứu này Kiểm sát viên chủ động và làm chủ được các tài liệu trích cứu. Nội dung bản cứu thường ngắn gọn dễ hiểu. Phần tố tụng là để kiểm tra xem thủ tục tố tụng cái gì có, cái gì chưa có và tính hợp pháp của các văn bản đó. Tìm ra những tồn tại thiếu sót để yêu cầu cơ quan Điều tra bổ sung. Về phần chứng cứ: Thường được trích cứu theo hướng các chứng cứ chứng minh tội phạm. các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (về nhân thân) và một số các tài liệu khác về bồi thường dân sự và sử lý vật chứng. Bản trích cứu này có thể được gọi là “bản cứu tĩnh” hạn chế tính sáng tạo và không có giá trị trong giai đoạn thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra vụ án mà chỉ phục vụ cho công tác thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự. Vì nội dung bản cứu được xây dựng trích cứu trên nền của hồ sơ vụ đã kết thúc điều tra.
Đối với phương pháp trích cứu theo trình tự tố tụng:Trích cứu theo phương pháp này Kiểm sát viên trong quá trình xây dựng bản cứu phải thương xuyên phối hợp với Cơ quan điều tra trong quá trình cập nhật thông tin về vụ án để có dữ liệu đưa vào bản trích cứu. Thường bản trích cứu được xây dựng song hành cùng với việc cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng đối với vụ án (như phê chuẩn các quyết định bắt khẩn cấp, khởi tố bị can, bắt tạm giam.v.v). Việc tiếp cận hồ sơ và trích cứu ngay từ đầu có ưu điểm qua công tác trích cứu Kiểm sát viên định hướng và có dữ liệu một cách chuẩn xác trong thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra như qua việc trích cứu phát hiện những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (phát hiện ra lời khai có mâu thuẫn, tang vật vụ án không phù hợp với dấu vết tội phạm để lại ở hiện trường…) làm cơ sở để đề ra yêu cầu điều tra.
Đây là một dạng “bản cứu động” có giá trị trong suốt quá trình thực hành quyền công tố trong các giai đoạn từ hoạt động điều tra, truy tố đến giai đoạn xét xử và đáp ứng được yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.
Đối với góc nhìn Kiểm sát viên, từ nội dung đã trích cứu trong biên bản hỏi cung ban đầu Kiểm sát viên sẽ nhận thấy nội dung đó cung cấp cho Kiểm sát viên những thông tin chưa rõ ràng, cần phải có một biên bản hỏi cung bị can khác thể hiện rõ ràng hơn, chi tiết hơn về những thông tin mà biên bản hỏi cung trên đã thể hiện nhằm giúp cho người đọc hiểu được một cách rõ ràng hơn về những nội dung đã đề cập.
Bản cứu không đơn thuần là việc “chép lại” những gì Điều tra viên đã ghi chép, thu thập nữa mà bản cứu đã thực sự trở thành một “tác phẩm” sáng tạo của Kiểm sát viên. Nội dung trích cứu sẽ được quan tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi vì việc trích cứu luôn gợi, mở cho Kiểm sát viên những gợi ý , những vấn đề, nội dung cần phải làm tiếp trong quá trình điều tra.
Và đây là cơ sở để Kiểm sát viên xây dựng nội dung bản Yêu cầu điều tra một cách chuẩn xác, không làm lệch hướng nội dung vụ án.
Việc trích cứu hồ sơ vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án:
– Đối với công tác thực hành quyền công tố trong hoạt động kiểm sát điều tra: Việc trích cứu hồ sơ kiểm sát giúp cho các kiểm sát viên thông qua công tác trích cứu phân tích, đánh giá được các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thông qua các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can…Quan đó cũng phát hiện các mâu thuẫn cần phải giải quyết trong quá trình điều tra làm rõ các tình tiết của vụ án. Đề ra yêu cầu điều tra.
– Đối với công tác thực hành quyền công tố trong hoạt động truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: khi Kiểm sát viên chuẩn bị tốt nội dung bản trích cứu thường có tâm lý tự tin và làm chủ được trong mọi tình huống diễn biến tại phiên tòa.
Khi gặp phải tình huống tại phiên tòa diễn biến của cuộc thẩm vấn tại phiên toà khác với hồ sơ vụ án , hoặc khi Luật sư viện dẫn những mâu thuẫn về tài liệu có trong hồ sơ thì Kiểm sát viên sẽ nhận biết ngay các tài liệu đó ở bút lục nào, lời khai của ai, tinh thần cơ bản của tài liệu đó.v.v, từ đó viện dẫn tài liệu để tranh luận và bảo vệ cáo trạng đã truy tố, chứng minh hành vi phạm tội, làm cơ sở đấu tranh với bị cáo khai báo quanh co tại phiên tòa./.
Dương Minh Hồng – VKSND thành phố Lạng Sơn
(vienkiemsatlangson.gov.vn)