Kết quả thực hiện Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Nghệ An – Vướng mắc và giải pháp
1. Những kết quả đạt được
Triển khai thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2015/QĐ-BTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 5791/UBND-TH ngày 13/08/2014 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở: Y tế, Nội vụ, Tài chính, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai các nội dung theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã tích cực chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 7042/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 04/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Xác định đây là mô hình triển khai “3 trong 1” khi giải quyết đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em; đảm bảo tiêu chí: Nhanh, gọn, hiệu quả, tiết kiệm, đem tới sự hài lòng cho người dân – những người được hưởng lợi ích trực tiếp từ mô hình này. Nếu như trước đây người dân phải đến 03 cơ quan khác nhau để giải quyết từng thủ tục (Ủy ban nhân dân đăng ký khai sinh, Công an đăng ký thường trú, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế). Do đó tạo ra sự lãng phí về thời gian, tốn kém về kinh phí cho cả người dân và cơ quan nhà nước vì mỗi cơ quan phải làm một bộ hồ sơ, khai đi khai lại nhiều thông tin cá nhân trùng lặp. Khi thực hiện liên thông 3 thủ tục, người dân chỉ cần đến một nơi (bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) nộp hồ sơ và nhận 3 kết quả (3 loại giấy tờ cá nhân đầu tiên của mỗi trẻ em: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu có ghi tên trẻ và thẻ bảo hiểm y tế) cùng tại nơi này. Chính từ việc triển khai mô hình liên thông này đã tạo ra sự gắn kết giữa các cơ quan có liên quan khi giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của người dân thay vì trước đây các thủ tục này được thực hiện riêng lẻ, khép kín trong từng ngành. Vì vậy, để Đề án sớm đi vào cuộc sống có hiệu quả, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Tư pháp đã có công văn đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương mình. Ngày 21/5/2015, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện các nội dung của Đề án cho đại diện Lãnh đạo UBND, Công an, Bảo hiểm xã hội, Y tế, Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự đồng thuận trong công tác phối hợp giữa các ngành có liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính như: Tư pháp, Công an, bảo hiểm y tế và UBND cấp huyện, cấp xã trong việc triển khai thực hiện Đề án. Đến nay, UBND các huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ở địa phương mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế ở cấp xã đã được kiện toàn vế số lượng, thường xuyên được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ nên việc giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
2. Những khó khăn, hạn chế
Về thể chế: Hiện nay, Bộ Tư pháp đang khẩn trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên việc chậm ban hành Thông tư liên tịch cũng là một khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện Đề án.
Về các điều kiện thực hiện Đề án: Để đảm bảo thực hiện Đề án, tạo điều kiện cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục theo tinh thần cải cách hành chính thì phải đảm bảo các điều kiện về cán bộ và cơ sở vật chất. Hiện nay, đa số các xã, phường, thị trấn đã thành lập được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, tuy nhiên cơ sở vật chất cũng như chất lượng hoạt động ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Mặt khác, để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính cần phải bố trí 01 cán bộ trung gian làm đầu mối để chuyển các thủ tục tới các bộ phận xử lý thủ tục. Đây cũng là vấn đề khó khăn đặt ra nếu không được bổ sung biên chế cho văn phòng UBND cấp xã.
3. Một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án này tại Nghệ An, trong thời gian tớiSở Tư pháp sẽ có những giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Đề án và tham mưu kế hoạch tổng kết đánh giá những kết quả đạt được sau 01 năm triển khai thực hiện Đề án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thứ hai: Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, sắp tới Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể ở một số địa phương để đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Đề án cũng như tổng hợp những khó khăn, vướng mắc ở cơ cở kịp thời kiến nghị với các cấp, các ngành có liên quan và tìm giải pháp khắc phục.
Thứ ba: Sau khi Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi giữa Bộ Tư pháp – Bộ Công an và Bộ Y tế được ban hành, Sở Tư pháp sẽ tham mưu phối hợp với cơ quan Công an và Bảo hiểm xã hội ký Kế hoạch liên ngành để thực hiện thống nhất quy chế phối hợp trong việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính theo Quyết định số 7042/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh.
Thứ tư: Đối với các ngành có liên quan trên cơ sở nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trong phạm vi do ngành mình quản lý; chỉ đạo Công an cấp huyện, phòng Y tế, Bảo hiểm xã hội cấp huyện phối hợp với phòng Tư pháp trong việc tổ chức triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính
Đối với UBND cấp huyện: Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội, Y tế cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quá trình thực hiện. Quan tâm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện liên thông các thủ tục hành chính
Đối với UBND cấp xã: Tích cực triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương và quan tâm bố trí người có đủ năng lực, trình độ thực hiện việc liên thông các thủ tục hành chính; Quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thứ năm: Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, trên cơ sở Thông tư, Sở Tư pháp sẽ tham mưu Kế hoạch liên ngành để thực hiện thống nhất quy chế phối hợp trong việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Quế Anh
Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An
Tham khảo thêm:
- Luật Tiếp công dân năm 2013 – Cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đổi mới công tác tiếp công dân và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
- Hoàn thiện các quy định về bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự Việt Nam
- Hoàn thiện các quy định của Bộ Luật hình sự liên quan đến tội phạm và trách nhiệm hình sự
- Từ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường – Những điều cần suy ngẫm!
- Mối liên hệ giữa chính sách pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật
- Cần một góc nhìn mới về hiện đại hóa nền hành chính ở Việt Nam
- Vai trò của gia đình trong nhận thức và thực hiện bình đẳng giới
- Tội phạm về tiền giả và một số kiến nghị trong công tác phòng, chống tội phạm
- Quyền con người trong tố tụng dân sự Việt Nam