Cá nhân có được uỷ quyền khởi kiện?

Bà Nguyễn Thị H có đứng tên sở hữu căn nhà gắn liền với thửa đất ở quê nhưng bà H bận làm ăn xa nên đã giao toàn bộ căn nhà và thửa đất lại cho em trai của bà là ông Nguyễn Văn B quản lý sử dụng. Đến đầu năm 2013, ông B phát hiện ông Đặng Ngọc Ng, có hành vi lấn chiếm trái phép qua phần đất của bà H nên đã báo cho bà H biết sự việc. Sau khi biết sự việc nhưng do bận công việc làm ăn ở nước ngoài, bà H đã gọi em trai của mình lên thành phố Hồ Chí Minh để ký hợp đồng uỷ quyền cho ông B khởi kiện giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất(đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm)đối với ông Ng.



Thực hiện việc uỷ quyền, ông B đã nộp đơn kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND xã hoà giải nhưng không thành. Tiếp đó, ông B đã làm đơn khởi kiện và các cung cấp các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện nộp tại Toà án. Trong đơn khởi kiện thể hiệnrõ họ và tên người khởi kiện là bà Nguyễn Thị H và đại diện uỷ quyền theo hợp đồng uỷ quyền đã được công chứng là ông Nguyễn Văn B và ông B đã ký vào cuối đơn khởi kiện. Tuy nhiên, sau khi xem xét đơn khởi kiện, Toà án đã không nhận đơn khởi kiện vì cho rằng: Cá nhân không được quyền uỷ quyền khởi kiện mà chỉ được quyền uỷ quyền tham gia tố tụng trong trường hợp này, nghĩa là họ và tên người khởi kiện phải là bà Nguyễn Thị H và bà H phải ký tên vào đơn khởi kiện. Lập luận cho nhận định của mình, Toà án đã dẫn chứng khoản 3 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định“Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ;…”, ông B ký tên trong đơn khởi kiện là sai quy định và trái với Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự nên Toà án không thể nhận đơn khởi kiện được. Do đó, ông B đành phải chỉnh sửa lại đơn khởi kiện để bà H ký tên và sau đó uỷ quyền cho ông tham gia tố tụng theo đúng hướng dẫn của Toà án. Vậy, việc làm của Toà án trong trường hợp này có đúng luật không?

Theo quan điểm của cá nhân tác giả thì việc làm của Toà án trong trường hợp nêu trên là máy móc, chưa đúng quy định pháp luật, bởi lẽ:

Tại khoản 3 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng có qui định:“….người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn;…”. Tại khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao có hướng dẫn:



Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.”

Theo đó, tư cách người khởi kiện vẫn là cơ quan, tổ chức nhưng khi ký tên thì người đuợc uỷ quyền được quyền ký tên và đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân mặc dù luật qui định rõ:người đại diện của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu vào cuối đơn. Nghĩa là nếu là pháp nhân khởi kiện thì họ có quyền uỷ quyền cho người khác khởi kiện, ký tên vào đơn khởi kiện. Do vậy, khi áp dụng pháp luật, Toà án cần phải áp dụng tương tự pháp luật: Pháp nhân và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật nên pháp nhân được quyền uỷ quyền khởi kiện thì cá nhân cũng phải có quyền này.

Mặt khác, Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) đã có định nghĩa:“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việcnhân danhbên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.Khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2005 quy định:“Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện”. Người được ủy quyền là người đại diện cho người ủy quyền theo thỏa thuận giữa các bên và họ thực hiện công việc uỷ quyền nhân danh cho người đã uỷ quyền. Nghĩa là, người được uỷ quyền sẽ“nhập vai”như chính người uỷ quyền, họ thực hiện tất cả các nhiệm vụ được uỷ quyền thì việc họ ký tên thay người uỷ quyền là điều bình thường và hoàn toàn phù hợp với qui định của pháp luật.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quý bạn đọc trao đổi, góp ý./.

Huỳnh Minh Khánh

Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Tham khảo thêm:

1900.0191