Thực trạng tai nạn giao thông trong quân đội và những giải pháp


Theo số liệu thống kê từ năm 2006 đến năm 2010, trong toàn quân xảy ra hơn 2.300 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Số người vi phạm Luật giao thông đường bộ là hơn 2.100 người (gồm người trong và ngoài Quân đội). Hậu quả: Chết hơn 1.400 người; bị thương hơn 2.100 người (gồm người trong và ngoài Quân đội); làm hư hỏng hàng trăm xe ôtô, hàng nghìn xe môtô, xe gắn máy. Thời gian xảy ra các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến quân nhân chủ yếu vào ngày nghỉ, giờ nghỉ (chiếm 75%).

Là một cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong Quân đội, qua nhiều năm thống kê, nghiên cứu, tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết các vụ án về an toàn giao thông đường bộ, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng tập trung vào một số nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan chính sau:

Về nguyên nhân khách quan:

Một là, hệ thống giao thông đường bộ tuy đã được đầu tư, quy hoạch phát triển nhưng đến nay vẫn còn bất cập, bị quá tải so với nhu cầu, nhiều cung đường xuống cấp nhanh, thiết bị cảnh báo giao thông hư hỏng.

 

Hai là, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, họp chợ dẫn đến cản trở giao thông, ách tắc giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn.

Ba là, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh đột biến về số lượng và chủng loại, đặc biệt là xe ôtô cá nhân. Còn nhiều phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo yếu tố kỹ thuật…

 

Bốn là, các loại xe vận chuyển hành khách chưa được kiểm soát chặt chẽ, chở người vượt quá quy định; phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách.

 

Năm là, trong Quân đội, do yêu cầu công tác và sinh hoạt nên số cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng sử dụng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng so với trước đây.

 

Về nguyên nhân chủ quan:

 

Thứ nhất, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông của một số cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng kém, thường biểu hiện các hành vi như phóng nhanh, vượt ẩu; đi trái phần đường, luồng đường; điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, không chú ý quan sát mặt đường…

 

Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở một số đơn vị chưa được chú trọng, nội dung giáo dục chưa sâu, hình thức giáo dục, tuyên truyền chưa phong phú, thậm chí có đơn vị chỉ làm mang tính phong trào, đối phó với sự kiểm tra của cấp trên. Công tác quản lý cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng chưa chặt chẽ, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong việc bảo đảm an toàn giao thông.

 

Thứ ba, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin; giải quyết, xử lý các vụ tai nạn giao thông của một số cơ quan thi hành pháp luật chưa nghiêm túc và kiên quyết, thiếu tính răn đe, giáo dục.

Đối với chỉ huy ở một số đơn vị, còn quan niệm tai nạn giao thông là sự không may, đánh đồng với tai nạn rủi ro nên những vụ vi phạm an toàn giao thông hậu quả ít nghiêm trọng thường bỏ qua, không có hình thức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm. Một số đơn vị vì sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị nên khi có vụ việc tai nạn giao thông xảy ra thì tìm cách tự giải quyết không báo cáo hoặc giải quyết không được mới báo cáo lên cấp trên và cơ quan chức năng. Chính việc làm này đã làm mất đi tính kịp thời của việc tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý sau này.

 

Để bảo đảm an toàn giao thông trong Quân đội, thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, chúng tôi xin kiến nghị cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau đây trong các đơn vị Quân đội:

Nhóm giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ:

– Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, coi đây là một nội dung quan trọng về công tác tư tưởng của đơn vị.

– Thường xuyên tổ chức cho bộ đội học tập Luật Giao thông đường bộ và các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng về bảo đảm an toàn giao thông.

– Từng giai đoạn, mỗi đơn vị cần tổ chức rút kinh nghiệm về những ưu điểm, khuyết điểm, có hình thức khen thưởng, khuyến khích những người có thành tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trong chấp hành và bảo đảm an toàn giao thông.

Nhóm giải pháp về quản lý đường bộ:

– Tăng cường sự quản lý của Lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đơn vị, xác định trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo đảm an toàn giao thông. Đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông vào tiêu chí phấn đấu thi đua và xét đề bạt, thăng quân hàm, nâng lương hàng năm, đặc biệt là đối với những đơn vị thực hiện nhiệm vụ vận tải và đội ngũ lái xe chuyên nghiệp.

– Mỗi đơn vị cần có quy định, quy chế và cam kết của cá nhân về những nội dung phấn đấu bảo đảm an toàn giao thông.

Nhóm giải pháp về bảo đảm phương tiện tham gia giao thông, cơ sở vật chất huấn luyện:

– Các phương tiện tham gia giao thông phải được kiểm định, kiểm tra thường xuyên bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt.

– Các đơn vị làm tốt công tác sát hạch, cấp bằng lái xe quân sự; kiểm tra xe quân sự; kiên quyết không để xe không đủ điều kiện an toàn được lưu hành.

– Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp. Thường xuyên tổ chức học tập, phổ biến những sáng kiến hay và kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đơn vị cũng như trên địa bàn đóng quân.

Nhóm giải pháp về xử lý các vụ việc tai nạn giao thông:

– Chỉ huy các đơn vị khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đơn vị mình, gây thiệt hại về người và phương tiện giao thông thì phải báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để giải quyết kịp thời, không được che giấu, gây khó khăn cho quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc và làm sai lệch kết quả thống kê các vụ tai nạn giao thông.

– Đối với các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong Quân đội phải thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, xử lý tin báo về vi phạm an toàn giao thông đường bộ; phải tiến hành điều tra, xác minh, kết luận chính xác; kiên quyết, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông gây hậu quả nghiêm trọng theo đúng pháp luật, đặc biệt là các vụ gây chết người hoặc gây thương tích nặng.

 

 
 

Tham khảo thêm:

1900.0191