Quyền trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Quyền trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

18/09/2015

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014 đã bao quát tương đối toàn diện và kịp thời điều chỉnh các quan hệ thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Luật này có nhiều điểm mới so với những quy định trước đây về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền trẻ em. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã dành nhiều điều khoản quy định trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em với tư cách là chủ thể đặc biệt trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Ngay trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, Luật đã nhấn mạnh về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhằm hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Luật quy định “xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình…”[1].

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đặc biệt lưu ý bảo vệ quyền của trẻ em trong những vụ việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật và trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn, theo đó, Luật quy định cụ thể việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các Điều 81, 82, 83 và 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[2].

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã ghi nhận quyền được bày tỏ ý kiến của trẻ em mong muốn được sống chung với cha hoặc mẹ trong trường hợp cha mẹ ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Pháp luật trước đây quy định việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn nếu vợ, chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con. Như vậy, việc bày tỏ ý chí của trẻ em không mang tính quyết định trong việc giao con cho ai nuôi khi cha, mẹ ly hôn hay thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi cha, mẹ ly hôn mà việc xem xét quyền lợi mọi mặt của con mới là yếu tố quyết định. Do vậy, Luật đã quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trường hợp cha mẹ ly hôn phù hợp hơn với thực tế đời sống gia đình Việt Nam, đồng bộ với pháp luật có liên quan. Luật đã hạ độ tuổi trẻ em từ chín tuổi xuống còn bảy tuổi được bày tỏ ý chí của mình trong một số quan hệ hôn nhân và gia đình mà không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, đồng thời quy định như vậy là bảo đảm sự hài hòa giữa Luật Hôn nhân và gia đình với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”; “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ bảy tuổi trở lên”[3].

Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là quy định về chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Luật đã quy định khá chặt chẽ về các điều kiện pháp lý để công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quy định cụ thể nội dung thỏa thuận về mang thai hộ; về quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ; quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ; về giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ; thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con; người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con. Việc quy định chặt chẽ như vậy nhằm bảo đảm quyền được sống chung với cha mẹ của trẻ em; quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như các quyền và lợi ích khác của trẻ em được sinh ra nhờ biện pháp mang thai hộ. Đồng thời, việc quy định chặt chẽ về chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em được sinh ra từ việc mang thai hộ sẽ bị bỏ rơi, bị mua bán và bị ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có một số điểm mới khác như đã bổ sung kịp thời quy định về việc xác định cha, mẹ cho con. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày, kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định[4]. Bên cạnh đó, Luật cũng có một số thay đổi, quy định chặt chẽ hơn khi sử dụng ngôn ngữ pháp lý trong kỹ thuật lập pháp, như quy định về nguyên tắc giao con cho mẹ trực tiếp nuôi, đổi từ “con dưới ba tuổi” thành “con dưới 36 tháng tuổi”,…

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được ban hành đã thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về “xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật đã đáp ứng được tương đối toàn diện những yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Lã Văn Bằng

Tài liệu tham khảo:

[1] Xem khoản 3, khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[2] Xem Điều 12 và Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[3] Xem khoản 2 Điều 81 và khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[4]Xem Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Tham khảo thêm:

1900.0191